Giới thiệu Hoạt động chuyên môn, nghiệp vụCông tác trưng bàyTin tức Trưng bày Trưng bày chuyên đềNghiên cứu Khảo cổ họcẤn phẩmDự án BTLSQG Thông tin hữu ích Hỗ trợ
Ngay từ buổi đầu mới thành lập, Chính phủ Việt Nam DCCH đã ra thông cáo đối ngoại đầu tiên nhằm khẳng định mong muốn hòa bình và hợp tác. Ngoại giao Việt Nam DCCH cũng hình thành mũi tiến công đầu tiên trong nỗ lực nhằm củng cố chính quyền non trẻ, kéo dài thời gian hòa bình để tích lũy thế và lực và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ vì nền độc lập và tự do của dân tộc.

Những chủ trương đối ngoại đầu tiên

Tháng 8 năm 1945, hưởng ứng lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, nhân dân khắp nơi đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước đã hoàn toàn thắng lợi. Cách mạng tháng Tám thành công, xiềng xích nô lệ mà thực dân Pháp và Đế quốc Nhật trói buộc nhân dân ta trong suốt 80 năm đã bị đập tan, chế độ quân chủ chuyên chế từng ngự trị và tồn tại hàng nghìn năm đã bị bãi bỏ. Việt Nam từ một nước thuộc địa trở thành quốc gia độc lập, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á và đánh dấu sự hiện diện của đất nước chữ S trên bản đồ thế giới.


*

Các thành viên Chính phủ nước Việt Nam DCCH, Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. (Ảnh tư liệu)

Nỗ lực kiến tạo quan hệ ngoại giao

Ngay sau khi thành lập, nhà nước Việt Nam DCCH non trẻ đã phải đương đầu với vô vàn thách thức “ngàn cân treo sợi tóc” trên cả bình diện đối nội và đối ngoại. Sự sống còn và vận mệnh dân tộc Việt Nam đã giao phó trọng trách lịch sử cho Đảng, Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Bên cạnh việc củng cố, xây dựng chính quyền non trẻ của nước Việt Nam DCCH, Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh đã tích cực kiến tạo quan hệ ngoại giao với các nước lớn và các nước láng giềng. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho Đại Nguyên soái I. V. Stalin với mong muốn thiết lập quan hệ với lãnh đạo Xô Viết vào tháng 9 và tháng 10 năm 1945.<3> Sau đó, Việt Nam đã gửi công hàm tới Chính phủ, Bộ Ngoại giao và đại diện Liên Xô ở Liên hợp quốc để thông báo tình hình nước ta, trình bày nguyện vọng và chính sách đối ngoại của Chính phủ ta, lên án thực dân xâm lược Pháp, yêu cầu đưa vấn đề Việt Nam ra Liên hợp quốc, ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc,…<4>

Như vậy, trong những đầu ngày đầu thành lập nước, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi biện pháp, cách thức khác nhau để liên hệ và kêu gọi các nước lớn và Liên Hợp quốc ủng hộ và công nhận nền độc lập của Việt Nam. Mặc dù các yếu tố chính trị và lịch sử chưa cho phép Việt Nam có thể sớm gia nhập Liên Hợp quốc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao song phương-đa phương để thực sự trở thành một đòn bẩy sắc bén trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ.

Đấu tranh ngoại giao với Pháp

Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc đấu tranh giữa cách mạng và phản cách mạng giữa phong trào giải phóng dân tộc chống ách thực dân, giữa đế quốc cũ và mới là xu hướng chủ đạo của tiến trình lịch sử thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.<9> Nước Việt Nam DCCH vừa ra đời đã phải đối phó cùng lúc với nhiều thế lực quân sự đối địch của các nước lớn. Ở miền Bắc, gần 20 vạn quân Tưởng vào Việt Nam với danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra, mang theo nhóm người Việt sống lưu vong ở Trung Quốc trong khi 26 nghìn quân Anh-Ấn vào giải giáp quân đội Nhật ở miền Nam. Bên cạnh đó, còn khoảng 60 nghìn quân Nhật trên lãnh thổ Việt Nam chờ được giải giáp.<10> Việc có một số lượng lớn quân đội nước ngoài theo khuynh hướng chống chính quyền mới thành lập đã tạo ra chênh lệch lớn trong cán cân lực lượng và sự bất lợi cho cách mạng Việt Nam.