Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã được các họa sĩ truyền tải vô cùng duyên dáng với nhiều sắc thái khác nhau.

Thiếu nữ bên Hoa huệ

Thiếu nữ bên Hoa huệ là một tác phẩm tranh sơn dầu do họa sĩ Tô Ngọc Vân sáng tác năm 1943, khi ông đang giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Họa sĩ Tô Ngọc Vân (1908 - 1954), đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông cũng là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam.Thiếu nữ bên Hoa huệ mô tả chân dung một thiếu nữ mặc áo dài trắng nghiêng đầu dịu dàng bên lọ hoa huệ trắng. Tác phẩm này được coi là bức tranh tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân và cũng là một trong những đại diện tiêu biểu nhất cho mĩ thuật Việt Nam đầu thế kỷ 20. Hình dáng cô gái cùng những chi tiết và màu sắc xung quanh tạo thành một hình khối giản dị, toát lên một nét buồn vương vấn, nhẹ nhàng. Điều đặc biệt trong bức tranh là mặc dù có tên là Thiếu nữ bên Hoa huệ, nhưng bông hoa trong tranh lại là hoa loa kèn. Tuy nhiên ít người biết rằng hoa loa kèn còn có tên là hoa huệ tây, chứ không phải loại hoa huệ nhỏ dân ta hay sử dụng. Loài hoa này đối với các tín đồ Cơ đốc giáo là biểu tượng của sự trinh trắng, đức hạnh.
*
Bức tranh Thiếu nữ bên Hoa huệ.
Số phận của bức tranh này đã trải qua muôn vàn gian truân. Sau khi quân đội Pháp quay lại chiếm Hà Nội, Thiếu nữ bên Hoa huệ được bán cho nhà sưu tập tranh nổi tiếng Đức Minh. Sau khi ông Đức Minh qua đời, tác phẩm này được các con của ông bán cho một người sưu tầm tên là Hà Thúc Cần với giá 15.000 USD. Theo lời con trai của họa sĩ Tô Ngọc Vân thì sau khi mua được Thiếu nữ bên Hoa huệ, ông Cần đã bán lại tác phẩm nổi tiếng ra nước ngoài, bấp chấp quy định cấm của Việt Nam. Một phiên bản chép lại của bức tranh từng được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhưng từ sau năm 1990 phiên bản này đã được gỡ bỏ.

Em Thúy

Em Thúy là một bức tranh sơn dầu do họa sĩ Trần Văn Cẩn sáng tác năm 1943. Họa sĩ Trần Văn Cẩn là một trong những đại diện hàng đầu của Hội họa Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ông tốt nghiệp thủ khoa Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1937.Em Thúy là bức tranh mà họa sĩ Trần Văn Cẩn dành tặng cháu gái ông, bà Minh Thúy sinh năm 1935. Tác phẩm là bức chân dung bé gái 8 tuổi ngồi trên ghế mây, hai tay đặt trên đùi và mặc váy trắng đơn giản. Nét ngây thơ qua đôi mắt to tròn, trong sáng của cháu gái đã được họa sĩ khắc họa thành công. Tính đến nay đã gần một thế kỷ, nhưng Em Thúy vẫn được đánh giá là một trong những tác phẩm lớn nhất của Việt Nam. Năm 2013, Em Thúy chính thức được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam.
*
Bức tranh Em Thúy của họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Cũng giống như Thiếu nữ bên Hoa huệ, Em Thúy cũng lưu lạc trong chiến tranh. Sau khi quân Pháp quay lại chiếm Hà Nội, gia đình bà Minh Thúy đi tản cư mà không mang theo bức tranh. Tới khi họ quay về thì bức tranh đã bị lấy trộm và gia đình phải bỏ tiền ra chuộc lại từ một người buôn tranh. Ông này trước đó tìm thấy Em Thúy tại nhà một người thợ cạo. Cuối cùng Em Thúy được họa sĩ Trần Văn Cẩn tặng lại cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Hai thiếu nữ và em bé

Là một trong những bức tranh đẹp nhất của họa sĩ Tô Ngọc Vân, Hai thiếu nữ và em bé đã chính thức trở thành Bảo vật quốc gia trong đợt công nhận lần 2 vừa qua của Thủ tướng Chính Phủ.Hai thiếu nữ và em bé là tác phẩm được danh họa sáng tác năm 1944. Bức tranh miêu tả hình dáng hai chị em ngồi tâm sự trong một ngôi nhà ấm cúng. Người chị với gương mặt độ tuổi trung niên mặc áo vàng, đôi tay e ấp đặt trên đùi, dưới chân là một đứa trẻ đang đùa nghịch. Bên cạnh đứa trẻ là người em mặc áo dài trắng, trẻ trung và xinh đẹp của độ tuổi trăng tròn. Cảnh gia đình xưa tạo cho người xem cảm giác ấm áp, gần gũi.
*

Đặc biệt trong bức tranh, sự sắp xép khéo léo những gam màu sáng của họa sĩ Tô Ngọc Vân đã tạo nên nhịp điệu cho bức tranh. Bức màn với những bông hoa phù dung tinh khiết tạo nên sự hài hòa hiếm có. Tổng thể, bức tranh có một nét quyến rũ kỳ lạ, khiến khán giả phải công nhận không ai vẽ thiếu nữ đẹp như Tô Ngọc Vân.

Vườn xuân Trung Nam Bắc

Nhắc đến nghệ thuật sơn mài Việt Nam, không thể không nhắc đến Nguyễn Gia Trí - người được mệnh danh là "cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam". Tác phẩm Vườn Xuân Trung Nam Bắc được Nguyễn Gia Trí thực hiện trong vòng 20 năm, từ 1969 đến 1989.
*

Tác phẩm mô tả không khí ngày xuân và hình ảnh các thiếu nữ ba miền Trung, Nam, Bắc trong trang phục truyền thống, đi dự hội xuân, chùa chiền. Giai đoạn sáng tác bức tranh, đất nước đang chìm tranh khói lửa chiến tranh. Có thể nói, Vườn xuân Trung Nam Bắc là lời nguyện cầu độc lập, hạnh phúc quê hương của Nguyễn Gia Trí. Đồng thời, tác phẩm cũng là bức tranh có thời gian tâm huyết lâu nhất, ứng dụng nhiều đúc kết trong nghệ thuật nhất, có kích thước lớn nhất và là tác phẩm sáng tác cuối cùng của cuộc đời họa sĩ Nguyễn Gia Trí.Năm 1996, bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc đã được UBND Tp.HCM mua lại với mức giá 600 triệu đồng, tương đương khoảng 100.000 USD ở thời điểm đó. Ngay sau đó, một người đã ngỏ ý mua lại bức tranh với giá lên tới 1 triệu USD. Hiện giờ, bức tranh đang được trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật Tp.HCM.