Cuối năm 2012, khán giả đã có thêm cơ hội trải nghiệm về tài năng vượt bậc của đạo diễn Phùng Tiểu Cương, người đã tạo dấu ấn mạnh mẽ với “Đường Sơn đại địa chấn” trước đó. Bộ phim lịch sử “1942” ngoài sự góp mặt của các diễn viên nổi tiếng Trung Quốc như Trương Quốc Lập, Trương Hàm Dư, Trần Đạo Minh… còn có sự tham gia của hai ngôi sao Hollywood từng giành giải Oscar là Tim Robbins và Adrien Brody.

Nội dung phim được chuyển thể từ quyển tiểu thuyết “Remembering 1942” (Nhớ năm 1942) của nhà văn Lưu Chấn Vân, lấy bối cảnh nạn đói xảy ra ở Trung Quốc vào năm 1942. Đây cũng là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Nhật bước vào năm thứ 5, hàng trăm vạn người dân phải tha phương cầu thực và nạn đói đã lấy đi sinh mạng của 3 triệu người.

A Simple Life (Dì Đào)


*

Bộ phim “A Simple Life” mang một cốt truyện khá đơn giản, xoay quanh hai nhân vật chính là cậu chủ Roger (Lưu Đức Hoa) và người giúp việc Đào Tỷ (Diệp Đức Nhàn). Không có tình yêu trai gái, không có những pha võ thuật đẹp mắt, không âm mưu thủ đoạn hay đấu trí căng thẳng, “A Simple Life” chỉ đơn giản là một làn gió trong lành thổi giữa cuộc sống hiện đại xô bồ. Những tình tiết được khai thác chân thật từ cuộc sống, nội dung phim dung dị, đời thường giúp khán giả nhận ra rằng tình mẫu tử ấm áp vẫn còn tồn tại giữa những con người tưởng chừng như xa lạ.

Bộ phim đã chiếm được tình cảm của giới chuyên môn khi liên tục giành chiến thắng tại các LHP danh giá như Venice và Kim Mã, đưa tên tuổi của nữ diễn viên Diệp Đức Nhàn lên một tầm cao mới qua vai diễn người giúp việc đầy xúc động này.

Love in The Buff (Xuân Kiều và Chí Minh)

*

Bộ phim “Love in The Buff” là phần nối tiếp của bộ phim “Love in The Puff” ra mắt năm 2010, tiếp tục kể về đoạn sau mối quan hệ giữa Chí Minh (Dư Văn Lạc) và Xuân Kiều ( Dương Thiên Hoa). Sau khi chuyển đến Bắc Kinh sinh sống, tình yêu của họ lại một lần nữa nổi lên sóng gió. Để hiểu nhau hơn, họ quyết định dọn về sống chung và cuộc sống “hôn nhân” với những vấn đề phức tạp bắt đầu từ đây.Câu chuyện trở nên rắc rối hơn khi có thêm sự xuất hiện đầy ấn tượng của “tiểu Hoa đán” Dương Mịch trong vai nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp, người thứ ba xen vào giữa Chí Minh và Xuân Kiều.

*

Bộ phim gắn mác 18+ với những cảnh thân mật, táo bạo, một số lời lẽ nhạy cảm nhưng chính điều này lại góp phần mô tả một cuộc sống chân thật, trần trụi của các nhân vật và kéo người xem đến với rạp nhiều hơn.

Lost in Thailand (Bị lạc ở Thái Lan)

*

*

Bộ phim có cốt truyện chặt chẽ, cuốn hút kể về hai doanh nhân Trung Quốc đến Thái Lan để tìm ông chủ của mình. Phim tuy không hề có cảnh quay hành động hay hiệu ứng đặc biệt nào nhưng vẫn khiến khán giả bị cuốn hút với câu chuyện bình dị về hai anh chàng thành thị sống trong áp lực và một người làm bánh lạc quan. Những câu chuyện hài hước trong phim đều liên kết chặt chẽ với cốt truyện và tính cách các nhân vật.

Warriors of the Rainbow: Seediq Bale (Hào khí chiến binh)

*

Bộ phim “Warriors of the Rainbow: Seediq Bale” với kinh phí 25 triệu đôla của đạo diễn Đài Loan Ngụy Đức Thánh kể về cuộc chiến đấu của bộ tộc thổ dân một hòn đảo trong suốt nửa đầu thế kỷ 20 khi Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan. Với bộ phim này, đạo diễn Ngụy Đức Thánh cho biết ông đã gửi vào đó cả trái tim và linh hồn.

Phim với sự góp mặt của các diễn viên Masanobu Andô, Jun’ichi Haruta và Sabu Kawahara – những diễn viên không chuyên đảm nhiệm những vai chính và sử dụng chính ngôn ngữ của bộ tộc Seediq cũng đem lại dấu ấn riêng cho “Warriors of the Rainbow: Seediq Bale”. Tuy được đánh giá cao về mặt nội dung, bối cảnh và những cảnh quay đẹp nhưng do tiêu đề phim khá lạ nên bộ phim không mấy thành công về mặt doanh thu khi công chiếu ở Đại lục.

White Deer Plain (Bạch Lộc Nguyên)

*

“White Deer Plain” là bộ phim Trung Quốc duy nhất tranh giải Gấu Vàng với các đối thủ đình đám đến từ Hollywood. Khởi động dự án từ năm 2009, nhưng mãi đến 2012 phim mới rục rịch ra mắt. Để đáp lại sự mong chờ, ngay lập tức phim đã thẳng tiến đến thảm đỏ LHP quốc tế Berlin.


“White Deer Plain” được dựng thành phim từ nguyên tác cùng tên của nhà văn Trần Trung Thực. Phim được đầu tư kinh phí lớn với sự góp mặt của dàn diễn viên tài năng như Trương Phong Nghị, Đoạn Dịch Hoành, Vũ Cương, Trương Vũ Ỷ… Phim xoay quanh mối ân oán, hận thù của hai dòng họ Bạch – Lộc. Trớ trêu thay, tiểu thư duy nhất của dòng họ Bạch – Bạch Linh (Lý Mộng) lại xảy ra chuyện tình tay ba với hai thiếu gia nhà họ Lộc. Những toan tính, mưu mô hòa cùng tình yêu thuần khiết của cô gái trẻ khiến “White Deer Plain” trở thành câu chuyện cuốn hút, cảm động lòng người.

Beijing Blues ( Nỗi buồn Bắc Kinh)

*


“Beijing Blues” của đạo diễn Cao Quần Thư với một dàn diễn viên nghiệp dư đã gây bất ngờ tại giải Kim Mã khi đoạt giải Phim xuất sắc nhất. Bất ngờ với giải thưởng, đạo diễn Cao Quần Thư đã nói lời cảm ơn Kim Mã đã cho ông cơ hội để một đạo diễn không tên tuổi như ông được công nhận. Tại giải thưởng được coi như Oscar của điện ảnh Hoa ngữ này, “Beijing Blues” còn đoạt thêm các giải Quay phim và Biên tập phim xuất sắc nhất.
Với nội dung khắc họa hình ảnh của những người dân thị thành ở thời hiện đại thông qua hoạt động của một nhóm cảnh sát mặc thường phục, chuyên đi săn lùng tội phạm nguy hiểm, “Beijing Blues” thực sự là một bộ phim xuất sắc của Trung Quốc trong năm 2012.

Design of Death (Ý đồ của cái chết)

*

Chuyện phim “Design of Death” kể về một thị trấn vùng Tây Nam Trung Quốc cũ, tên là Trường Thọ vì người dân trong làng tuổi thọ đều rất cao. Nhưng đến một ngày, bỗng kẻ xưa nay bị cả làng xua đuổi lại chết bất đắc kì tử, không rõ nguyên nhân. Nghi là do bệnh dịch, Nhậm Đạt Hoa vào vai 1 bác sĩ đến trấn Trường Thọ để kiểm soát dịch. Vị bác sĩ này liền điều tra để tìm hiểu nguyên nhân cái chết của kẻ xấu số kia và trong quá trình điều tra nhiều điều đã được hé lộ, và tất cả bí mật của ngôi làng nghi có dịch này đều xoay quanh người đã ở dưới nấm mồ đó.

Bộ phim với nội dung gây tò mò, kết cấu chặt chẽ, thắt mở rõ ràng và có sự tham gia của hai ngôi sao Nhậm Đạt Hoa, Tô Hữu Bằng đã trở thành một trong những phim đáng xem nhất của điện ảnh Trung Quốc trong năm 2012.

Painted Skin: The Resurrection (Họa bì: Hoán kiếp)

*

Nối tiếp thành công của “Painted Skin” phần 1 được ra mắt vào năm 2008, các nhà làm phim đã lạc quan để làm tiếp phần 2 trong năm 2012. Đều lấy cốt truyện từ tiểu thuyết cổ “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh, nhưng phần 2 có sự khác biệt lớn về phần nội dung so với phần 1. Trong phần 2 này, Triệu Vy vào vai Tĩnh Công Chúa. Cô thay đổi thành người phụ nữ hiểm ác khi hoán đổi thân xác xinh đẹp với hồ ly tinh Tiểu Duy để níu giữ người tình trong mộng – tướng quân Hoắc Tâm. Còn Châu Tấn lại vào vai Tiểu Duy, là một hồ ly tinh nhưng đeo đuổi tình yêu với con người, chấp nhận hy sinh vì tình yêu đó.

Chỉ riêng với thành công vang dội của phần 1, được làm tiếp với phiên bản 3D lung linh, cùng dàn diễn viên tên tuổi: Triệu Vy, Châu Tấn, Trần Khôn, Dương Mịch… đã là những bảo chứng phòng vé chắc chắn cho “Painted Skin” trong năm 2012.

The Last Supper ( Bữa ăn tối cuối cùng)

*


Bộ phim “The Last Supper” là những câu chuyện lịch sử được xâu chuỗi lại dưới cái nhìn mới mẻ của đạo diễn Lục Xuyên. Dàn diễn viên chính bao gồm dàn ngôi sao: Ngô Ngạn Tổ, Lưu Diệp và hai người đẹp Hoắc Tư Yến, Tần Lam. Bộ phim với một đề tài rất ấn tượng đã thu được thành công lớn khi công chiếu vào năm 2012.

Lấy bối cảnh là cuộc đối đầu hai nước Hán – Sở của Trung Hoa cổ đại, phim đã tái hiện lại buổi dạ yến lịch sử vào năm 206 trước Công Nguyên. Trong buổi dạ yến, Tây Sở Bá Vương – Hạng Vũ tìm mọi cách để giết chết kình địch Lưu Bang.