TTO - Vụ việc xảy ra đã gần tuần lễ nhưng mới được thông báo sáng nay. Người tự tử là một tướng nhiều quyền lực nhưng dính líu vào 2 tướng đã bị xử trước đó.


*

Theo hãng tin Reuters, sáng nay 28-11, Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) cho biết cựu Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị thuộc CMC, Thượng tướng Trương Dương (Zhang Yang) đã tự sát tại nhà riêng ở thủ đô Bắc Kinh.

Tướng Trương Dương tự sát hôm 23-11, sau khi nhà chức trách mở cuộc điều tra các cáo buộc ông cấu kết với 2 vị tướng quân đội phạm tội tham nhũng là Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) và Từ Tài Hậu (Xu Caihou).

Lời bình luận trong thông tin từ trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc và trang của CMC đều nói rằng hành động tự sát này nhằm "trốn tránh sự trừng phạt của Đảng và đất nước" và là cách "hành động cực kỳ đáng khinh".

Một vị tướng quyền lực

Ông Trương Dương từng giữ chức Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị thuộc CMC từ năm 2016-2017 và đây được xem là 1 trong 10 cái ghế quyền lực ở CMC. Ông cũng từng là Chính ủy Quân khu Quảng Châu (Guang Zhou).

Theo báo Telegraph của Anh, tướng Trương Dương từng là sĩ quan quân đội Trung Quốc có mặt trong cuộc trấn áp nổi dậy hồi năm 1989 gọi là sự kiện Thiên An Môn.Thượng tướng Trương Dương, sinh năm 1951, người huyện Võ Cường, tỉnh Hà Bắc.

Theo CMC, sau khi được Trung ương Đảng phê chuẩn, CMC đã kết luận ông Trương Dương vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, dính líu tới các vụ hối lộ, tham ô nhiều tài sản bất minh.

Ông Tập Cận Bình sau khi lên nắm quyền đã tích cực chỉnh đốn quân đội về cả việc thay đổi qui mô tổ chức lẫn tấn công vào nạn tham nhũng trong đội ngũ này.

Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đã trở thành ủy viên Quân ủy Trung ương vào thời điểm Giang Trạch Dân nắm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và sau này hai ông đều được thăng lên chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.


*

5 năm chống tham nhũng mạnh mẽ

Từ khi lên nắm quyền, Tổng Bí thư Tập Cận Bình từng coi tham nhũng là mối đe dọa lớn nhất mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đối mặt. Ông đã phát động chiến dịch diệt trừ tham nhũng ở các cấp mang tên "đả hổ, diệt ruồi" - triệt hạ quan tham từ cấp nhỏ cho đến cấp lớn.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX (Đại hội XIX) tháng 10 vừa qua, ông Tập nhấn mạnh rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ nỗ lực thông qua luật chống tham nhũng và thiết lập cơ chế báo cáo về tham nhũng đối với các ủy ban thanh tra kỷ luật và các cơ quan giám sát.Nghị quyết của Đại hội XIX cũng nêu rõ Đảng Cộng sản Trung Quốc cần nỗ lực toàn diện nhằm đảm bảo việc duy trì cuộc chiến chống tham nhũng.

Trong buổi họp báo tổng kết 5 năm chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình tổ chức hôm 19-10, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Hiểu Độ cho biết, kể từ Đại hội XVIII đến nay đã tiến hành lập án điều tra đối với 440 cán bộ cấp tỉnh, bộ và cán bộ thuộc quản lý của Ban Tổ chức Trung ương, trong đó có 43 Ủy viên Trung ương, Ủy viên Trung ương dự khuyết khóa XVIII, 9 người thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

Ở cấp thấp có hơn 8.900 cán bộ cấp cục, sở, và 63.000 cán bộ cấp huyện, phòng bị điều tra. Số cán bộ, đảng viên cấp cơ sở bị xử lý là 278.000 người.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng truy bắt được 3.453 cán bộ trốn chạy ra nước ngoài và 48 tội phạm thuộc diện truy nã đặc biệt.


17 Ủy viên Trung ương dính chàm

Theo các thống kê trước đó, kể từ Đại hội XVIII đến nay Trung Quốc đã lập án điều tra 17 Ủy viên Trung ương, gồm: Tôn Chính Tài, Lệnh Kế Hoạch, Hoàng Hưng Quốc, Lý Lập Quốc, Tôn Hoài Sơn, Tô Thụ Lâm, Dương Hoán Ninh, Vương Tam Vận, Hạng Tuấn Ba, Tưởng Khiết Mẫn, Lý Đông Sinh, Dương Kim Sơn, Chu Bản Thuận, Dương Đống Lương, Vương Mân, Điền Tu Tư và Vương Kiến Bình.