Nước ta có nhiều nông dân dù không được đào tạo bài bản nhưng đã tự mày mò sáng chế ra nhiều loại máy giúp cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp.


*

Anh Thủy bên chiếc máy xẻ gỗ do anh sáng chế.

 

Đó là anh Trương Văn Thủy (thôn Còi Mò, xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn). Anh bảo, giờ làm gì cũng phải tính đến năng suất và giá thành. Máy bào thẳm dọc của Hàn Quốc lúc đó có giá 150 triệu đồng, nếu mua về sử dụng thực sự rất khó thu hồi vốn. “Bào thẳm bằng tay, dù có cật lực thì năng suất và độ chính xác đều không đạt, mình phải tăng năng suất, giảm giá thành bằng cách sáng chế ra máy bào thẳm dọc”, anh Thủy nghĩ.

Chỉ trong 1 tháng, máy bào thẳm dọc hoàn thành. Khi đưa vào sử dụng, một ngày vận hành máy năng suất bằng 15-30 người làm mà chi phí thực hiện chỉ có 5 triệu đồng. “Độ chính xác gần như tuyệt đối, sản phẩm đã dọc bào thẳm bằng máy này có thể ráp khít 99,9%, không thể phát hiện dù chưa qua xử lý. Độ an toàn hơn cả máy của Hàn Quốc”, anh Thủy nói.

Khi có máy bào thẳm dọc thì nguyên liệu gỗ lại không đủ cho máy hoạt động, để mua lò hấp phải mất 300 triệu đồng. Chỉ cái lò hấp gỗ trong xưởng mộc, Thủy bảo, may năm 2018 trong một lần đi dự hội nghị tại Hà Nội, lúc giải lao, mình vô tình thấy một ông có cái hộp hút thuốc lào, mình đã mượn để xem.

Khi mình đổ nước trong hộp đi, cả ông ấy và mình đều không hút nổi, sau mình cho nước từng mức thấy hút êm hơn, mình lóe lên ý tưởng làm lò hấp gỗ hơi nước từ chính chiếc hộp hút thuốc này. Khi về đến nhà, mình thức một đêm để nghiên cứu, tính toán, sáng hôm sau bắt tay vào thực hiện luôn. Chỉ sau 3 ngày, lò hấp gỗ đã ra đời.

Sáng chế lò hấp gỗ không khói có thể cho ra 7m3 gỗ trong 7 ngày, thay vì phải đợi khô tự nhiên từ 2-5 tháng, ý tưởng được hình thành từ chiếc hộp hút thuốc lào. Chất lượng gỗ khi qua lò đảm bảo không vênh, không co ngót.

Cơ chế hoạt động của lò hấp: Lửa sẽ đốt bình nước có vách điều dẫn khói tỏa xuống, trộn với hơi nước trong bình khi sôi và bốc lên khoang hấp gỗ, tại đây, gỗ sẽ hút hết khói và hơi, do đó, lò sẽ không có khói khi vận hành.

Thành công với lò hấp gỗ, “nhà sáng chế chân đất” Trương Văn Thủy tiếp tục nung nấu ý tưởng sáng chế lò đốt rác không khói. Theo anh Thủy, những lò đốt rác trên địa bàn Bắc Kạn đang hoạt động không hiệu quả, khói nhiều mà mùi cũng rất đáng sợ mỗi khi đốt. Anh đang nghiên cứu sáng chế lò đốt rác không khói, có thể đặt ở các cơ quan, các trung tâm xã, phường hoặc thôn bản mà không gây mùi, không ô nhiễm.

“Tôi đã thử nghiệm rồi, cả tôn, cả rác thải y tế cũng đều tan chảy được. Cái khó là kinh phí thực hiện, tôi mong có sự đồng hành tạo điều kiện của chính quyền, các cơ quan ban, ngành để tôi vay vốn ưu đãi đầu tư cho nghiên cứu. Khi có sản phẩm, đề nghị các cơ quan chuyên môn thẩm định, đánh giá, và có thể đưa vào sử dụng trong toàn tỉnh”, anh Thủy chia sẻ.

Máy lọc nước mặn thành nước ngọt phát huy hiệu quả trong ứng phó hạn, mặn

Những tuần gần đây, nhà vườn trồng sầu riêng ở Cai Lậy (Tiền Giang) đứng ngồi không yên vì nước mặn tăng quá cao. Nghe người dân xung quanh truyền tai nhau hiệu quả của chiếc máy lọc nước mặn do anh Huỳnh Công Thành chế tạo, nhiều người dân ở đây không ngại đầu tư.

Hiện một chiếc máy lọc nước mặn công suất 500 lít/giờ được anh Thành bán với giá 40 triệu đồng. Còn loại có công suất gấp đôi thì có giá 70 triệu đồng.

Nước mặn sau khi lọc, nếu muốn sử dụng cho việc ăn uống, theo anh Thành, chỉ cần lấp đặt thêm thiết bị sát khuẩn nước. Hiện máy lắp không kịp cho nhu cầu. Thời gian tới, anh Thành sẽ cải tiến máy lọc được nhiều nước hơn, đảm bảo cho việc tưới tiêu vườn sầu riêng và “cứu” nhiều loại cây trồng khác trong vùng.

Hầu hết các nhà sáng chế “chân đất” đều xuất phát từ ý tưởng sáng tạo ra những chiếc máy thay thế sức lao động của con người và khơi nguồn từ những công việc thường ngày của họ, chính bản thân họ cũng chưa từng nghĩ có ngày trở nên nổi tiếng nhờ những chiếc máy mà các anh thường đùa là “đơn giản tới không ngờ”. Vì vốn dĩ, đó là những sáng tạo, mày mò xuất phát từ đam mê và nhu cầu thực tiễn, chính bởi vậy mà mang lại hiệu quả thiết thực nhất.

Trong bối cảnh những sáng chế của các viện nghiên cứu, các nhà khoa học ít có tính ứng dụng trong thực tế thì nhiều sáng chế của nông dân có tính thực tiễn cao nhưng gặp phải rào cản chậm chễ trong việc đăng ký bản quyền để thương mại hóa sản phẩm.

Thực tế nhiều sáng chế đã cho hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên để những sáng chế này được đưa vào sản xuất thương mại và sử dụng rộng rãi thì những “nhà sángchế nông dân” cần có biện pháp tháo gỡ cơ chế để phát triển công nghiệp cơ khí và những thông tin hiểu biết về thị trường, về các thủ tục pháp lý liên quan đến đăng ký bản quyền. Đó là sự liên kết giữa nhà khoa học, nhà nước, nhà băng, doanh nghiệp và nông dân, cùng tạo nên chìa khóa phát triển nông nghiệp trong tương lai.