Vài năm gần đây, các nước phương Tây nói nhiều về “Hội chứng rung lắc ở trẻ em”. Theo Trung tâm Quốc gia về hội chứng rung lắc trẻ em ước tính, ở Hoa kỳ có khoảng 1200 – 1400 trẻ bị hội chứng này mỗi năm và 25% số trẻ này tử vong vì những tổn thương do hội chứng này gây ra.

*

1.Hội chứng rung lắc ở trẻ em là bệnh gì?

   Hội chứng rung lắc ở trẻ còn được gọi là chấn thương đầu do ngược đãi, hội chứng rung động do va chạm, chấn thương sọ não gây ra do sang chấn là một chấn thương nghiêm trọng cho não do rung lắc mạnh trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi.

   Đây là một hội chứng gây ra bởi tình trạng lắc quá mạnh ở trẻ nhỏ, dẫn đến chảy máu não và mắt, cuối cùng để lại những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài như: mù, chậm phát triển trí tuệ, yếu liệt cơ, động kinh…và có thể tử vong. Bạn có thể tưởng tượng hội chứng này ở trẻ em tương tự như chấn thương sọ não do tai nạn xe ở người lớn!

   Hội chứng rung lắc ở trẻ làm phá hủy các tế bào não và cản trở não nhận đủ oxy. Hội chứng rung lắc là một hình thức lạm dụng trẻ em có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong.

  Hội chứng rung lắc ở trẻ em thường xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 2 – 4 tháng tuổi, tuy nhiên hội chứng này cũng đã được ghi nhận xảy ra ở trẻ đến 5 tuổi.

*

  Hội chứng này nguy hiểm và thường gặp nhưng lại rất khó để phát hiện vì những biểu hiện đa dạng và dễ nhầm lẫn trong những bệnh lý khác. Vì vậy quan trọng nhất là các biện pháp phòng ngừa để trẻ không bị hội chứng trên.

2.Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng rung lắc ở trẻ là gì?

Các triệu chứng phổ biến của hội chứng rung lắc ở trẻ là:

•Khó chịu hay cáu gắt cực độ

•Khó giữ tỉnh táo, li bì , lơ mơ

•Các vấn đề thở: thở mệt, ngưng thở

•Bú kém, bỏ bú

•Nôn ói nhiều

•Da tái hoặc da xanh nhạt

•Co giật, gồng chi

•Liệt

•Hôn mê

  Có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu chấn thương thể chất trên cơ thể bên ngoài của trẻ. Đôi khi, trẻ có khuôn mặt thâm tím. Các chấn thương có thể không được nhìn thấy ngay lập tức bao gồm chảy máu trong não và mắt, tổn thương tủy sống và gãy xương sườn, xương sọ, xương chân và các xương khác. Nhiều trẻ em bị hội chứng này có các dấu hiệu và triệu chứng bị lạm dụng từ trước.

  Trong những trường hợp nhẹ của hội chứng rung lắc ở trẻ, trẻ có thể biểu hiện bình thường sau khi bị sang chấn mạnh, nhưng theo thời gian người đó có thể phát triển các vấn đề về sức khỏe hoặc hành vi.

3.Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra hội chứng rung lắc ở trẻ?

  Nguyên nhân dẫn đến hội chứng này thường là do rung lắc quá mạnh nhằm dỗ cho trẻ bớt khóc, thói quen đưa võng, lắc nôi ru trẻ ngủ, hoặc những động tác đơn giản khi chơi đùa với trẻ như: nhồi, xốc, tung cao trẻ, bồng trẻ đưa lên đưa xuống nhanh, ẵm trẻ đưa lên cao làm máy bay… Trẻ nhỏ do não còn phát triển nên luôn có một khoảng trống giữa não và hộp sọ cộng thêm cổ còn yếu, khó giữ vững đầu nên khi bị rung lắc nhanh và mạnh sẽ gây nên những tổn thương cho não. Trẻ có thể bị nguy hiểm dù chỉ với 5 giây rung lắc.

*

Đưa trẻ lên cao làm máy bay

*

Hành động tung hứng trẻ

4. Phòng ngừa hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh bằng cách nào?

  Hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Chăm sóc trẻ sơ sinh là một vấn đề gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là đối với cha mẹ có con đầu lòng. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là không bao giờ được lắc, ném hoặc đánh trẻ.

• Nếu bạn thấy bực bội với trẻ, hãy đặt em bé vào nôi hoặc một nơi an toàn khác. Sau đó, rời khỏi phòng đi ra ngoài và quay lại kiểm tra sau 5 – 10 phút hoặc yêu cầu người khác giúp đỡ cho đến khi bạn bình tĩnh lại. Hãy dành thời gian để trẻ khóc một mình với điều kiện đảm bảo trẻ được an toàn.

*

Hội chứng rung lắc ở trẻ hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Nếu bạn cảm thấy trẻ khóc quá nhiều và bạn không thể dỗ dành trẻ, hãy nhờ người thân để được hỗ trợ chăm sóc trẻ. Hoặc có thể đưa trẻ đến khám bác sĩ để kiểm tra liệu có bệnh lí nào khiến trẻ khóc.

  Đừng bế con trong lúc cãi vã hay đánh nhau.

  Đừng để con bạn với người có thể tức giận hoặc nguy cơ xuất hiện hành vi bạo lực.

  Không bao giờ để trẻ với người chăm sóc, bạn bè hoặc thành viên gia đình mà bạn không tin tưởng hoàn toàn.

Dưới đây là một số gợi ý:

•Không lắc trẻ kể cả khi vui đùa hay giận dữ

•Khi di chuyển trẻ, giữ cổ ở tư thế cố định

•Khi trẻ khóc nhiều, tìm nguyên nhân thường gặp như: trẻ đói – no, nóng – lạnh, mắc tiêu – tiểu, quần áo chật – đái ướt, buồn ngủ, bị đau do muỗi hay kiến cắn…

•Khi trẻ khóc, các bậc cha mẹ và người chăm sóc cần bình tĩnh, không nên nóng giận, không đánh trẻ,không đuôc ru ngủ trẻ bằng cách lắc võng mạnh.

•Bạn hãy nhớ: khóc là một hoạt động bình thường ở trẻ, trẻ thường khóc nhiều hơn trong vài tháng đầu sau sanh nhưng tình trạng này sẽ cải thiện sau 4 tháng tuổi

•Giáo dục người giữ trẻ, đừng bao giờ nóng giận và ru lắc trẻ mạnh

Hội chứng lắc ở trẻ em tuy nguy hiểm, phổ biến nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được.