Quan điểm chỉ đạo trong phòng, chống dịch bệnh Covid -19 hiện nay: "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19"


Những năm qua, Ban Quản lý mô hình nuôi bò sinh sản - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre triển khai dự án nhân rộng mô hình “Nuôi bò sinh sản” từ nguồn hỗ trợ của gia đình Cố Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Khánh. Mô hình này đã góp phần trong công tác giảm nghèo của tỉnh, giúp các hộ nghèo có sinh kế lâu dài, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

 

*

Hộ gia đình tham gia mô hình nuôi bò sinh sản

Tháng 3-2017, Ban Quản lý mô hình nuôi bò sinh sản - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre do gia đình Cố Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Khánh hỗ trợ, đã chuyển giao 63 con giống từ chu kỳ 1 (2014-2016) và mua thêm 08 con giống để thực hiện chu kỳ 2 (2016-2019) và chuyển giao cho 71 hộ nông dân nghèo tại các xã Tân Xuân, An Hiệp, An Đức, An Bình Tây của huyện Ba Tri, xã Phú Vang của huyện Bình Đại và xã Phong Mỹ (nay là xã Phong Nẫm) của huyện Giồng Trôm, với tổng kinh phí hỗ trợ con giống là 1,2 tỷ đồng.

Mỗi hộ được hỗ trợ 01 con bê cái giống sinh sản có tỷ lệ máu lai từ 50% trở lên, trọng lượng 150 kg - 160kg/con, 36 tháng tuổi trở lên, tình trạng sức khỏe tốt, bò đã được tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng. Các hộ còn được hỗ trợ kinh phí làm chuồng trại là 500.000 đồng/hộ, đồng thời được tập huấn kiến thức về chăm sóc và phòng trị bệnh cho bò. Thời hạn thu hồi nguồn vốn là 36 tháng kể từ ngày nhận bò cái giống, hình thức thu hồi vốn được quy định như: Hộ gia đình tham gia mô hình hoàn trả lại Dự án 01 con bò cái, có trọng lượng và tình trạng sức khỏe tương đương với con bò cái giống đã nhận ban đầu, đồng thời hoàn trả số tiền hỗ trợ làm chuồng trại để Ban Quản lý mô hình chuyển giao cho hộ khác.

Qua kết quả thanh lý, thu hồi nguồn vốn, mô hình “Nuôi bò sinh sản” tại 08 xã của 03 huyện cơ bản đạt hiệu quả mục tiêu của Dự án. Các hộ tham gia mô hình có thêm thu nhập từ 07 - 12 triệu đồng mỗi con bê cái, đối với bê đực thì có giá trị cao hơn từ 10 - 18 triệu đồng/con; đặc biệt là trong 71 hộ thực hiện mô hình thì có 34 hộ thoát nghèo (tỷ lệ 47,9%). Bên cạnh những mặt đạt được thì còn những khó khăn và hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa cao như: Một số hộ tham gia thực hiện mô hình chưa tận tâm chăm sóc bò giống dẫn đến việc bò xảy ra sự cố chết, trong chăn nuôi gặp rủi ro (chết khi sinh bê con, không đậu thai, bệnh tật, bò không phát triển), hạn chế kỹ thuật chăn nuôi, điều kiện khí hậu thay đổi thất thường cũng làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường sống và phát triển của bò.

Việc nhân rộng mô hình “Nuôi bò sinh sản” ở trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được thành công nhất định, đó là xây dựng được mô hình sinh kế cũng như mô hình giảm nghèo có hiệu quả; hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo có hướng phát triển kinh tế lâu bền. Trên cơ sở kết quả đạt được từ mô hình “Nuôi bò sinh sản”, thời gian tới Ban Quản lý mô hình nuôi bò sinh sản sẽ nhân rộng dự án đến các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh theo đăng ký nhu cầu của các hộ dân./.