Tsuru for Solidarity biểu tình ở Sacramento, California, hôm 3 Tháng Sáu, hối thúc Thống Đốc Gavin Newsom ân xá cho ông Lê Hồng Lâm. (Hình: Tsuru for Solidarity)


SACRAMENTO, California (NV) – Sau 32 năm ngồi tù vì tội giết người, ông Lê Hồng Lâm, 54 tuổi, được tạm tha năm 2019.

Ông được tự do… chỉ vài phút. Hôm đó, Cảnh Sát Di Trú (ICE) chờ sẵn bên ngoài nhà tù rồi bắt giam ông ta, theo ABC News hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Sáu.

Kể từ khi được thả ra đến nay, ông Lâm chăm sóc người vô gia cư ở vùng Bay Area. (Hình: Tsuru for Solidarity)

Ông Lâm thuộc diện không có giấy tờ cư trú hợp pháp, bị ICE tạm giam trong lúc các giới chức quyết định trục xuất hay không, theo hồ sơ mà ABC News có được.

Theo các chuyên gia, trường hợp của ông Lâm không phải hiếm. Ông Lâm, người Việt Nam, và nhiều người Đông Nam Á khác có nguy cơ bị trục xuất nhiều hơn những nhóm dân nhập cư khác vì từng bị kết tội, một số chuyên gia và người ủng hộ nhập cư cho hay. Trong vài trường hợp, họ bị trục xuất sau khi ra tù.

Ông Lâm đến Hoa Kỳ cùng với em trai năm 1981 khi chỉ mới 12 tuổi. Hai anh em họ nằm trong số khoảng 125,000 người tị nạn di tản đến Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975.

Bạo lực là điều mà ông Lâm nhớ rõ nhất hồi còn nhỏ ở Việt Nam.

“Tôi nhớ rất nhiều lần nghe thấy tiếng bom đạn,” ông Lâm kể. “Trời, thời ở đó, ngày nào tôi cũng thấy người ta bị thương, lính tráng bị thương, mất tay, chân, đổ máu.”

Năm 1979, ông Lâm cùng em trai rời Việt Nam và đến trại tị nạn Hồng Kông mà trên người không có gì, ngoại trừ bộ đồ đang mặc, ông kể. Ở quê nhà khi đó, họ còn anh trai, người cha hay bạo hành gia đình và ít khi có mặt ở nhà, và người mẹ bệnh nặng.

Sau khoảng một năm ở Hồng Kông, hai anh em được bảo lãnh sang Mỹ và sống với hai gia đình bảo lãnh khác nhau. Trong khi em trai được gia đình bảo lãnh đối xử tốt, ông Lâm không may mắn như vậy. Ông cho hay người bảo lãnh quá bạo hành đến mức ông bỏ nhà ra đi năm 14 tuổi rồi cuối cùng gia nhập băng đảng.

Ông Lâm kể, là đứa trẻ vô gia cư ở đất nước xa lạ, ông thèm khát cảm giác có gia đình, được an ủi, bảo vệ.

“Lúc đó, tôi có cảm giác họ là gia đình, có thể tin họ mọi thứ. Tôi có cảm giác chúng tôi có thể cùng nhau làm mọi thứ,” ông nói về băng đảng của ông. “Chúng tôi chăm lo cho nhau. Nếu bất kỳ ai làm hại một người của chúng tôi, chúng tôi sẽ đứng lên đánh trả.”

Năm 23 tuổi, ông Lâm bắn chết một tay giang hồ đối thủ ở Gardena, California, và sau đó, bị kết tội giết người và âm mưu giết người, rồi bị kết án 34 năm tù đến chung thân.

Năm 2019, sau khi được tạm tha, ông Lâm bị ICE giam ở nhà tù Yuba County hai tháng. Sau đó, ông ký giấy tờ trục xuất để được thả ra và lâu lâu phải ra trình diện ICE.

Năm 2020, tổng cộng 1,615 tù nhân được chuyển từ Bộ Cải Huấn California sang ICE, theo Cơ Quan Nghiên Cứu Chính Sách Cải Huấn và Văn Phòng Giám Sát Nội Bộ.

Theo khảo sát của hai nhóm ủng hộ dân nhập cư và pháp lý – Tác Động Con Người và Bảo Vệ Công Lý Người Mỹ Gốc Á Châu – do nhiều chục năm thiếu hỗ trợ cũng như cảnh sát quá mạnh tay với cộng đồng tị nạn Đông Nam Á, “người tị nạn Đông Nam Á có nguy cơ bị trục xuất vì phạm tội trong quá khứ, nhiều gấp ba đến bốn lần những cộng đồng nhập cư khác.”

Nỗi đau mà ông Lâm gánh chịu do là người tị nạn “nặng nề đến mức để lại vết hằn trên não,” Bác Sĩ Carolee Trần, chuyên gia tâm lý và giáo sư của UC Davis Medical School, nói với ABC News.

Nỗi đau đó có thể ảnh hưởng đến cách con người nhận thức về thế giới cũng như cách họ phản ứng với hoàn cảnh khó khăn, bà Carolee cho biết thêm.

Tsuru for Solidarity biểu tình ở Sacramento, California, hôm 3 Tháng Sáu, hối thúc Thống Đốc Gavin Newsom ân xá cho ông Lê Hồng Lâm. (Hình: Tsuru for Solidarity)

Thỉnh cầu thống đốc

Thứ Năm tuần trước, buổi sáng trước ngày ông Lâm ra trình diện ICE, Tsuru for Solidarity, tổ chức bất vụ lợi của người Mỹ gốc Nhật ủng hộ công bằng xã hội, tổ chức biểu tình ở Sacramento hối thúc Thống Đốc Gavin Newsom ân xá cho ông Lâm ngay lập tức.

Mấy năm gần đây, ông Newsom ân xá tương tự cho hai người tị nạn Cambodia đang chờ trục xuất năm 2019; cả hai đều từng bị kết tội vì những tội ác họ gây ra lúc còn trẻ.

Những người ủng hộ nhập cư cho rằng trường hợp ông Lâm vi phạm thỏa thuận song phương năm 2008 giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, theo đó, “công dân Việt Nam sẽ không bị trục xuất về nước nếu đến Mỹ trước ngày 12 Tháng Bảy, 1995.”

Năm 2017, chính quyền Tổng Thống Donald Trump khi đó đàm phán lại với chính phủ Việt Nam để loại trừ những người từng phạm tội hình sự.

Từ năm 2017 đến 2018, số người Mỹ gốc Cambodia bị trục xuất tăng 279%, còn số người Mỹ gốc Việt bị trục xuất tăng 58%. Tháng Ba năm nay, có 31 người tị nạn Việt Nam bị trục xuất chung một chuyến bay dưới thời chính quyền Tổng Thống Joe Biden, nhiều người trong số đó đến Mỹ trước năm 1995.

Nếu bị trả về Việt Nam, ông Lâm sẽ trở lại một đất nước xa lạ mà không có ai giúp đỡ. Hơn nữa, ông có thể đối mặt với bạo lực và bị sách nhiễu vì đã công khai chỉ trích chính phủ Việt Nam, theo bà Angela Chan, giám đốc chính sách kiêm luật sư của tổ chức Bảo Vệ Công Lý Người Mỹ Gốc Á Châu.

Kể từ khi được thả ra đến nay, ông Lâm chăm sóc người vô gia cư ở vùng Bay Area. Ông cũng tình nguyện làm đại sứ khu Chinatown ở Oakland, giúp dẫn người cao niên gốc Á Châu về nhà giữa lúc nạn bạo lực chống người gốc Á Châu tăng mạnh.

Giờ đây, ông đang hy vọng Thống Đốc Newsom xóa tội hình sự tiểu bang “vì công nhận ông cải huấn tốt. Sau đó, họ có thể cấp lại thẻ xanh cho ông, rồi cho nhập quốc tịch. Đó là việc mà Thống Đốc Newsom chỉ cần cầm viết quẹt một cái là xong,” bà Chan cho hay.

Văn phòng ông Newsom chưa trả lời yêu cầu của ABC News cho biết ý kiến.

Về phần mình, ông Lâm nói ông đã ngồi tù đủ năm cho tội ác mình gây ra, và đang sẵn sàng sống cuộc đời phục vụ người khác.

“Tôi nhận thấy mình đã thay đổi. Tôi chỉ muốn yên bình. Tôi chỉ muốn làm điều tốt, đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Tôi chỉ mong có vậy. Tôi tự nhủ ngày nào đó chính thức được tự do, tôi sẽ đi khuyên giới trẻ tránh xa ma túy, tránh xa băng đảng,” ông Lâm nói với ABC News.

“Chúng ta ai cũng có thể thay đổi để trở thành người tốt hơn cho cộng đồng, xã hội, để giúp đỡ lẫn nhau, không thù ghét hay oán giận nhau,” ông nói. (Th.Long)