*

Nhập từ khóa...
*

Văn hóa các dân tộc cũng là một thế mạnh của du lịch. Ở Ninh Thuận có các công trình kiến trúc tháp Chăm huyền bí gắn với lễ hội của người Chăm cùng nghệ thuật ca múa nhạc dân gian đặc sắc trong tiếng trống Ghinăng, tiếng đàn Baranưng, điệu múa Apsara; làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc có truyền thống lâu đời. Với những lợi thế vốn có từ tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn phong phú đa dạng, Ninh thuận nổi tiếng bởi hệ thống các tháp Chăm còn nguyên vẹn cả về kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc được gìn giữ cho tới ngày nay.Tính tới thời điểm 8/2018, toàn tỉnh có tổng số 149 di sản văn hóa; trong đó có 53 di sản văn hóa đã được xếp hạng gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 35 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Năm 2017, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận” và “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận”; Công nhận di tích quốc gia đặc biệt đối với tháp Pô Klông Garai, tháp Hòa Lai. Phát huy những thành tích đã đạt được, năm 2019, ngành VHTTDL tỉnh Ninh Thuận tiếp tục nghiên cứu và làm rõ giá trị di tích tháp Hòa Lai và tháp Pô Klông Garai gắn với hệ thống tháp Chăm các tỉnh miền Trung để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới trong những năm tới. Đặc biệt, phối hợp triển khai việc lập và trình UNESCO công nhận Lễ hội Katê là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ninh Thuận là vùng đất được thiên nhiên ban tặng với nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, là một bức tranh hài hòa giữa rừng núi và biển cả, vẫn giữ được cảnh sắc hoang sơ của vùng nắng gió, Ninh Thuận còn là vùng đất của văn hóa Chăm đặc sắc còn lưu giữ cho tới ngày nay,... Với những điều kiện thuận lợi sẵn có, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp các ngành, Ninh Thuận đã, đang khai thác và phát triển các loại hình du lịch theo hướng bền vững. Định hướng phát triển du lịch của tỉnh là theo hướng toàn diện, tạo sự khác biệt mang tính cạnh tranh cao, bao gồm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và dịch vụ phục vụ du lịch, tập trung khai thác lợi thế về cảnh quan hoang sơ, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; các sản phẩm đặc trưng, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của Ninh Thuận. Ưu tiên loại hình du lịch khám phá, du lịch văn hóa.


*

Để văn hóa Chăm trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, tạo nét riêng biệt, thu hút du khách, công tác tổ chức thường niên Lễ hội Katê được tổ chức hàng năm đã trở thành điểm đến cho những du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Chăm. Và chỉ còn ít ngày nữa thôi Lễ hội Katê Ninh Thuận 2019 sẽ diễn ra trong 03 ngày, từ ngày 27-29/9 trên một không gian rộng lớn từ đền, tháp đến làng, xã. Đây là dịp thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu lễ hội độc đáo của đồng bào Chăm. Riêng địa bàn huyện Ninh Phước, Lễ hội Katê diễn ra tại tháp Pô Rômê và đền Pô Inư Nưgar thuộc xã Phước Hữu với chương trình dân ca, dân vũ đặc sắc do các nghệ nhân Chăm biểu diễn. Tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm Lễ hội Katê sẽ diễn ra tại tháp Pô Klông Garai.

Từ giữa năm 2017 đến nay, Lễ hội Katê và Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã tạo động lực đưa ngành du lịch địa phương ngày càng khởi sắc. Năm 2017, huyện Ninh Phước thu hút trên 100 ngàn lượt khách đến tham quan, tăng 23 ngàn lượt so với năm 2016; doanh thu dịch vụ - du lịch đạt trên 1.872 triệu đồng. Năm 2018 thu hút trên 150 ngàn lượt khách đến tham quan, doanh thu đạt khoảng 2.115 triệu đồng.

Ngoài hai làng nghề truyền thống, cụm tháp Pô Klông Garai được Chính phủ xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt cũng là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tới Ninh Thuận. Năm 2017, Khu di tích Tháp Pô Klông Garai đón 123.000 lượt khách đến tham quan, đạt 130% so kế hoạch năm, doanh thu ước đạt trên 1,7 tỷ đồng (tăng thu 400 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2016). Năm 2018, Khu di tích Tháp Pô Klông Garai đón 140.000 lượt khách đến tham quan, doanh thu ước đạt trên 2,1 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, đón 73.333 lượt khách, doanh thu ước đạt 1,1 tỷ đồng.

Có được kết quả trên, Ban Quản lý di tích đã đổi mới và đưa vào áp dụng nhiều giải pháp nhằm phục vụ, thu hút du khách như: bố trí đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, thuyết minh miễn phí cho du khách bằng song ngữ Việt-Anh đến tham quan ở tháp; tổ chức biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm phục vụ du khách, đầu tư xe điện phục vụ du khách. Ngoài khai thác Lễ hội Katê vốn có ở tháp, Ban Quản lý di tích phối hợp với Ban Phong tục tổ chức 4 lễ hội diễn ra tại di tích Tháp Pô Klông Garai: Lễ Chabun (lễ cúng nữ thần mẹ xứ sở), Lễ Peh bi mbeng Yang (lễ mở cửa tháp) và lễ Yuer yang (lễ cầu đảo), Lễ hội Katê... vừa bảo tồn, vừa khai thác giá trị văn hóa, thu hút khách du lịch.


*

Đến nay, người Chăm vẫn giữ các nghi lễ như: Lễ khai mương, đắp đê, lễ chặn đầu nguồn sông, lễ mừng lúa non, lễ xuống gặt, lễ mừng cơm mới... Đặc biệt một bộ phận người Chăm vẫn sống bằng nghề đánh cá, mà tục thờ cá voi ở tất cả các tỉnh ven biển ngày nay, chính là bắt nguồn từ tín ngưỡng của người Chăm.