Có được hỗn danh “Trư Bát Giới” nhờ vào khả năng ăn uống phi thường của mình, ông Trịnh Văn Mền (57 tuổi, ở thôn Cẩm Hòa, xã Cẩm Tú, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) bỗng dưng trở nên nổi tiếng khắp vùng. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng chính sự ăn uống phi thường ấy, đã khiến cho gia cảnh của người đàn ông “đặc biệt” này lao đao. Thậm chí, hạnh phúc gia đình cũng tuột khỏi tầm tay…
*
Người đàn ông ăn cao xoa bóp thay cơm

Một mình ăn bằng cả làng

Đặt chân về xã Cẩm Tú hỏi đến ông Mền không ai là không biết, bởi ở cái làng này mấy ai được “nổi” như thế. Hôm chúng tôi đến đúng vào lúc “lão Trư” đang ngồi ăn cơm cùng hai đứa con, nhìn lướt qua mâm cơm chỉ có độc một món cá kho. Nhưng bên cạnh người đàn ông đặc biệt ấy là một nồi cơm đầy ú ụ. Quay qua nhìn chúng tôi, lão cười xuề xòa: “Thức ăn chủ yếu là để cho bọn trẻ, còn tôi ăn cơm không cũng thấy ngon, miễn sao no bụng thế là được”. Nói rồi ông Mền vén áo lên và khoe cái bụng “không đáy” của mình. “Hôm nay tôi đi cuốc đất thuê về, đói quá, ăn một chập 6 bát cơm rồi mà bụng vẫn chưa thấy có gì trong đó”, “Lão Trư” vừa nói, vừa đưa tay xoa xoa bụng ra chiều đắc ý.

Cha con “lão trư”

Có lẽ nếu chỉ nghe người làng kể về chuyện ông Mền trở thành “Trư Bát Giới”, hẳn nhiều người sẽ nghĩ gã to béo và vạm vỡ lắm. Khi gặp trực tiếp con người ấy chúng tôi mới thấy rằng, bề ngoài của ông chẳng ăn khớp gì với cái hỗn danh mà người đời đặt cho. Ông gầy, dong dỏng cao, gương mặt khắc khổ. Ấy thế mà về khoản ăn thì ở cái làng này chẳng ai bằng. Theo những người hàng xóm của ông kể lại, có lần ông đã ăn hết hơn 700 cái bánh cuốn một lúc. Hay như có thể ăn hết 6 ống gạo nấu cơm, uống một lúc 6 chai mật mía, ăn hết 40 gói kẹo lạc chỉ trong một lần…

Kể về câu chuyện trở thành người đàn ông “đặc biệt” với khả năng ăn nhiều nhất làng của mình ông Mền bảo, chuyện xảy ra từ cuối những năm 80. Thời điểm ấy ông mới lấy vợ, cuộc sống gia đình khó khăn, ông phải đi làm thuê khắp vùng. Khi thì đào ao, móc giếng, khi thì cuốc đất, cấy thuê…“Hôm đó trời mưa to nên tôi nghỉ ở nhà, khi ấy nhà bà chủ mà tôi làm thuê có làm nghề tráng bánh cuốn. Từ nhỏ tôi có được biết hương vị bánh cuốn là thế nào đâu, vì thế ngồi xem bà chủ tráng bánh mà nước miếng cứ ứa ra. Hôm đó vì vừa được thanh toán tiền công nên tôi tính sẽ ăn thử một vài cái cho biết mùi vị thế nào. Ai ngờ, một thúng bánh cuốn bà chủ mới tráng xong tôi chỉ ăn trong chớp mắt là đã hết. Khi quay lại thấy thúng bánh đầy ú đã biến mất bà chủ kêu lên. Tôi lạy chú rồi đấy, cả cái thúng bánh hơn 700 cái của tôi, mà chú chỉ ăn trong chớp mắt. Chú không biết cái thúng ấy tôi phải mang bán cho cả làng ăn hả. Hôm đó tiền phải trả cho hơn 700 cái bánh cuốn mà tôi ăn, vị chi cũng mất 10 ngày công của tôi đấy”.

Bữa cơm đạm bạc của cha con ông Mền

Không chỉ có giai thoại nổi tiếng về việc một mình ăn bằng cả làng, ông Mền còn hóm hỉnh chia sẻ, ông ăn một lúc hết 700 cái bánh cuốn còn ngon và dễ ăn vô cùng. Vì đã có thời điểm ông ăn một lúc hết 40 gói kẹo lạc, 200 cái bánh cuốn, và một nồi cơm đầy khi còn làm tại bãi vàng vì lời thách đố. “Mọi người nhìn thấy tôi mà ai cũng lắc đầu lè lưỡi. Cũng kể từ hôm ấy, tôi nghiễm nhiên được mọi người “ưu ái” đặt cho cái hỗn danh “Trư Bát Giới”, ông Mền kể lại.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Doãn Văn Bình trưởng thôn Cẩm Hòa cho biết, việc ông Mền là người ăn khỏe nhất làng là có thật, và việc vợ ông bỏ đi để ông một mình nuôi con vì gia cảnh quá khó khăn, thì ở làng ai cũng biết. Hiện nay, gia đình ông Mền được liệt vào diện hộ đặc biệt khó khăn. Phía chính quyền cũng đã giúp đỡ gia đình ông ấy một căn nhà tình thương, còn những vấn đề khác vẫn phải nhờ vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Vợ bỏ vì ăn quá khỏe

Khổ như ông Mền, đó là câu nói cửa miệng của mọi người dân ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy khi nói về hoàn cảnh gia đình của ông. Cái khổ của gã họ “Trư” không chỉ là những lời gièm pha, mà nó còn là cái khổ về tinh thần, về vật chất. Bởi miệng ăn thì núi lở, đằng này nhà nghèo đã không có gì ăn mà lại ăn nhiều như ông Mền, thì khổ là đương nhiên. Như một người trong làng đã từng nói: Ông ấy ăn trôi cả nhà. “Lúc đầu tôi nghe mọi người gọi là “Trư Bát Giới” thấy vui. Nhưng về sau mới hiểu ra thì ngại vô cùng. Tôi cũng không bi ết tại sao mình lại có thể ăn nhiều được như vậy, có thể là do cái nghèo, cái đói trước đây khiến tôi như vậy”, ông Mền cho hay.

Nói về gia cảnh khốn khó ông Mền cho biết, cuộc sống gia đình khó khăn ngay từ khi ông ra đời, thậm chí, đến khi lớn lên manh quần còn không có đủ để mặc. Khi đi học, 4 anh em còn phải thay nhau mặc chung một cái quần. Cũng vì nghèo nên khi học đến lớp 2 mặt chữ còn chưa thuộc hết, ông phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp cha mẹ nuôi các em. “Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm, ăn toàn sắn và củ mài trừ bữa. Mà để kiếm được những loại củ ấy đâu phải dễ, lặn lội khắp các cánh rừng mới đào được một củ. Thế rồi năm 13 tuổi tôi đã theo các anh chị trong làng lên các bãi vàng ở vùng Lang Chánh, Quan Hóa để tìm kiếm vận may. Thế nhưng may mắn chẳng thấy đâu, đổi lại tôi trở thành người đàn ông ăn nhiều nhất làng như hiện nay”, ông Mền kể.

Căn nhà đơn sơ không có bất kỳ thứ tài sản gì đáng giá của lão “trư bắt giới”

Trở về từ bãi vàng, trong tay ông chẳng có gì lận lưng. Đói khổ, bệnh tật, đồng ruộng thì chẳng có ông lại lang thang khắp vùng cày thuê, cuốc mướn. Vào năm 1986, ông may mắn gặp được người phụ nữ chấp nhận nên duyên vợ chồng. Thế nhưng, sau khi có với nhau một người con trai, người vợ của ông vì không chịu được cảnh nghèo đói của gia đình nên đã bỏ cha con ông ra đi. Gần 10 năm sống trong cảnh gà trống nuôi con đến năm 1998, thấy thương hoàn cảnh của ông người làng mới mai mối cho ông với một người phụ nữ ở xã bên. Nhưng cũng như người vợ trước, sống với nhau chỉ được một thời gian, có với nhau 2 mặt con, người vợ ấy lại bỏ cha con ông. Đến năm 2007, gã họ “Trư” bén duyên với người vợ thứ ba là Hoàng Thị Nở, những tưởng cuộc đời sẽ mỉm cười với ông, ấy thế định mệnh một lần nữa lại “mang” vợ của gã đi, để lại cho ông thêm một người con gái nhỏ.

“Khi mấy người vợ của tôi bỏ đi, nhiều người biết chuyện thì trách móc, những người phụ nữ ấy không biết đồng cam cộng khổ với chồng, với con, thấy cuộc sống nghèo đói, khó khăn mà bỏ mặc cha con tôi. Nhưng cũng có người ác miệng thì bảo, đó là do tôi nghèo, đã vậy còn ăn nhiều đến mức mất phần vợ con, vì thế họ mới bỏ đi. Nghĩ mà tủi thân”, ông Mền buồn bã.

Không có nổi một mảnh đất để tăng gia, 3 người vợ lại bỏ đi không một lời từ biệt, để lại cho người đàn ông họ “Trư” trong cảnh gà trống nuôi con. Nghèo đói, thiếu thốn, những đứa con của ông dần dần phải từ bỏ ước mơ đèn sách. Ông Mền bùi ngùi: “Một mình tôi làm quần quật cũng chả đủ nuôi 4 đứa con, ăn còn không no huống chi cho chúng nó đến trường. Hôm rồi vì không có tiền cho thằng thứ 3 đóng học, tôi lỡ nói nặng lời với nó mà thằng bé nhảy xuống giếng tự tử. Cũng may là được mọi người cứu giúp, chứ không chắc nó giờ đã chết rồi. Bây giờ tuổi cũng đã nhiều rồi, tôi cũng chỉ biết cố gắng kiếm được miếng ăn cho các con, còn phần học hành thôi đành chịu”.