Lạm phát là hiện tượng mức giá trung bình của nền kinh tế gia tăng theo thời gian.Lạm phát cơ bản là chỉ tiêu phản ánh sự thay đổi mức giá chung có tính dài hạn, sau khi đã loại trừ những thay đổi có tính chất ngẫu nhiên, tạm thời của chỉ số giá tiêu dùng. Hãy cùng ACC tìm hiểu thống kê lạm phát ở việt nam qua các năm thông qua bài viết dưới đây nhé.

*


1. Lạm Phát Là Gì? 

Lạm phát là hiện tượng mức giá trung bình của nền kinh tế gia tăng theo thời gian.

Lạm phát làm suy giảm sức mua của đồng tiền, tức cùng một số lượng hàng hóa, dịch cụ chúng ta phải mua với số tiền lớn hơn nhiều so với trước khi có lạm phát.

Lạm phát cơ bản là chỉ tiêu phản ánh sự thay đổi mức giá chung có tính dài hạn, sau khi đã loại trừ những thay đổi có tính chất ngẫu nhiên, tạm thời của chỉ số giá tiêu dùng.

Lạm phát cơ bản được tính bằng chỉ số giá tiêu dùng loại trừ đi các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục.

Lạm phát được thể hiện qua chỉ số lạm phát, trên thực tế là chỉ số giá tiêu dùng CPI hoặc chỉ số điều chỉnh GDP – GDP Deflator.

Ngược lại với lạm phát là giảm phát, là hiện tượng mức giá chung giảm xuống theo thời gian.

Tỷ lệ lạm phát thường được tính toán dựa trên các chỉ số: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Chỉ số điều chỉnh GDP, Chỉ số giá sản xuất (PPI), … trong đó Chỉ số CPI là thước đo chính của lạm phát.

2. Tỷ Lệ Lạm Phát Việt Nam Qua Các Năm Giai Đoạn 2010 – 2020

Năm 2011 có tỷ lệ lạm phát là 18.58%, cao nhất trong giai đoạn 2010 – 2020 và cao thứ 2 (chỉ sau năm 2008) trong giai đoạn 2000 – 2020.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, nhờ việc áp dụng đồng bộ các chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt, đồng thời thúc đẩy việc sản xuất, gia tăng hàng xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu,… lạm phát có xu hướng giảm và đạt mức thấp kỷ lục 0.63% vào năm 2015.

Trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020 tỷ lệ lạm phát của Việt Nam luôn được giữ ổn định ở mức 4%.

3. Nguyên Nhân Tỷ Lệ Lạm Phát Ở Việt Nam Tăng Cao Trong Giai Đoạn 2010 – 2011

Có 04 nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ lạm phát tăng cao ở Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2011. (Năm 2009, tỷ lệ lạm phát là 6.88%, năm 2010 có tỷ lệ là 9.19% và năm 2011 là 18.58%)

– Chênh Lệch Giữa Sản Lượng Thực Và Sản Lượng Tiềm Năng

Mỗi một nền kinh tế đều có một sản lượng tiềm năng nhất định (Có thể thay đổi theo từng thời kỳ). Thông thường, sản lượng thực sẽ “đuổi theo” và gia tăng sao cho bằng với sản lượng tiềm năng.

Nhưng vì một lý do nào đó thúc đẩy tổng cầu tăng nhanh thái quá, khiến cho sản lượng thực được sản xuất ra cao hơn sản lượng tiềm năng và gây ra lạm phát. Tức đường tổng cầu AD dịch chuyển sang phải đẩy giá P lên cao (Lạm phát cầu kéo).

Kể từ năm 2004, sản lượng thực của nước ta đều có xu hướng tăng nhanh và vượt qua sản lượng tiềm năng. Việc này chỉ bị kiềm chế vào năm 2009 sau khi nước ta chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Nhưng sau đó đến năm 2010 thì sản lượng thực lại bắt đầu tăng nhanh vượt qua sản lượng tiềm năng và gây ra lạm phát.

– Chi Tiêu Chính Phủ

Đây cũng là một dạng của lạm phát cầu kéo. Trong giai đoạn từ 2001 – 2010 chi tiêu Chính Phủ có tốc độ tăng cao từ mức 24.4% GDP (2001) đến 33.4% GDP (2005), 37.2% GDP (2007). Trong các năm sau đó từ 2008 – 2010 tuy có suy giảm nhưng vẫn ở mức cao bởi vì tổng thu ngân sách của chính phủ vẫn ở mức thấp.

– Tiền Tệ

Trong giai đoạn từ 2005 – 2010, tốc độ tăng trưởng cung tiền và dư nợ tín dụng của nước ta luôn ở mức cao, tính bình quân là 30%/năm. (Tức lạm phát do cung tiền, bạn có thể xem nguyên nhân này trong bài viết về các nguyên nhân lạm phát).

– Nhập Khẩu Lạm Phát Từ Nước Ngoài

Trong những hàng hóa nước ta nhập khẩu về thì nguyên vật liệu đầu vào để phục vụ việc sản xuất chiếm trên 87%. Khi giá cả các nguyên vật liệu này trên thế giới biến động thì sẽ có ảnh hưởng đến giá cả của hàng hóa trong nước (một dạng của lạm phát chi phí đẩy).

*Lưu ý: Các số liệu lạm phát trong bài viết đều được tính dựa trên cách tính mới của Tổng cục thống kê. Ví dụ, cách tính mới cho tỷ lệ lạm phát năm 2010 là 9.19%, nhưng cách tính cũ cho kết quả là 11.75%. Do đó bạn có thể an tâm sử dụng số liệu trong bài viết này.

Tỷ lệ lạm phát một trong những Chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng. Nhờ việc theo dõi và thống kê tỷ lệ lạm phát mà chúng ta có thể biết được tình hình nền kinh tế và có chính sách phản ứng phù hợp để đảm bảo ổn định nền kinh tế vĩ mô.

4. Lạm phát giai đoạn 2022- hiện nay.

Năm 2021, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu ngày càng tăng cao, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giá cước vận chuyển liên tục tăng nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 của Việt Nam chỉ tăng 1,84% so với năm trước, thấp nhất trong 6 năm qua, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, tiếp tục là năm kiểm soát lạm phát thành công.

CPI bình quân năm 2021 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

(i) Giá xăng dầu trong nước tăng 31,74% so với năm trước (làm CPI chung tăng 1,14 điểm phần trăm), giá gas tăng 25,89% (làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm);

(ii) Giá gạo tăng 5,79% so với năm trước (làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm) do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Lễ, Tết và nhu cầu tích lũy của người dân trong thời gian giãn cách xã hội;

(iii) Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,03% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào (làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm);

Để đạt được kết quả trên trong khi đất nước đang hết sức khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19 là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành, các cấp đã tích cực triển khai thực hiện những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, áp lực lạm phát được đánh giá là rất lớn. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong năm 2022, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên; lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than và giá cước vận chuyển. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.

Bên cạnh đó, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng sẽ tác động vào giá thực phẩm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở được tính trong CPI cũng sẽ tăng theo giá nguyên liệu dùng trong xây dựng. Giá dịch vụ giáo dục tăng trở lại do một số địa phương kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí năm học 2021-2022 và ảnh hưởng của việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ giáo dục trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Ngoài ra, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí tăng trở lại cũng tác động không nhỏ tới CPI chung.

Để giúp kiềm chế lạm phát tăng cao trong năm 2022, một số giải pháp đề xuất như sau:

Thứ nhất, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp.

Thứ hai, các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas…) có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào các dịp lễ, Tết để hạn chế tăng giá. Đặc biệt, đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đối với CPI chung. Bộ Công Thương cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Đặc biệt, thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý.

Thứ ba, đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý nên tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý không nên dồn vào các tháng cuối năm do các tháng cuối năm thường có nhu cầu tiêu dùng cao, nếu CPI liên tục tăng cao sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng rất lớn và số liệu CPI so cùng kỳ sẽ cao, tạo áp lực điều hành lạm phát cho năm sau.

Thứ tư, giá cả nguyên liệu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Do đó, Chính phủ cần nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác với Chính phủ các nước giàu tài nguyên, hỗ trợ các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất để kiểm soát lạm phát.

Thứ năm, chú trọng phát triển kinh tế số – xã hội số; cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư – kinh doanh; nâng cao hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế, qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, từ đó giảm áp lực lạm phát trong trung – dài hạn.

Trên đây là một số thông tin về thống kê lạm phát ở việt nam qua các năm. Hy vọng với những thông tin ACC đã cung cấp sẽ giúp bạn giải đáp được những thắc mắc về vấn đề trên. Nếu bạn cần hỗ trợ hãy đừng ngần ngại mà liên hệ với Công ty Luật ACC, để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng. ACC cam kết sẽ giúp bạn có trải nghiệm tốt nhất về các dịch vụ mà mình cung cấp đến khách hàng. Chúng tôi luôn đồng hành pháp lý cùng bạn.