Elise Metcalf hiện đang theo học ngành Quan hệ Quốc tế tại trường Đại học Exeter, và sắp sửa sang Washington D.C. để học một năm tại trường Đại học Mỹ (American University). Cô ấy cũng đang ghi chép lại những trải nghiệm của bản thân nữa. Dưới đây, Elise sẽ cho chúng ta biết mình nên chuẩn bị những gì trước khi lên đường đi du học.

*

Chuẩn bị cho việc du học có thể là cả một quá trình phức tạp. Nếu như giai đoạn nộp hồ sơ nhập học với bạn chưa đủ căng thẳng thì giờ bạn sẽ thấy, đó mới chỉ là bắt đầu. Sau khi nộp hồ sơ, bạn còn một cơ số thứ phải sắp xếp trước khi có thể xách va-li lên và đi. Đây có thể là những điều vì cảm xúc háo hức được đi đến vùng đất mơ ước bấy lâu mà bạn vô tình bỏ qua.

Khi tớ được American University nhận vào học, tớ cảm thấy cực kì sung sướng và hạnh phúc khi những nỗ lực của tớ đã được đền đáp. Đây sẽ là một năm tớ học tập ở nước ngoài, nằm trong chương trình học Quan hệ Quốc tế của tớ tại Đại học Exeter. Tuy nhiên, những công việc phải làm sau khi nhận được thư mời nhập học hoá ra chẳng đơn giản hơn khoảng thời gian trước đó. Tớ cam đoan sẽ có rất nhiều thứ bạn phải sắp xếp, ngay cả khi bạn đã có một chỗ trong lớp học ở Mỹ rồi.

Tớ nghĩ các bạn nên chuẩn bị mọi thứ ngay sau khi bạn nhận được thư mời. Quá trình này có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn so với bạn dự kiến, và trì hoãn có thể làm bạn căng thẳng cực độ trước khi đi đó. Mẹo nhỏ của tớ là hãy lấy một tờ giấy đủ lớn để có thể ghi tất cả những kế hoạch trong một năm sắp đến. Khi bạn để tất cả mọi thứ ở một nơi, và nếu sắp xếp sớm, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng lắm đó.

Tài chính

Điều này là mối quan tâm cực kì to lớn từ lúc bạn nộp đơn cho khoá học đến sau khi nhận được thư mời nhập học. Điều đầu tiên, bạn có khả năng tự chi trả cho khoảng thời gian ở nước ngoài đó không? Nếu không chắc chắn, liệu có khoảng vay nào bạn được phép vay không? Một năm ở nước ngoài sẽ không hề rẻ, đặc biệt nếu bạn đi đến những nước như Mỹ. Đủ các loại chi phí bạn sẽ phải cân nhắc, vé máy bay đi đến đó và vé chiều về nước, đi lại trong những kì nghỉ, rồi tiền bảo hiểm, lệ phí visa, tiền nhà, tiền ăn ở, v.v. Bạn nên liệt kê ra tất cả những khoản phí có thể bạn sẽ phải trả trong một năm ở nước ngoài, và phải đảm bảo bạn có đủ tiền để chi trả cho ngần ấy nhu cầu. Ngoài ra, bạn cũng phải chắc chắn bạn sẽ được hỗ trợ như thế nào về mặt tài chính khi đi học, và bạn sẽ phải tốn thêm bao nhiêu nữa cho những chuyến đi, trải nghiệm một khi đã đặt chân đến đó. Nếu bạn nắm chắc được những thông tin này ngay từ đầu, thì khi bắt đầu trả các khoản phí này, bạn sẽ không thấy bỡ ngỡ, thậm chí sẽ thấy rất may mắn vì tất cả đều đã được lên kế hoạch trước rồi.

Các loại mẫu đơn đăng kí

Một khi bạn đã được cho phép học một năm ở nước ngoài, rất có thể bạn sẽ bị “mưa đơn đăng kí” xối cho ướt người. Lích kích các loại giấy tờ, các mẫu đơn từ trường đại học ở nhà, đến trường ở bên kia. Nhớ nhé, phải kiểm tra email để nắm chắc bạn sẽ phải cung cấp những thông tin gì và điền đầy đủ vào đơn. Sự trao đổi giữa hai trường bạn học có thể sẽ khá mất thời gian, và thường sự khác nhau về cách làm, hệ thống sẽ làm trễ việc của bạn. Do đó, bạn nên trừ hao thời gian để hoàn thành sớm những công việc này, tránh để bị trễ hạn.

Thị thực (Visa)

Bạn có cần visa cho năm học đó không? Nếu bạn đi đến những nước ngoài châu Âu, có thể bạn sẽ phải xin visa để được nhập cảnh. Thường trường của bạn, hoặc trường bên kia sẽ hướng dẫn chi tiết thủ tục visa, loại visa bạn cần xin, và cung cấp các mẫu đơn có liên quan. Tuy nhiên, chính bạn phải đặt lịch hẹn và phỏng vấn với đại sứ quán để xin visa. Một lần nữa, tớ khuyên các bạn nên dành nhiều thời gian cho việc này, bởi vì các đại sứ quán thường rất bận và có lúc bạn sẽ phải đợi một thời gian thì mới đặt được lịch hẹn. Đồng thời, bạn cũng nên biết rằng các đại sứ quán sẽ thu hộ chiếu gốc của bạn ít nhất một tuần để cấp visa. Nếu bạn có ý định đi đâu đó trong khoảng thời gian xin visa thì bạn nên xem xét lại.

Bảo hiểm

Chắc hẳn bạn sẽ phải cần đến bảo hiểm cho 12 tháng ở nước ngoài, ví dụ như bảo hiểm du lịch và sức khoẻ sẽ chi trả các khoản phí liên quan ở nước bạn sẽ đến học. Nếu bạn sắp đến Mỹ, bạn nên nhớ ở Mỹ, người ta yêu cầu rất nghiêm ngặt và bảo hiểm tất nhiên không hề rẻ chút nào. Bạn nên cộng thêm tiền bảo hiểm này vào danh sách các khoản phí cần chi trả. Như trường đại học của tớ ở Mỹ có chương trình Bảo hiểm Y tế mà sinh viên bắt buộc phải tham gia, trừ trường hợp họ có thể chứng minh họ được chi trả các khoản phí y tế bằng hình thức tương đương. Việc đăng kí Bảo hiểm Y tế cũng khá đơn giản và nhanh gọn, và trường đại học bạn đang học ở nước mình hay ở nước bên kia cũng sẽ chỉ dẫn và giúp đỡ bạn tận tình.

Chỗ ở

Bạn đừng quên tìm nơi ở cho mình trong một năm sắp đến ở nước ngoài. Một số trường đại học có kí túc xá cho sinh viên ngay trong khuôn viên trường, nhưng cũng có khi bạn phải tự tìm phòng cho mình. Như tớ, lúc đầu tớ khá lo khi biết được trường tớ sắp sang không có kí túc xá cho sinh viên quốc tế và tớ phải tự tìm nhà. Nhưng may mắn là trường chỉ cho tớ một nhóm trên Facebook gồm các bạn sinh viên muốn tìm nhà và tìm bạn ở chung. Từ đó, tớ có thể dễ dàng liên hệ với các bạn sinh viên đang cần tìm bạn chung nhà và sắp xếp chỗ ở của tớ. Tuy vậy, khoảng thời gian tìm nhà thật sự là khá căng thẳng với tớ, và lần sau tớ sẽ không đời nào “nước đến chân mới nhảy” như vừa rồi. Bạn nên ưu tiên cho việc tìm nơi ở để dễ dàng sắp xếp cho năm học sắp tới.

Đi lại

*

Điều này khá hiển nhiên rồi, nhưng trong một “mớ bòng bong” nhiều việc như thế, có khi bạn lại bỏ qua chuyện tưởng như dễ dàng này đấy. Bạn đến trường bên kia bằng đường nào? Có thể sẽ đi máy bay, vậy nên bạn phải nhớ đặt vé sớm để có giá tốt. Ngoài ra, bạn có cần đặt vé trước để về thăm nhà trong kì nghỉ không? Lên kế hoạch sớm sẽ giúp bạn thoải mái tinh thần hơn và tiết kiệm tiền, vậy nên ngay khi đã xác định được điểm đến, bạn nên chọn ngày đi và đặt vé luôn nhé.

Khám sức khoẻ

Khá nhiều trường đại học yêu cầu bạn cung cấp các giấy khám bệnh của bạn trước đây để ghi vào hệ thống của trường và làm cơ sở để cấp bảo hiểm y tế. Bạn phải đảm bảo giấy khám sức khoẻ của mình rõ ràng và chuẩn bị đầy đủ để nộp bất cứ khi nào trường yêu cầu. Như tớ thì khổ lắm luôn ý. Giấy khám bệnh của tớ tớ để ở nhà ba mẹ, vậy nên ba mẹ phải chuyển lại cho tớ theo địa chỉ ở trường đại học. Cũng may vì không gấp gáp nên mọi chuyện cũng ổn. Nhưng nhỡ mà đến giờ chót tớ mới đi tìm giấy tờ thì có khi mọi chuyện đã không được êm đẹp như vậy rồi.

Lưu giữ những đồ đạc không mang theo

Khi bạn đi nước ngoài một năm, bạn không thể nào mang theo tất cả mọi thứ được, nhất là khi bạn di chuyển bằng máy bay. Do đó, bạn cần phải để tất cả đồ đạc bạn không mang theo vào một nơi nhất định để dễ tìm khi cần. Nếu may mắn, bố mẹ có thể đến phòng bạn và mang về nhà cất giúp, tuy nhiên cũng có khi là không may được như thế. Nếu bạn không nhờ được bố mẹ, bạn có thể tìm các dịch vụ lưu trữ đồ đạc hoặc hỏi bạn bè liệu họ có thể giữ giúp mình trong một năm sắp đến không. Có khá nhiều công ty cung cấp dịch vụ này, tuy là giá không rẻ nhưng có khi lại là lựa chọn duy nhất cho bạn.

Các mối quan hệ

Dường như có hơi lạc đề so với những phần ở trên, nhưng đây là điều mà tớ đã từng phải đau đầu rất nhiều và là một thứ quan trọng tớ phải giải quyết trước khi lên đường. Bạn có đang yêu ai không? Nếu có, bạn định sẽ tiếp tục yêu xa hay chia tay? Bạn trai tớ và tớ đã mất một thời gian rất lâu, cả hai đều né tránh vấn đề này mỗi lúc nói chuyện, nhưng như thế chỉ thêm căng thẳng và lo lắng cho cả hai thôi, vì thật sự không ai biết người kia đang nghĩ gì cả. Cuối cùng thì tớ và anh ấy cũng nói ra những lo lắng của mình, rồi mới vỡ lẽ ra cả hai bọn tớ đều mong muốn những điều giống nhau, quyết định tiếp tục quen nhau và cố gắng ở bên cạnh nhau mỗi khi có thể. Một năm rõ ràng là rất dài đối với một mối quan hệ, vậy nên tớ nghĩ bạn nên thẳng thắn nói ra chuyện này để biết đối phương mong muốn điều gì. Đừng né tránh, bạn nhé.

Khi đến nơi

Cuối cùng, khi tất cả mọi thứ được thu xếp xong, bạn có thể thả lỏng một chút rồi này. Hãy tiếp tục tìm xem bạn đi từ sân bay về đến chỗ ở mới như thế nào, rồi bạn sẽ chi trả tiền ăn uống, các khoản phí khác như thế nào trong khi đợi ngân hàng mở tài khoản cho bạn. Liệu bạn có thể mở tài khoản ngân hàng trước được không, rồi có cần phải kí hợp đồng điện thoại mới khi đến bên kia không. Khi bạn làm đến đây rồi thì gần như xong rồi đó. Đây là những thứ cuối cùng bạn phải làm trước khi đặt chân đến vùng đất mới và tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời ở bên kia.

Nguồn: thirdyearabroad.com

Tổ chức, cá nhân muốn đăng thông tin học bổng, chia sẻ kinh nghiệm du học và các nội dung khác trên Scholarship Planet, vui lòng gửi thông tin đến hộp mail sppartners.info