Nhằm giúp các em học sinh lớp 9 được ôn tập tốt hơn, Ban truyền thông đã phối hợp cùng các thầy cô giáo và một số bạn học sinh để đăng tải những nội dung ôn tập của các môn thi vào 10 THPT trên trang web. Và nội dung chia sẻ hôm nay sẽ là chia sẻ của tác phầm "NÓI VỚI CON". Chúc các em ôn tập tốt! 

 

SƠ ĐỒ TƯ DUY VÀ BÀI TẬP VẬN DỤNG

CỦA VĂN BẢN “ NÓI VỚI CON” ( Y PHƯƠNG)

SƠ ĐỒ TƯ DUY

*

BÀI TẬP VẬN DỤNG

ĐỀ SỐ 1:

Nói với con của Y Phương giống như một bức tranh thổ cẩm đan dệt những màu sắc khác nhau, phong phú và đa dạng, nhưng trong đó sắc màu chủ đạo, âm điệu chính là bản sắc dân tộc rất đậm nét và độc đáo, 

Câu 1.

Bạn đang xem: Bài thơ nói với con y phương

Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ,

Câu 2. Trong đoạn thơ đầu, với bao yêu thương, trìu mến, nhà thơ viết: 

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời. 

(Trích Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)

a. Chỉ ra một thành phần biệt lập có trong câu đầu của đoạn thơ trên. Gọi tên thành phần biệt lập đó.

b. Trong bài thơ, có một câu thơ khác lặp lại câu đầu đoạn thơ trên nhưng không phải là sự lập lại hoàn toàn. Đó là câu thơ nào? Chỉ rõ sự thay đổi của hai câu thơ và cho biết ý nghĩa của sự thay đổi đó.

c. Viết đoạn văn theo phép lập luận diễn dịch (khoảng 12 câu) trình bày cảm nhận của em về cội nguồn sinh dưỡng cha nói với con trong đoạn thơ trên. Đoạn văn có sử dụng một khởi ngữ và một phép thể (gạch chân và chú thích rõ).

Câu 3. Câu thơ Sống như sông như suối trong bài thơ này gợi cho em nhớ tới những câu thơ nào cũng nói về lối sống hồn nhiên, vô tư, trong sáng, gần gũi của con người với thiên nhiên mà em đã được học trong Chương trình Ngữ văn 9? Chép lại chính xác những câu thơ đó và cho biết những câu thơ đó năm trong bài thơ nào, tác giả là ai?

GỢI Ý

Câu 1: Hoàn cảnh sáng tác: Năm 1980, 5 năm sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, khi đất nước còn nhiều khó khăn... 

Câu 2: a/ Xác định đúng thành phần biệt lập : “ơi”

- Gọi đúng tên thành phần biệt lập: gọi đáp

b/ Xác định đúng câu thơ: Người đồng mình thương lắm con ơi

 - Chỉ rõ sự thay đổi thay từ “yêu”bằng từ “thương”.

 - Ý nghĩa:

+ Yêu: Thể hiện tình cảm chân thành, gắn bó, trân trọng, tình yêu, niềm tự hào sâu sắc về người đồng mình... 

+ Thương: Thể hiện niềm thương cảm, sẻ chia với cuộc sống còn nhiều vất vả, khó nhọc của người đồng mình...

-> Tuy sắc thái biểu đạt khác nhau nhưng đều thể hiện tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim tha thiết. Từ tình cảm chân thành đó, người đồng mình đến với nhau, gần gũi và sẻ chia, yêu thương và trân trọng.

c/ *Hình thức: Đúng hình thức đoạn văn diễn dịch, đủ số câu, diễn đạt lưu loát, có lí lẽ dẫn chứng thuyết phục, liên kết chặt chẽ, không mắc lỗi thông thường.

- Ngữ pháp: sử dụng và xác định đúng khởi ngữ và phép thế.

*Nội dung: Học sinh có những cách trình bày khác nhau, về cơ bản cảm nhận được cùng với gia đình, quê hương chính là cội nguồn sinh dưỡng của con:

- Con lớn lên trong cuộc sống lao động, trong tình yêu thương của người đồng minh (3 câu đầu): cách gọi giản dị, mộc mạc, độc đáo “người đồng mình”, hình ảnh thơ giàu sức gợi (Đan lờ cài nan hoa/ vách nhà ken câu hát), từ ngữ chọn lọc (động từ đan, cài, ken)...-> cái nhìn trìu mến, tình yêu, niềm tự hào sâu sắc về người đồng mình. Tình yêu gia đình, tình người bắt nguồn từ cuộc sống lao động cần cù, khéo léo, tài hoa, giàu sáng tạo; từ đời sống văn hóa phong phú, độc đáo, từ thế giới tâm hồn tinh tế, lạc quan của người đồng mình.

- Con lớn lên giữa thiên nhiên quê hương thơ mộng, nghĩa tình (2 câu sau): Biện pháp nhân hóa (rừng cho hoa con đường cho tấm lòng), điệp từ (cho)...-> rừng núi quê hương rộng mở, hào phóng ban tặng cho con. người những gì đẹp đẽ, tinh túy, thơ mộng, lãng mạn nhất; cho con người niềm vui, hạnh phúc, sự gắn kết yêu thương, nuôi dưỡng chở che con người cả tâm hồn và lối sống. .

-> Quê hương, qua lao động, bằng văn hóa đã nuôi dưỡng, chở che, giúp con khôn lớn, trưởng thành.

- Lời tâm sự với con về kỉ niệm êm đềm, hạnh phúc nhất của cha mẹ, cũng là cội nguồn sinh thành nên con (2 câu cuối đoạn): Con ra đời từ tình yêu của cha mẹ, từ tình cảm rộng lớn của quê hương. Quê hương đã che chở, cho con nghĩa tình ngay từ khi con cất tiếng khóc chào đời. . 

-> Đoạn thơ là lời dặn dò, nhắn nhủ tâm tình của người cha về cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng con: cùng với gia đình, quê hương 

chính là nền tảng cơ bản để tiếp bước cho con khôn lớn, trưởng thành. Bởi vậy, cha mong con phải luôn sống bằng tình yêu và niềm tự hào về quê hương, mong con luôn trân trọng quê hương và sống xứng đáng với tình yêu thương đó.

*Lưu ý: Nếu học sinh chi diễn xuôi thơ mà không khai thác nghệ thuật thì chưa đạt được điểm tối đa.

Câu 3:- Chép đúng 2 câu thơ : Trần trụi với thiên nhiên/ Hồn nhiên như cây cỏ

- Nêu đúng tên bài thơ : Ánh trăng

- Nêu đúng tên tác giả : Nguyễn Duy

ĐỀ SỐ 2:

Đọc đoạn thơ sau:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời

a. Nhân vật trữ tình của đoạn thơ trên là ai? Nêu nội dung chính của đoạn thơ này.

b. Hai câu thơ dưới đây sử dụng nghệ thuật nào? Nêu nội dung của việc sử dụng nghệ thuật đó?

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

c. Trong chương trình Ngữ văn 9 lớp có tác phẩm nào cùng chủ đề với bài thơ “ Nói với con” hãy ghi lại tên tác giả, tác phẩm.

d. Viết đoạn văn tổng hợp - phân tích- tổng hợp khoảng 10 câu lảm rõ lời nhắn nhủ của người cha trong khổ thơ trên. Trong đoạn có sử dụng thành phần biệt lập phụ chú, câu phủ định ( chỉ rõ)

GỢI Ý:

Nhân vật trữ tình trong đoạn văn trên là người chaNêu nội dung chính của đoạn thơ: Cha nói với con về cội nguồn sinh dưỡng của con: con lớn lên trong tình yêu của gia đình, quê hương.Nghệ thuật:

+ Ẩn dụ - nhân hóa)

+ Sử dụng các động từ

Tác dụng:

+ Hình ảnh ẩn dụ “ đan lờ cài nan hoa” “ Vách nhà ken câu hát” : Cuộc sống vui tươi, lạc quan , lao động cần cù, từ động tác mềm mại, khéo léo của bàn tay những chàng trai, cô gái Tày, nan tre trở thành những bông hoa đẹp.

+ Các động từ : “ cài” “ đan” vừa miêu tả chính xác các động tác khéo léo trong lao động vừa gợi sự gắn bó, quấn quýt của những con người quê hương trong cuộc sống lao động.

Kể tên đúng tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 có cùng chủ đề tình cảm gia đình, tình yêu quê hương. Gợi ý các văn bản: Chiếc lược ngà, Mây và sóng, Làng…Hình thức: Đoạn văn Tổng – phân – hợp đảm bảo đủ dung lượng số câu, diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.Sử dụng hợp lý, hiệu quả yêu cầu Tiếng Việt: câu phủ định và thành phần phụ chú.

Nội dung:

Con sinh ra trong tình yêu thương, sự nâng đón của cha mẹ

+ Nhịp thơ 2/3 cấu trúc đối xứng, nhiều từ được láy lại, tạo ra một âm điệu vui tươi, quấn quýt; “ chân phải” “chân trái” rồi “ một bước “ hai bước” rồi lại “ tiếng cười” “ tiếng nói”

+ Bằng những hình ảnh cụ thể, giàu chất thơ kết hợp với nét độc đáo trong tư duy, cách diễn đạt của người miền núi, bốn câu thơ mở ra khung cảnh một gia đình ấm cúng, đầy ắp niềm vui, đầy ắp tiếng cười.

Con người trưởng thành trong cuộc sống lao động nghĩa tình của quê hương.

+ Cách gọi “ người đồng mình” , cái “ yêu lắm” cùng với hô ngữ “ con ơi” khiến lời thơ trở nên tha thiết, trìu mến thể hiện tình yêu quê hương…

+ Quê hương hiện ra qua những hình ảnh người đồng mình đáng yêu, đáng quý khéo léo, cần cù lao động và tươi vui, gắn bó, quấn quýt.

+ Quê hương với thiên nhiên thơ mộng, nghĩa tình đã nuôi dưỡng con cả về lối sống tâm hồn.

 

ĐỀ SỐ 3:

Trong bài thơ Nói với con, Y Phương có viết:

"Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc"

1. Ngôn từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ trên có gì đặc sắc?

2. Từ "thương" trong câu thơ "Người đồng mình thương lắm con ơi" có sắc thái biểu cảm như thế nào?

3. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ điệp ngữ đã được tác giả sử dụng trong đoạn thơ.

4. Viết đoạn văn (khoảng 10 câu) theo cách lập luận diễn dịch để làm rõ những mong muốn của người cha đối với con được gửi gắm trong đoạn thơ trên. Trong đoạn văn có sử dụng khởi ngữ (gạch chân khởi ngữ).

GỢI Ý:

 

1. Đoạn thơ được tác giả viết bằng ngôn từ giản dị, giàu hình ảnh, chân thành như lời nói hàng ngày của người miền núi, sức truyền cảm được tăng lên bởi các biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng hài hòa.

2. Từ "thương" thể hiện sự đồng cảm, chân thành...

Biện pháp tu từ điệp ngữ có:

3. - Điệp từ: "sống"

- Điệp cấu trúc câu: "Sống... không chê..."

Tác dụng: Góp phần nhấn mạnh, khẳng định bản lĩnh, thái độ sống: nghị lực phi thường, ân nghĩa thủy chung, hồn nhiên phóng khoáng...

4. Đoạn văn:

* Yêu cầu hình thức, Tiếng Việt:

- Viết đúng kiểu đoạn (diễn dịch), đảm bảo số câu theo yêu cầu của đề.

- Có sử dụng khởi ngữ và chú thích rõ ràng.

* Yêu cầu nội dung: học sinh có thể có những cảm nhận khác nhau nhưng cần đảm bảo một số ý cơ bản sau:

- Bằng tình cảm chân thành, tha thiết, người cha mong con:

+ Biết yêu thương, tự hào về những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình.

+ Biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn, gian khổ.

- Phân tích tín hiệu nghệ thuật: Nghệ thuật đối, điệp ngữ, phép ẩn dụ, rút gọn câu... góp phần làm nổi bật cảm xúc, khát khao cháy bỏng của ngươi cha...

Xem thêm: Top 10 Bài Văn Tả Con Chó Nhà Em Lớp 4 : Tả Con Chó Nuôi Trong Nhà

 

ĐỀ SỐ 4:

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

"Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai bé nhỏ đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục".

("Nói với con" – Y Phương)

Câu 1: Theo em, "Người đồng mình" được nói đến trong đoạn thơ trên là ai?

Câu 2: Nêu hoàn cảnh đất nước ta thời điểm Y Phương sáng tác bài thơ "Nói với con".

Câu 3: Hãy viết một đoạn văn theo cách lập luận quy nạp (khoảng 15 câu), trình bày suy nghĩ, cảm nhận của em về đoạn thơ được trích dẫn ở trên để thấy niềm tự hào của người cha trong lời nói với con về sức sống và vẻ đẹp phẩm chất của "người đồng mình". Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất 1 câu bị động và 1 thành phần biệt lập phụ chú. (Chú ý gạch 1 gạch dưới câu bị động và gạch 2 gạch dưới thành phần biệt lập phụ chú để xác định).

Câu 4: Từ đoạn thơ trên, em nhận thấy thế hệ trẻ chúng ta cần có ý thức trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam trong thời kì hội nhập hiện nay? (Trình bày ý kiến của em bằng một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi).

GỢI Ý:

 

Câu 1: “Người đồng mình”: là người vùng mình, người miền mình, hay người cùng trên một miền đất, cùng quê hương, cùng dân tộc.

Câu 2: Hoàn cảnh cảnh đất nước ta thời điểm Y Phương sáng tác bài thơ “Nói với con”:

- Sáng tác năm 1980.

- Sau ngày thống nhất, đất nước ta tiếp tục bị kẻ thù gây chiến: chiến tranh Biên giới Tây Nam; chiến tranh Biên giới phía Bắc; Mĩ tiến hành bao vây cấm vận nên tình hình nước ta gặp nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân vô cùng cơ cực gian nan…

Câu 3: Viết đoạn văn:

* Hình thức:

- Đoạn quy nạp gồm 15 câu. (0.5điểm)

- Thành phần biệt lập phụ chú (0.5điểm)

- Câu bị động (0.5điểm)

* Nội dung: Lời dặn dò của người cha với con về lẽ sống và đạo lí với quê hương.

- Phân tích những câu thơ tự do có cách diễn đạt chân thật, mạnh mẽ, trong sáng, tư duy giàu hình ảnh (ẩn dụ…)

+ Quê hương và cuộc sống bao gian nan thử thách nhưng con người vẫn sống với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ… (0.75điểm)

+ Thái độ sống: con phải chấp nhận, trân trọng và thủy chung với quê hương, sống lạc quan, hồn nhiên, cần cù lao động để tạo dựng cuộc sống ấm no… (0.75điểm)

+ Kế thừa, phát huy và lưu giữ những giá trị văn hóa… bằng cả niềm tự tôn dân tộc và ý thức bảo vệ cội nguồn để giữ trọn vẹn mảnh đất, biên cương của Tổ quốc cho muôn đời sau… (1điểm)

(Chú ý: HS có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng thể hiện được kiến thức cơ bản

-> GV cho điểm tối đa).

Câu 4: * Hình thức: Đoạn văn nghị luận XH khoảng 2/3 trang giấy thi.

* Nội dung: HS cần nêu được những ý cơ bản sau:

- Nêu rõ luận điểm (vấn đề đặt ra ở đề bài).

- Giải thích “bản sắc văn hóa” là gì?

- Tại sao phải giữ gìn “bản sắc văn hóa”?

- Làm thế nào để giữ được bản sắc văn hóa dân tộc (nhận thức và hành động):

+ Nhà nước và các tổ chức xã hội?

+ Cá nhân mỗi người Việt Nam, đặc biệt với mỗi bạn trẻ?

 

ĐỀ SỐ 5:

Cho đoạn thơ sau:

"Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát"

1. Đoạn thơ trên nằm trong tác phẩm nào? Của ai? Nêu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm đó?

2. Hai câu thơ: "Đan lờ cài nan hoa – Vách nhà ken câu hát" sử dụng biện pháp tu từ gì? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó?

3. "Nói với con" là bài thơ hay của Y Phương. Em hãy giới thiệu khoảng nửa trang giấy thi về tác phẩm này.

4. Lòng hiếu thảo là một trong những đức tính tốt đẹp của con người. Hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về đức tính trên.

GỢI Ý:

 

1. - Đoạn thơ nằm trong bài thơ ""Nói với con"" của Y Phương.

- Hoàn cảnh ra đời : Bài thơ được viết năm 1980.

+ Sau ngày thống nhất, đất nước ta tiếp tục bị kẻ thù gây chiến: chiến tranh Biên giới Tây Nam; chiến tranh Biên giới phía Bắc; Mĩ tiến hành bao vây cấm vận nên tình hình nước ta gặp nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân vô cùng cơ cực gian nan…

+ Bài thơ được viết sau khi đứa con gái đầu lòng của nhà thơ ra đời. Bài thơ là lời tâm sự của nhà thơ với con, qua đó bộc lộ niềm tin tưởng, tự hào về đất nước, dân tộc.

 

2. - Hai câu thơ sử dụng BPTT ẩn dụ.

- Tác dụng:

+ Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời thơ.

+ BPTT ẩn dụ ở câu thơ ""Đan lờ cài nan hoa"" gợi vẻ đẹp của người đồng mình trong công việc. Họ không chỉ cần cù, chăm chỉ lao động mà còn tài hoa, khéo léo, như gửi cả tâm hồn vào những việc làm, những sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày của họ.

+ BPTT ẩn dụ ở câu thơ ""Vách nhà ken câu hát"" gợi tả cuộc sống lao động của “người đồng mình” luôn tràn ngập niềm vui.

3. Học sinh phải đảm bảo được các vấn đề sau:

a. Về kĩ năng: đây là đoạn theo kiểu thuyết minh để cung cấp tri thức khách quan cho người đọc.

b. Về kiến thức: Học sinh cần giới thiệu các ý sau:

- Giới thiệu về hoàn cảnh ra đời.

- Giới thiệu về bố cục: 2 phần.

- Giới thiệu được về nội dung khái quát của từng phần.

- Giới thiệu về nghệ thuật của bài thơ.

(Chú ý HS có thể giới thiệu lồng ghép 3 ý cuối vào nhau vẫn cho điểm miễn là chính xác.)

 

4. a. Học sinh xác định đúng: Đây là vấn đề nghị luận xã hội thuộc khía cạnh tư tưởng đạo lí.

b. Học sinh cần làm theo cấu trúc sau:

* Về hình thức: Đây là đoạn văn nghị luận, tự chọn kiểu lập luận, độ dài vừa phải, hành văn mượt mà, …

* Về nội dung:

- Giải thích được thế nào là lòng hiếu: là lòng biết ơn, là việc làm có nghĩa của con cái, của người bề dưới cung kính tôn trọng người bề trên, phụng dưỡng cha mẹ.

- Biểu hiện: Vâng lời cha mẹ, chăm ngoan học giỏi, khi cha mẹ già yếu thì phụng dưỡng, thuốc thang, làm cho cha mẹ vui lòng …

- Tại sao con người ta phải hiếu thảo:

+ Đây là truyền thống ngàn đời của dân tộc ta

+ Đây là trách nghiệm, nghĩa vụ của con cái với cha mẹ

+ Lòng hiếu thảo giúp gắn kết các thế hệ trong gia đình, làm cho con cái trưởng thành hơn

+ Người có lòng hiếu thảo sẽ được người khác ngưỡng mộ, kính trọng, …

- Biện pháp:

+ Rèn luyện bổn phận của người làm con

+ Biết yêu thương, chia sẻ

+ Chăm chỉ học tập để đạt kết quả cao, …

- Bài học rút ra:

+ Con cái phải luôn hiếu nghĩa với ông bà, bố mẹ, người bề trên

+ Cần biết lên án, phê phán phán những kẻ đi ngược lại đạo hiếu của con người như bỏ rơi cha mẹ, đánh đập, đối xử tàn nhẫn với cha mẹ, quên ông bà tổ tiên, …