Chúng ta luôn đề cao vai trò và ý nghĩa của việc học tập? Vậy các bạn đã bao giờ tự đặt ra câu hỏi: Học để làm gì chưa? Các bạn hãy cùng chúng tôi làm bài nghị luận xã hội Học để làm gì? để tìm thấy lời giải đáp cho câu hỏi trên, đồng thời củng cố thêm cho mục đích cũng như quyết tâm học tập của mình nhé!

Đề bài: Nghị luận xã hội Học để làm gì?

Mục Lục bài viết:I. Dàn ý chi tiếtII. Bài văn mẫu

*

Nghị luận xã hội Học để làm gì? 

I. Dàn ý Nghị luận xã hội Học để làm gì (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận: Học để làm gì?

2. Thân bài

a. Giải thích nội dung cần nghị luận– Học tập là gì?

b. Bàn luận về vai trò, ý nghĩa to lớn của việc học– Học để làm người.– Học để tiếp thu kiến thức.– Học để phát triển bản thân.

c. Lật lại vấn đề– Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, vẫn có những cá nhân coi thường và không chuyên tâm vào học hành– Có không ít bạn trẻ học theo quan điểm đối phó, lựa chọn phương pháp học tủ, học vẹt, dẫn đến căn bệnh thành tích trong học tập và gian lận trong thi cử.

d. Bài học nhận thức và hành động– Nhận thức đúng ý nghĩa của việc học.– Xác lập những mục tiêu học tập đúng đắn.– Kiên trì, cố gắng, nỗ lực trong học tập.

3. Kết bài

Liên hệ bản thân. 

II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội Học để làm gì (Chuẩn)

Học tập là quá trình diễn ra xuyên suốt giai đoạn vận động, phát triển của con người. Tuy nhiên, để học tập có hiệu quả, chúng ta cần xác lập những mục tiêu học tập đúng đắn, nhưng không phải ai cũng nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa của việc học. Vậy, trong cuộc sống của con người, chúng ta “Học để làm gì?”

Học là thao tác vận dụng tư duy để tiếp thu tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng của con người. Đây là quá trình diễn ra xuyên suốt cuộc đời của chúng ta và đem đến rất nhiều tác dụng, ý nghĩa to lớn. Trước hết, chúng ta có thể khẳng định mục đích đầu tiên của việc học là để làm người. Lúc cất tiếng khóc chào đời, con người hoàn toàn không có những hiểu biết và tri nhận về cuộc sống xung quanh. Trải qua quá trình “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, con người dần hoàn thiện những kiến thức để tồn tại và phát triển. Ngoài ra, học còn là nhân tố quyết định sẽ sống xứng đáng với hai chữ “con người” và tránh được những điều xấu xa, ích kỉ của phần “con”.

Tiếp theo, học tập là phương thức duy nhất để con người đặt chân vào thế giới tri thức vốn vô cùng bao la, rộng lớn như đại dương. Hay nói cách khác, học là để có được kiến thức. Chúng ta không thể nắm bắt và làm chủ tri thức nếu không trải qua quá trình học hỏi, tư duy.

Học còn là con đường để con người phát triển bản thân. Chỉ khi tích cực học hỏi, con người mới có thể tích lũy những tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng cho bản thân để hoàn thiện bản thân và khẳng định ý nghĩa tồn tại của chính mình. Chỉ khi có tri thức, chúng ta mới nhận được sự tôn trọng từ những người xung quanh. Chẳng hạn như những nhà khoa học, bác học ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo. Những phát minh của họ có ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển của xã hội.

Như vậy, học có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, vẫn có những cá nhân coi thường và không chuyên tâm vào học hành và chỉ tập trung vào những trò chơi tiêu khiển. Hoặc có không ít bạn trẻ học theo quan điểm đối phó, lựa chọn phương pháp học tủ, học vẹt với mục đích trước mắt là vượt qua các kì thi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh thành tích trong học tập và gian lận trong thi cử. Thời gian gần đây, sự việc nâng điểm thi một cách trắng trợn tại kì thi THPT Quốc gia năm 2017 được phanh phui đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Những thí sinh không đủ trình độ, năng lực bỗng nhiên trở thành những thủ khoa, á khoa của những trường Đại học thuộc “top” đầu. Để rồi khi sự việc được phanh phui, các em buộc phải thôi học. Đây rõ ràng là một tình trạng đáng báo động và cần bị lên án, phê phán trong môi trường giáo dục.

Để đạt đến những giá trị và ý nghĩa mà việc học mang lại, con người cần tìm ra những phương pháp học tập đúng đắn. Chỉ khi tìm được phương pháp phù hợp, chúng ta mới có được động cơ, hứng thú để học tập hiệu quả và không nhàm chán. Đồng thời, xác lập những mục đích học tập tích cực và không ngừng nỗ lực, cố gắng, kiên trì trên con đường học vấn đầy rẫy những cam go, thử thách để chinh phục tri thức. Bởi học luôn là một quá trình diễn ra xuyên suốt và không ngừng nghỉ, không gián đoạn, giống như nhà bác học Đác-uyn từng nói: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”, hay như Lê-nin khẳng định “Học, học nữa, học mãi”.

Là học sinh, chúng ta cần nhận thức đúng tầm quan trọng của việc học. Từ đó hình thành thái độ học tập tích cực, nỗ lực, cố gắng không ngừng để rèn luyện, hoàn thiện bản thân, trở thành người có ích đối với sự phát triển của xã hội.

———————-HẾT———————-