Bạn đang xem: Ôn Tập Văn Nghị Luận Xã Hội Lớp 8, Các Bài Văn Nghị Luận Xã Hội Hay Nhất Tại hocketoanthue.edu.vn

Nhằm đem đến cho các bạn học sinh lớp 8 có thêm nhiều tài liệu ôn thi học sinh giỏi, hocketoanthue.edu.vn giới thiệu Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 8.

Đang xem: ôn tập văn nghị luận xã hội lớp 8

Với bộ tài liệu này sẽ giúp các bạn học sinh ôn tập những kiến thức cơ bản, luyện tập với các đề thi để chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi sắp tới. Chúc các bạn đạt kết quả cao trong kỳ thi học sinh giỏi Văn lớp 8.

Phần I. Ôn tập văn nghị luận xã hội

I. YÊU CẦU CHUNG:

– Bài làm phải đầy đủ ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài.

– Giữa ba phần (mở bài, thân bài, kết bài) và giữa các luận điểm, các đoạn trong phần thân bài phải có sự liên kết chặt chẽ. Để làm được như vậy, cần phải:

+ Sử dụng những từ ngữ, những câu văn… để chuyển ý.

+ Câu chuyển ý thường ở đầu đoạn văn (Câu này thường có chức năng: liên kết với ý ở đoạn văn trước đó và mở ra ý mới trong đoạn văn).

+ Không thể trình bày phần thân bài chỉ với một đoạn văn!

– Phải bảo đảm tính cân đối giữa ba phần (mở bài, thân bài, kết bài) trong toàn bộ bài văn cũng như giữa các luận điểm ở phần thân bài, tránh trường hợp làm bài kiểu “đầu voi đuôi chuột” (phần “mở bài, thân bài” lại nói nhiều, thiếu phần “kết bài”).

– Phải biết vận dụng kết hợp các thao tác lập luận trong bài văn: giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận… Trước một đề bài cụ thể, cần suy nghĩ lựa chọn: Nên sử dụng các thao tác lập luận nào? Sắp xếp trình tự các thao tác ra sao?

– Để bài văn có sức thuyết phục, cần sử dụng một số phương thức biểu đạt như biểu cảm, tự sự, miêu tả, thuyết minh… hỗ trợ cho phương thức nghị luận chính.

II. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG, VẤN ĐỀ NGHỊ LUẬN:

Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí:

– Vấn đề nhận thức: lí tưởng, mục đích sống…

– Vấn đề về đạo đức, tâm hồn, tính cách: lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng; tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ, cần cù, thái độ hòa nhã, khiêm tốn; thói ích kỉ, ba hoa, vụ lợi…

– Vấn đề về các quan hệ gia đình: tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em…

– Vấn đề về các quan hệ xã hội: tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn…

– Vấn đề về cách ứng xử, đối nhân xử thế của con người trong cuộc sống.

III. ĐỊNH HƯỚNG DÀN Ý CHUNG:

1. Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí:

a. Mở bài:

– Dẫn dắt vào đề (…)

– Giới thiệu về tư tưởng, đạo lí nêu ở đề bài (…)

– Trích dẫn ý kiến, nhận định (nếu có) (…)

b. Thân bài:

* Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận (…).

Tùy theo yêu cầu đề bài mà có thể có những cách giải thích khác nhau:

Giải thích khái niệm, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề.

Giải thích nghĩa đen của từ ngữ, rồi suy luận ra nghĩa bóng, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề.

Giải thích mệnh đề, hình ảnh trong câu nói, trên cơ sở đó xác định nội dung, ý nghĩa của vấn đề mà câu nói đề cập.

* Phân tích và chứng minh những mặt đúng của tư tưởng , đạo lí cần bàn luận (…)

Bản chất của thao tác này là giảng giải nghĩa lí của vấn đề được đặt ra để làm sáng tỏ tới cùng bản chất của vấn đề. Phần này thực chất là trả lời câu hỏi: Tại sao? (Vì sao?) Vấn đề được biểu hiện như thế nào?

* Phê phán, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề đang bàn luận (…)

* Bình luận, đánh giá (bàn bạc, mở rộng, đề xuất ý kiến…):

– Đánh giá vấn đề: Nêu ý nghĩa của vấn đề, mức độ đúng – sai, đóng góp – hạn chế của vấn đề.

– Từ sự đánh giá trên, rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong học tập, trong nhận thức cũng như trong tư tưởng, tình cảm

– Đề xuất phương châm đúng đắn…

c. Kết bài:

– Khẳng định chung về tư tưởng, đạo lí đã bàn luận ở thân bài (…)

– Lời nhắn gửi đến mọi người (…)

IV. MỘT SỐ ĐỀ BÀI THAM KHẢO

Đề 1: Giữa một vùng đất khô cằn sỏi đá, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở ra những chùm hoa thật rực rỡ.

Trình bày suy nghĩ của anh chị về hiện tượng trên.

Dàn ý

1. Mở bài:

– Câu nói miêu tả một hiện tượng thiên nhiên mà hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc, gợi ra nhiều suy tưởng đẹp.

– Đó là biểu tượng của nghị lực và ý chí vươn lên của con người trong những hoàn cảnh khó khăn, khốc liệt.

2. Thân bài:

A. Giải thích câu nói:

– Hình ảnh “vùng sỏi đá khô cằn”: gợi liên tưởng, suy nghĩ về môi trường sống khắc nghiệt, đầy gian khó. Nói cách khác, đó là nơi sự sống khó sinh sôi, phát triển.

– Hình ảnh “cây hoa dại”: Loại cây yếu ớt, nhỏ bé, cũng là loại cây bình thường, vô danh, ít người chú ý.

– Hình ảnh “cây hoa dại vẫn mọc lên và nở hoa”: Cây hoa dại sống giữa tự nhiên lặng lẽ mà kiên cường. Nó thích nghi với hoàn cảnh, vượt lên điều kiện khắc nghiệt để sống và nở hoa. Những bông hoa là thành quả đẹp đẽ, kết tinh từ sự chắt chiu, thể hiện sức sống mãnh liệt.

– Như vậy, câu nói mượn hiện tượng thiên nhiên mà gợi ra suy nghĩ về thái độ sống của con người. Cho dù hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu, sự sống vẫn hiện hữu, cái đẹp vẫn tồn tại. Con người phải có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

b. Phân tích, chứng minh ý nghĩa câu nói:

– Đây là một hiện tượng mà ta có thể tìm thấy ở nhiều nơi trong thế giới tự nhiên quanh mình. Cây cối, cỏ hoa xung quanh ta luôn ẩn chứa một sức sống mạnh mẽ, bền bỉ. Chúng sẵn sàng thích nghi với mọi điều kiện sống khắc nghiệt:

+ Nơi sa mạc nóng bỏng, cây xương rồng vẫn mọc lên, vẫn nở hoa, những bông hoa nép mình dưới xù xì gai nhọn.

+ Ở cánh đồng băng Nam Cực, các nhà khoa học sững sờ khi phát hiện dưới lớp băng dày vẫn có những đám địa y.

– Từ hiện tượng này, có thể liên hệ với những hiện tượng tồn tại trong cuộc sống con người:

+ Những thử thách, những khó khăn của thực tế đời sống luôn đặt ra đối với mỗi con người. Cuộc sống không bao giờ bằng phẳng, luôn chứa đựng những bất ngờ, biến cố ngoài ý muốn. Vì vậy, quan trọng là cách nhìn, thái độ sống của con người trước thực tế đó. Ta không nên đầu hàng hoàn cảnh, không buông xuôi phó thác cho số phận. Trong hoàn cảnh “khắc nghiệt”, vẫn có những con người đích thực vẫn vươn lên.

+ Chính trong thách thức của hiện thực cuộc sống, nghị lực và sức sống của con người càng được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Những đóng góp, cống hiến hay những thành tựu, kết quả đạt được trong điều kiện đó rất cần được tôn vinh như những tấm gương sáng cho mọi người học tập:

Nhà văn Nga vĩ đại M. Go-rơ-ki đã có một cuộc đời sớm chịu nhiều cay đắng, gay go, đã không ngừng tự học, tự đọc để vươn lên khẳng định tài năng và đi đến thành công.

“Hiệp sĩ công nghệ thông tin” Nguyễn Công Hoàng phải sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã: không thể tự mình duy chuyển, khả năng ngôn ngữ hạn chế. Vậy mà người thanh niên đó đã sống bằng nghị lực, quyết tâm học tập và nghiên cứu phần mềm tin học. Cuối cùng anh đã thành công.

– Còn có rất nhiều tấm gương khác nữa, họ chấp nhận đương đầu với hoàn cảnh khắc nghiệt để sống và vươn lên, thể hiện những ước mơ cao đẹp.

c. Bình luận, đánh giá:

– Khẳng định sự sâu sắc của bài học: Đây là một bài học quý báu, bổ ích về thái độ sống của con người xuất phát từ hiện tượng tự nhiên.

– Phê phán:

+ Sống trong môi trường, điều kiện sống thuận lợi, có người biết tận dụng nó để phát triển tối đa năng lực của mình, đóng góp cho cuộc sống. Song cũng có những người ỷ lại mà không nỗ lực cố gắng, chỉ biết hưởng thụ, dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc, tâm huyết, tình cảm của người thân. Sự lãng phí ấy là vô cùng đáng trách.

+ Không gặp được những thuận lợi trong cuộc sống, có người đã sống chán nản, buông xuôi và dẫn tới thất bại. Trường hợp này có thể cảm thông song không nên đồng tình vì tuy hoàn cảnh có vai trò quan trọng song những nỗ lực cố gắng của con người càng quan trọng hơn.

– Bài học rút ra:

+ Để có thể vượt lên khó khăn mà có những đóng góp, cống hiến trong cuộc sống, con người cần có nghị lực, ý chí, năng lực. Song cũng rất cần sự động viên, khích lệ, tình yêu và niềm tin của những người thân và cả cộng đồng.

+ Cộng đồng nên có cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về những đóng góp của những người ở hoàn cảnh đặc biệt, đồng thời nên có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để họ nhanh chóng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

3. Kết bài:

– Sẽ thật bất hạnh khi gặp phải hoàn cảnh trớ trêu trong cuộc sống, nhưng sẽ bất hạnh hơn nếu như chúng ta thôi không cố gắng.

– Cũng như cây hoa dại kia rễ của nó đã đâm sâu dưới đất sỏi đá khô cằn nhằm tìm nguồn nước dẫu ít ỏi để tiếp tục tồn tại mà nở những chùm hoa đẹp.

– Hãy nhìn vào tấm gương của những bạn học sinh nghèo vượt khó, những hoàn cảnh bất hạnh nỗ lực vươn lên để tự soi lại chính mình.

Đề 2: “Tình thương là hạnh phúc của con người”

Bài làm

Trong cuộc sống giữa con người và con người chúng ta luôn tồn tại tình yêu thương. Tình yêu thương là cội nguồn đầu tiên của con người chúng ta cho đến ngày nay. Những tình yêu thương đẹp đẽ đó mang đến niềm hạnh phúc cho chúng ta. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu “tình thương là hạnh phúc của con người là gì?”.

Tình thương là sự cảm thông chia sẻ trong phạm vi gia đình, xã hội, nhà trường. Hạnh phúc là niềm vui, niềm sung sướng khi ta đạt được niềm mơ ước, phấn đấu trong cuộc sống. Khi chúng ta cho người khác tính thương hoặc khi chúng ta biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn với người khác thì chúng ta sẽ nhận lại được từ họ sự sự biết ơn bởi cuộc sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.

Tình thương còn được thể hiện ở nhiều khía cạnh, ta thấy gần gũi nhất là gia đình, tình cảm của cha mẹ đối với con cái là vô cùng lớn lao vô bờ bến. Từ ngàn xưa cha ông ta đã có những câu ca dao đề cao tính yêu thương của cha mẹ; Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Núi cao to đồ sộ nước chảy nhiều như thế ta cũng không thể hình dung được tình yêu thương của cha mẹ lớn lao như thế nào bởi ta không bao giờ đong đo đếm được. Điều đó đã trở thành đạo lí bổn phận con chúng ta phải biết ghi nhớ công ơn của cha mẹ, vâng lời cha mẹ, cố gắng học tập thật tốt để làm cha mẹ vui lòng. Ta có thể thấy trong văn học, thuý Kiều vì thương cha mình đã phải bán thân chuột cha, Nguyễn Đình Chiểu khóc đến mù cả mắt khi hay tin mẹ mất. Ngoài ra tình yêu thương còn được thể hiện trong nhà trường: vâng lời, lễ phép với thầy cô người lớn tuổi hoàng thành nhiệm vụ mà thầy cô giáo, ghi nhớ công ơn thầy cô đã dạy cho ta những bài học đầu tiên, nhưng chữ đầu đời. Trong quan hệ bạn bè: cảm thông chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ các bạn học yếu. Tong xã hội, biết chia sẻ cảm thông với những số phận bất hạnh, vận động kêu gọi mọi người quyên góp giúp đỡ đồng bào lũ lụt, quỹ nhà tình thương, vì người nghèo…

Vì sao chúng ta sống phải có tình thương: Vì tình thương là một trong những thứ cao đẹp nhất của con người, tình thương là sự cho đi đồng thời nhận lại, tình thương đem đến niềm tin lẽ sống, niềm hạnh phúc, sự ấm áp cho mọi người, có tình thương giúp con người sẽ xây dựng xã hội tốt đẹp, trật tự tình thương giúp con người hoàn thiện nhân cách của mình hơn.

Tuy nhiên tình thương phải biết đặt đúng chỗ vì không đặt đúng chỗ sẽ không là hạnh phúc mà là bất hạnh. Một người mẹ quá nuông chiều con sẽ khốn khổ vì con. Cho tiền nhưng kẽ dạng hành khất là tiếp tay cho lười biếng. Khoan hồng, dung tha cho những kẻ phạm tội nhưng chúng vẫn “ngựa quen đường cũ” thì thật là nguy hiểm cho xã hội. bên cạnh những người giàu lòng yêu thương vẫn còn vô vàn những kẻ ích kỉ, sống chỉ biết vì mình thật là đáng phê phán lên án.

“Tình thương là hạnh phúc của con người” câu nói tuy ngắn gọn nhưng bao hàm đầy đầy đủ ý nghĩa cho chúng ta tình thương là một trong những cảm xúc đẹp nhất của con người. Đừng sống vì mình mà hãy sống vì mọi người nhất là đối với những người chúng ta yêu thương, sẽ làm cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn mọi người cảm thấy yêu đời hơn.

Đề 3: Trong bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa Nguyễn Duy viết:

“ Ta đi trọn kiếp con người

Vẫn không đi hết những lời mẹ ru”.

Câu thơ trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về tình mẫu tử?

Đòi hỏi vận dụng kiến thức, hiểu biết về nội dung và ý nghĩa của những lời ru; khả năng nhạy cảm để nhận biết bằng trái tim những mong ước và tình yêu thương của mẹ.

a. Ý nghĩa của lời mẹ ru: không chỉ là lời ca và giai điệu để dỗ dành trẻ nhỏ ngủ ngon mà còn là sự thể hiện tâm hồn, tấm lòng người hát ru. Tiếng ru của mẹ là tình cảm, là ước mong, là lời gửi gắm tâm tình của người mẹ với con mình. Nó chứa đựng trong đó cả một thể giới tinh thần mà người mẹ có được và muốn xây dựng cho đứa con:

– Là lời yêu thương: chứa đựng tình yêu vô bờ bến của mẹ dành cho con. Trong tình yêu ấy, con là tài sản quý giá nhất, là niềm tự hào lớn đẹp nhất, là cả cuộc sống của người mẹ.

– Là lời cầu nguyện, ước mong: lời ru là sự gửi gắm mong ước về tương lai của con với sự trưởng thành về thể chất và tâm hồn, sự thành công trong cuộc sống.

– Là lời nhắn nhủ, khuyên răn, dạy bảo: Chứa đựng trải nghiệm của cuộc đời người mẹ, sự hiểu biết, khát vọng truyền thụ hiểu biết, kinh nghiệm của mẹ cho con, sự hiểu biết và kinh nghiệm về đạo làm người, về lẽ sống ở đời, về lẽ phải cần phải tuân theo, về những giới hạn cần biết dừng lại, về những cạm bẫy nguy hiểm nên tránh, về những bước đường mỗi người phải đi qua…

Cho dù là lời yêu thương, lời cầu nguyện hay lời nhắn nhủ thì cũng là chuẩn bị của người mẹ cho những đứa con trên con đường đời hiện tại và sau này của nó, sự chuẩn bị không chỉ bằng kiến thức kinh nghiệm mà bằng cả tấm lòng và tình yêu. Lẽ tự nhiên, trong mỗi người mẹ luôn bao gồm cả một nhà giáo dục và một phương pháp giáo dục của trái tim thấm đẫm yêu thương.

b. Không đi hết: Không thấy hết, không dùng hết, không thể hiểu biết hết, không sống hết những gì mẹ đã chuẩn bị cho con qua lời ru ấy:

– Tấm lòng bao dung vô bờ của mẹ.

– Sự che chở, nâng đỡ, dìu dắt trọn đời của mẹ qua những lời ru.

– Cảm giác thấm thía của người con qua trải nghiệm cuộc đời khi nhìn nhận lại, cảm nhận lại những gì có được từ lời ru và tình yêu của người mẹ.

Lời tri ân của người con với mẹ là lời ca ngợi sự vô giá, vô bờ bến của tình mẫu tử mẹ dành cho con. Câu thơ đọc lên giản dị và thấm thía đủ để mỗi con người được ngồi lại trong yên tĩnh để cảm động, suy nghĩ.

Vai trò của tình mẫu tử:

– Là môi trường tốt nhất cho sự phát triển của tâm hồn và thậm chí cả trí tuệ của đứa con.

– Là điểm tựa cho lòng tin, sức mạnh của đứa con trong cuộc sống.

– Là cái gốc thiện, nguồn nuôi dưỡng lương tri, nhân phẩm của con người trong cuộc đời; có ý nghĩa cảnh giới con người khi đứng trước bờ vực của lầm lỡ và tội ác.

– Là nơi xuất phát và cũng là chốn về sau cùng của con người trong cuộc sống đầy bất trắc, hiểm nguy.

b. Biểu hiện của tình mẫu tử: Vô cùng đa dạng phong phú xong đều hướng tới cái đích cuối cùng là cho con, vì con.

c. Thái độ cần có đối với tình mẫu tử: Không chỉ là đón nhận và cần sống, trải nghiệm và tự điều chỉnh bản thân để góp phần làm toả sáng giá trị thiêng liêng của tình mẹ trong chính cái kết tinh của tình mẹ thiêng liêng ấy là tâm hồn và sự sống của bản thân mình.

Đề 4: Em hãy viết về tình mẫu tử.

Bài làm:

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào” …Vâng, từ xưa đến nay mỗi khi nhắc đến hình tượng người mẹ, họ luôn nghĩ đến một tình cảm thật bao la, chân thành và ấm áp chứa chan bao tình yêu. Thật cao quý và may mắn biết bao đối với những ai còn mẹ.Lòng mẹ, cũng chính là tình mẫu tử. Đó là một thứ thiêng liêng, quý giá xuất phát từ tâm hồn long lanh như pha lê, dịu ngọt như dòng suối của mẹ dành cho đứa con thân yêu của mình. “Mẫu” là mẹ, “tử“ là con. Hai từ này hầu như chưa bao giờ xa cách, ví như cho dù họ có cách xa bao lâu, bao xa thì tâm hồn của mẹ và con luôn hòa quyện vào nhau.Khi con còn bé thơ, từ lúc vừa chào đời đã được bàn tay của mẹ dỗ dành, nâng niu. Một chút lớn nữa, mẹ cũng là người đỡ từng bước đi đầu tiên. Khi đi học, cũng có những lúc con ham chơi khiến mẹ buồn lòng nhưng bà vẫn không bao giờ buồn hay hờn trách con, luôn chỉ bảo cho con thứ gì đúng, thứ gì sai. Tất cả những điều ấy đã đều chứng minh được thế nào là tình mẹ. Và con cũng đã đáp lại tình cảm ấy bằng sự thành công, sự hiếu thảo mà mỗi người đều có thể đạt được bằng chính sự nỗ lực của mình. Nhưng tình con dành cho mẹ không bao giờ bằng tình mẹ dành cho con. Đó cho ta thấy sự tuyệt diệu về đức hy sinh của người “mẫu”, người mẹ mà ta không thể lý giải được.Không thể không nói đến một số trường hợp ngoại lệ. Cũng đã có nhiều người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ đi cốt nhục, những đứa con ruột thịt của mình không lý do. Tôi không thể hiểu được tại sao lại có người như thế. Những việc như vậy có đã để bị xã hội chê trách không? Hay sâu trong tâm hồn của họ đang nghĩ những gì, có ăn năn hối hận không? Chúng chỉ là những đứa trẻ thơ cần tình thương ấm áp, dịu ngọt của mẹ thôi mà…. Họ đã vô tình làm vấy bẩn sự thiêng liêng cao quý của ba chữ vàng “tình mẫu tử“ mà chúng ta hằng nghĩ đến và yêu quý nó.Mẹ dành tình cảm cao quý, đầy sự hy sinh khắc khổ đó cho con thì con cũng phải đáp lại bằng những thứ thiêng như gần như thế. Mẹ không bao giờ đòi hỏi nhiều ở con, luôn mong con thành đạt, hạnh phúc thì đó cũng chính là niềm vui của mẹ. Và đồng thời con cũng là niềm tin, là hy vọng, hoài bão của mẹ. Tất cả những gì tốt nhất cũng đều dành cho con. Những ai đang còn mẹ thì hãy biết quý trọng và giữ gìn nó. Có những thứ khi đã qua rồi thì không bao giờ lấy lại được. Tình cảm của mẹ như ánh sáng trên cao, bóng mát trên cao, như dòng sữa ngọt ngào. Cuộc đời thật công bằng biết bao khi đã cho cho mỗi người chúng ta thứ gọi là “tình mẫu tử“

Đề 5: Biết lắng nghe – điều kì diệu của cuộc sống. Suy nghĩ của anh(chị) về vấn đề trên.

1. Giải thích:

– “Nghe” là sự tiếp nhận âm thanh bằng tai (thính giác).

– “Biết lắng nghe” là không chỉ nghe bằng tai mà còn nghe bằng cả khối óc và trái tim.

– “Biết lắng nghe – điều kì diệu của cuộc sống ” là một trong những cách tiếp nhận, học hỏi của con người nhằm làm cho bản thân ngày càng hoàn thiện.

– “ Biết lắng nghe” tùy thuộc vào ý thức chủ quan của mỗi người. Đó là đức tính, là năng lực cần phải học hỏi, là yếu tố thúc đẩy để con người tự hoàn thiện nhân cách và trưởng thành hơn …do đó, “Biết lắng nghe” là điều kì diệu của cuộc sống.

2. Bình luận:

– “Biết lắng nghe” phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm sống, vốn văn hóa, tầm nhìn, sự nhạy cảm, độ tinh tường, tinh thần cầu thị, quan niệm sống của con người,…

– “Biết lắng nghe” là điều kì diệu của cuộc sống: nghe để hiểu, để hành động, để hướng tới giá trị chân, thiện, mĩ. Chẳng hạn, biết nghe tiếng vọng về từ quá khứ, nghe những gì đang diễn ra ở hiện tại, nghe được cả tương lai; nghe được lời của thiên nhiên, đất trời, lời của cây cối, chim muông; nghe để phân biệt phải trái, hay dở, tốt xấu, nghe được cả tiếng trái tim mình…

– Không biết lắng nghe thì cuộc sống thật vô nghĩa, tẻ nhạt, ….

3. Bài học nhận thức và hành động:

– “Biết lắng nghe” có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người, vì vậy, mỗi người cần phải có ý thức rèn luyện năng lực “lắng nghe”.

– Biết lắng nghe một cách chân thành, cầu thị để có thể chia sẻ, đồng cảm với người khác và làm cho cuộc sống của mình ngày càng có ý nghĩa…

– Chống tư tưởng chủ quan, bảo thủ và phê phán lối sống ích kỉ, “biết nghe mà vẫn giả điếc”…

Đề 6: W. Whitman từng tâm niệm: Hãy nhìn về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau lưng bạn.

Suy nghĩ của anh (chị) về nhận định trên.

1. Giải thích ý nghĩa của lời nhận định.

– Mặt trời là nguồn sáng đem lại hơi ấm và sự sống cho muôn loài. Mặt trời còn là biểu tượng cho những điều tươi sáng, đẹp đẽ, là niềm tin và hi vọng tốt đẹp ở tương lai trong cuộc đời con người.

– Bóng tối là màn đêm âm u, tăm tối. Bóng tối cũng là biểu tượng cho sự đen đủi, bi đát, bất hạnh, thiếu may mắn, những thất bại trong đường đời của con người.

– Ý nghĩa nhận định: Lời nhận định là một phương châm sống tích cực, một lời khuyên sâu sắc nhắc nhở ta phải biết vượt lên những bất hạnh, rủi ro, đau buồn, thất bại trong cuộc đời. Phải biết quên đi quá khứ đen tối mà hướng về tương lai tươi sáng, tốt đẹp ở cuộc sống phía trước.

2. Bàn luận, mở rộng vấn đề.

– Cuộc sống không phải lúc nào cũng là thảm đỏ trải đầy hoa hồng, cuộc sống là một trường tranh đấu. Bởi thế, cuộc đời mỗi con người cũng không thể tránh khỏi những gian nan, trắc trở, những khó khăn, thất bại.

– Mỗi người cần phải có ý chí, nghị lực, dũng khí để vượt lên những thất bại. Phải xem những gian nan, trắc trở như một thử thách để ta được rèn luyện, trưởng thành.

– Cần biết hướng về phía trước, lạc quan, tin tưởng vào tương lai, có bản lĩnh vững vàng để vượt lên những vấp ngã của bản thân. Đây là xu hướng phát triển, là yêu cầu tất yếu phù hợp với quy luật khách quan của cuộc sống. Nếu cứ đắm chìm trong những thất bại, đau buồn là tự hại mình.

– Phê phán những người không có niềm tin, không có ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

3. Bài học nhận thức và hành động.

– Cần phải có ý chí, nghị lực, niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai để vững bước trong cuộc đời.

– Trong cuộc sống cũng như trong học tập phải biết vượt lên chính mình, không nên chùn bước trước những khó khăn thử thách. Sống cần có lý tưởng, khát vọng và ước mơ.

Đề 7: R.Ta-go, nhà thơ Ấn Độ cho rằng: Thà làm một bông hoa sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy, còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông.

Suy nghĩ của anh (chị) về nhận định trên.

1. Giải thích ý nghĩa của lời nhận định

– Hoa sen: ủ mầm trong bùn đất, tối khuất, nhơ bẩn nhưng mạnh mẽ vươn lên. Hoa sen là biểu tượng cho phẩm cách thanh sạch, biết vươn lên trong cuộc sống của con người.

– Mặt trời: Đó là ánh sáng vĩnh cửu đem lại sự sống cho vạn vật. Mặt trời tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, sự huy hoàng.

– Nụ búp: ẩn dụ cho cái non nớt, nhút nhát, e sợ của con người.

– Sương lạnh vĩnh cửu: là môi trường lạnh giá, khắc nghiệt, ở đó vạn vật phải ẩn mình, thu mình, không thể sinh sôi phát triển. Vì thế nó tượng trưng cho những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

=> Ý nghĩa câu nói: Ý kiến của Ta- go là một triết lí sống mạnh mẽ, tích cực và tiến bộ. Trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn thử thách, nhưng nếu biết sống và cống hiến hết mình ta sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Nếu sống nhút nhát, thụ động thì cuộc đời thật nhạt nhẽo, vô nghĩa.

2. Bàn luận, mở rộng vấn đề

a. Tại sao nên chọn cách sống như “bông hoa sen”?

– Cuộc sống rất quý giá nhưng lại ngắn ngủi, và chỉ đến duy nhất một lần. Ta phải sống thế nào cho xứng đáng, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những tháng năm đã sống hoài, sống phí. Ta cần có một trái tim đầy nhiệt huyết để sống hết mình, để cảm nhận từng hơi thở trong khoảnh khắc của đời mình.

– Đã là con người thì cần phải có ước mơ, lý tưởng và khát khao thực hiện những điều đó. Tuy nhiên, cuộc sống luôn ẩn chứa những khó khăn, thử thách và những điều tốt đẹp không bỗng dưng mà có. Thay vì để khó khăn đánh bại, ta hãy đón nhận chúng như một cơ hội để rèn luyện bản lĩnh của chính mình, để ta thêm trưởng thành.

– Khi ta chọn làm “bông hoa sen nở trong ánh mặt trời” đó là lúc ta sống hết mình và cống hiến hết mình. Ta sẽ có cơ hội được toả sáng, được khẳng định, lưu lại dấu chân trên con đường đã đi và tận hưởng những điều tuyệt diệu mà cuộc sống mang lại. Đó cũng chính là cách khiến cuộc sống của ta thêm ý nghĩa và trở nên có ích. Đó mới là cuộc sống đích thực của con người.

b. Tại sao không nên chọn cách sống như “nụ búp”?

– Nếu ta không dám đối mặt trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống vì ta sợ sai lầm, sợ sẽ thất bại, sợ bị cười chê… để rồi mãi mãi ta sống trong vỏ bọc hèn nhát của mình. Đó là lối sống mòn, sống thừa, sống vô ích mà không được ai biết đến. Một “cuộc sống đang mòn ra, đang rỉ đi, đang nổi váng.”

– Cuộc sống không mục tiêu, ước mơ, hoài bão thật vô vị. Sống như thế thực chất chỉ là tồn sự tại mà thôi, là chết ngay cả khi đang sống.

c. Nâng cao

– Liệu có phải lúc nào ta cũng sống hết mình? Nếu cứ hết mình như thế sẽ có lúc ta kiệt sức. Vậy ta cần phải biết lượng sức mình, không phải lúc nào cũng nên lao về phía trước. Để đối mặt với mọi thử thách trên đường đời trước tiên ta phải trân trọng chính bản thân ta. Đừng nôn nóng theo đuổi mục đích mà quên mất bản thân mình.

– Có những phút giây ta nên thu mình lại khi đã cảm thấy mỏi mệt. Khi ấy không phải ta đang hèn nhát, chỉ là ta đang tìm kiếm chút bình yên cho tâm hồn, tìm được lại ý chí, lòng quyết tâm để tiếp tục tiến lên phía trước.