Video Thời sự Tôi viết Thế giới Văn hóa Giải trí Thể thao Đời sống Tài chính - Kinh doanh Giới trẻ Giáo dục Công nghệ Game Sức khỏe Xe Thời trang trẻ Bạn đọc Bạn cần biết
Video Thời sự Thế giới Tài chính - Kinh doanh Đời sống Văn hóa Giải trí Giới trẻ Giáo dục Thể thao Sức khỏe Công nghệ Xe Game Thời trang trẻ Bạn đọc

Thị xã Cửa Lò của tỉnh Nghệ An được du khách khắp nơi biết đến không chỉ vì có bãi biển du lịch và nghỉ mát lý tưởng mà nơi đây còn là đầu mối cung cấp hàng điện, điện tử “second-hand” (đồ cũ) nhập lậu lớn nhất nhì cả nước. Từ ti vi, dàn máy, nồi cơm điện đến các loại hàng cao cấp, hiện đại như lò vi ba, máy lạnh, máy hút bụi, điện thoại. Nơi tập kết và phân phối chủ yếu tập trung ở phường Nghi Tân.


*

Lạc vào thế giới second-hand

Đến Cửa Lò, trên đoạn đường dẫn vào cảng, xuất hiện hàng loạt cửa hàng bày bán đồ điện, điện tử, xe đạp. Ghé một cửa hàng chuyên bán đồ điện dân dụng ven đường, anh bạn tôi nói nhỏ “xem thôi chứ đừng mua, vào làng nhiều hàng và rẻ hơn”. Theo xe anh bạn, đến địa bàn phường Nghi Tân, chúng tôi rẽ vào con hẻm dài khoảng 300m dẫn ra con lạch sát bờ biển. Ở đó, hàng second-hand nhập lậu tràn ngập.

“Làng điện tử” thuộc địa bàn khối 2 và khối 3 phường Nghi Tân, cách bãi tắm Cửa Lò chừng một cây số. Nhìn từ bên ngoài ít ai có thể nghĩ đây là chợ điện tử. Cảnh rất yên tĩnh, cửa chỉ khép hờ. Anh bạn tôi giải thích “để phòng khi có cơ quan chức năng kiểm tra”.

Dừng xe, anh bạn tôi bước vào nhà một cách rất tự nhiên. Nghe tôi tự giới thiệu là người ở huyện vừa mới mở cửa hàng, muốn hợp tác làm ăn lâu dài, chị chủ nhà dẫn tôi vào tận phòng trong để xem hàng. Nào máy lạnh, tủ lạnh, lò vi sóng, điện thoại, nồi cơm điện, ti vi, dàn máy nghe nhạc, quạt điện, máy giặt, máy sấy tóc, máy hút bụi… đủ xuất xứ, nhãn hiệu.

Từ Sony, JVC, Sharp, National xuất xứ từ Nhật đến hàng xuất xứ từ Malaysia, Indonesia, Trung Quốc… đủ cả. Điểm thu hút người mua hàng ở đây là giá rẻ, với 1 triệu đồng đã có thể mua được một chiếc ti vi hiệu Sony 21 inch hay 500.000 đồng là có thể mua được một lò vi sóng hiệu Sharp… “có bảo hành”.

Bước vào cửa hàng bán đồ điện lạnh, chiếc tủ lạnh hiệu Philips loại 240 lít có giá 1,8 triệu đồng, tôi mặc cả 1,5 triệu đồng, bà chủ nhất định không chịu. Anh bạn đi cùng nhắc tôi, ở đây không phải mặc cả như ngoài chợ trời, nếu có giảm cũng chỉ là chút đỉnh tiền xăng.

Vòng sang con hẻm kế cạnh thuộc khối 3 phường Nghi Tân, chủ cửa hàng tự giới thiệu tên mình, đưa tấm cạc ghi rõ địa chỉ, điện thoại và câu quảng cáo “chuyên bán buôn, bán lẻ hàng Nhật... uy tín, chất lượng”. Khi biết tôi là khách mối (nhờ anh bạn đi cùng giới thiệu) bà chủ đon đả đưa chúng tôi vào căn phòng chất đầy bao tải và giới thiệu, đó là hàng mới chuyển về chưa kịp tháo ra. “Nếu mua sỉ theo bao tải giá càng rẻ”.

Lấy cớ đi tìm thêm một số mặt hàng khác, chúng tôi tiếp tục ghé vào một hộ dành riêng khoảng sân và phần nhà phía sau làm nơi tập kết, lắp ráp và tân trang xe đạp Nhật cũ. Bà chủ còn rỉ tai: em cố gắng dắt khách vào mua, chị bồi dưỡng em tiền uống nước. Tôi hỏi: “Bao nhiêu?”. “Tùy khách, tùy hàng từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng”.

Hàng cũ cũng bị lừa

*
Một cửa hàng bán điện thoại và lò vi sóng cũ tại Cửa Lò

Đánh vào tâm lý khách hàng thường cho rằng hàng “cũ giá rẻ, luộc làm gì”, nên nhiều người đã mắc lừa “vỏ thiệt ruột dỏm”. Anh bạn chỉ cho tôi xem chữ “made in China” ghi trên một số phụ tùng ở chiếc xe đạp mà chủ quán vừa giới thiệu “đồ Nhật 100%”, tôi té ngửa. Sự đánh tráo này đối với đồ điện và điện tử càng khó phát hiện hơn. Thường thì ti vi bị đổi đèn hình; tủ lạnh, máy lạnh bị thay dàn lạnh; máy sấy tóc, máy hút bụi bị thay mô-tơ…

Chiếc ti vi 21 inch có giá 1 triệu đồng, anh bạn tôi khẳng định đèn hình đã bị thay, biết không lừa được nên chủ cửa hàng xuống giọng “bớt anh 300.000 đồng”. Lạc vào đây khách hàng choáng ngợp trước sự đa dạng của hàng cũ nên khó mà phân biệt ra thật giả. Biết thế nhưng người khắp nơi vẫn nườm nượp tới mua, nhất là dân buôn đến mua sỉ về tân trang bán lại.

Điểm chung nhất của các hộ buôn bán hàng lậu ở đây là hàng được bày bán công khai nhưng không biển quảng cáo, bảng hiệu và… không chèo kéo khách. Khách có thể vào tận phòng riêng lựa chọn hàng “vừa xuống tàu” hoặc hàng đã ráp, tân trang. Thích thì mua, không thích thì thôi.

Trước đây hàng được chở về tận nơi bằng tàu lớn nhưng nay phải đậu ngoài khơi, thuê các tàu nhỏ của “cửu vạn” để đưa vào bờ tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Thường thì 3-4 gia đình chung tiền mua một lô hàng đã chia từ trước, cũng có khi chủ hàng gom mua về rồi bán lại. Ở đây chỉ vài chục triệu đồng là có thể mở một cửa hàng bán đồ điện, điện tử.

Và thật hú hồn khi tôi đang trả tiền mua bộ điện thoại bàn, có người phát hiện ra tôi mang theo máy ảnh. Các hộ kinh doanh ở đây hô hào ùn ùn kéo đến, buộc tôi phải giao máy ảnh cho họ. Tôi lập tức bung chiếc card (thiết bị lưu ảnh) ra ngoài, thế nhưng họ vẫn giữ lại máy ảnh sau đó đưa ra tiệm ảnh để kiểm tra và… đòi đập máy ảnh với lý do xâm nhập địa bàn, mang máy ảnh mà… không báo cáo (?!).

Cũng may sau khi nghe giải thích chúng tôi là khách đi mua hàng (mà chúng tôi mua nhiều hàng thật), họ mới chịu trả máy cho về. Anh bạn tôi cho biết ở đây ngoài canh chừng cơ quan chức năng kiểm tra, những người bán hàng còn canh chừng cả nhà báo nữa. Cách đây không lâu có một tờ báo phản ánh tình hình buôn bán hàng lậu, kinh doanh không có giấy phép ở đây nên cơ quan chức năng đã kiểm tra xử phạt một số hộ.

Điều khó hiểu là dù buôn bán không phép công khai nhưng hàng lậu vẫn tồn tại ở Cửa Lò. Bây giờ, câu nói: “Đi Cửa Lò, mua hàng lậu!” dường như khá quen thuộc với những ai về Nghệ An (?!)