SKĐS - Thiếu vắng những kịch bản hấp dẫn, khán giả ngày càng khắt khe nên các nhà làm phim thương mại nước ta cũng phải có những hướng đi mới. Đáng chú ý, khai thác truyện cổ tích, dân gian Việt Nam để đưa lên màn ảnh đang được giới làm nghề lựa chọn, các tác phẩm ra mắt đã hút khách và dự án mới cho thấy nhiều hứa hẹn.


Những làn gió mát

So với điện ảnh thế giới, dù có kho tàng truyện dân gian, cổ tích đồ sộ nhưng phim thương mại Việt còn ít được khai thác. Bộ phim dân gian thành công, được nhiều người biết đến nhất ở nước ta là phim Phạm Công - Cúc Hoa của đạo diễn Lưu Bạch Đàn. Trong khi đó, thế giới đã có vô số tác phẩm chuyển thể từ cổ tích, thần thoại thành công rực rỡ với phần kịch bản sáng tạo, có doanh thu cao như phim Alice ở xứ sở thần tiên (doanh thu 1 tỉ USD); Tiên hắc ám lấy cảm hứng từ truyện Người đẹp ngủ trong rừng (gần 800 triệu USD); Lọ Lem (500 triệu USD); Cậu bé rừng xanh (1 tỉ USD); Người đẹp và quái vật (gần 1,3 tỉ USD).

Trong bối cảnh thiếu kịch bản hay nên thời gian gần đây, các nhà làm phim Việt đang có xu hướng tìm về chuyện dân gian, cổ tích để dựng thành phim. Đó là Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân, sau 1 tháng công chiếu cán mốc doanh thu gần 70 tỉ đồng, tương đương hơn 1 triệu lượt xem. Bộ phim được nhiều người khen ngợi về phần kỹ xảo, bối cảnh. Bên cạnh đó, phim cũng bám sát cốt truyện cổ tích khi cho thấy nhân vật Tấm dịu hiền phải sống cùng mẹ ghẻ và em riêng độc ác. Được sự giúp đỡ của ông Bụt, Tấm gặp Thái tử ở vũ hội và trở thành hoàng hậu nhưng năm lần bảy lượt bị mẹ con Cám hãm hại. Thái Tử cũng phải chịu nhiều bi kịch vì mất vợ, bị cướp ngôi. Chàng dần trưởng thành sau những mất mát để đứng lên đấu tranh cho số mệnh của mình.

Một dự án điện ảnh khác của Việt Nam là Trạng Quỳnh của đạo diễn Đức Thịnh, đã cán mốc doanh thu 100 tỉ mùa phim Tết năm ngoái. Phim Trạng Quỳnh được phóng tác từ những giai thoại về nhân vật cùng tên trong dân gian Việt Nam, nội dung xoay quanh hành trình gian truân nhưng cũng nhiều tiếng cười của Trạng Quỳnh (Quốc Anh), Điềm (Nhã Phương) và Xẩm (Trấn Thành) đi giải cứu thầy Đoàn (Tùng Yuki) - cha của Điềm. Họ là những con người nhỏ bé trong xã hội phong kiến, dù luôn bị chèn ép bởi tầng lớp quan lại bất công như Trịnh Bá (Công Dương) - công tử con quan lớn dùng quyền lực vu oan giá họa cho thầy Đoàn, Ả Liễu (Khả Như) - một người phụ nữ vô cùng mưu mô, xảo quyệt, nhưng Trạng Quỳnh và hai người bạn đồng hành chưa bao giờ bỏ cuộc...

Trạng Tí được kỳ vọng là “bom tấn” của phim điện ảnh Việt 2020.

Khó khăn và kỳ vọng

Năm 2020, khán giả đang chờ đợi “bom tấn” Trạng Tí - phim điện ảnh chuyển thể từ truyện tranh dân gian nổi tiếng Thần đồng đất Việt, do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết, Trạng Tí xoay quanh Tí - cậu bé thông minh, láu lỉnh. Cùng các bạn Sửu, Dần, Mẹo, cậu nhiều lần giúp triều đình thoát khỏi các tình huống nguy hiểm, chống lại ngoại bang. Nhiều tình huống trong truyện được xây dựng từ các câu chuyện lịch sử và dã sử về các nhân tài của Việt Nam như: Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền... Mới đây, nhà sản xuất đã tung bản xem thử (trailer) với thời lượng hơn 1 phút và ngay lập tức đã hút được sự chú ý từ công chúng. Trailer của Trạng Tí vẽ ra quang cảnh làng quê Bắc Bộ xinh đẹp, thanh bình với màu phim khá rực rỡ. Khung cảnh núi non hùng vĩ, kết hợp cùng giai điệu quen thuộc của bài hát Cò Lả khơi gợi cảm xúc người xem. Theo chia sẻ của nhà sản xuất Trạng Tí, bộ phim dự kiến ra mắt khán giả vào hè 2020 và kỳ vọng sẽ giúp hàng triệu khán giả được xem, tự hào về những câu chuyện dân gian thông minh của các quan trạng đất Việt từ ngàn xưa.

Mặc dù đã có tác phẩm tạo được sức hút và đem lại màu sắc mới lạ cho điện ảnh Việt, tuy nhiên đạo diễn Đức Thịnh chia sẻ, làm phim dã sử, cổ trang ở Việt Nam khó gấp 10 lần so với các thể loại khác bởi chúng ta không có trường quay, phục trang và tư liệu cũng như nhiều yếu tố khác chẳng ai lưu trữ sẵn. Vì thế, kinh phí sản xuất cho phim cũng nhiều và lớn hơn. Bên cạnh đó, phục trang cho dòng phim này cũng là một vật cản như trường hợp của phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Dù đầu tư 2 tỉ để làm phục trang, song khi phim công chiếu, nhiều ý kiến trái chiều đưa ra vì trang phục trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể cách tân quá đà, không phù hợp với thời xưa dù bản thân câu chuyện không xác định rõ thời đại nào.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi nguyên liệu sáng tạo cạn kiệt, đề tài khai thác trùng lắp, thiếu đi sức hút thì nhà sản xuất quay về với kho báu văn hóa dân tộc là sự chọn lựa thông minh. Chúng ta nên khích lệ nếu những phim chuyển thể từ cổ tích, dân gian làm chỉn chu, thận trọng và sáng tạo. Những phim thương mại khi đính kèm nét văn hóa dân tộc, nhắc nhớ lại những điều quen thuộc từ xa xưa trong ký ức của mỗi người trong thời điểm xã hội ngày càng phát triển là điều rất đáng quý và cần trân trọng.