Nhiều nhà giáo tình nguyện đến nơi khó khăn nhất để làm việc. Vất vả, khó khăn, nhưng trong ánh mắt thầy cô vẫn lấp lánh niềm hạnh phúc khi học trò đến trường đầy đủ, chăm chỉ học bài.


Ánh mắt ngây thơ, tiếng ê a của học trò là động lực

Điểm trường Sủng Quáng, Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Sủng Trà (Mèo Vạc, Hà Giang) do 3 thầy, cô giáo phụ trách giảng dạy và chăm sóc trẻ.

*
 Giờ học của cô Lý Thị Thu và học trò

Cô Lý Thị Thu có thâm niên 8 năm cắm bản. Trước khi đến với điểm trường Sủng Quáng, cô Thu từng dạy học ở 3 - 4 điểm trường khác cùng xã Sủng Máng.

“Đến với những vùng đặc biệt khó khăn, tôi nguyện dành cả thanh xuân của mình để dạy chữ, dạy người. Ánh mắt ngây thơ và tiếng ê a của học trò là động lực để tôi và các đồng nghiệp vượt qua tất cả, tiếp tục gieo ước mơ cho các em”, cô Lý Thị Thu bộc bạch.

Những nơi cô Thu đến dạy học đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn, 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Có điểm trường nằm cheo leo trên đỉnh núi, có những điểm lọt thỏm giữa thung lũng, bao quanh là dãy núi trùng điệp.

Điểm trường Sủng Quáng - nơi cô đang dạy học - nằm giữa lưng chừng núi. Để đến trường, cô trò phải băng rừng, lội suối; nếu đi đường chính thì vượt qua nhiều con dốc dựng đứng.

Theo cô Thu, trước đây điểm trường Sủng Quáng được mệnh danh là vùng đất “4 không”: Không điện, không nước ngọt, không sóng điện thoại và không đường. Vì quá khó khăn nên nhiều năm qua, chỉ thầy giáo mới bám trụ được.

Giờ đây, được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, cung đường đến điểm trường không còn bụi mù đất đỏ. Nhiều đoạn được bê tông hoá, nhưng “khúc cua tay áo” thì vẫn còn. Sóng điện thoại và điện lưới đã về với bản làng, dù chưa ổn định như mong muốn.

Một trong những khó khăn lớn nhất mà cô Thu và các đồng nghiệp phải đối diện là tình trạng thiếu nước ngọt và chưa có nhà công vụ. “Ở trên rẻo cao này chỉ trông chờ vào nước mưa. Vì thế, nước ở đây quý như vàng. Trường chưa có nhà công vụ nên tôi ở phải trưng dụng một phòng học để ở và sinh hoạt hàng ngày”, cô Thu trải lòng.

Khó khăn hơn cả, học sinh là con em đồng bào, thường nhút nhát, chưa nói sõi tiếng Việt. Phụ huynh chưa có thói quen đưa con em đến trường. Do đó, cô Thu và đồng nghiệp không chỉ trèo đèo, lội suối đến vận động từng gia đình mà khi dạy học phải sử dụng cả ngôn ngữ hình thể và những vật dụng trực quan để diễn tả cho học sinh hiểu.

“Mưa dầm thấm lâu”, cô trò ngày càng gắn bó, tình cảm của bà con dân bản dành cho cô thêm thắm thiết. Nhiều hôm, phụ huynh cho con ngủ lại cùng cô giáo, vừa để cô kèm thêm, vừa để bầu bạn, giúp cô vơi đi nỗi nhớ con ở quê nhà, vốn cách điểm trường hơn 200km.

Cho đến nay, cô Thu tự hào: “Sủng Máng đã trở thành quê hương thứ 2 của tôi”.

Chặt tre, lấy nứa về đan phên, dựng lớp

Hơn 16 năm “cắm bản”, cô Đặng Thị Hà, giáo viên điểm trường Nậm Ngà, Trường Mầm non Tà Tổng (Mường Tè, Lai Châu) trở thành người con “chính hiệu” của dân bản. Vợ chồng cô đã chuyển hộ khẩu về xã Tà Tổng và xây dựng nhà cửa để thuận tiện cho công việc.

Quê Phú Thọ, năm 2007, cô tình nguyện lên Mường Tè (Lai Châu) dạy học dù bố mẹ, gia đình can ngăn. Nơi đầu tiên cô được phân công đến dạy học là bản Tia Ma Mủ - điểm trường khó khăn nhất của xã Tà Tổng. Năm 2008, cô Hà được luân chuyển về bản Nậm Ngà và công tác ở đó cho tới nay.

“Ngày đó, Nậm Ngà chưa có lớp học mầm non. Tôi và phụ huynh chặt tre, lấy nứa về đan phên, dựng lớp. Có lớp rồi, tôi trèo đèo, lội suối đến từng nhà vận động cha mẹ cho trẻ đến trường. Có khi phải đi 5 - 6 lần mới gặp được phụ huynh. Nhiều trẻ nhút nhát còn… chạy trốn cô giáo và không muốn đến lớp”, cô Hà nhớ lại.

Tuy nhiên, với sự kiên trì, bền bỉ vận động, phụ huynh đã đưa con em đến trường. Lớp học đầu tiên có 20 trẻ, ghép từ nhiều độ tuổi khác nhau.

Từ năm 2017, lớp học được xây dựng kiên cố khang trang, sạch sẽ. Cô Hà cũng không ngừng học hỏi, sáng tạo để trẻ yêu thích việc học và trường lớp học. Để trò dễ dàng nhận biết thế giới xung quanh, cô tự tay làm bộ đồ dùng, đồ chơi bằng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như cát, sỏi, tre, nứa. Cô còn thiết kế các mô hình giúp trẻ phát triển vận động bằng lốp xe cũ.

*
Cô Nguyễn Thị Dạ Thảo cùng học trò

Với tình yêu nghề, mến trẻ, 36 năm qua, cô Nguyễn Thị Dạ Thảo, Trường Tiểu học Hưng Phong (Giồng Trôm, Bến Tre) vẫn cần mẫn dạy học ở vùng xã đảo vốn khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Thế nhưng, chưa bao giờ cô có ý định rời xa phấn trắng, bảng đen và cũng chưa bao giờ cô hết yêu nghề dạy học. “Dù khó khăn đến mấy, tôi quyết bám lớp, bám trường, cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. Với chúng tôi, người con của xã đảo, nơi đây đã trở thành máu thịt”, cô Thảo bày tỏ.

Đợt dịch Covid-19, cô Thảo đến từng nhà học sinh để cài ứng dụng học trực tuyến. Hiện việc dạy học đã trở lại bình thường nhưng có học trò ngại đi học. Nhiều hôm, cô phải đến từng nhà vận động học sinh đi học trở lại, tình nguyện làm “xe ôm” đưa đón học sinh đến trường. Hình ảnh cô Thảo chạy xe chở học sinh đi học, rồi chở về nhà đã trở nên quen thuộc với người dân xã đảo.

Theo cô Thảo, hầu hết gia đình học sinh đều khó khăn, bố mẹ làm ăn xa, nên phải sống với ông bà. Các em thiếu thốn về mọi mặt, từ dụng cụ học tập cho đến phương tiện đi lại. Thêm vào đó, đường đến trường nhiều đoạn bị hư hỏng. Mùa nước ngập, cô trò phải đi qua những con đường trơn trợt, nhiều em bị ngã, ướt hết sách, vở. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của cô là các nhà hảo tâm giúp đỡ, tiếp bước cho học sinh nghèo nơi xã đảo thực hiện được ước mơ của mình.