Cách đây không lâu, Nhật Nguyệt vô tình lướt sơ qua buổi livestream mới nhất của Trần Hạo Dân nhân dịp Thiên Long Bát Bộ lên sóng tròn 25 năm. Chàng Đoàn Dự đã chiêu đãi người hâm mộ bằng những câu chuyện nhỏ liên quan đến quá trình quay phim.

*
*

Trần Hạo Dân khiến mình cười bò khi hé lộ tất cả đại cảnh của siêu phẩm kiếm hiệp này đều được thực hiện ở ngọn núi nhỏ phía sau phim trường của nhà đài. Hay nam diễn viên Phàn Thiếu Hoàng sau thời gian dài hợp tác chung với các những con vật nhỏ như sóc hay cóc vàng cũng quyết định nhận nuôi chúng vì không nỡ rời xa.

*
*
*
Bối cảnh chính của Thiên Long Bát Bộ 1997 là ngọn núi nhỏ phía sau phim trường TVB

Vì quá háo hức với hậu trường đoàn phim Thiên Long Bát Bộ 1997 mà Nhật Nguyệt đã tìm kiếm thêm được khá nhiều thông tin. Đảm bảo, những câu chuyện mà mình sắp kể chắc chắn sẽ thỏa mãn fan của siêu phẩm TVB này.

 

*
*

1. Có thể nói, Thiên Long Bát Bộ là một trong những tác phẩm được TVB đầu tư kỹ lưỡng về phần âm nhạc. Theo mình hóng được thì số lượng bản nhạc mà nhà đài sử dụng lên đến 44 bài. Bằng sự sáng tạo không ngừng nghỉ của đội ngũ sản xuất âm nhạc, chúng ta mới có được những bản nhạc phim vừa mang hơi Phật học rất riêng lại vừa toát lên khí phách hào hùng của chất kiếm hiệp, khiến khán giả vừa nghe đã thấy sôi sục rồi.

*
*
*

2. Sau khi Thiên Long Bát Bộ 1997 được bán bản quyền cho đại lục, các đài từ lớn đến nhỏ đều coi đây là “con gà đẻ trứng vàng” vì cứ chiếu là rating tăng vùn vụt. Có giai đoạn, 5 đài vệ tinh và 34 đài địa phương chiếu phim cùng một lúc khiến khán giả choáng váng không biết nên chọn kênh nào.

*
*
*

3. Người vào vai A Châu – Lưu Cẩm Linh là do chính giám chế Lý Thiêm Thắng đích thân dẫn vào đoàn phim. Hóa ra, vị giám chế lừng danh này sau khi vô tình xem bộ phim Tống Thị Tỷ Muội đã rất ấn tượng vai diễn Tống Mỹ Linh của sao nữ họ Lưu. Ông cho rằng khí chất và ngoại hình của cô cực kỳ phù hợp với hình tượng A Châu. Thế là bỏ ngoài tai những lời khuyên nhủ, Lý Thiêm Thắng quyết tâm giao vai diễn này cho Lưu Cẩm Linh và chứng minh được mắt nhìn người của mình vẫn rất tốt.

*
*
*

4. Nếu để ý chắc mọi người cũng biết, chiều cao của Huỳnh Nhật Hoa khiêm tốn hơn Trần Hạo Dân và Phàn Thiếu Hoàng. Trong khi đó, nhân vật Kiều Phong lại được miêu tả là vị đại hiệp có dáng người cao to. Thay vì sử dụng giày đế độn như bây giờ, stylist của đoàn phim đã quyết định thiết kế riêng cho nam tài tử một cái mũ để cải thiện khuyết điểm. Ai mà ngờ được chiếc mũ này lại trở thành nét đặc trưng của “Kiều Phong” Huỳnh Nhật Hoa, khiến khán giả nhớ mãi không quên.

*
*

5. Trên phim A Tử yêu nhưng không được Kiều Phong đáp lại. Ngoài đời thì trái ngược, Lưu Ngọc Thúy chính là bạn diễn nữ mà Huỳnh Nhật Hoa thân thiết nhất đoàn phim. Nam diễn viên hé lộ, mình rất thích tính cách lí lắc, tinh nghịch và dí dỏm của Lưu Ngọc Thúy. Còn vợ Huỳnh Nhật Hoa thì coi nữ diễn viên như em gái ruột, thường xuyên nấu cơm, mang đồ ăn đến cho cô.

*
*

6. Đóng phim cổ trang vào ngày ngày nắng là điều rất khổ cực với cả dàn diễn viên Thiên Long Bát Bộ. Trong đó, Phàn Thiếu Hoàng chính là người chịu nhiều thiệt thòi nhất do phải cạo trọc đầu. Vì cứ phải phơi đầu trần dưới trời nắng nóng hàng tiếng đồng hồ, da đầu anh cũng bị cháy luôn.

*
*

7. Nếu Phàn Thiếu Hoàng vất vả vì phải cạo đầu thì “Cưu Ma Trí” Lý Quốc Lân lại khổ vì đôi tai giả. Thời ấy, công nghệ hóa trang của TVB còn rất kém, keo dán không tốt như bây giờ. Bởi thế chỉ cách vài tiếng, đạo cụ của anh lại bị rớt, nếu không để ý còn có thể bị các đồng nghiệp khác dẫm bẹp. Thế nên bên cạnh việc đóng phim, công việc hàng ngày của Lý Quốc Lân là canh chừng đôi tai giả của mình.

*
*

8. Lý Nhược Đồng khi quay một cảnh phim trong núi đã vô tình bị cành cây quẹt trúng mắt. Khi ấy, vì hoàn cảnh xa xôi, dụng cụ y tế sơ sài, bản thân nữ diễn viên lại không muốn vì vết thương nhỏ mà ảnh hưởng đến cả đoàn phim nên vẫn ráng chịu đựng, không than nửa lời. Kết quả 2 ngày sau nữ diễn viên mới đến bệnh viện kiểm tra và nhận được lời trách móc của bác sĩ vì: “Nếu để thêm vài ngày nữa là mắt cô sẽ lòa“.

*
*

9. Lăng Ba Vi Bộ là tuyệt chiêu gắn liền với Đoàn Dự. Ấy vậy mà khi quay đến phân cảnh này, vì không có đủ tiền nên đoàn làm phim cũng cắt luôn suất xài dây cáp treo của Trần Hạo Dân. Để “chữa cháy”, đạo diễn quyết định lợi dụng sự di chuyển của máy quay để tạo cảm giác “lướt trên mặt nước tao như cơn sóng”. Kết quả là đoàn phim phải làm việc cật lực suốt 1 tháng trời mới hoàn thiện tập 1.

Từ những câu chuyện nhỏ này, Nhật Nguyệt lại càng nể phục đoàn sản xuất Thiên Long Bát Bộ 1997. Dù kinh phí eo hẹp, thiết bị nghèo nàn thiếu thốn, nhưng họ vẫn nỗ lực làm việc để mang đến cho khán giả chúng ta một tác phẩm để đời.