*

*

*
English
*
*
*
*

Bình Định Gia: Một dòng chảy đặc sắc

Theo lịch sử môn phái, Bình Định Gia lưu truyền trong gia tộc họ Trần ở vùng đất Tây Sơn từ thế kỷ XVIII, tổ sư sáng lập môn phái là Trần Đại Chí, sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Hoa. Là lưu dân trên đất Bình Định, ông sáng lập môn phái mang tên vùng đất đã bao dung, bảo bọc gia tộc ông.

 CHẮT LỌC TINH HOA

Trần Đại Chí từ nhỏ được gia đình gửi vào chùa Thiếu Lâm học võ, rồi “xuống núi” sau hơn chục năm miệt mài rèn luyện. Bất mãn với sự hàkhắc của triều đình Mãn Thanh, ông Chí đưa cả gia quyến xuôi về phương Nam lập nghiệp tại ấp Tây Sơn, tỉnh Bình Định, làm nghề bốc thuốc và dạy võ. Tương truyền Trần Đại Chí là bạn tâm giao với Võ Văn Dũng - người về sau trở thành một danh tướng rường cột của vương triều Tây Sơn. Cùng bạn thường xuyên trao đổi về võ học, cuối cùng khi lĩnh hội được tinh hoa của nhiều dòng võ, Trần Đại Chí đúc kết, sáng lập Bình Định Gia.

Trải qua 3 đời chưởng môn, Bình Định Gia ngày càng phát triển, với hệ thống các bài quyền, binh khí phong phú. Đặc biệt là thập nhị bộ và ngũ bộ tinh (Hầu quyền, Xà quyền, Hạc quyền, Hùng quyền, Hổ quyền), đặc dị và công năng chiến đấu cao; cùng nhiều loại binh khí, ám khí... Tuy nhiên, những công phu đặc sắc chỉ được truyền dạy trong gia tộc.

 

*

Võ sư quốc tế Bùi Công Phương (Bình Định Gia) biểu diễn bài thiết phiến. Ảnh: Bình Định Gia

Đầu những năm 80 thế kỷ XX, Chưởng môn đời thứ tư - Đại võ sư Trần Hưng Quang (SN 1928 tại Cát Trinh, Phù Cát; năm 1982, sau khi nghỉ hưu ông chuyển ra Hà Nội sống và qua đời tại đây vào năm 2014) và con trai - võ sư Trần Hưng Hiệp (chấp chưởng môn, bị tai nạn qua đời năm 1996, được truy phong Đại võ sư năm 2017) xin ý kiến và được các bậc lão thành trong dòng họ cho phép truyền dạy tinh hoa của Bình Định Gia rộng ra cả cộng đồng. Mùa xuân năm 1989, nhận lời mời của Hội Võ thuật Hà Nội, Đại võ sư Trần Hưng Quang chính thức tham gia Hội, đồng thời khai trương võ đường Bình Định Gia đầu tiên tại Trường Phổ thông cơ sở Việt Nam - Angieri (gọi là võ đường Việt - An).

LAN TỎA SÂU RỘNG

Bình Đình Gia hiện có lực lượng hùng hậu với rất nhiều đại võ sư, võ sư cao cấp, võ sư, HLV tài năng trong làng võ cổ truyền. Chấp chưởng môn Bình Định Gia Lê Minh Thu (vợ cố Đại võ sư Trần Hưng Hiệp) nhấn mạnh: Sự phát triển bền vững của môn phái có vai trò vô cùng quan trọng của Hội đồng gia tộc môn phái trong việc đã đồng tâm, hiệp sức vạch ra định hướng phát triển. Đặc biệt, luôn đề cao tư tưởng “Võ học vị nhân - Võ công khai trí”, nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị võ cổ truyền Bình Định nói chung và Bình Định Gia nói riêng.

 

*

Võ sư Tạ Phú Thắng biểu diễn bài túy quyền nổi tiếng của Bình Định Gia. Ảnh: Bình Định Gia

Theo Đại võ sư Nguyễn Bá Mạnh, thành viên ban cố vấn chuyên môn của Bình Định Gia, Phó Chủtịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam, môn phái có hệ thống các CLB lan tỏa sâu rộng ởnhiều tỉnh, thành miền Bắc, thu hút hàng vạn võ sinh tập luyện. Hội diễn võ cổ truyền Hà Nội mởrộng đến nay tổ chức 34 lần, Bình Định Gia đứng nhất toàn đoàn đến 33 lần. Đặc biệt, Bình Định Gia phối hợp truyền dạy võ cổ truyền với những đơn vị của Bộ CA, Trung tâm Huấn luyện cảnh sát cơ động, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Trường Sĩ quan Đặc công... Nhiều VĐV xuất thân từ môn phái đã đạt thành tích cao ở giải võ thuật trong nước và quốc tế.

 Trong lần tham gia Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định năm 2012, cô gái trẻ Châu Mẫn (SN 1990, quê xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) nên duyên với một võ sinh của đoàn Bình Định Gia. Chuyển ra Hà Nội sống và được truyền dạy các bài võ đặc sắc của Bình Định Gia, chuẩn võ sư Châu Mẫn (được công nhận từ năm 2016) cùng chồng là võ sư Tạ Phú Thắng không ngừng đóng góp tích cực cho hoạt động của môn phái. “Thời gian tới, khi được Bình Định Gia cho phép, tôi sẽ trở về quê hương Bình Định để mở chi nhánh của môn phái tại “cái nôi” gieo niềm đam mê võ cổ truyền cho tôi, nhằm góp phần quảng bá, chia sẻ những tinh hoa của Bình Định Gia đã lĩnh hội được”, chuẩn võ sư Châu Mẫn bộc bạch.

Từ năm 2015, Bình Định Gia đã phối hợp với nhiều trường ở TP Hà Nội, hệ thống trường Quốc tế Xanh Tuệ Đức (mở ở một số tỉnh, thành miền Bắc, Trung, Nam) để truyền dạy cho đông đảo học sinh.

Những năm qua, Bình Định Gia từng bước vươn ra quốc tế, thu hút ngày càng nhiều võ sinh ởcác nước: Ý, Algeria, Pháp, Lào... Võ sư Reda Sultani (Algeria) chia sẻ: Tôi đã dành rất nhiều thời gian về Hà Nội luyện tập các bài võ đặc sắc của Bình Định Gia dưới sự dẫn dắt của Đại võ sư Nguyễn Bá Mạnh, võ sư Bùi Công Phương cùng các võ sư trong môn phái. Hiện ở Algieria, Bình Định Gia có gần 300 võ sinh.

HƯỚNG VỀ CỘI NGUỒN ĐẤT VÕ BÌNH ĐỊNH

Theo Đại võ sư Bùi Trung Hiếu - Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Phó Giám đốc SởVH&TT - nhiều năm qua, Bình Định Gia luôn hướng về vùng đất cội nguồn, tổ chức các đoàn tích cực về tham gia các hoạt động giao lưu, thi đấu võ cổ truyền tại Bình Định. Môn phái và Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh cũng bồi đắp mối quan hệ gắn kết, trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Bình Định Gia đã 4 lần tham gia Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tổ chức tại Bình Định, tạo nhiều ấn tượng đẹp.

 

*

Bình Định Gia hiện có rất nhiều đại võ sư, võ sư, HLV tài năng. Ảnh: Bình Định Gia

Chấp Chưởng môn Lê Minh Thu bày tỏ: “Bình Định Gia luôn hướng tâm về Bình Định, nhớ ngày giỗ tổ võ cổ truyền Bình Định được Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh tổ chức trang trọng, luôn sẵn lòng có mặt chỉ cần Bình Định gọi tên... Cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh luôn song hành cùng Bình Định Gia từ những việc lớn, nhỏ cần thiết để cùng thực hiện mục tiêu chung là bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định”.