Là bộ phim hướng đến tầng lớp lao động, "Hai Lúa" cũng vấp phải nhiều sạn nhưng chưa đến mức "thảm họa".

Bạn đang xem: Hai lúa đi sài gòn full hd

"Hai Lúa" là một trong bốn bộ phim chiếu Tết của năm 2014, bên cạnh "Cô dâu đại chiến", "Cưới chạy" và "Năm sau con lại về". Phim thuộc thể loại hài kiểu miền Tây, khai thác mối quan hệ, tình yêu quê hương của giới bình dân, lao động nghèo với bối cảnh nông thôn là chủ yếu.

Phim kể về chuyến phiêu lưu của anh nông dân nghèo Hai Lúa (Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nam). Rời bỏ làng quê mang theo nỗi đau bị vợ bỏ theo đại gia, Hai Lúa quyết tâm làm một cuộc đổi đời. Gã nông điền lưu lạc từ Tây Ninh rồi sang đến tận xứ Campuchia, làm đủ mọi nghề, từ lơ xe, chạy bàn đến buôn bán. Cùng với hai người mà anh gặp dọc đường là Ba Trơn (Trấn Thành) và Tư (Tấn Beo), họ chăm chỉ tìm kế sinh nhai ở nơi đất khách với sự giúp đỡ của một cô gái Campuchia xinh đẹp tên là Channa (Hoa hậu Diễm Hương).

Trào lưu lấy chồng ngoại quốc của các thôn nữ miền sông nước, tệ nạn buôn lậu, dụ dỗ thiếu niên sang Campuchia đánh bài đều được lồng ghép trong phim. Bên cạnh đó, tình đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam - Campuchia, nghĩa tình của những người đồng hương nơi đất khách quê hương cũng làm những thước phim trở nên chân thật, cảm động. Trải qua bao thăng trầm, ba gã trai "tứ cố vô thân" đã tìm được hạnh phúc riêng. Họ gửi gắm một thông điệp đơn giản, dù có ăn nên làm ra nơi đất khách, người Việt vẫn không từ bỏ được nơi chôn rau cắt rốn của mình.



Poster phim "Hai Lúa" bị dân trong nghề đánh giá cũng rất "lúa".

Với gần phân nửa bối cảnh được quay ở Campuchia, nhà sản xuất kỳ vọng sẽ mang lại sự mới mẻ cho những khung hình. Thực tế, dù không có được góc quay đẹp hay kỹ xảo điện ảnh, âm thanh, ánh sáng quá hoành tráng, nhưng bù lại, bộ phim ghi điểm bằng những chi tiết khắc họa phong tục, văn hóa xứ sở Chùa Tháp và Việt Nam. Ê-kip cũng giới thiệu khán giả Việt nền văn hóa nước bạn qua việc đầu tư trang phục truyền thống, tái hiện những lễ hội, những vũ điệu, âm thanh đặc sắc cho đến sự linh thiêng của ngôi đền Angkor hay cung điện hoàng gia. Ngoài ra, phim cũng có vài điểm nhấn khá đắt như những nốt dân ca trong trẻo, mùi mẫn của Phương Mỹ Chi dẫn dắt những bước chân Hai Lúa trong suốt chuyến hành trình.

Tuy vậy, bộ phim vẫn để lộ nhiều sự vụng về, lỏng lẻo trong khâu kịch bản. Nhìn chung, nó giống phiên bản cắt ngắn từ các bộ phim truyền hình nhiều tập. Thuộc mô tuýp phim hành trình nhưng những nút thắt, cao trào của "Hai Lúa" thiếu logic và không liền mạch. Những lý do khiến Hai Lúa và Ba Trơn bị cuốn vào nghề lơ xe, buôn lậu rồi trôi dạt vào đất Campuchia đều khiên cưỡng, nếu không muốn nói là vô lý. Chi tiết chuyển cảnh khá nhiều, nhưng những chi tiết thật sự đắt thì lại khan hiếm. Mọi thứ chỉ dừng lại ở mức chung chung, nhạt nhạt rồi nhanh chóng bị chìm bởi cảnh quay kế.

Xem thêm: Tai Nạn Giao Thông Ở Diễn Châu Nghệ An Dien Chau, Danh Tính Nạn Nhân Vụ Tngt Tại Nghệ An

Tình huống cao trào của phim đơn giản chỉ là những màn rượt đuổi với lực lượng biên phòng hay Ba Trơn quay về với con đường cờ bạc. Phần kết khá dài dòng, khiến nhiều khán giả sốt ruột khi nhà sản xuất quyết tâm "giúp" nhân vật Hai Lúa có một kết thúc trọn vẹn bằng cách tạo cho anh một gia đình mới.



Phim có nhiều cảnh quay sinh động, giới thiệu những nét văn hóa đẹp của Campuchia. Nhưng vì cách lồng ghép chưa được khéo léo, khán giả có cảm giác đang xem một bộ phim tài liệu du lịch được tái hiện theo kiểu Việt.

Qua nét diễn tự nhiên của nghệ sĩ Thành Nam, chất "miệt vườn" của người nông dân miền Tây hiện lên sinh động trên màn ảnh rộng. Đây không phải là lần đầu tiên Thành Nam bén duyên với cái tên "Hai Lúa". Dịp Tết 2009, anh cũng đóng một vai có nội dung và tính cách tương tự trong phim "Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa", nhưng là thể loại phim truyền hình. Vì vậy, Thành Nam vào vai khá ngọt. Những phân cảnh anh chạy trốn tình cảm của bà chủ quán bánh canh (Thúy Nga) mang lại nhiều tiếng cười. Trong khi đó, nhiều đoạn Hai Lúa "chửi đổng" Ba Trơn tuy hợp kiểu miệt vườn vẫn khiến nhiều khán giả cảm thấy đôi phần khó nghe.

Sự tung hứng của Thành Nam và Trấn Thành kết hợp cùng những tuyến nhân vật phụ như gã trùm buôn lậu tưng tửng, vợ cũ và vợ mới của Hai Lúa... mang đến những tiếng cười giải trí nhẹ nhàng. Nhưng đôi lúc tiếng cười ấy lại xuất phát từ sự ngô nghê trong diễn xuất, điển hình là những câu thoại mang tiếng "trả bài" của nàng Channa - Diễm Hương khi giới thiệu các địa điểm du lịch Campuchia. Lần đầu đóng phim, diễn xuất và lời thoại của Hoa hậu Diễm Hương cũng còn khá cứng và đơ. Vẻ xinh đẹp của cô được ví như "bình hoa di động" cho những khung hình thêm đẹp. 



Sự xuất hiện khá khiên cưỡng của nhân vật do Phương Mỹ Chi thủ vai khiến nhiều khán giả cảm thấy khó hiểu.

"Hiện tượng" Phương Mỹ Chi cũng có vai diễn đầu tay trong đời mình. Dù được quảng cáo rầm rộ trước khi ra rạp, tất cả lời thoại của cô bé chỉ gói gọn trong ba bài dân ca ở cuối phim. Khán giả có cảm giác Mỹ Chi được đạo diễn cố "nhét" vào để lôi kéo khán giả. Trấn Thành, Thúy Nga vẫn giữ được chất hài tưng tửng, diễn như không diễn, họ cũng là những nhân tố để bảo đảm tính ăn khách của phim này.

Phim đi theo phong cách hài bình dân, với tiêu chí quay nhanh, kinh phí thấp, đánh vào dàn diễn viên hot. Mô tuýp làm phim nhẹ nhàng, an toàn này có vẻ đang là xu hướng chung của những bộ phim Tết, điển hình như "Nhà có năm nàng tiên" năm ngoái. Vì vậy, khán giả sau khi rời khỏi rạp thường chia thành hai luồng ý kiến. Những khán giả vốn đã quen với sự chỉnh chu, logic và kỹ thuật cao của phim nước ngoài sẽ khó lòng "nuốt" nổi kịch bản này. Tuy nhiên, với những ai đi xem phim với tâm lý giải trí thoải mái ngày Tết, "Hai Lúa" sẽ là một lựa chọn không tệ.