(PLO) -Cuộc triệt thoái cao nguyên đã tai hại cho sự sống còn của quân lực Việt Nam Cộng hòa (VNCH), nhưng sự tan rã tại miền Trung còn tai hại nhiều hơn nữa. Tại cao nguyên, ít ra cũng còn có những trận đánh lớn của Quân Giải phóng vào Ban Mê Thuột. Nhưng tại miền Trung, rõ ràng là quân VNCH tự gây ra sự sụp đổ tinh thần rồi đi tới chủ bại và tan rã.

Rối loạn từ binh sĩ tới dân chúng

Khi nhìn lại tình hình an ninh ở các tỉnh phía bắc VNCH, người ta nhớ rằng cho đến đầu tháng 3/1975, tình hình ở Quảng Ngãi bất lợi hơn cho quân VNCH vì tại đây Quân Giải phóng (QGP) đã lập được một con đường mới chạy ra tới gần bờ biển.

Tuy vậy, họ chịu một thất bại lớn. Hai trung đoàn của sư đoàn 2 QGP tấn công vào quận lỵ Tiên Phước thuộc tỉnh Quảng Tín. Sau 12 giờ giao tranh, QGP chiếm được quận lỵ Tiên Phước. Những ngày sau đó, sư đoàn 2 của VNCH và một Liên đoàn BĐQ mở cuộc phản công để lấy lại quận Tiên Phước nhưng thất bại.

Như vậy, khi Thiệu gọi tướng Trưởng về họp tại Sài Gòn ngày 13/3, báo cáo của tướng Trưởng vẫn lạc quan, mặc dù mất quận Tiên Phước. Đó là về khía cạnh chiến thuật. Nhưng về chiến lược, tướng Trưởng bày tỏ sự lo ngại cho số phận của Huế và Đà Nẵng nếu QGP đánh lớn mà phía VNCH lại không có sư đoàn Dù nữa (lúc này, Thiệu đã cho tướng Trưởng biết ý định rút sư đoàn Dù về Sài Gòn). Trước sự lo ngại của tướng Trưởng, Thiệu vẫn giữ ý định kéo sư đoàn Dù về Sài Gòn.

Trở lại miền Trung, tướng Trưởng đành phải cho sư đoàn TQLC rút về phía Đà Nẵng để thay thế sư đoàn Dù. Sự chuyển quân này tuy gây ra một khoảng trống lớn trong hệ thống phòng thủ Huế nhưng chưa gây ra ngay biến cố gì nguy hại. Sau cuộc giao tranh vào mùa hè năm 1972, mặc dù tỉnh Quảng Trị bị bom đạn tàn phá nhưng sau đó, dân chúng đã trở về đông đảo làm ăn và canh tác. Dân số trong tỉnh này sau năm 1972 lên tới 280.000 người.

Khi thấy sư đoàn TQLC rút đi, chừng 20.000 thường dân lo ngại nên đã bỏ về Huế, nhưng vì đó mới chỉ là một tỷ lệ nhỏ nên chưa gây ra hỗn loạn. Trong khoảng thời gian này, người dân miền Trung tuy có theo dõi tình hình cao nguyên nhưng chắc chắn là họ không nghĩ tới một việc Huế hay Đà Nẵng sụp đổ nhanh như vậy.

Ngày 17/3, Trần Thiện Khiêm tới Đà Nẵng cùng với nhiều tổng trưởng của chính phủ VNCH do Khiêm làm Thủ tướng. Trong khi các tổng trưởng và các tỉnh trưởng ngồi chờ ở phòng hành quân thì Khiêm nói chuyện riêng với tướng Trưởng trong vòng 40 phút và vấn đề thảo luận là việc trợ giúp những người di cư. Khiêm cho biết là sẽ bỏ Quảng Trị nhưng không nói tới việc từ bỏ cả Huế.

Ngày 17/3 cũng là ngày Hà Nội họp bàn quyết định mở một mặt trận thứ hai ở miền Trung, kế hoạch là cắt quốc lộ 1 từ Huế đến Đà Nẵng và tiến quân thật mau từ miền núi xuống phía bờ biển.


*
Binh sĩ VNCH rút quân khỏi một vị trí

Lúc 8h sáng 18/3, tất cả công chức và nhân viên hành chánh VNCH tại Quảng Trị khăn gói kéo nhau về Huế mà không hề cho dân chúng biết là họ bị chính quyền bỏ lại. Cũng như trường hợp bỏ Pleiku, sự ra đi đột ngột của những kẻ cầm quyền làm cho dân chúng lo ngại. Ước lượng có tới 130.000 người trước đây từng di cư vào năm 1972, nay kéo nhau di cư tiếp về Huế.

Ngày 19/3, QGP vượt qua sông Thạch Hãn vào giải phóng tỉnh Quảng Trị mà không gặp sức kháng cự nào. Điều đáng ngại nhất là những người dân di cư đến đâu thì gieo rối loạn tới đó và không bao lâu thì hỗn loạn đã lan ra khắp miền Trung.

Đêm hôm ấy, Thiệu loan báo rằng QGP đã lại mở một cuộc tổng tấn công mới ở miền Trung. Sau lời loan báo ấy, những gì đã xảy ra tại Pleiku và Quảng Trị lại diễn ra tại Huế.

Chung cuộc những mệnh lệnh kỳ quái và ngược nhau của Thiệu cùng với nỗi lo sợ của các người binh sĩ VNCH rằng gia đình của họ có thể bị bỏ rơi đã đưa miền Trung tới thảm họa còn bi kịch hơn cuộc rút quân ở cao nguyên nữa.

Sau khi mất Đà Nẵng, kể như quân lực VNCH đã mất hơn phân nửa lực lượng. Đáng buồn hơn nữa là khi sự tan rã xảy ra tại mặt trận miền Trung thì chỉ riêng tại Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng, quân lực VNCH đã có sẵn kho lương thực và đạn dược đủ để chiến đấu trong vòng ít ra là một năm.

Trước khi xem về mặt trận duyên hải (chủ yếu là Nha Trang), chúng ta hãy xem sự tổn hại của quân lực VNCH sau hai cuộc triệt thoái tai hại, đến mức nào.

Lúc QGP giải phóng được miền Trung thì quốc hội của Mỹ còn đang bận nghỉ nhiều ngày của Lễ Phục Sinh, còn Tổng thống Ford thì bận giải trí với môn golf tại thành phố hoa lệ Palm Spring ở phía nam tiểu bang California. Tuy vậy, cũng còn có một chút an ủi cho VNCH vì Tổng thống Ford gửi hai nhân vật quan trọng tới nhận định tình hình Nam Việt Nam. Đó là tham mưu trưởng của Lục quân Mỹ và một người được coi là chuyên gia tình báo là tướng Frederick C. Weyand.


*
Nhiều chiến cụ của quân VNCH đã bị hỏa lực QGP phá hủy, hoặc phải bỏ lại

Về các đơn vị lục quân của VNCH dàn ra tại vùng I (miền Trung), 3 liên đoàn BĐQ, toàn thể sư đoàn 1, hai phần ba của sư đoàn 2 và sư đoàn 3 Bộ binh và một phần ba của sư đoàn TQLC không còn tồn tại nữa.

Tại vùng II (Quân đoàn II VNCH tại cao nguyên), phần lớn của sư đoàn 23 Bộ binh và 5 Liên đoàn BĐQ đã bị diệt, cùng với hai trong 4 trung đoàn của sư đoàn 22 Bộ binh (sư đoàn này được đặc biệt tăng cường thêm một trung đoàn, trong khi hầu hết các sư đoàn bộ binh khác của lục quân Nam Việt Nam chỉ có 3 trung đoàn). 12 tỉnh và một số chiến cụ trị giá tới một tỷ Mỹ kim, trong số đó, có 400 máy bay và trực thăng đã rơi vào tay QGP.

Tai hại hơn nữa là toàn thể cơ cấu tình báo của VNCH ở phía bắc đã bị tiêu diệt, nên không còn khả năng theo dõi cuộc tiến quân của QGP nữa.

Phần còn lại của lãnh thổ VNCH từ đây chỉ còn có thể được bảo vệ bởi các sư đoàn thuộc Quân đoàn III và Quân đoàn IV, 3 lữ đoàn Dù rút từ miền Trung về và những binh sĩ nào còn chiến đấu được trong số 40.000 binh sĩ chính qui và không chính quy rút được từ miền Trung về.

Nhưng ngay cả các lực lượng còn lại vừa kể cũng đang phải đối phó với áp lực nặng của QGP. Ba sư đoàn của Quân đoàn III đang giao tranh nặng với QGP ở phía bắc của Sài Gòn, trong khi 3 sư đoàn của Quân khu IV phải lo bảo vệ quốc lộ 4 là con đường huyết mạch cho miền Nam, nối liền Sài Gòn với vựa lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một trong 3 lữ đoàn của sư đoàn Dù đang bị cầm chân tại Nha Trang, do đó, nhu cầu phải có thêm lực lượng trừ bị chiến lược cho miền Nam là nhu cầu sinh tử.


Phái đoàn Weyand rất lo ngại khi thấy rằng trước khi phái đoàn tới Sài Gòn thì Bộ Tổng tham mưu của Nam Việt Nam đã không có hành động gì để tổ chức lại các đơn vị quân đội rút được từ miền Trung về Sài Gòn. Thực ra thì Bộ Tổng tham mưu ấy cũng không nắm vững được rằng có những đơn vị nào đã về được tới Sài Gòn, đang có mặt tại đâu, cần được tái trang bị những gì để có thể chiến đấu trở lại.

Thiệu và đại sứ Mỹ tiếp tục “ngủ mơ”

Thất vọng về Bộ Tổng tham mưu của VNCH, phía Mỹ quyết định trực tiếp lo việc chỉnh đốn lại quân lực VNCH. Tướng Homer Smith là tùy viên quân sự của sứ quán Mỹ tại Sài Gòn tự đảm nhiệm vai trò cố vấn. Ông ta ra lệnh cho phòng tùy viên quân sự của ông ta lập kế hoạch huấn luyện và trang bị cho một số đơn vị mới của Nam Việt Nam ở cấp tiểu đoàn.


*
Binh sĩ VNCH phá kho đạn trước khi rút quân

Những trung đoàn và lữ đoàn ấy được coi như những đơn vị tác chiến độc lập. Bộ tham mưu của các đơn vị ấy đều yếu kém, nhiều khi còn không thực hiện đủ quân số nữa nhưng Bộ Tổng tham mưu vẫn cứ tung các đơn vị ấy ra mặt trận. Kết quả rất đáng buồn. Ví dụ như trung đoàn 4 của sư đoàn 2 Bộ binh mới ra quân sau khi tái lập thì lại bị QGP đánh bại tan nát một lần nữa.

Phòng tùy viên quân sự của sứ quán Mỹ tại Sài Gòn tìm được lời giải thích trong sự thụ động và ù lì của Bộ Tổng tham mưu của Nam Việt Nam. Lời giải thích ấy nằm trong sự im lặng mà Nguyễn Văn Thiệu đã có ngay từ trước khi có cuộc triệt thoái cao nguyên và sự tan rã hỗn loạn tại miền Trung. Sau khi la lối rằng sẽ giữ Huế bằng mọi giá, rồi lại bỏ Huế, Thiệu càng ngày càng tách xa quần chúng miền Nam Việt Nam.

Trước những lời kêu gọi nên từ chức và trước những tin đồn đảo chánh, Thiệu tiếp tục đàn áp báo chí, bắt bớ những người mà Thiệu gọi là “âm mưu đảo chánh”, rồi hứa sẽ lập một “nội các chiến tranh”. Nhưng Thiệu không hề làm gì để có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng và cũng chẳng làm gì để có sự lãnh đạo hữu hiệu cho miền Nam về chính trị và về quân sự. Cho đến phút chót, Thiệu vẫn còn khư khư bám lấy cái ảo tưởng điên rồ là dầu sao thì rồi người Mỹ cũng sẽ tới để cứu vớt Thiệu.


*
Dù được đánh giá quân số đông, vũ khí nhiều, quân VNCH vẫn nhanh chóng bị đè bẹp dưới sức tấn công của QGP

Trong khi gặp tướng Weyard, Thiệu cứ nhắc lại lời yêu cầu Mỹ giúp thêm viện trợ. Thiệu không có một phút nào chịu nhận trách nhiệm của mình về sự sụp đổ ở cao nguyên và tan rã ở miền Trung. Có lúc Thiệu còn đưa vào mặt Weyard lá thư của Nixon hứa sẽ can thiệp mạnh nếu QGP vi phạm thỏa hiệp ngưng bắn Paris. Khi tướng Weyard nói rõ cho Thiệu biết đừng nên nghĩ tới việc nước Mỹ tái can thiệp trực tiếp vào vấn đề Việt Nam nữa thì Thiệu tiếp tục yêu cầu nước Mỹ cho thêm đồ trang bị mới và đồ tiếp tế mới.

Đại sứ Mỹ Martin cũng mắc bệnh ngủ mơ như Thiệu, vì Martin cũng bày tỏ trước nơi công cộng rằng quốc hội Mỹ sẽ cho thêm viện trợ nhưng trong thâm tâm, Martin không lạc quan như bề ngoài của chính mình.

Nhiều viên chức khác của sứ quán Mỹ tại Sài Gòn có cái nhìn thực tế và bị quan hơn nhiều. Trong hai lần liền, phụ trách tình báo cho phòng tùy viên quân sự Mỹ tại Sài Gòn là đại tá William Le Gro nói thẳng cho tướng Weyard biết rằng “dầu cho có thêm viện trợ đi nữa thì cũng đã quá trễ rồi”.

Le Gro cho rằng con đường duy nhất để chặn QGP là gửi máy bay Mỹ tới Việt Nam và ngay cả sự gửi máy bay Mỹ trở lại cũng không bảo đảm rằng sẽ thành công. Vì không những QGP đã tăng cường các đơn vị tại Quân khu III của VNCH, mà người ta còn thấy những phi đạn SA-2, hình dạng như điếu xì gà được bố trí tại tỉnh Phước Long ở phía tây bắc Sài Gòn.


*
Dù được đánh giá quân số đông, vũ khí nhiều, quân VNCH vẫn nhanh chóng bị đè bẹp dưới sức tấn công của QGP

Hai ngày sau đó, trùm CIA William Colby đưa ra một hình ảnh tiên đoán cũng ảm đạm như vậy: “Cán cân lực lượng bây giờ đã dứt khoát ngã về phía có lợi cho QGP. Tiến trình sụp đổ và chủ bại đang diễn ra có thể sẽ không thể nào trở ngược lại được và sự mau lẹ đưa tới sự sụp đổ của chính phủ Nam Việt Nam, cũng như sự sụp đổ về ý chí của chính phủ ấy”. Colby đã tiên đoán như thế khi lên tiếng trước Nhóm hành động đặc biệt tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Đến đây thì người ta chứng kiến sự sụp đổ của mặt trận Duyên Hải, bắt đầu bằng sự thất thủ Nha Trang.

(Còn tiếp)


Trong khi rất nhiều đơn vị khác của quân lực VNCH tan rã mà chưa có giao tranh thì sư đoàn 22 Bộ binh VNCH tại mặt trận nam Đà Nẵng cầm cự khá dai dẳng. Trong quân lực VNCH, sư đoàn 22 Bộ binh chỉ được đánh giá là “một sư đoàn tầm thường”. Trong cuộc tấn công của QGP vào mùa hè năm 1972, sư đoàn 22 bảo vệ Kontum và sư đoàn ấy bị QGP đè bẹp ngay từ sớm vì họ bất hạnh có một viên tư lệnh tồi.

Tại mặt trận Bình Định năm 1975, sư đoàn 22 phản ứng rất tự nhiên, như thể đó là hoạt động hàng ngày của họ. Người ta cần phải nhớ là lúc ấy, binh sĩ của sư đoàn 22 rất dễ bị lôi cuốn bởi khuynh hướng chủ bại phát sinh từ sự sụp đổ tinh thần sau cuộc triệt thoái cao nguyên và sự bỏ Huế, nhất là bởi khuynh hướng “hãy cứ bỏ chạy đã rồi sau đó, muốn ra sao thì ra”. Đã không bỏ chạy, không tan rã, sư đoàn 22 còn cầm cự trước nhiều đợt tấn công của QGP.

Lúc ấy, sư đoàn 22 đang trấn giữ một vị trí có tầm quan trọng chiến lược là đèo Bình Khê. Mãi đến khi sư đoàn 22 bị chết và bị thương đến hơn 2/3 quân số của cả sư đoàn thì các QGP mới qua được đèo Bình Khê để tới Qui Nhơn.