"Hạnh phúc nhất là có đôi có cặp, mình đã từng như vậy. Đôi khi hoàn cảnh xảy ra những bất hạnh không mong muốn”, hoa hậu Nguyễn Thiên Ngachia sẻ.


*

Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga sau 22 năm đăng quang
Ảnh TL

Điều gì đã giúp chị thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực?

Đó là suy nghĩ cho người khác. Mình có khổ, nhưng nếu mình muốn hy sinh cho người khác, mình sẽ không nghĩ tới mình nữa, chỉ nghĩ tới người mình thương thôi. Người đó là quan trọng và mình muốn người đó được vui vẻ. Với tôi thì đó là con trai.

Chị có thường đưa con về Việt Nam?

Cháu thích về Việt Nam lắm, khen đồ ăn Việt Nam ngon. Cháu thích cuộc sống gia đình ở đây, mọi người chăm lo, thăm hỏi. Con trai tôi giống như một khuôn đúc với ba, từ ngoại hình đến tính cách. Cháu có tính cách mạnh mẽ, kiên định, như mình đã quyết đi con đường nào rồi thì sẽ đi theo con đường đó, dù có khó khăn thế nào.

Khi nhìn thấy con giống ba, tôi thấy như được an ủi.

Đã có lúc nào chị mong muốn có một bờ vai để dựa khi mệt mỏi?


\n

Hạnh phúc nhất là có đôi có cặp, tôi đã từng như vậy. Đôi khi hoàn cảnh xảy ra với những bất hạnh không như mong muốn. Mình phải có trách nhiệm vì đứa con vẫn còn nhỏ, con mới có 13 tuổi thôi. Con cần tôi. Tôi coi con là quan trọng nhất trên đời. Những chuyện khác tôi chưa nghĩ tới, và hãy cứ để cho mọi việc tùy duyên.

“Tôi nghĩ, có thể mình là người cho đi được định sẵn”

Công việc hiện tại của chị ở Mỹ như thế nào?

Tôi học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh. Bây giờ, tôi làm cố vấn kinh doanh Trung tâm Phát triển kinh tế tại thung lũng điện tử, đồng thời, cũng làm việc trong Ban Giám đốc của Phòng Thương mại Việt - Mỹ, là tổ chức hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế trong cộng đồng.

Khi mới sang Mỹ, chị gặp khó khăn như thế nào khi thích nghi với cuộc sống mới và công việc nơi đất khách quê người?

Khi sang Mỹ, tôi và ông xã lúc đó đã là bạn bè với nhau. Anh có những kinh nghiệm trong cuộc sống, học tập chia sẻ cho tôi biết trước, nên tôi cảm thấy mọi việc tương đối dễ dàng.

Nhưng một người phụ nữ đến từ châu Á có thể khẳng định vị trí trong công việc tại Mỹ không phải là việc dễ dàng?

Tất nhiên là phải cố gắng nhiều lắm. Ngoài ngôn ngữ ra, phải học về văn hóa nữa. Mình phải phấn đấu để hòa nhập vào xã hội mới. Con mình dễ dàng rồi, vì con sinh ra và lớn lên ở đây.

Chị làm thế nào để vơi bớt nỗi nhớ nhà?

Ăn đồ ăn Việt Nam mỗi ngày, cơm, rồi phở (cười). Ở vùng tôi ở, có nhiều nhà hàng nấu đồ ăn Việt Nam rất ngon. Tôi cũng tự nấu khi mình thích ăn món nào đó, hoặc muốn tự làm món nào tốt cho sức khỏe. Tôi cũng muốn con mình hiểu biết về văn hóa Việt Nam, để sau này, mình nói chuyện con có thể hiểu. Hai người có sự thông cảm, chia sẻ với nhau.

Người ta hay nói hồng nhan đa truân, chị thấy câu câu nói này có vận vào cuộc đời mình?

Khi đã trải qua biến cố, tôi thấy cuộc đời vô thường. Tôi thường dẫn con đến chùa, để được nghe nói chuyện và hiểu hơn về nhân quả, số mệnh. Mỗi người trong cuộc đời này giống như có một mục đích được định sẵn, chẳng hạn, như mình sẽ là người cho hay mình sẽ là người nhận. Có người cả đời chỉ cần tiếp nhận, còn có những người sinh ra để là cho đi, có thể là cho gia đình, cho bạn bè.

Với mỗi vai trò được định sẵn như vậy, mình cứ vui vẻ, chấp nhận. Nếu mình là người tiếp nhận thì rất dễ dàng, còn mình là người cho đi thì đôi khi cảm thấy cuộc sống hư hao, mệt mỏi, nhưng mà đem lại niềm vui cho người khác, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, chính ra lại còn “cao” hơn cả người đón nhận.