*

Xử trí theo cảm tính - nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại trong việc giáo dục.

Trong quá trình trưởng thành, chúng có thể gây ra những việc khiến ta điên đầu như bướng bỉnh, không nghe lời, dễ nổi cáu... Không ít các bậc cha mẹ vì những vấn đề khác nhau của trẻ mà nổi giận, thậm chí có lúc không kiềm chế được đã lớn tiếng chửi mắng hay đánh đập con cái.

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh đó không phải là cách nuôi dạy con đúng đắn. Những đứa trẻ trưởng thành trong môi trường bị đánh chửi thường xuyên dễ bị tự kỷ, sợ hãi hoặc thù hận bố mẹ. Nguyên nhân do giáo dục đòn roi không truyền tải được tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái mà chỉ mang đến sự vô tình và lạnh nhạt, dẫn đến việc trẻ không cảm thấy vui vẻ mà chỉ thấy sợ hãi uất ức hay thù hận.

Có rất nhiều bậc cha mẹ không hiểu nổi vì sao cách giáo dục của mình thất bại. Thực ra xử trí theo cảm tính chính là nguyên nhân chủ yếu của sự thất bại. Trong quá trình dạy dỗ con không ít bậc cha mẹ vì khó kiềm chế cảm xúc của mình nên những nỗ lực ấy không nhận được kết quả xứng đáng. Các bé cũng sẽ không cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, không thể hiểu được vì sao bố mẹ lại đánh chửi mình như vậy.

Giữ vững tâm lý bình tĩnh và dùng lý trí xử lý vấn đề trong các tình huống là hai yếu tố mà nội dung cuốn sách này sẽ giới thiệu đến các bạn. Cuốn sách được chia thành nhiều chương với nhiều bài học mà bố mẹ cần phải lưu. Trong mỗi chương đều có những ví dụ tình huống thực tế, cụ thể giúp bố mẹ dễ dàng hình dung.

8 chương nội dung của sách:

1. Không tôn trọng - làm giảm hiệu quả dạy con

Muốn dạy con tốt, đầu tiên phải biết tôn trọng con. Tuy con còn nhỏ nhưng chúng không phải là "vật đính kèm" của bố mẹ, mà là những cá thể độc lập. Nuôi dạy trẻ cũng giống như trồng cây, phải biết "thuận theo tự nhiên, tôn trọng thiên tính". Muốn trẻ trưởng thành khỏe mạnh ta cần tôn trọng trẻ để được phát triển một cách tự do nhất.

2. Môi trường sống là mảnh ấm để trưởng thành

Một người trong tương lai sẽ có tính cách phẩm chất gì, chọn đi con đường nào, theo đuổi ước mơ ra sao, thậm chí lựa chọn công việc như thế nào, phần lớn đều có quan hệ mật thiết đến việc lúc nhỏ đã nhận được phương thức giáo dục gì và lớn lên trong hoàn cảnh nào. Môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình trưởng thành của trẻ. Một môi trường sống tốt có thể góp phần lớn vào việc giáo dục dạy trẻ trưởng thành. Vì thế việc tạo cho trẻ có một môi trường sống lành mạnh là trách nhiệm không thể chối cãi của bậc làm cha mẹ, cũng chỉ có một môi trường hòa hảo và thân thiện mới có thể đảm bảo tốt việc nuôi dạy trẻ.

3. Đừng nới rộng khoảng cách với con cái

Có nhiều bậc cha mẹ oán trách con trẻ không hiểu chuyện, chẳng có cách nào nói chuyện được với chúng, không biết cuối cùng vấn đề nằm ở đâu? Đương nhiên việc trẻ có khuyết điểm sai sót là sự thật, nhưng cách giáo dục của bố mẹ chắc chắn cũng có vấn đề.

Bố mẹ phải dùng cái "tâm" để thâm nhập vào thế giới của con cái, phải vận dụng những phương pháp mới hợp thời đại. Chỉ có việc chuyện trò hòa hảo với con cái mới giúp bố mẹ biết được con mình đang nghĩ gì, đồng thời con cái cũng sẽ tích cực hơn trong việc hoàn thành tâm nguyện của cha mẹ. Có như thế mới tạo ra được một môi trường lành mạnh cho trẻ.

4. Dạy dỗ quá nghiêm khắc không phải là phương pháp hiệu quả

Có một số bố mẹ vẫn giữ quan điểm yêu cho roi cho vọt nên áp dụng những phương pháp rất nghiêm khắc để dạy dỗ con cái, cuối cùng khiến tâm hồn con bị tổn thương nặng nề. Lại có một số bố mẹ khác chăm chút cho con cái từng tí một, cuối cùng tự biến con thành kẻ vô dụng giữa cuộc sống.

5. Giao tiếp phải "nghe nhiều hơn nói"

Muốn giao tiếp được với con cái là một việc không hề dễ dàng. Trên thực tế hầu hết các bậc phụ huynh khi trò chuyện với con cái đều nói nhiều hơn nghe, mà kết quả đạt được lại không như ý muốn. Trong những trường hợp như vậy bố mẹ nên thay đổi phương pháp giáo dục của mình, để trẻ lên tiếng trước và học cách lắng nghe trẻ, điều này không những có thể rèn luyện khả năng biểu đạt ý nghĩ bản thân ở trẻ mà còn giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về thế giới nội tâm của con cái, từ đó có những dẫn dắt chỉ bảo thiết thực hơn.

6. Trách phạt là một môn nghệ thuật

Khi trẻ phạm sai lầm, phản ứng đầu tiên của bố mẹ là trừng phạt. Đúng là trừng phạt có thể khiến trẻ nhận thức được rõ hơn về sai lầm của mình, nhưng nếu như trách phạt trẻ không thích đáng sẽ khiến tâm hồn chúng bị tổn thương, chính vì thế đòi hỏi bố mẹ phải biết cách trách phạt con cái. Trừng phạt cũng phải có mức độ, cũng giống như những đồ vật đẹp đẽ nhất trên đời này đều được so sánh với vàng vậy, nếu như nắm vững được nghệ thuật trừng phạt, không những có thể khiến trẻ hiểu được những đạo lý sâu sắc mà còn khiến chúng biết rõ hơn và tôn trọng tấm lòng của bố mẹ.

7. Cách dẫn dắt trẻ đúng đắn

Phương pháp giáo dục con lành mạnh chính xác đã giúp cho việc giáo dục thành công đến quá nửa, hơn nữa có thể giúp ích cho cả cuộc đời trẻ. Nếu như chỉ nghiêm khắc khắt khe khi giáo dục trẻ thì sẽ mang lại một vài ảnh hưởng không tốt cho chúng, mà lại không đạt được hiệu quả như mong muốn. Giáo dục đòi hỏi sự nhẫn nại, nếu như phát hiện trẻ mắc sai lầm chứ nên lập tức trách phạt, mà hãy dẫn dắt cho chúng hiểu rõ đúng sai để trẻ nhận ra hướng đi đúng đắn.

8. Gạt bỏ những quan niệm giáo dục sai lầm

Xã hội hiện đại cạnh tranh khốc liệt, nếu muốn có được thành công nhất định phải được trang bị tốt những kiến thức và khả năng. Bởi vậy mà có rất nhiều cha mẹ ngay từ khi con còn nhỏ đã giáo dục chúng rất nghiêm khắc, nhưng trong vấn đề hầu hết các bậc bố mẹ đều mắc phải một số sai lầm, nên không những không đạt được hiệu quả như mong muốn mà còn làm quan hệ giữa cha mẹ và con cái xa vời hơn. Bởi vậy trong quá trình dạy dỗ con cái bố mẹ nhất định phải chú ý không mắc phải những kiểu giáo dục sai lầm.

*

Một số trích dẫn hay trong sách:

"Cha mẹ không nên lúc nào cũng tự cho mình là bề trên, khi bạn lúc nào cũng tỏ ra bề trên oai vệ nhìn xuống, con trẻ có lẽ vẫn sẽ kính trọng bạn. Nhưng bạn sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng của trẻ, bởi như vậy bạn sẽ rất khó hiểu được trẻ."

"Đối với những bí mật của con cái, cha mẹ cần điềm tĩnh lặng lẽ quan sát và phân tích tình hình, cần phải biết nếu như bố mẹ cứ nhất định muốn tìm hiểu về bí mật của con cái, cuối cùng sẽ chẳng thu được gì cả."

Như vậy, giáo dục con cái là một trách nhiệm, cũng là một thiên chức của bất kỳ bố mẹ nào. Phương pháp giáo dục tốt từ khi còn nhỏ chính là nền tảng cho con được phát triển toàn diện về thể chất lẫn tâm hồn. Review cuốn sách "Kỷ luật không nước mắt - phương pháp giáo dục trẻ hiệu quả" này sẽ là một bài tham khảo giúp bố mẹ có cái nhìn khác hơn trong việc dạy con trẻ và biết được rằng mình cần bổ sung điều gì còn thiếu sót.