HHT - Việc thay đổi số Chứng minh nhân dân (CMND) có thể gây ra một bất tiện cho người sử dụng do phải đi thay đổi/ cập nhật thông tin trên các giấy tờ liên quan. Vậy trường hợp nào đổi Chứng minh nhân dânsang Căn cước côngdân (CCCD) gắn chip được giữ nguyên số?

Trường hợp đổi CMND sang CCCD gắn chip không bị đổi số

Trước thời điểm triển khai cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip, người dân được sử dụng một trong ba loại giấy tờ là Chứng minh nhân dân loại 9 số; Chứng minh nhân dân loại 12 số và thẻ Căn cước công dân mã vạch.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân, số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân.

Trong đó, Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Căn cước công dân quy định:

Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Như vậy, nếu công dân đang sử dụng Chứng minh nhân dân loại 9 số thì khi đổi sang CCCD sẽ thay đổi thành 12 số.

Đối với trường hợp sử dụng CMND loại 12 số, trước đây tại thời điểm áp dụng mẫu này, theo Thông tư 27/2012/TT-BCA (hiện nay cả nước đã cấp Căn cước công dân gắn chip nên Thông tư này hết hiệu lực):

Số Chứng minh nhân dân gồm 12 chữ số tự nhiên, do Bộ Công an cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc. Trường hợp đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân thì số ghi trên Chứng minh nhân dân được đổi, cấp lại vẫn giữ đúng theo số ghi trên Chứng minh nhân dân đã cấp lần đầu.

Mặc dù quy định không nêu rõ nhưng có thể hiểu, 12 chữ số tự nhiên trên CMND 12 số chính là mã định danh cá nhân. Trên thực tế, số thẻ CMND 12 số vẫn được giữ nguyên kể cả khi người dân đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử.

Tương tự, khi đổi thẻ CCCD mã vạch sang thẻ CCCD gắn chip, 12 số trên thẻ CCCD mã vạch cũng sẽ được giữ nguyên.

Bị đổi số Chứng minh nhân dân có ảnh hưởng gì không?

Khi đổi Chứng minh nhân dân 9 số sang Căn cước công dân gắn chip, ngoài những ưu điểm Căn cước công dân gắn chip mang đến, người dân sẽ gặp một số bất tiện khi phải đi thay đổi/cập nhật thông tin trên các giấy tờ liên quan.

Theo Điều 12 Thông tư 59/2021/TT-BCA, người dân có thể yêu cầu cơ quan quản lý CCCD nơi có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND. Sau đó, dùng Giấy xác nhận CMND cũ để thay đổi, cập nhật các giấy tờ liên quan.

*

(Ảnh minh hoạ từ Internet)

Cần sửa đổi, cập nhật giấy tờ nào khi bị đổi số CMND?

Cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng: Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khi thực hiện các giao dịch tại ngân hàng, người dân bắt buộc xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh như CMND/CCCD/hộ chiếu còn hạn...


Vì thế, khi đổi CMND sang CCCD, đặc biệt đổi CMND 9 số sang CCCD sẽ bị đổi số, các thông tin của người dân tại ngân hàng sẽ không khớp với giấy tờ tùy thân. Người dân phải xuất trình thêm giấy xác nhận số CMND cũ hoặc CMND cũ đã cắt góc để ngân hàng đối chiếu thông tin, xác nhận đúng chủ tài khoản nhằm thực hiện các giao dịch (đặc biệt là rút tiền).

Nếu hai giấy tờ trên bị mất, ngân hàng sẽ phải từ chối giao dịch do không xác nhận được nhân thân của chủ tài khoản.

Thủ tục cập nhật thông tin tại ngân hàng khá đơn giản, công dân mang theo giấy xác nhận số CMND 9 số hoặc CMND đã cắt góc, thẻ CCCD mới được cấp đến ngân hàng mà mình mở tài khoản, điền tờ khai là sẽ được giải quyết.

Sửa đổi thông tin trên hộ chiếu: Sau khi được cấp CCCD và giấy xác nhận CMND cũ, người dân có thể tiến hành sửa đổi các thông tin trên hộ chiếu.

Việc sửa thông tin trên hộ chiếu khi thay đổi số CMND được hướng dẫn cụ thể tại Điều 6, 7, 8 Thông tư 29/2016/TT-BCA.

Sửa thông tin sổ bảo hiểm xã hội: Số CMND hay số Căn cước công dân là một trong những tiêu thức quản lý đối tượng của cơ quan BHXH. Chính vì vậy, người lao động cần làm thủ tục điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để cơ quan bảo hiểm xã hội cập nhật, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu.

Thông báo với cơ quan thuế: Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019, người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế khi có thay đổi thông tin đăng ký thuế (CMND, CCCD...) thì phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.

Tuy nhiên, cá nhân không kinh doanh đã được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân chậm thay đổi thông tin về CMND khi được cấp thẻ CCCD lại không thuộc trường hợp bị xử phạt theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Vì thế, người dân có thể thông báo hoặc không thông báo với cơ quan thuế khi đổi CMND sang CCCD gắn chip.

Cập nhật thông tin sổ đỏ: Tại khoản 14 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định:

Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên; xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp đồng thời với thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Như vậy, việc thay đổi số CMND cũ sang số CCCD mới trên sổ đỏ được thực hiện theo nhu cầu của người sử dụng đất chứ không bắt buộc.