Thiết bị này không thể đọc suy nghĩ con người, nó chỉ có thể đo những chỉ số sinh lý học của cơ thể khi căng thẳng.

Thường được biết đến rộng rãi với cái tên “máy phát hiện nói dối”, máy đo đa chỉ số (polygraph) là một loại máy dùng để đo nhiều chỉ số sinh lý học của cơ thể người như huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và độ dẫn điện của da khi người đó đang phải trả lời một chuỗi các câu hỏi. Thực tế, thiết bị này không thể đọc suy nghĩ con người, nó chỉ có thể phát hiện sự biến đổi của cơ thể khi cơ thể bị căng thẳng. 

Máy phát hiện nói dối được khởi xướng sử dụng và truyền bá rộng rãi ra khắp nước Mỹ bắt đầu từ phòng cảnh sát của quận Berkeley, bang California vào thập niên 1930. Từ đây đánh dấu sự khai sinh của cả một ngành công nghiệp phát hiện nói dối với ba nhánh chính: điều tra hình sự, phản gián và kiểm tra ứng viên xin việc.

Theo Psychologytoday, trong bài kiểm tra nói dối thông thường, kỹ thuật viên đầu tiên sẽ hỏi những câu hỏi mà họ biết chắc câu trả lời là đúng sự thật như “Anh có đang ngồi trên ghế không?” hoặc “Giới tính của anh là nam phải không?”. Như vậy, họ sẽ thu được số đo sinh lý học của người bị tra hỏi khi trả lời thành thật. Lấy con số đã thu được làm cơ sở, họ sẽ tiếp tục với những câu hỏi kết tội như “Anh có biển thủ công quỹ không?” hoặc “Anh có giết người không?". Khi đó, nếu chỉ số của người bị tra hỏi lệch đi nhiều so với chỉ số cơ sở, có khả năng người đó nói dối.

Đương nhiên, việc nhận định một người có nói dối hay không còn phụ thuộc vào cách diễn giải số liệu thu được của kỹ thuật viên. Mỗi kỹ thuật viên lại có một bộ phương pháp khác nhau và cách diễn giải khác nhau. Chính điều này càng làm tăng thêm tính phức tạp và chủ quan của kỹ thuật này.



Máy phát hiện nói đo các chỉ sổ của người kiểm tra.

Nhiều người phản đối sử dụng thiết bị kiểm tra nói dối với lý do: biến đổi của cơ thể khi bị thẩm vấn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, không nhất thiết vì họ cố tình nói dối. Một người có thể căng thẳng hơn mức bình thường chỉ vì họ quá lo sợ bị nghi ngờ, hoặc nội dung câu hỏi vốn sẵn có nội dung gây kích động.

Người ta từng so sánh thiết bị này với phép chứng minh vô tội của người Ả rập xưa khi lấy lưỡi dao hơ lửa nóng và ấn vào lưỡi kẻ tình nghi. Người Ả rập xưa cho rằng nếu nói dối, lưỡi người này sẽ bị bỏng vì tâm trạng lo sợ khi nói dối thường ngăn nước bọt tiết ra và khiến miệng nghi phạm bị khô.

Qua mặt máy nói dối như thế nào?

Sau nhiều năm được đưa vào sử dụng, nhiều người nghiên cứu và thành công trong việc đánh bại máy phát hiện nói dối.

Một trong những cách hữu hiệu nhất đó là tăng cường độ kích thích của cơ thể khi đang trả lời những câu hỏi “thử” ban đầu, chẳng hạn như làm phép tính nhẩm trong đầu, điều chỉnh nhịp thở, cắn mạnh vào lưỡi hoặc nghĩ tới những điều gây kích động cực độ (như bị kẻ cướp đe dọa bằng dao). Như vậy khi chuyển sang hỏi những câu hỏi nghiêm túc, kỹ thuật viên sẽ khó lòng phát hiện được biến đổi cơ thể của người làm bài kiểm tra vì chỉ số đọc được sẽ tương đối giống nhau giữa hai phần. Ngoài ra, một người rất giỏi kiềm chế cảm xúc và cơ thể của mình vẫn có thể nói dối mà không bị máy báo phát hiện thông qua luyện tập hoặc ngồi thiền.



Kiểm tra phát hiện nói dối.

Những kỹ thuật trên hiệu quả tới mức mà Chad Dixon đã phải ngồi tù do mở lớp dạy cách qua mặt máy phát hiện nói dối cho một số ứng viên thi tuyển vào cơ quan tình báo FBI.

Theo Arstechnica, một ứng viên rõ ràng đã có tiền án hình sự nhưng nhờ vào khóa học mà ung dung trở thành mật vụ liên bang. Chad còn thừa nhận đã giúp chín kẻ bị kết án xâm hại tình dục dễ dàng vượt qua bài kiểm tra nói dối định kỳ trong khi đây là một điều kiện để chúng được hưởng án treo.

Tính hợp pháp của kết quả kiểm tra nói dối trong tố tụng?

Bản đánh giá khoa học của Ủy ban Nghiên cứu Quốc gia Mỹ và Hội Tâm lý học Anh quốc cho thấy máy phát hiện nói dối có độ chính xác 85% khi đánh giá những người thật sự có tội. Nhưng xác suất này tụt xuống chỉ còn hơn 50% khi kiểm tra người vô tội; kết quả của nhiều nghiên cứu khác nhau cũng có độ chênh lệch rất lớn.