"Khúc Thụy Du" do nhạc sĩ Anh Bằng phổ từ thơ Du Tử Lê, không còn vẻ bi thương như tác phẩm gốc mà toát lên vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa. 

Nhà thơ Du Tử Lê qua đời ngày 7/10 tại Mỹ. Sinh thời, ông có hơn 300 tác phẩm thơ được phổ nhạc. Trong số đó, Khúc Thụy Du là bài nổi tiếng nhất. Bài thơ ra đời năm 1968, khi ông 26 tuổi, sống ở TP HCM. Bản gốc Khúc Thụy Du dài hơn 100 câu, khi in trên tạp chí bị cắt hai phần ba, tác giả sau này cũng không còn nhớ được bài thơ gốc nên sử dụng văn bản đã lược đi để in sách.

Khi còn sống, nhà thơ chia sẻ bài thơ là kỷ niệm tình yêu giữa ông và một sinh viên ngành dược. Ông đã lấy tên đệm của cô gái - Thụy, cộng với chữ đầu trong bút danh của mình - Du - làm nhan đề. Cảm hứng buồn thương là sợi dây xuyên suốt tác phẩm: "Nó như một cộng nghiệp hay chung một tai họa, một tuyệt lộ", Du Tử Lê từng nói.

Nhà thơ Du Tử Lê. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

"Tuổi đời còn trẻ nhưng khi chứng kiến đất nước trong thời chiến tranh, loạn lạc, nhà thơ bật ra những suy tư nặng trĩu về cuộc đời. Câu chữ trong thơ ông chứa đựng nhiều khắc khoải, lột tả tâm trạng mòn mỏi của thi sĩ. Đoạn một của bài thơ vì thế có nhiều hình ảnh u ám, gợi liên tưởng đến cái chết thông qua hình ảnh chim bói cá", nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói. 

như con chim bói cátrên cọc nhọn trăm nămtôi tìm đời đánh mấttrong vụng nước cuộc đời

như con chim bói cátôi thường ngừng cánh bayngước nhìn lên huyệt lộbầy quạ rỉa xác người(của tươi đời nhượng lại)bữa ăn nào ngon hơnlàm sao tôi nói được

Trên nền bối cảnh u ám, đoạn hai tác phẩm nói về tình yêu của những người trẻ với những khát khao cháy bỏng giữa dòng đời nhiều bất an, xáo trộn. Ông liên tiếp đặt ra những câu hỏi không lời đáp, thể hiện khát khao gắn kết trong tình yêu. 

vì sao mình yêu nhauvì sao môi anh nóngvì sao tay anh lạnhvì sao thân anh rungvì sao chân không vữngvì sao anh van em... 

Thụy ơi và Thụy ơikhông còn gì có nghĩangoài tình anh tình emđã ướt đầm thân thể

* Bài thơ Khúc Thụy Du

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: "Tác phẩm thể hiện phong cách ngôn ngữ đặc trưng của Du Tử Lê, nhiều day dứt, tuyệt vọng. Ngoài gửi gắm mong ước cuộc tình kéo dài mãi mãi kể cả khi chết đi, bài thơ là tiếng cảm thán về số phận hữu hạn, mong manh của mỗi người. Khi được thổi hồn bằng ngôn ngữ âm nhạc, tác phẩm có chiều sâu, dễ đi vào lòng người hơn".

Nhạc sĩ Anh Bằng lấy nhiều câu trong đoạn hai, đồng thời sáng tạo thêm một số ý để phổ nhạc. Ông lược bỏ những ý thơ tang tóc, giữ lại những hình ảnh đẹp, lãng mạn. Ca khúc của Anh Bằng vẫn vương vất những nỗi ám ảnh của Du Tử Lê nhưng nhẹ nhàng hơn, tựa như một giấc mộng nửa hư nửa thực. Khung cảnh chiến tranh, chết chóc trong bài thơ lùi xa, chỉ còn lại bức tranh tình yêu đôi lứa.