Chính trị Mặt trận Xã hội Kinh tế Tiếng dân Văn hóa Thể thao Pháp luật Quốc tế Sức khỏe Khoa học
Tiếng nói cơ sở Người Mặt trận Giám sát - Phản biện Tư vấn Các cuộc vận động Kiều bào Dân tộc Tôn giáo

Cứ đến tháng 9, những người ưa khám phá du lịch khắp mọi miền lại lên đường đến với Mù Cang Chải, nơi có mùa lúa chín vàng được cho là đẹp nhất vùng Tây Bắc.


*
Cảnh tượng hùng vĩ, tươi đẹp của ruộng lúa bậc thang ở Mù Cang Chải.

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái. Phía Đông huyện Mù Cang Chải giáp với 2 huyện Văn Chấn và Văn Yên của Yên Bái, phía Bắc giáp với huyện Văn Bàn của Lào Cai, phía Tây giáp với huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu, phía Nam giáp huyện Mường La của tỉnh Sơn La.

Huyện nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000 m so với mặt biển. Để đến được với Mù Cang Chải, khách du lịch phải trải qua một đoạn đường dài qua đèo Khau Phạ. Đây là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam. Mỗi mùa lúa chín nơi đây đón tiếp hàng chục nghìn du khách từ khắp mọi miền tổ quốc và các nhóm bạn trẻ lập kế hoạch phượt Mù Cang Chải.

Mù Cang Chải có 2 mùa khá đẹp mà khách du lịch rủ nhau tìm đến. Đó là khoảng tháng 5 - tháng 6, khi những cơn mưa mùa hè bắt đầu trút nước xuống những ngọn núi, dẫn vào các ruộng bậc thang. Nước tràn vào thửa ruộng làm cho đất khô cằn trở nên mềm hơn và nở ra giúp bà con có thể cấy lúa được dễ dàng.

Những bậc thang loang loáng nước trong nắng chiều tạo nên vẻ đẹp khiến cho bao du khách phải ngỡ ngàng. Sau nữa là khoảng giữa tháng 9 đến hết tháng 10, lúc này toàn bộ Mù Cang Chải sẽ vàng rực một màu lúa, lôi cuốn sự tò mò và quyết tâm đến tận hưởng của nhiều người trẻ. Có những người năm nào cùng tìm về Mù Cang Chải để ngắm lúa và tận hưởng không khí náo nức của nơi này.

*
Mùa lúa chín.

Giống như điểm đến Mù Cang Chải, đèo Khau Phạ cũng đẹp nhất vào mùa lúa. Đây là thời điểm mà nhiều khách du lịch mạo hiểm chinh phục đèo để thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Theo người dân quanh đây thì những cánh rừng già tại Khau Phạ còn lưu giữ được khá nhiều loại động, thực vật và các loại chim, muông thú quý hiếm.

Một bên đèo phóng tầm mắt xuống phía xa là mênh mông ruộng bậc thang, là thung lũng huyền ảo hòa quyện với sương và mây mù. Trong suốt chiều dài của đèo có đến vài chục đoạn cua gấp khúc tay áo. Vào những ngày mây mù, đèo đặc biệt nguy hiểm vì hạn chế tầm quan sát của lái xe.

Khoảng cách từ Hà Nội lên Mù Cang Chải được ước tính tầm 300km, nếu đi xe khách sẽ mất một ngày đường. Mặc dù đường sá khó khăn nhưng rất nhiều đoàn đã tổ chức đi tới đây bằng xe máy, để dễ dàng di chuyển đến những điểm đẹp nhất của Mù Cang Chải.

Các khu vực có ruộng lúa đẹp được “mách nhỏ” nhau là đoạn đường qua Tú Lệ, đặc biệt là khu vực xã La Pán Tẩn. Tại đây có rất nhiều ruộng lúa bậc thang đẹp với độ cao vừa phải, là điểm nhấn chính của ruộng bậc thang xứ này. Ở đây du khách có thể vượt qua những dãy núi cao để thỏa sức ngắm nhìn bạt ngàn lúa mênh mông trùng điệp. Đi bằng xe máy, khách tham quan có thể dừng lại bất cứ điểm nào để thỏa sức chụp hình và ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất của mùa lúa chín.

*
Đèo Khau Phạ

Ngoài vẻ đẹp của núi rừng, ruộng lúa bậc thang, nét đẹp trong văn hóa dân tộc nơi đây cũng là điểm thu hút khách du lịch. Theo thông tin tổng hợp từ UBND huyện Mù Cang Chải: Tổng số dân huyện Mù Cang Chải là 48.656 người, trong đó 90% là dân tộc Mông còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác. Sự đa dạng về dân tộc tạo nên cho Mù Cang Chải có một nền văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc, đó là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện.

Dọc đường đến với Mù Cang Chải, du khách không khó để bắt gặp những cô gái người dân tộc Mông với chiếc gùi nhỏ sau lưng, sặc sỡ váy áo bán những món đồ nhỏ đặc sản địa phương. Thỉnh thoảng cũng sẽ gặp những bà, những mẹ thồ củi, ngô, khoai dọc đường. Hay các em bé tung tăng chơi đùa, hoặc lội suối băng rừng đi học… Những điều tưởng như giản dị ấy lại thu hút rất nhiều người đến với nơi đây.

Bên cạnh những loại cây trái, những món ăn đậm bản sắc dân tộc cũng làm nên nét đặc biệt của vùng đất này. Đó là xôi hay xôi gà Tú Lệ, được coi là đặc sản rất nổi tiếng của Mù Cang Chải. Hay “món” châu chấu trong mùa gặt, món cua suối rang muối cũng khá ngon và ấn tượng…

Dưới bàn tay con người trải qua hàng chục năm, những thửa ruộng bậc thang không chỉ phản ánh một phương thức canh tác độc đáo của đồng bào Mù Cang Chải mà còn ẩn chứa nhiều thông số về giá trị lịch sử, văn hoá. Tới đây, dù vào những ngày giá lạnh đặc trưng của miền sơn cước thì sự nồng ấm của tình người cũng sẽ làm dịu bớt đi...