Trong những thập niên gần đây, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực khoa học - xã hội - nhân văn, khoa học tự nhiên, xây dựng, công nghệ thông tin, truyền thông, y học... Những thành công trong nghiên cứu và ứng dụng KHCN đã góp phần làm cho chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện theo hướng bền vững và ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, hoạt động KHCN của nước ta vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, cần sự đầu tư phát triển hơn nữa để tiếp tục có những đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.Thành tựuThời gian qua, Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của KHCN, nhất là trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… Theo đó, KHCN của Việt Nam đã từng bước hội nhập, giao lưu với nền KHCN thế giới, tạo thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế - xã hội.Theo số liệu nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhân tố KHCN đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Số lượng bài báo khoa học, công trình công bố quốc tế của Việt Nam tăng nhanh, xếp thứ 56 trên tổng số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục tăng.Năm 2019, Báo cáo về xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho biết, Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế. Với thứ hạng này Việt Nam vươn lên thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được từ trước đến nay. So với năm 2018, hai chỉ số liên quan khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tăng mạnh. Trong đó, tổng chi cho nghiên cứu và phát triển tăng 5 bậc (đầu vào); sản phẩm dựa trên tri thức và công nghệ tăng 8 bậc (đầu ra). Các chỉ số về trình độ phát triển của thị trường tăng 3 bậc; tín dụng tăng 4 bậc; tăng năng suất lao động tăng 3 bậc. Năm 2018, Việt Nam được xếp hạng 45 trên 126 quốc gia và nền kinh tế, tăng 02 bậc so với năm 2017. Trong khi đó, năm 2017, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đạt 47/127 nước và nền kinh tế tăng 12 bậc so với năm 2016 (59/128), xếp vị trí thứ 9 trong khu vực Đông Nam Á - Đông Á - châu Đại Dương.
*
Ảnh minh họa: Nguồn internet