“Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ” để lòng bồi hồi bước trên con đường ngợp lá rơi trong giữa làn gió mát lành. Đà Lạt mộng mơ lúc trời đông giá buốt, ánh đỏ của lá phong như ngọn lửa hồng sưởi ấm cả khoảng trời sương mây giăng lối. Và khi xuân bắt đầu chạm ngõ, bước chân người lữ hành lại khát khao tìm về mảnh đất Đông Nam Bộ - Tây nguyên để chiêm ngưỡng rừng cao su thay màu áo mới. Đẹp mê hồn những mùa lá đỏ trên đất Việt. Xuân, đâu chỉ có chồi non lộc biếc, đâu chỉ có sắc hoa bung nở muôn màu. Xuân, còn ẩn chứa cả một thiên đường của thảm lá vàng đỏ khiến tim ai xao xuyến, ngẩn ngơ.

*

Ngẩn ngơ trước mùa thay lá của rừng cao su - Ảnh: Tuấn Phạm

NGỢP MÀU LÁ ĐỎ Ở VÙNG ĐÔNG NAM BỘ

Cứ mỗi độ nắng xuân về, xua đi cơn gió lạnh cuối cùng của mùa đông, cơn mưa nửa mùa cũng vội kết thúc, để phương Nam chuyển mình bước vào mùa khô, là lúc ấy, cánh rừng cao su lại thay màu áo như lời hẹn trước. Lá không đổi sắc ngay mà chuyển dần từ từ, lá xanh xen kẽ lá vàng, đến cuối mùa thì đổi hết sang đỏ, mang đến một không gian huyễn hoặc vô cùng. Đâu cứ phải du hí đến Nhật Bản hay Hàn Quốc xa xôi mới có một chân trời lá đỏ, ở gần ngay trên nước mình thôi, cũng có những miền đất ngây ngất lòng.

*

Cả khu rừng như khoác lên tấm áo mới - Ảnh: Giang Phạm

Rừng cao su bắt đầu thay lá từ cuối tháng 12 năm trước cho đến tầm tháng 3 năm sau, nhưng trong khoảng thời gian tháng 1, tháng 2 là thời điểm lý tưởng nhất để du khách và những người “săn ảnh” tìm về. Bởi lúc này, lá còn nhiều và khung cảnh cũng mộng thơ, tràn trề sức sống hơn bao giờ hết.

*

Không ít người tìm về - Ảnh: Giang Phạm

Cơn gió ngả nghiêng quấn quýt trên cành, mang những chiếc lá lìa cây, xoay vòng vòng rồi chạm nhẹ lên mặt đất. Chân bước lên thảm lá khô như mảnh lụa kéo dài vô tận mà cứ chùng chình không nỡ, vì sợ mọi thứ sẽ vỡ tan, như giấc mơ đẹp không kéo dài được mãi.

*

Thả mình vào không gian ngơp sắc lá vàng đỏ ấy - Ảnh: Giang Phạm

Cao su là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao và khá phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như đất ở Đông Nam Bộ nên nhiều năm trở lại đây, cao su được trồng khá nhiều. Chính vì thế mà không khó để người lữ hành muốn chiêm ngưỡng mùa cao su thay lá tìm đến. Gần Sài Gòn nhất phải kể đến huyện Củ Chi, Bình Chánh. Từ Quốc lộ 22, tiếp tục di chuyển theo Hương lộ 2 rồi rẽ phải vào con đường Nguyễn Văn Khạ, du khách sẽ đến được rừng cao su ở xạ Phạm Văn Cội - Củ Chi, một trong những “thiên đường” lá vàng để ngắm nghía và ghi lại những thước hình đẹp nhất cho mình.

*

Chiếc lá xoay vòng theo cơn gió - Ảnh: Giang Phạm

Nếu muốn cho mình một khoảng không gian ngợp rừng cao su, đi đến đâu cũng thấy màu lá vàng đỏ đang đổi màu, thì đừng ngần ngại vi vu trên chiếc xe máy để tiến về Bình Phước, Bình Dương hay Đồng Nai. Nhắc đến rừng cao su ở Bình Dương, nhất định không thể bỏ qua Nông trường cao su ở Dầu Tiếng hay Tân Uyên, Bến Cát.

*

Thảm lá dày yên ả trên mặt đất - Ảnh: Giang Phạm

Ở Đồng Nai cũng có khá nhiều điểm để du khách có thể lựa chọn cho hành trình của mình như Long Khánh, Trảng Bom, Thống Nhất. Những bạn gần Bình Phước có thể đến Bù Đăng, Phú Riềng để tham thú. Chẳng cần phải quanh vòng đi vào đường hẻm, chỉ cần ngay trên các tuyến quốc lộ, muôn sắc lá ở rừng cao su cũng đủ khiến đôi mắt phải “tròn xoe” vì khung cảnh quá lãng mạn ấy rồi.

*

Không gian đang đổi sắc ở rừng cao su Dầu Tiếng - Ảnh: Đông Đen

Ấy thế nên không có gì khó hiểu khi các cặp đôi lại cùng nắm tay nhau về rừng cao su mùa thay lá để chụp ảnh cưới, ghi lại những khoảnh khắc hết sức tự nhiên mà chứa chan nhiều cảm xúc đến thế.

*

Ảnh cưới lãng mạn ở rừng cao su - Ảnh: Kim Việt Xinh

TÂY NGUYÊN ĐẸP NGỠ NGÀNG MÙA CAO SU TRÚT LÁ

Có một cánh rừng cà phê ở Đắc Lắk ngan ngát hương thơm khi trỗ hoa, một cánh rừng thông miên man lạnh ngắt đồi gió hú ở Lâm Đồng luôn đắm say người về thì ở một nơi khác của Tây Nguyên, cũng mang đến khung cảnh mộng thơ chẳng kém, đó là Gia Lai khi mùa cao su bắt đầu đổi sắc lá.

*

Tây Nguyên cũng có một mùa gọi là rừng cao su đổi sắc - Ảnh: Nguyễn Hồng Thiện

Mảnh đất badan đỏ rực ở Gia Lai màu mỡ và tươi tốt, rất thích hợp cho giống cây cao su phát triển. Thế nên trong những ngày đầu xuân, từng chiếc lá cao su nhẹ nhàng chuyển màu mới, Gia Lai như khoác lên tấm áo lạ, làm cho du khách bước chân đến cứ ngỡ đang lạc lối ở nơi nào đó xa xôi ở châu Âu. Ấn tượng và quyến rũ vô cùng.

*

Tưởng như lạc bước đâu đó xa xôi ở châu Âu - Ảnh: Nguyễn Hồng Thiện

Nơi ngắm mùa cao su đẹp nhất ở Gia Lai là cánh rừng ở huyện Chư Sê, gần khu vực của hồ Laring, cách thành phố Pleiku chừng 40m về phía Nam. Đến đây, du khách sẽ bị choáng ngợp trước không gian quá đỗi mộng mị của cánh rừng cao su trải lá vàng lên thảm cỏ xanh mướt, thẳng tắp chạy xa tít tưởng chừng như vô tận.

*

Những chiếc lá đỏ dưới thảm cỏ xanh mướt - Ảnh: Nguyễn Hồng Thiện

Do tiết trời ở Gia Lai cuối đông đầu xuân nhiệt độ thấp hơn hẳn so với Đông Nam Bộ nên nhiều loại rêu và địa y sống ký sinh, tạo nên một lớp màu trắng mơ màng như hàng bạch dương, xao lòng người lữ hành.

*

Diệu kỳ với sắc trắng giống hàng bạch dương - Ảnh: Nguyễn Hồng Thiện

Trong cơn gió hồ mát lành, còn gì tuyệt vời hơn khi được hít hà bầu không khí dịu êm, trong lành, vừa thưởng ngoạn không gian mộng thơ một bên là làn nước xanh ngát, một bên là rừng cao su diệu kỳ thay áo mới.

*

Khung trời yên bình và thơ mộng ở Gia Lai - Ảnh: Nguyễn Hồng Thiện

Khám phá Việt Nam - Nóc nhà Tây Nguyên

Chẳng cần cầu kỳ với sắc hương được chăm chút, cầu kỳ, mùa cao su thay lá với nhiều gam màu hết sức tự nhiên mà lại đẹp vô ngần đủ sức để “thôi miên” bất kỳ ai dù chưa và đã đặt chân đến. Nhanh lên thôi, xách balo lên và vi vu một chút, để chạm ngõ “thiên đường” lá đỏ ở ngay nước mình ngay trong dịp đầu xuân, không kẻo lỡ, tiếc lắm đấy.

Scodaisym - hocketoanthue.edu.vn

Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của hocketoanthue.edu.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại hocketoanthue.edu.vn.