Dinh dưỡng - món ngon Sản phụ khoa Nhi khoa Nam khoa Làm đẹp - giảm cân Phòng mạch online Ăn sạch sống khỏe
hocketoanthue.edu.vn - Bạo lực gia đình là vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội từ nhiều nay và có xu hướng trầm trọng hơn, phức tạp hơn. Mỗi nạn nhân khi bị bạo hành thì hãy đừng im lặng, hãy lên tiếng, hãy tìm đến pháp luật, tìm đến các cơ quan chức năng để được bảo vệ kịp thời.

Kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2021 cho thấy, có 32% phụ nữ bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục. Không riêng với phụ nữ, bạo lực gia đình với trẻ em, người già cũng diễn ra phổ biến khi có tới 21,3% số trẻ bị xâm hại tình dục bởi chính người thân trong gia đình.

Bạo hành gia đình xảy ra với cả người lớn và trẻ em, ở cả phương diện tinh thần lẫn thể xác, với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Nhẹ thì mắng chửi, nặng hơn thì bị đánh đập, hành hạ, thậm chí có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Kẻ gây ra tội ác phần lớn là người thân trong gia đình nên khi xảy ra mâu thuẫn, bạo hành, nạn nhân thường rất khó đề phòng.

Mặc dù vấn nạn này xảy ra từ nhiều năm nay nhưng có tới 90,4% phụ nữ bị chồng bạo hành đã không tìm kiếm sự giúp đỡ của công an, tỉ lệ phụ nữ bị bạo hành tìm đến sự giúp đỡ chỉ là 4,8%; 1/3 số gia đình mỗi khi xảy ra vấn nạn bạo lực gia đình thường không biết phải làm gì; khoảng 25% gia đình cho rằng, bạo lực gia đình là việc riêng của hàng xóm, không nên can dự vào.


Trong cuộc sống, đôi khi “im lặng là vàng”, tuy nhiên, im lặng không phải lúc nào cũng đúng. Trong tình huống ấy, mỗi người sẽ có cách phản ứng khác nhau, có người chọn cách im lặng, có người to tiếng, có người nhanh chóng hòa giải sau đó nhưng cũng có người giữ những ẩn ức trong lòng và kết thúc bằng việc ly hôn...

Câu chuyện của chị Nguyễn Hoài Thu ở Phú Thọ (tên nhân vật đã thay đổi) là một ví dụ điển hình. Mặc dù ly hôn chồng đã 4 năm nay nhưng mỗi khi nhắc lại quá khứ đau buồn mà mình đã trải qua, chị Thu không khỏi chạnh lòng, nước mắt lại trào ra.

Chị lấy chồng, sống với nhau được 5 năm và có 1 cô con gái nay đã 8 tuổi. Chồng chị là một người nghiện rượu và vũ phu, mỗi khi uống rượu say, về nhà lại đánh, chửi mẹ con chị thậm tệ. Hiếm có ngày nào chị được sống bình yên trọn vẹn. Tuy vậy, chị vẫn cứ âm thầm chịu đựng những trận đòn, roi.

Lúc anh tỉnh, chị trò chuyện, khuyên bảo, anh hứa hẹn sẽ thay đổi. Nhưng khi uống rượu say thì mọi việc đâu lại vào đó. Do sống ở nông thôn, ngại hàng xóm chê cười nên chị không dám tâm sự, thổ lộ với ai, cũng không dám tố cáo lên chính quyền địa phương. Thời gian kéo dài, không chịu được người chồng vũ phu, chị quyết định ly hôn.

Ly hôn đã 4 năm, vết thương tích của những trận đòn roi vẫn còn đó nhưng chị không thấy đau mà chỉ thấy đau trong lòng và ân hận vì đã đã không dám lên tiếng tố cáo để bảo vệ mình và ân hận vì đã không ly hôn người chồng tệ bạc đó sớm hơn…


*

Ảnh minh họaTheo các chuyên gia tâm lý, trong các vụ bạo hành gia đình, một trong những nguyên nhân khiến nạn nhân e ngại không dám tố cáo là do ngại điều tiếng nên cam chịu chứ không muốn “vạch áo cho người xem lưng” hoặc do tâm lý “xấu chàng thì hổ ai” nên nhẫn nhịn im lặng và chịu đựng. Đây là một thực tế phổ biến và rất đáng báo động hiện nay, nhất là ở các vùng nông thôn.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho hay, bạo hành gia đình có rất nhiều loại hình khác nhau, trong cuộc sống gia đình, chỉ cần một sự việc, một hành vi không nhận được sự đồng thuận giữa các thành viên thì cũng có thể xảy ra bạo lực, mâu thuẫn, tùy theo mức độ phức tạp của vụ việc.

Ông An cho rằng, khi bị bạo hành thì phần lớn nạn nhân im lặng, còn vấn đề tố cáo bạo hành trong gia đình phụ thuộc vào văn hóa vùng miền, văn hóa khu vực. Văn hóa Việt Nam thường là “đóng cửa bảo nhau”, nên đã có nhiều vụ bạo hành như: chồng bạo hành vợ, vợ bạo hành chồng, cha mẹ đánh đập con cái, bố dượng đánh đập con riêng của vợ. Những trường hợp này thực tế đã xảy ra nhưng ít bị tố cáo. Sở dĩ có tình trạng như vậy là do nhiều người trong cuộc lăn tăn, khi tố cáo thì có được luật pháp bảo vệ hay không, cùng với đó, người tố cáo có được đảm bảo là sẽ không bị hành hạ tiếp hay không. Bởi trong nhiều vụ việc, sau khi nạn nhân tố cáo thì đã bị đánh đập, hành hạ nhiều hơn, thậm chí bị bạo hành nặng nề hơn.

Phân tích ở khía cạnh rộng hơn, ông An cho rằng, bạo hành gia đình xuất phát từ cả hai phía vợ và chồng đang ngày càng phát triển và gây nhức nhối trong xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Trẻ em là nhóm đối tượng bị tổn thương nặng nề nhất, những cái véo tai, tát, mắng đánh đập cho đến mắng mỏ, sỉ nhục… đều có thể gây tổn hại cho trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các bậc cha mẹ cần định hướng trẻ em, tránh để xảy ra nguy cơ bị xâm hại và bạo lực gia đình, tức là có thể bị thương tích do chính người lớn gây ra hoặc những vấn đề khác. Điều này phụ thuộc rất nhiều về giáo dục gia đình, muốn giáo dục gia đình tốt thì các bậc cha mẹ phải là gương sáng, gương tốt để giáo dục con cái, từ đó hạn chế được vấn đề bạo lực đối với trẻ em.

“Người bạo hành phải bị xử phạt theo luật. Tuy nhiên, Luật phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay còn rất nhiều bất cập. Cụ thể, với quy định, nếu bạo lực gia đình gây ra hậu quả bị tổn thương trên 11% thì sẽ phải quy định theo Điều 134 luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 là tổn thương về thể chất, sức khỏe là 11% sẽ bị xử lý hình sự, bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nhưng đối với trẻ em, thần kinh, thể chất còn yếu đuối, non nớt thì không nên chờ đợi và áp quy định là 11%. Chỉ cần 1 câu nói sỉ nhục, một sự bỏ bê, không quan tâm của bố, mẹ thì cũng có thể bị ảnh hưởng về tinh thần, có nguy cơ bị rối nhiễu tâm lý, thậm chí có những em đã tìm đến cái chết chỉ vì những câu nói sỉ nhục đó thôi. Cho nên, luật pháp là quan trọng nhưng chúng ta phải dựa trên thực tế và phải đặt trẻ em làm trung tâm thì mới có biện pháp xử lý phù hợp được”, ông Nguyễn Trọng An cho hay.

Theo các chuyên gia tâm lý, hành vi bạo lực càng kéo dài thì càng gây ra nhiều tổn thương cho nạn nhân, tổn thương tới mối quan hệ gia đình. Điều này sẽ được hạn chế rất nhiều nếu hành vi bạo hành bị phát hiện và xử lý kịp thời. Do đó, mỗi nạn nhân khi bị bạo hành thì đừng im lặng, hãy lên tiếng, hãy tìm đến pháp luật, tìm đến các cơ quan chức năng để được bảo vệ kịp thời.

Trong mỗi gia đình, các thành viên hãy yêu thương nhau, chia sẻ cùng nhau mọi buồn vui trong cuộc sống, cùng nhau hóa giải mọi mâu thuẫn, xung khắc. Hãy để nhà là nơi để trở về - gia đình là nơi để yêu thương./.