Tiểu chủng viện Làng Sông, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước là một trong 3 cơ sở in sách quốc ngữ tại Việt Nam, đây cũng là nơi lưu dấu hành trình đầu tiên của Chữ Quốc ngữ từ đầu thế kỷ 17. 


Tiểu chủng viện đậm chất kiến trúc Gothic

Tiểu chủng viện Làng Sôngnằm ở thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khoảng 20km về hướng Đông Bắc.

*
Tiểu chủng viện Làng Sông

Tiểu chủng viện có vẻ ngoài cổ kính, đậm chất kiến trúc Gothic châu Âu với những đường nét kiểu vòm nhọn và có nhiều cửa sổ. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là khuôn viên nhà thờ rộng chừng 2.000 m2 với hàng cây sao hơn 200 năm tuổi.

Phần chính diện của nhà thờ được trang trí bằng những khung ô đối xứng, các bông gió trang trí và những hoa văn họa tiết, cổng vòm nhọn quen thuộc trong lối xây dựng kiến trúc Thánh đường. Xung quanh nhà thờ là cánh đồng lúa ngút tầm mắt.Tiểu chủng viện Làng Sông đến nay vẫn giữ gần như nguyên vẹn từng nét kiến trúc ngày xưa để lại.

Cách đây gần 400 năm, Cristophoro Borri, giáo sĩ Dòng Tên người Ý đã viết trong tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621 thuật lại chuyện ông được viên quan trấn phủ Quy Nhơn đón tiếp nồng hậu, cho phép xây dựng nhà thờ để truyền đạo. Và điểm đầu tiên khi các giáo sĩ cập bến là cảng Nước Mặn (Tuy Phước, Bình Định) vào năm 1618, được một quan phủ Quy Nhơn cho phép vào giảng đạo.

Sau này, việc đi lại giao thương ở cảng Nước Mặn không thuận tiện nên cơ sở truyền giáo chuyển về Làng Sông. Khoảng năm 1862, giám mục người Pháp Stephano Cuénot cai quản giáo phận Đàng Trong giao cho linh mục Phaolô Châu coi sóc nhà thờ Làng Sông. Từ con đường giao thương thủy bắt đầu từ đầm Thị Nại, các tàu buôn ngược sông Côn lên thượng nguồn, đến tận vùng núi Tây Sơn thượng đạo, một phần thuộc Vĩnh Thạnh ngày nay để tiếp tục chuyển hàng hóa lên vùng Tây nguyên. Các giáo sĩ truyền giáo cũng theo con đường này đi truyền đạo, và nhà thờ Làng Sông là một di tích còn lại của những giáo sĩ truyền giáo Bồ Đào Nha khi đặt chân lên vùng đất Bình Định.

Linh mục Nguyễn Quang Báu (người trông coi tiểu chủng viện Làng Sông) năm nay đã gần 90 tuổi, bắt đầu vào học tại tiểu chủng viện Làng Sông từ năm 12 tuổi, sau 4 lần chuyển đi rồi chuyển đến, năm 1998, linh mục Báu về ở hẳn đây cho đến ngày nay. Ông cho biết, chưa có một tài liệu nào ghi chính xác năm thành lập tiểu chủng viện Làng Sông, nơi có nhiệm vụ ươm trồng, đào tạo các chủng sinh. Sau khi hoàn thành học tập ở tiểu chủng viện, các chủng sinh sẽ tiếp tục học tại đại chủng viện để trở thành linh mục.

Cũng theo linh mục Nguyễn Quang Báu, ban đầu, tiểu chủng viện Làng Sông chỉ là nhà mái tranh, vách phên tre. Kiến trúc của tiểu chủng viện Làng Sông còn đến ngày nay được khánh thành vào năm 1927. Nhà nguyện của tiểu chủng viện là một kiến trúc kiểu Gothic, có 3 cửa tiền quay mặt về phía nam và 8 cửa đông, 8 cửa tây được chạm trổ rất công phu. Nằm đối xứng với nhà nguyện là hai dãy nhà lầu được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu Pháp với những ô cửa vòm ở ban công, hành lang dài và những hàng cột thẳng tắp. Phía trước chủng viện dành cho sân cỏ và những hàng cây sao, sân sau được chia thành những ô vuông để trồng rau, trồng hoa.

Nhà in Làng Sông -một trong 3 cơ sở in sách quốc ngữ

Nhà in Làng Sông được xây dựng khoảng năm 1872 và bị phá hỏng năm 1885. Năm 1904, nhà in Làng Sông được Đức cha Damien Grangeon Mẫn cho tái thiết, giao cho cha Paul Maheu làm giám đốc. Cha Paul Maheu học nghề in tại Hong Kong, thông thạo về kỹ thuật in ấn nên được cử về để Nhà in Làng Sông để điều hành hoạt động in ấn. Đây còn gọi là nhà in Đông Đàng Trong, một trong 3 nhà in lớn nhất thời bấy giờ, cùng với nhà in Đàng Ngoài và Tây Đàng Trong.

Nhà in Làng Sông hoạt động cho đến khoảng năm 1936, sau đó được dời về Quy Nhơn. Linh mục Trương Đình Hiền, Tổng đại diện Giáo phận Quy Nhơn cho biết: Đây là 1 tu viện, hiện tại thì các sơ, các nữ tu là một dòng mới của địa phận đang ở đây. Địa phận muốn các sơ để tạo 1 không gian mở, giống như một nơi để tiếp đón tất cả các đoàn hành hương, người muốn nghiên cứu lịch sử, khách tham quan văn hóa. Khi đến đây họ được tiếp đón và chúng tôi luôn luôn mở rộng vòng tay để chia sẻ văn hóa đó.

Linh mục Doan Võ Đình Đệ, quản lý giáo phận Quy Nhơn cho biết, Giáo phận Quy Nhơn đang sưu tập được trên 200 đầu sách của nhà in Làng Sông, trong đó có các cuốn rất ý nghĩa về mặt giáo dục như Tập đọc, tập đánh vần ABC, tục ngữ An Nam...

Hiện nay, Giáo phận Quy Nhơn đang quản lý 2 cơ sở liên quan đến chữ Quốc ngữ đó là Nước Mặn và Làng Sông cùng ở huyện Tuy Phước. Việc các giáo sĩ Dòng Tên đến và lập cơ sở tại Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện tuy Phước hiện nay) được coi là bắt đầu quá trình phôi thai, hình thành chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ 17. Và hơn 200 năm sau đã có nhà in Làng Sông, đây là 1 trong 3 nhà in đầu tiên của nước ta in chữ Quốc ngữ.