Mẹ&Con - Nuôi con một mình chưa bao giờ là điều dễ dàng. Với những bà mẹ đơn thân, có hàng trăm nỗi khổ khi phải một mình nuôi dạy con cái...

Có lẽ với xã hội hiện đại ngày nay thì việc nuôi con một mình là một chuyện vô cùng bình thường, bởi những đứa trẻ hoàn toàn có thể lớn lên mà thiếu vắng đi bố hoặc mẹ. Nhưng cho dù những bà mẹ đơn thân có mạnh mẽ đến thế nào đi chăng nữa, đâu đó họ vẫn có những nỗi niềm khó nói thành lời khi phải một mình đồng hành cùng con trong cuộc đời này…

*

Lựa chọn để trở thành một bà mẹ đơn thân

Có rất nhiều lý do để một người phụ nữ chọn trở thành mẹ đơn thân, nuôi con một mình mà không cần đến bố của đứa bé. Có người vì hoàn cảnh phải ly hôn với chồng hay chồng qua đời, cũng có người vì tính cách thích trở thành mẹ đơn thân. Cho dù nguyên nhân có là gì đi chăng nữa, quyết định trở thành một bà mẹ đơn thân đều có những nỗi khổ bởi lúc này, người phụ nữ vừa là một người cha, vừa là một người mẹ và phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn ở trước mắt.

Một độc giả của Tạp chí Mẹ và Con đã tâm sự:

“Tạp chí Mẹ và Con thân mến, em không biết phải kể với ai những nỗi khổ của mình nên đành nhắn tin chia sẻ cùng Tạp chí. Em và chồng ly hôn đã hơn 2 năm và em phải một mình nuôi con. Chồng không chu cấp cũng chưa từng đến thăm con kể từ ngày em và anh ấy ly hôn vì người thứ 3. Ngày nào em cũng phải gửi con cho bà ngoại rồi đi làm từ sáng đến tối, lúc em đi làm thì con còn chưa dậy, lúc em đi làm về thì con đã ngủ. Vừa nhớ con, lại vừa mệt, áp lực kinh tế đè nặng lên vai nên em chẳng dám nghỉ làm ngày nào. Chưa kể đến việc lâu lâu con lại hỏi bố đâu rồi mẹ ơi, sao bố không đến thăm con. Em vừa giận con vì cứ nhắc tới người đàn ông đó, vừa thấy thương con vì con còn quá bé làm sao hiểu được bố nó là một người chẳng ra gì! Em phải làm sao bây giờ? Nuôi con một mình đã khổ lắm rồi!”

*

Một trường hợp khác mà Tạp chí Mẹ và Con từng nghe được:

“Tôi muốn làm mẹ đơn thân vì tôi sợ phải kết hôn, tôi không thích cưới nhau về và làm osin cho chồng, phải khép nép nghe lời bố mẹ chồng. Thế là tôi đi thụ tinh nhân tạo và mang thai, sinh con. Nhưng lúc quyết định tôi chưa từng nghĩ một ngày con mình lại hỏi về cha của nó, nó muốn gặp cha, nó tự ti vì bạn bè có đầy đủ cha mẹ. Gia đình, họ hàng thì chê trách tôi là người ích kỷ, không biết nghĩ đến cảm xúc của đứa bé mà chỉ nghĩ đến bản thân. Liệu sẽ có ai hiểu cho tôi?”

Quả thật, lựa chọn để trở thành một người mẹ đơn thân chưa bao giờ là điều dễ dàng…

*

Cái giá cho lựa chọn nuôi con một mình?

Áp lực về mặt kinh tế

Một vấn đề lớn của những bà mẹ đơn thân chính là áp lực về mặt kinh tế. Trong trường hợp may mắn, cả hai ly hôn nhưng người đàn ông vẫn còn trách nhiệm chu cấp cho con hàng tháng, bạn sẽ nhẹ nhàng hơn, không có quá nhiều gánh nặng về tài chính. Nhưng nếu chẳng may bố đứa bé chẳng hề đoái hoài, người mẹ sẽ phải gồng gánh rất nhiều thứ để lo cho cuộc sống của hai mẹ con.

Lúc này, bạn buộc phải làm nhiều thứ để có đủ tiền lo cho cuộc sống của cả hai bởi việc nuôi một đứa trẻ quả thật cần đến rất nhiều tiền… Khi con còn nhỏ, bạn phải tốn tiền mua sữa, mua tã cho con, thậm chí là tốn tiền gửi con cho bảo mẫu để bạn có thời gian đi làm. Khi con lớn hơn, nào là tiền học trong trường, tiền học thêm và hàng tá thứ tiền không tên khác. Người mẹ đơn thân muốn nuôi con một mình gần như phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba và gấp nhiều lần so với người khác…

Tổn thương tinh thần của những đứa trẻ

Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn ít nhiều sẽ có nhiều điều tổn thương mà chúng ta không thể hiểu được… Cho dù bạn có cố gắng để bù đắp cho con bằng vật chất, cho con được tiếp cận với những điều tốt nhất đi chăng nữa vẫn không thể nào xóa nhòa tổn thương của con. Cứ thử nghĩ mà xem, nếu bạn cứ phải đi làm cả ngày để gồng gánh về mặt kinh tế, một ngày bạn sẽ có bao nhiêu thời gian dành cho con? Và một đứa trẻ thiếu đi sự quan tâm của bố mẹ sẽ cảm thấy như thế nào, chắc có lẽ không cần phải nói thì bạn cũng đã có thể hình dung ra…

*

Chưa kể, khi con lớn lên, nhìn bạn bè xung quanh có đầy đủ cả bố lẫn mẹ thì ngay cả một đứa trẻ hiểu chuyện cũng sẽ có tổn thương, so sánh mình với bạn bè của mình. Cho dù mẹ có là người vĩ đại đến thế nào, cho dù mẹ có ở bên cạnh con nhiều ra sao thì con vẫn sẽ tủi thân mà thôi… Và những lúc thế này, liệu người làm mẹ như bạn có thể nhắm mắt làm ngơ, không cảm thấy đau lòng và xót xa?

Sự bàn tán của xã hội

Với xã hội ngày nay, việc một người trở thành mẹ đơn thân không còn là điều gì đó quá xa lạ hay đáng để lên án. Nhưng đâu đó vẫn còn những lời bàn tán xung quanh về việc một người phụ nữ “bị chồng bỏ”, phải nuôi con một mình. Những lời nói mà mọi người vẫn xem rằng vô hại, chỉ là nói đúng sự thật chính là thuốc độc giết chết tâm hồn của người phụ nữ, khiến họ áp lực càng thêm chồng chất. Sẽ ra sao khi mỗi ngày bạn đều nghe người khác nói sau lưng mình, ý kiến và đánh giá về những khó khăn mà bạn đang chịu khi làm một bà mẹ đơn thân như thể đó là lỗi của bạn?

*

Khi tất cả mọi thứ đều xoay quanh con

Với một người phụ nữ, có lẽ gia đình, con cái chính là điều quan trọng nhất. Và đối với một người mẹ đơn thân, tất cả sự tập trung của bạn, tình cảm của bạn chung quy cũng hướng về con của mình. Bạn đặt nhiều kỳ vọng lên con, áp dụng đủ mọi cách nuôi dạy con để con luôn ngoan, cho mọi người thấy rằng con không có bố cũng chẳng sao. Và, bạn muốn con lúc nào cũng ở bên mẹ. Thậm chí, đôi khi những bà mẹ đơn thân còn cực đoan hơn, muốn con chỉ yêu thương mẹ, không được dành tình cảm cho bố vì bố đã không cùng mẹ nuôi con.

Đâu đó, những đứa con khi được mẹ quan tâm quá mức sẽ cảm thấy ngột ngạt trong chính tình yêu của mẹ. Dù biết mẹ yêu thương con, việc mẹ nuôi con một mình là sự hy sinh vĩ đại của mẹ thì con cũng mong có được không gian riêng cho mình, mong mẹ không phải là một người mẹ toàn thời gian mà thỉnh thoảng vẫn sống cho cuộc đời của mẹ…

Cảm giác tủi thân

Với những người mẹ đơn thân, có cố gắng mạnh mẽ đến đâu thì cũng có lúc sẽ cảm thấy tủi thân mà thôi. Rồi sẽ đến lúc bạn phải tự hỏi, vì sao mình lại có một “thử thách” lớn đến như thế, vì sao những người phụ nữ khác được chồng yêu thương, được chồng phụ giúp nuôi con nhưng bạn thì không. Việc so sánh bản thân và người khác, tìm sự đối lập giữa câu chuyện đời mình và câu chuyện của những người phụ nữ khác sẽ dễ đẩy bạn vào trạng thái tủi thân, suy nghĩ về những điều tiêu cực…

*

Sau tất cả, rồi bạn sẽ vượt qua được thôi!

Không ai có thể hiểu được nỗi lòng của những bà mẹ đơn thân bằng chính những người trong cuộc, từng trải qua hoàn cảnh tương tự. Vì thế, những lời khuyên hay chia sẻ cũng chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Bởi lẽ, chỉ bạn mới có thể hiểu được chính xác bạn đang gặp phải những khó khăn nào và cần làm gì để vượt qua những khó khăn này.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng sau đắng cay chính là hạnh phúc, sau khó khăn chính là quả ngọt đang chờ đợi phía trước. Vì thế, hãy cứ vững tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai bạn nhé! Và nếu bạn đang mệt mỏi với hàng tá những áp lực có tên và không tên khi phải nuôi con một mình, hãy thử chia sẻ, tâm sự và tìm trợ giúp từ những người xung quanh mình. Bạn có thể trò chuyện với con để trẻ hiểu được về tình trạng hôn nhân của bố mẹ và có sự cảm thông nhiều hơn cho mẹ. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm những người mà mình tin tưởng nhất như bố mẹ, anh chị hay một người bạn thân để chia sẻ về những vấn đề của bạn. Có thể bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ, một lời khuyên hữu ích hoặc chẳng nhận lại được gì cả. Nhưng dù sao nói ra vẫn nhẹ nhàng và thoải mái hơn so với việc cứ mãi giữ trong lòng phải không nào?

Với những người mẹ đơn thân phải nuôi con một mình, mọi thứ đều vô cùng khó khăn. Nhưng chuyện thì cũng đã qua và chẳng thay đổi được. Vì thế, thay vì cứ mãi buồn hay tủi thân thì hãy cứ mạnh mẽ bước tiếp. Và nếu bạn đang cần một nơi để tâm sự, hãy tìm đến với Tạp chí Mẹ và Con để được bày tỏ nỗi niềm bạn nhé!