Hen phế quản (suyễn) là bệnh hô hấp mãn tính thường gặp nhất ở trẻ em. Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen cao gấp đôi người lớn (10% so với 5%). Riêng ở trẻ dưới 2 tuổi, tỷ lệ này laị càng cao: ước tính rằng cứ mỗi 5 đứa trẻ dưới 2 tuổi sẽ có 1 trẻ mắc bệnh hen.

Một trong những vấn đề mà các bậc cha mẹ thường quan tâm là cần phải nuôi dưỡng trẻ mắc bệnh suyễn như thế nào…

 Vấn đề dinh dưỡng ở trẻ mắc bệnh hen:

Trẻ mắc bệnh hen cũng có cùng nhu cầu dinh dưỡng giống như moị trẻ khác. Ngoại trừ một số loại thức ăn đặc biệt mà trẻ thật sự bị dị ứng mà ta cần phải tránh, không một chế độ tiết chế, ăn kiêng nào thật sự chứng tỏ là có hiệu quả. Vì vậy, kiêng ăn không phải giải pháp được các nhà chuyên môn khuyến khích trừ khi có bằng chứng dị ứng thức ăn rõ ràng. Việc cung cấp các loaị vitamin cao hơn mức nhu cầu bình thường hàng ngày cũng là việc không cần thiết.

Nếu không được điều trị tốt, hen sẽ ảnh hưởng xấu đến phát triển thể chất của trẻ: trẻ có thể bị chậm lớn, suy dinh dưỡng, lùn, biến dạng lồng ngực. Cùng với việc điều trị bệnh hen một cách hiệu quả, một chế độ dinh dưỡng tốt cũng vô cùng quan trọng và cần thiết để trẻ có thể phát triển tốt về mọi mặt .

Ngoài ra, khi trẻ phải sử dụng các thuốc phòng ngừa hen lâu dài (thường là corticoid dạng hít), ta cần chú ý cung cấp thêm calcium hoặc dùng thêm các loại thực phẩm, sữa giàu calcium để tránh biến chứng loãng xương cũng như giúp trẻ có thể phát triển tốt hơn

Ở thái cực khác, béo phì cũng có tác động xấu đến bệnh hen cuả trẻ. Thật vậy, trẻ béo phì dễ bị hen hơn và khi bị hen, bệnh cũng nặng hơn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Đối với trẻ béo phì, chỉ riêng việc giảm cân cũng có thể giúp trẻ cải thiện rõ rệt chức năng phổi, cũng như các triệu chứng của bệnh hen.

Trẻ mắc bệnh hen và vấn đề bú mẹ

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy sữa mẹ có thể có vai trò bảo vệ trẻ khỏi mắc bệnh hen. Trái với điều mà không ít bà mẹ lo ngại, bệnh hen không phải là bệnh truyền nhiễm và hoàn toàn không hề lây từ mẹ sang trẻ qua sữa mẹ. Ngược lại, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng khi mẹ mắc bệnh hen, trẻ được bú mẹ càng lâu càng sẽ có thể tránh được nguy cơ mắc bệnh hen sau này, nhất là khi trẻ được bú mẹ hoàn toàn.

Khi trẻ phải bú sữa bò, nguy cơ mắc các bệnh dị ứng nói chung và mắc bệnh hen nói riêng sẽ gia tăng đáng kể. Dị ứng sữa bò là loại dị ứng thức ăn thường gặp nhất ở trẻ em: người ta đã tìm thấy trong sữa bò có chứa ít nhất 20 thành phần protein có thể gây dị ứng.

Trẻ mắc bệnh hen cần kiêng ăn gì ?

*

Khoảng 2/3 bệnh nhân hen tin là bệnh của họ sẽ bị nặng hơn do dị ứng thức ăn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng chỉ khoảng 5% bệnh nhân là thật sự có vấn đề này.

Nếu trẻ thật sự bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó, cách tốt nhất là phải tránh chúng và nên tránh cả những loại thức ăn tương tự làm từ loại thực phẩm này. Thí dụ nếu trẻ bị dị ứng với bắp, cũng cần cảnh giác với các đồ gia vị chế biến từ bắp như nước màu, caramel, các chất keo - hồ bột dùng trong chế biến thức ăn (lecithin), đường mạch nha.

Cũng nên lưu ý đến một số loại thức ăn có thể có phản ứng dị ứng chéo với nhau. Chẳng hạn nếu trẻ dị ứng với cua, cũng nên thận trọng khi ăn tôm nước ngọt, tôm hùm, tôm nước mặn do có thể có hiện tượng phản ứng chéo này.

Các loại thức ăn thường gây dị ứng

Mặc dù bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có khả năng gây dị ứng nhưng các loại thực phẩm thường gây dị ứng nhất là :

Cá biển và các loại thuỷ sản có vỏ cứng: tôm, cua, sò, ốc

Lòng trắng trứng: lòng trắng trứng chứa 23 loại glucoprotein khác nhau – đây là các dị ứng nguyên thường gặp nhất gây dị ứng thức ăn.

Một số loại ngũ cốc, hạt quả: bột mì, đậu phộng, đậu nành. Đậu phộng chính là loại thức ăn gây dị ứng thường gặp nhất ở trẻ trên 4 tuổi.

Bột ngọt (monosodium glutamate): đây là một nguyên nhân “thầm lặng” có thể làm bệnh hen có thể trở nên trầm trọng hơn.

Các chất bảo quản, phụ gia thực phẩm : aspartame (là loại chất làm ngọt –Nutrasweet- có trong nhiều loại thưc phẩm và nước giải khát), BHA và BHT-BHA (chất chống oxy hoá thường dùng cho ngũ cốc và các chế phẩm từ ngũ cốc), muối nitrate và nitrite (thường dùng làm chất bảo quản, dậy mùi, tạo màu), các chất parabens, sulfite (để bảo quản thực phẩm)

Một số loại trái cây : chuối, thơm, dâu tây

Việc phải loại trừ một số thức ăn khỏi khẩu phần ăn của trẻ vì lý do dị ứng không hoàn toàn có nghĩa là con bạn sẽ không bao giờ có thể ăn được các món ấy trở lại. Một số thức ăn nếu dùng với lượng ít hoặc khi nấu chín có thể sẽ không gây triệu chứng gì. Và theo thời gian, một số trẻ có thể hết bị dị ứng hoàn toàn với một số loại thực phẩm. Chẳng hạn dị ứng với protein sữa bò tuy hay gặp nhưng thường chỉ thoáng qua: trẻ có thể hết dị ứng sau 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ đã từng bị phản ứng nặng, đe dọa đến tính mạng do một loại thức ăn nào đó thì bạn nên thật sự phải cảnh giác với nguy cơ tiềm tàng này. 

Tóm lại, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý là vô cùng cần thiết để trẻ mắc bệnh hen có thể phát triển toàn diện thành người hữu ích sau này.