Tràn dịch tinh mạc ở trẻ em là bệnh lý khá hay gặp ở trẻ đến khám tại CTCP BỆNH VIỆN QUỐC TẾ HOÀN MỸ , đây là một bệnh lý có thể tự chẩn đoán và điều trị không quá phức tạp. Sau đây, Bác sỹ Nguyễn Văn Thảo sẽ chia sẻ với các bậc phụ huynh một số kiến thức cơ bản về bệnh lý này để có thể phát hiện kịp thời và điều trị cho bé. 

1. Khái niệm tràn dịch tinh mạc trẻ em

Tràn dịch tinh mạc là tình trạng tích tụ quá nhiều dịch ở trong bìu, nguyên nhân do còn ống phúc tinh mạc thông từ ổ bụng xuống bìu. Phần lớn các trường hợp tràn dịch tinh mạc xuất hiện từ khi sinh ra, tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc chứng tràn dịch tinh mạc từ 1 – 2% và tự khỏi trong vài tháng sau sinh nên không cần sự can thiệp ở trẻ dưới 1 tuổi. Nhưng nếu > 1 – 2 tuổi tình trạng này vẫn còn thì chỉ cần một cuộc phẫu thuật nhỏ là có thể điều trị triệt để bệnh lý này.

*

Hình ảnh bình thường và tràn dịch tinh mạc”

2. Biểu hiện lâm sàng của tràn dịch tinh mạc trẻ em

Tràn dịch tinh mạc có thể bị ở một bên hoặc cả hai bên bìu.Bố mẹ có thể thấy một bên bìu to hơn, căng nhẵn, có thể không sờ thấy tinh hoàn trừ trường hợp tràn dịch mức độ ít. Sờ nắn trẻ thường không đau.Soi đèn có thể thấy dịch trong suốt và tinh hoàn nằm giữa khối dịch.Lớp dịch dày thường tập trung phía trước, thậm chí bao lấy tinh hoàn bên trong, khiến chúng ta không thể sờ thấy tinh hoàn. Do lớp dịch dày này trong suốt nên ánh sáng sẽ đi qua dễ dàng và chúng ta có thể dùng đèn pin để tự kiểm tra cho bé. Hoặc khi khối dịch lớn, bạn có thể nhận thấy hiện tượng mất nếp nhăn của da bìu.

*

Cách kiểm tra tràn dịch tinh mạc ở trẻ em bằng phương pháp soi đèn pin”

3. Cách điều trị tràn dịch tinh mạc ở trẻ em

Tràn dịch tinh mạc thường cải thiện và có thể tự hết mà không cần bất kỳ can thiệp nào trong năm đầu tiên. Phẫu thuật thường được tiến hành nếu tình trạng này còn kéo dài sau 1 đến 2 tuổi. Nếu trẻ bị thoát vị bẹn kèm theo thì cũng sẽ được can thiệp trong cùng cuộc phẫu thuật này. Và vì đây là phẫu thuật nhỏ nên không mất nhiều thời gian và có thể xuất viện vào ngày hôm sau.

Tràn dịch tinh mạc không ảnh hưởng tới tinh hoàn hoặc khả năng sinh sản của trẻ sau này. Tuy nhiên, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý của trẻ, và nếu có thoát vị bẹn kèm theo có thể gây nguy cơ thoát vị bẹn nghẹt, hoặc khối thoát vị chèn ép làm giảm nguồn máu cấp đến tinh hoàn gây giảm chức năng của tinh hoàn bên có kèm thoát vị. Nên khi có nghi ngờ, bạn có thể dẫn bé đến khám tại phòng khám chuyên về tiết niệu, nam học để được kiểm tra và can thiệp nếu cần thiết.