*
PGS. TS. BS VŨ LÊ CHUYÊN Chủ tịch Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân

Được xem là một trong những người đặt nền móng cho phẫu thuật nội soi tiết niệu ở Việt Nam, PGS. TS. BS Vũ Lê Chuyên đã dành hơn 40 năm tâm huyết để đóng góp sức mình cho Ngành Tiết niệu – Thận học nước nhà. Với vai trò Chủ tịch Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam, PGS còn cùng các đồng nghiệp trong nước tạo được tiếng vang lớn với bè bạn quốc tế thông qua các Hội nghị khoa học quy mô, các khóa đào tạo liên tục bổ ích, cùng với đó là hơn 300 bài báo cáo khoa học được công nhận. Cùng Tạp Chí Sức Khỏe trò chuyện với PGS. TS. BS Vũ Lê Chuyên để hiểu hơn về những suy nghĩ, nhận định của ông đối với ngành Tiết niệu – Thận học cũng như Y học giới tính tại Việt Nam.

1/ Cách đây hơn 20 năm, PGS là 1 trong số những người đầu tiên ủng hộ và đưa phương pháp phẫu thuật nội soi sỏi thận niệu vào BV Bình Dân, góp phần giảm tỉ lệ mổ hở từ 90-95% xuống còn khoảng 30%. Sau đó, phương pháp này được chuyển giao cho 18 cơ sở khác trong cả nước. Lúc triển khai, có gặp khó khăn gì không, thưa PGS?

*
PGS. TS. BS VŨ LÊ CHUYÊN Tu nghiệp phẫu thuật nội soi tại Pháp năm 2002

Từ năm 1996, phẫu thuật nội soi đã du nhập vào Việt Nam và đầu tiên là ở BV Bình Dân, với các ca phẫu thuật chủ yếu liên quan đến lĩnh vực ngoại bụng, ngoại tiêu hóa. Đến năm 1999, khi là Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của BV Bình Dân, tôi đã bắt đầu áp dụng biện pháp phẫu thuật nội soi cho khoa Tiết niệu. Năm 2002, sau khi trở về từ khóa học phẫu thuật nội soi tiết niệu tại Pháp, tôi đã áp dụng và triển khai không chỉ ở BV Bình Dân, mà còn đào tạo cho các cơ sở khác trên cả nước.

Lúc bấy giờ, các nước xung quanh chúng ta có những Bệnh viện mà tỷ lệ mổ hở là 0%, điển hình như Singapore. Trong khi ở Việt Nam, kỹ thuật mổ hở vẫn còn nhiều và việc thực hiện phẫu thuật nội soi còn một số khó khăn, đến từ cả 2 phía: bệnh nhân và chính Bác sĩ trong nghề. Về bệnh nhân, thường họ đến quá trễ khi sỏi đã to, có biến chứng, hoặc vẫn còn chưa tin, chưa hiểu về phẫu thuật nội soi. Ngay chính trong giới Bác sĩ lúc đó cũng chưa thực sự tin tưởng vào phương pháp này. Chúng tôi đã từng nghe những câu nói của các Thầy đi trước như: Em có 1 bao gạo và 1 cái cửa, tại sao em không mở cửa và khiêng bao gạo ra, mà phải đổ ra và đưa từng hột gạo qua cái ổ khóa để phức tạp hơn như vậy? Một câu ví von chính tôi cũng thấy chí lý. Nhưng dần dần phẫu thuật nội soi đã phát triển mạnh, trang thiết bị cũng tốt hơn, nhận được nhiều sự tin tưởng và ủng hộ hơn, cùng với đó là sự hỗ trợ tốt từ phía Bảo hiểm Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Có thể nói, để vượt qua những khó khăn ban đầu, không phải chỉ dựa vào 1 người, 1 trung tâm, 1 bệnh viện, mà đó còn là động lực từ toàn xã hội. Đầu tiên là việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, phải chẩn đoán sớm, thứ hai là ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân, thứ ba là sự phát triển về khoa học kỹ thuật và cuối cùng là sự đồng chi trả của Bảo hiểm. Tất cả đã giúp chúng ta vượt khó.

2/ Những kỹ thuật mới, ít xâm lấn, hiệu quả cao và giúp hồi phục nhanh trong điều trị Thận niệu hiện nay là những kỹ thuật nào, thưa PGS?

Từ năm 2000, với cương vị Chủ tịch Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam, tôi nhận nhiệm vụ của thầy Nguyễn Bửu Triều và thầy Trần Quán Anh, với mong muốn đưa các kỹ thuật như phẫu thuật nội soi qua da, tán sỏi nội sỏi ngược dòng LASER, nội soi ổ bụng… triển khai đi khắp nước.

*

Về phẫu thuật nội soi qua da, Bình Dân là Bệnh viện đầu tiên thực hiện loại phẫu thuật này, từ đó đã triển khai cho rất nhiều bệnh viện trong cả nước. Đến nay, không chỉ bệnh viện lớn ở TP.HCM mà các bệnh viện ở tỉnh như Nghệ An, Đà Nẵng, Đồng Nai… đều có thể thực hiện được.

*

Tiếp theo là kỹ thuật tán sỏi nội soi ngược dòng LASER. Trước đây, kỹ thuật này ít được các Bệnh viện đầu tư do Bảo hiểm y tế chưa chi trả, nhưng giờ đây, có thể thấy một bệnh viện có khoa tiết niệu mà không có tán sỏi LASER thì quả là điều hiếm. Bệnh viện huyện hay phòng khám tư nhân nhỏ cũng đều có.

*
Phẫu thuật nội soi ổ bụng

Thứ ba là phẫu thuật nội soi ổ bụng, từ những ca phẫu thuật nhỏ chúng ta đã thực hiện được nhiều ca lớn và khó hơn. Lấy sỏi là bình thường, chúng ta còn có thể cắt thành mở rộng do ung thư; cắt tuyến tiền liệt qua nội soi ổ bụng để điều trị ung thư; cắt toàn bộ bàng quang thậm chí tạo hình ruột qua nội soi thuần túy. Hầu như tất cả những phẫu thuật nào của tiết niệu thì đều có thể nội soi. Miễn là phẫu thuật viên phải được đào tạo bài bản, trang thiết bị tốt, và bệnh nhân đồng ý chi trả kinh phí.

*

3/ Đặc điểm bệnh học của VN với những bệnh liên quan đến Thận – Niệu là tỉ lệ mắc bệnh cao, bệnh lý phức tạp với nhiều biến chứng, hệ lụy nặng nề. Nguyên nhân vì sao, thưa PGS?

Bệnh tiết niệu có 8 nhóm, trong đó 2 nhóm thường gặp nhất là sỏi và ung thư. Việt Nam là vùng vành đai sỏi của thế giới, là một trong những nước có tỉ lệ bệnh sỏi nhiều nhất. Đây là yếu tố thuộc về gen, cơ địa. Bên cạnh đó, nguyên nhân khác chính là sự thờ ơ của bệnh nhân, đôi khi họ thấy chỉ cần uống nước đủ, sắc thuốc nam uống khi có sỏi… là được. Những việc này kéo dài mà không được thăm khám sớm đôi khi làm chậm cơ hội của bệnh nhân, dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề. Có nhiều bệnh nhân sỏi rất nhỏ nhưng vẫn phải cắt thận, vì chúng gây bế tắc, mất chức năng, ứ mủ, đáng tiếc nhất là suy thận phải lọc máu định kì, ghép thận…

Kế đến là nhóm ung thư. Có một đặc điểm của bệnh nhân ung thư ở Việt Nam được cụ thể rõ nét qua thống kê sau: Tỷ lệ người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt của Việt Nam chỉ bằng 1/40 ở Mỹ, nhưng tỉ lệ tử vong lại cao hơn gấp 3 lần. Những con số này nói lên điều gì? Lẽ ra bệnh nhân phải đến thăm khám thường xuyên, người trên 50 tuổi phải lo đi tầm soát. Nhưng thực tế thì sao? Chúng ta bị ung thư giai đoạn trễ nhiều, đôi khi đã tiểu ra máu rồi, lại mua vài ba viên thuốc uống là coi như xong, đến khi bướu quá lớn điều trị còn không được huống chi là phẫu thuật nội soi. Cũng chính vì vậy mà ung thư thận, ung thư đường tiết niệu ở Việt Nam ngày càng nhiều hơn, tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh nặng cũng rất cao.

Một vấn đề nữa là trong tất cả các loại bệnh lý bẩm sinh thì bệnh lý đường tiết niệu là cao nhất, sau đó mới đến thần kinh, tiêu hóa… Mặc dù chuyên khoa Niệu nhi hiện nay được đánh giá cao, nhưng họ lại phải đang phải tầm soát một số lượng bệnh nhi khá lớn. Một bệnh nhi hiện tại bị thận ứ nước bẩm sinh, tinh hoàn lệch chỗ… có thể sẽ nhận lịch hẹn mổ của Bệnh viện từ 3 đến 6 tháng. Lý do dẫn đến việc quá tải này cũng là vì cha mẹ không tầm soát bệnh cho con một cách thường xuyên. Tôi khuyên với mỗi đầu cấp học cha mẹ nên dẫn con đi siêu âm một lần, thăm khám toàn bộ ở các mốc 6, 11 và 15 tuổi, đó là độ tuổi để trẻ được tầm soát toàn diện. Chi phí siêu âm ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác, nên nếu có điều kiện, phụ huynh cần đưa trẻ đến để được tầm soát định kỳ.

*

4/ Nói một chút về bệnh lý Nam khoa, theo PGS, những vấn đề trục trặc nào thường gặp? Và liệu rằng bệnh nhân đã mạnh dạn hơn, thẳng thắn hơn khi đến gặp các Bác sĩ chưa, hay vẫn còn tâm lý ngại ngần, tìm đến những cơ sở không chính thống?

Trước đây, bệnh nhân nam khoa có thói quen tự đi điều trị theo những quảng cáo không chính thống, nhưng giờ đây thì những dạng quảng cáo ấy đã không còn, vì bệnh nhân đều đã đến các phòng khám nhiều hơn với những lý do chính như: khám tiền hôn nhân, hiếm muộn, giới tính và nhiều nhất là rối loạn tình dục, rối loạn cương dương…

Khoảng 25 năm trước, Bệnh viện Bình Dân chỉ có khoa Niệu, khi đó BS Nguyễn Văn Hiệp và tôi mới thành lập phòng khám nam khoa đầu tiên chỉ khám vào thứ 6, và phòng khám nam khoa trong một khoa tiết niệu như thế lại thu hút đông bệnh nhân hơn so một phòng khám chỉ chuyên Nam khoa. Bởi vì khi đến khám nam khoa, bệnh nhân có thể nói là tôi đi vô khám thận, tôi bị sạn thận, rất dễ để che giấu điều đó. Dần dà thì sau này bệnh nhân mới cảm thấy đỡ ngại ngùng hơn, mạnh dạn hơn. Điều này cũng nhờ thông tin từ truyền thông, Báo chí giúp đỡ rất nhiều.

*
PGS. TS. BS Vũ Lê Chuyên là Chủ tịch luân phiên Liên đoàn Niệu khoa Đông Nam Á (FAUA) 2009

5/ Lĩnh vực y học giới tính – nói chung và sức khỏe tình dục – nói riêng theo PGS, hiện nay chúng ta đang ở đâu so với thế giới?

Xét về trình độ y học giới tính và sức khỏe tình dục của Việt Nam so với thế giới thì theo tôi, chúng ta không hề thua kém! Bằng chứng là chúng ta vẫn có những bài báo cáo mang tầm quốc tế, vẫn có những bài báo đăng trên các tạp chí thế giới. Và sắp tới đây, vào cuối tháng 11, Việt Nam chúng ta chính là chủ nhà tổ chức một hội nghị quốc tế lớn về Y học giới tính ở Huế với sự tham gia của rất nhiều các Bác sĩ, chuyên gia trong và ngoài nước.

6/ Những bệnh lý liên quan đến thận là có thể kiểm soát được. Điều này nói lên điều gì cho cộng đồng, thưa PGS?

Theo thống kê, ung thư tuyến tiền liệt ở Việt Nam ít hơn thế giới, còn ung thư bàng quang phụ nữ Việt Nam gần bằng nam giới, và chỉ bằng 1/4 so với thế giới. Chỉ có sỏi thận thì nhiều hơn thế giới vì liên quan đến gen. Ngoài lý do đó, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và cố gắng phát hiện sớm các bệnh lý này bằng cách chú ý về thói quen uống nước. Phải uống nước nhiều hơn, nếu không uống đủ nước để thay đổi bộ lọc nước bên trong cơ thể thì sẽ khiến nguồn nước ấy bị ô nhiễm.

*

Với một người làm việc ở môi trường nhiệt độ cao, vận động thể thao thì nên uống nhiều nước hơn. Một số khác dành nhiều thời gian để ngồi thiền, tập yoga, không hoạt động nên không mất nước thì cũng không tốt. Ở đây, tôi không nói uống nhiều nước mà chỉ cần uống đủ nước, nếu bạn bị sỏi thận thì phải uống nhiều hơn nữa. Cơ thể con người với khoảng 60% là nước, nên việc của bạn là phải thay nước thường xuyên để thanh lọc cơ thể. Bạn có thể áp dụng công thức sau: Lấy số kg cân nặng nhân với 40 thì sẽ ra số lít nước cần thiết trong 1 ngày của 1 người cần uống. Ngoài ra, ăn nhiều món mặn như khô mắm dễ gây mất nước, tạo sạn. Bia cũng gây ra sạn vì nó là nước có gaz, tất cả nước có gaz đều dễ gây ra sạn. Tóm lại, các bệnh lý liên quan đến thận có thể kiểm soát được bằng vấn đề ăn uống và tầm soát bệnh, đến sớm thì dễ xử trí hơn so với đến trễ.

 

7/ Cả một đời gắn với khoa Tiết niệu – Thận học, điều gì làm PGS băn khoăn nhiều nhất trong việc điều trị cho bệnh nhân? Và PGS nghĩ sao về câu nói: “Nghề y không phải là nơi tìm kiếm vinh quang”?

Lúc tôi mới vào nghề, thầy của tôi nói rằng làm nghề này chẳng có vinh quang đâu, ngẫm nghĩ lại không ai trách móc mình là vui rồi. Bởi vì không thể khiến bệnh nhân nào cũng vừa lòng, mình làm bao nhiêu cũng không đủ. Bệnh nhân luôn muốn mình là Bác sĩ của riêng họ chứ không phải bác sĩ của nhiều người. Tôi còn nợ nhiều bệnh nhân dở dang không hoàn thành vì chỉ thành công được đến 80 đến 90%. Thành công càng nhiều thì nợ càng nhiều. Có những người không quan tâm đến những lời trách móc, nhưng với tôi thì có. Và cũng chưa chắc khi mình làm hết bổn phận với bệnh nhân thì không ai trách móc mình. Nên đôi khi hoàn thành hết trách nhiệm với bệnh nhân thì sẽ thiếu sót một số trách nhiệm với gia đình. Do đó, nếu nói vào ngành Y mà muốn tìm kiếm vinh quang thì phải chấp nhận hy sinh và đánh đổi rất nhiều thứ.

8/ PGS đánh giá như thế nào về những hiệu quả mang lại từ các hội nghị Tiết niệu – Thận học thường niên được tổ chức với qui mô lớn cùng các chương trình đào tạo liên tục của Hội Tiết niệu – Thận học VN thời gian qua?

Sau 2 nhiệm kỳ là Chủ tịch Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam, tôi rất tự hào khi đã tổ chức 10 Hội nghị thường niên với số Bác sĩ tham gia mỗi lần lên tới 1.500 người. Hiện nay, xu hướng các Hội lớn sẽ được chia ra thành nhiều Hội nhỏ chuyên biệt, nhưng với Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam thì khác, chúng tôi vừa Tiết niệu, vừa Thận học trên toàn quốc đã gắn liền với nhau 10 năm nay và các anh em đoàn kết vô cùng. Đặc biệt, trước mỗi Hội nghị đều có khóa đào tạo liên tục, với phái đoàn nước ngoài đến để cùng làm CME. Những lớp đào tạo liên tục như thế này chính là cơ hội để chúng tôi cùng nhau trao đổi, thảo luận về những kiến thức mới. Ví dụ như tại Hội nghị vừa qua, chúng tôi đưa việc tầm soát sinh thiết ung thư tuyến tiền liệt làm ưu tiên hàng đầu, qua trao đổi chúng tôi phát hiện ra có nhiều ung thư tuyến tiền liệt mà mình không phát hiện được như lấy sỏi qua da. Kỳ Đại hội vào tháng 11 tới đây chúng tôi chọn chủ đề là Y học giới tính, sẽ được tổ chức tại Huế, hứa hẹn cập nhật và mở ra thêm nhiều kiến thức, thông tin thú vị mới.

Ngoài ra, tôi cũng tự hào vì Hội Tiết niệu – Thận học Việt nam đã xuất bản 14 quyển Hướng dẫn điều trị, là một trong những Hội làm Hướng dẫn điều trị nhiều nhất, tất cả đều được thực hiện bởi các Bác sĩ của Hội. Có thể nói, công tác Hội chính là một trong những công việc mà tôi yêu thích nhất.

PGS. TS. BS Vũ Lê Chuyên cùng các học viên Á châu lớp nội soi tại BV Bình Dân

9/ Là tác giả của hơn 300 bài báo cáo trong các hội nghị ngoại khoa VN và thế giới, PGS đánh giá như thế nào về việc nghiên cứu khoa học trong ngành y tế VN hiện nay so với thế giới?

Điều khiến tôi băn khoăn trong việc nghiên cứu khoa học của ngành Y tế Việt Nam là đa số các báo cáo đều nói về thực hành, còn về những cái cơ bản thì rất ít. Có thể nói chúng ta còn kém về nghiên cứu cơ bản so với thế giới.

Ngay cả tôi, trong tất cả các bài tôi đăng báo ngoại quốc cũng chỉ có 3 bài là hướng về nghiên cứu cơ bản. Nói thêm là, những nghiên cứu của Việt Nam ít được đăng trên báo ngoại quốc, lý do cũng là vì nghiên cứu cơ bản của chúng ta còn chưa tốt, chưa đi sâu vào lý giả nguyên nhân và gốc rễ vấn đề. Ví dụ tại sao ung thư tuyến tiền liệt của Việt Nam tuy ít hơn thế giới nhưng số lượng tử vong lại nhiều hơn? Do đó, tôi thật sự trân trọng những người nghiên cứu sâu về dịch tễ như nhóm nghiên cứu của BS Trần Tịnh Hiền ở Bệnh viện Nhiệt đới, theo tôi đó mới là người giỏi thật sự mà tôi cần học tập, rất nhiều bài báo cáo của anh đã được đăng trên The Lancet – một tạp chí uy tín của ngành Y. 

10/ Được biết, hiện nay thế giới đã sử dụng các thiết bị hiện đại trong xét nghiệm tế bào – phân tử, trong chẩn đoán điều trị. Việt Nam thì sao, thưa PGS?

Đó chính là điều tôi muốn nói ở trên. Việt Nam rất cần nghiên cứu cơ bản, đặc biệt là y học phân tử. BV Bình Dân được đặt máy giải trình tự gen, nên chúng tôi bắt đầu nghiên cứu tại sao 2 người cùng giãn tĩnh mạch tinh như nhau mà người này bị vô sinh còn người khác không bị? Gen bị đứt gãy thế nào, tinh trùng đoạn gen bị đứt gãy ra sao? Tại sao 2 người bị ung thư tuyến tiền liệt mà 1 người uống thuốc hết, còn người kia thì không? Tất cả là do gen và trên thế giới người ta tập trung vào vấn đề đó.

Hiện nay, số Bệnh viện tại Việt Nam có giải trình tự gen vẫn còn khá ít, nhưng ở Bệnh viện Bình Dân, TS. BS Giám đốc Bệnh viện Trần Vĩnh Hưng đã mang về 1 máy giải trình tự gen để chúng tôi nghiên cứu. Cách đây 2 năm, Bệnh viện Bình Dân cũng được các chuyên gia ngoại quốc đến để hỗ trợ thêm về việc này. Tôi nghĩ đây chính là hướng đi cho tương lai. Chúng ta phải đầu tư nhiều hơn nữa về nghiên cứu cơ bản, hơn là cứ chú trọng vào việc phẫu thuật như hiện nay.