Thể LoạiVăn học – Tiểu thuyết
Tác GiảHaruki Murakami
NXBNXB Văn Học
CTy Phát HànhNhã Nam
Số Trang360
Ngày Xuất Bản05-2018
Xem Giá Bán TrênFAHASA T I K I SHOPEE

Mục lục

I. Giới thiệu sách Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành HươngII. Review sách Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành HươngIII. Trích dẫn sách Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương

I. Giới thiệu sách Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương

Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương (色彩を持たない多崎つくると、彼の巡礼の年 Shikisai wo motanai Tazaki Tsukuru to, kare no junrei no toshi) là tên tiểu thuyết phát hành năm 2013 của Murakami Haruki.

Aka trong Akamatsu nghĩa là Đỏ

O trong Oumi nghĩa là Xanh lơ

Shira trong Shirane nghĩa là Trắng

Kuro trong Kurono nghĩa là Đen

Và Tazaki Tsukuru Không màu

Họ – năm người bạn đã từng chơi rất thân với nhau.

Họ – một ngày nọ, đã loại trừ một sắc thái màu mang tên Tazaki.

Vì Không màu quá mơ hồ, nhợt nhạt hay quá khác biệt?

Không có lời giải đáp nào cho câu hỏi trên.

Đây là tác phẩm mới nhất của Murakami sau bộ tiểu thuyết “dài hơi” 1Q84. Cuốn sách được khởi nguyên từ một truyện ngắn như lời Murakami tâm sự: “Ban đầu tôi định viết một truyện ngắn nhưng tôi càng viết, nó tự nhiên càng dài ra. Chuyện này không thường xảy ra với tôi lắm, có lẽ là lần đầu tiên kể từ khi viết Rừng Na Uy.”

Tazaki cũng gặp phải cú sốc tinh thần đầu đời (một kiểu san chấn tâm lý) như nhiều nhân vật chính khác trong các tác phẩm trước đó của Murakami. Một vết thương lòng đớn đau ở tuổi hai mươi. Tazaki bị đẩy ra ngoài nhóm bạn với lời nhắn gửi cuối cùng “đừng gọi nữa”. Cô đơn trong kí ức, hoài niệm. Cô đơn nơi thực tại mơ hồ. Cô đơn trong nỗi đau, hoài nghi. Anh mặc định mình là một kẻ trống rỗng, không bạn bè.

Ngay ngày hôm đấy, anh chết. Tuổi trẻ, tình yêu, khát vọng – tất cả chỉ còn là một màu trong suốt vô hình. Và mười sáu năm sau, ý niệm về cái chết như phương thức giải thoát duy nhất vẫn còn đeo đuổi trong tâm trí anh. Nếu như không có sự xuất hiện của cô gái Sara, có thể Tazaki đã mang theo những tuyệt vọng, ám ảnh triền miên vào giấc ngủ không bao giờ thức tỉnh.

Anh quyết định quay về những năm tháng lãng quên để tìm ra sự thật và giải mã những phần đứt đoạn của giấc mơ. Xuyên suốt tác phẩm, chuyến hành hương ngập tràn trong âm nhạc – thanh âm êm dịu của đoạn khúc Le mal du pays (Hoài hương) mà cô gái tên Trắng thường chơi.

Cái chết bí ẩn của Trắng.

Những đớn đau giày vò của Xanh, Đen và Đỏ.

Sự thật đã giải thoát Không Màu khỏi hồi ức vỡ vụn!

Trong thời đại của công nghê, Google và Facebook, con người đã dần quen với việc kết nối với nhau bằng mạng lưới thông tin đa chiều. Và chúng ta dường như ngủ mơ trong thế giới ảo mà quên rằng: lòng người – nơi tận cùng thế giới mới là nơi khó nắm bắt nhất. Nó hiện hữu đấy nhưng cũng rất đỗi mong manh vô hình. Và Murakami đã khẳng định một cách chua xót rằng, “Nếu muốn, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng lấy được những thông tin như thế. Dẫu vậy, chúng ta thật sự gần như chẳng biết gì về mọi người”. Suốt mười sáu năm, Tasuki trốn chạy nỗi đau bằng cách tự gây tổn thương bản thân. Nhưng điều đó không giúp anh thoát khỏi ám ảnh. Đối diện với nỗi đau và những vết cứa sắc lẹm của nó mới chính là cách giúp con người tồn tại và xích lại gần nhau.

“Lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương. Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực”.

Đọc cuốn sách, có thể bạn sẽ nhớ lại những câu trong Kafka bên bờ biển. Chuyến hành hương của Tazaki vô tình gợi nhắc đến cuộc hành trình của Kafka để thoát khỏi lời nguyền định mệnh:

Anh ngồi bên rìa thế giới

Em trên miệng núi lửa đã tắt

Đứng khuất trong bóng cánh cửa

Là những lời không còn chữ

Phía bên kia những lời không còn chữ. Đó mới là thực tại vẹn nguyên, là lòng người sâu thẳm.

Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương không quá siêu thực, mơ hồ và huyền bí như những kiệt tác trước đó của Murakami. Thế nhưng, nó vẫn có sức hút mãnh liệt đối với độc giả. Với 13000 bản trong lần đầu ra mắt, tiểu thuyết này đã phá vỡ kỉ lục lượng xuất bản đầu tiên của bất kì cuốn sách nào tính đến thời điểm hiện tại.

Xin phép được tạm dừng mọi luận bàn tại đây. Tất cả vẫn là một bí mật.

Tất cả không thể là khởi đầu. Cho đến khi bạn gặp Tazaki.

Và hành hương cùng anh ấy…

Nhận định

“Sự kết hợp đầy cảm hứng giữa Murakami ‘cũ’ và Murakami ‘mới’.”- Amazon

“Câu chuyện của Tsukuru sẽ còn âm vọng cùng bất kỳ ai cảm thấy mình đang trôi dạt giữa kỷ nguyên Google và Facebook này.” – San Francisco Chronicle

“Đây là một cuốn sách rất thực tế, như Rừng Na Uy vậy. Nó, với tôi, có vẻ nặng nề, thậm chí là u buồn hơn so với những tác phẩm khác, nhưng quan trọng nhất, là nó có triển vọng” – Philip Gabriel, dịch giả tiếng Anh của cuốn sách

Cốt truyện

Tazaki Tsukuru có bốn người bạn thân thời cấp 3. Trong tên của họ đều có Hán tự chỉ màu sắc như “đỏ”, “xanh”, “trắng” và “đen”. Trong tên Tazaki không có gì chỉ màu sắc nên cậu cảm thấy lạ lẫm và lo lắng. Cũng chỉ có mình cậu trong nhóm bạn đó rời bỏ quê nhà đi học một trường đại học ở Tokyo.

Rồi một ngày nọ, khi đó cậu 20 tuổi, bốn người kia bảo chấm dứt tình bạn với cậu. Không hiểu lý do vì sao, cậu cảm thấy mất mát và trở nên cô độc. Bởi thế, từ tháng 7 năm thứ hai đại học đến tháng 1 năm thứ ba, “cậu sống mà lúc nào cũng nghĩ đến chết”.

Thời gian trôi đi, Tazaki đã trở thành một kỹ sư thiết kế đường ray xe lửa và đã 36 tuổi. Bề ngoài, cậu là một người đàn ông thành đạt song thực ra, sự khước từ của bốn người bạn kia đã để lại một vết sẹo không thể nào xoá được trong tâm hồn cậu. Khi tâm sự với người mình yêu về quá khứ của mình, cô gái nói “Anh phải thẳng thắn đối diện quá khứ”. Bởi vậy, Tazaki quyết định thực hiện một chuyến “hành hương” kéo dài nhiều năm để đi tìm căn nguyên cho hành động của bốn người bạn của cậu 16 năm trước. Cậu luôn cảm thấy mình là một kẻ thiếu màu sắc hay nhân phẩm, sống một cuộc đời trống rỗng và phù du.

Một số thông tin về nhà văn Murakami Haruki

Murakami Haruki (村上 春樹 (Thôn Thượng Xuân Thụ)sinh ngày 12 tháng 1 năm 1949) là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Từ thời điểm nhận giải thưởng Nhà văn mới Gunzo năm 1979 đến nay, hơn một phần tư thế kỷ hoạt động và viết lách, tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 50 thứ tiếng trên thế giới, đồng thời trong nước ông là người luôn tồn tại ở tiền cảnh sân khấu văn học Nhật Bản. Murakami đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những mĩ danh “nhà văn được yêu thích”, “nhà văn bán chạy nhất”, “nhà văn của giới trẻ”.

Từ nhỏ, Murakami đã chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa phương Tây, đặc biệt là âm nhạc và văn học. Ông lớn lên cùng với hàng loạt tác phẩm của các nhà văn Mỹ như Kurt Vonnegut và Richard Brautigan, và sự ảnh hưởng của phương Tây chính là đặc điểm giúp mọi người phân biệt ông với những nhà văn Nhật khác. Văn học Nhật thường chú trọng đến vẻ đẹp ngôn từ, do đó có thể khiến cho khả năng diễn đạt bị giới hạn và trở nên cứng nhắc, trong khi phong cách của Murakami tương đối thoáng đạt và uyển chuyển.

Murakami học về nghệ thuật sân khấu tại Đại học Waseda, Tokyo. Ở đó, ông đã gặp được Yoko, người sau này là vợ ông. Ban đầu ông làm việc trong một cửa hàng băng đĩa, nơi mà một trong những nhân vật chính của ông trong tác phẩm Rừng Na Uy, Watanabe Toru, đã làm việc. Một thời gian ngắn trước khi hoàn thành việc học, Murakami mở một tiệm cà phê chơi nhạc jazz có tên “Peter Cat” tại Kokubunji, Tokyo, ông quản lý nó từ năm 1974 đến 1982. Nhiều tiểu thuyết của ông lấy bối cảnh âm nhạc và nhan đề đề cũng nói đến một bản nhạc nào đó, gồm có Dance, Dance, Dance (của ban nhạc The Steve Miller), Rừng Na Uy của The Beatles)’ và Phía nam biên giới, phía tây mặt trời (ghép từ nhan đề một bài hát South of the Border và mượn ý lại của một bài hát khác East of the Sun).

II. Review sách Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương

*

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương của nhà văn Haruki Murakami. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé!

1. HIEU NGUYEN review sách Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương

Chủ định mua một quyển sách của Haruki Murakami. Tôi đã thấy quyển này ở nhà em nhưng chưa đụng đến bao giờ. Sau khi đọc vội vàng những dòng mô tả trên bìa sau, tôi quyết định chọn cuốn này. Sự đoạn tuyệt, không giải thích là những điều đưa tôi đến quyết định đọc.

Cuốn sách không có những mãnh lực đặc biệt, hay sự huyền bí kích thích trí tưởng tượng như đã có ở ‘Kafka bên bờ biển’ hay ‘Biên niên ký chim vặn dây cót’, nhưng bù lại đây là câu chuyện gần với thực tế cuộc sống nhất mà tôi được thấy qua các tác phẩm của Murakami. Những ẩn khuất trong lòng người được dần được mở ra, mang đến kết quả là sự thanh thản cho tâm hồn mỗi người. Cuộc đời luôn có những nút thắt, và chúng ta không thể cứ giấu những nút thắt ấy đi, hy vọng năm tháng sẽ xóa nhòa, mà chúng ta cần đối mặt với nó, gỡ dần từng nút thắt, cởi trói cho tâm hồn. Đó mới là tiền đề cho sự an ổn, và hòa hợp.

“Vào lúc đó, gã bỗng chấp nhận tất cả. Tazaki Tsukuru đã hiểu ra, ở phần sâu xa nhất trong linh hồn mình. Lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương. Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực.”

2. LƯU LY review sách Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương

Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương không phải là cuốn sách mà tôi cảm thấy hay nhất của Haruki Murakami nhưng có lẽ đây lại là cuốn mà bản thân tôi cảm thấy mình mà ông có nhiều điểm chung đến vậy. Lúc mình đang đọc cuốn sách cũng là khoảng thời gian bản thân chẳng biết làm gì, chẳng biết mình là ai, ngày ngày ở nhà chui rúc trong chiếc giường hết ăn lại ngủ và có cả nững dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Trong khoảng thời gian đó, mình khhoong định hình đuược tương lại bản than sẽ ra sao, chăng thể tìm kiểm được cái tôi của mình, sợ sẽ giống như dòng người kia hóa lẫn trong cái vòng tròn cuộc sống. Và đó có lẽ cũng chính là cảm giác mà Tazaki Tsukuruphải chịu đựng: Không màu và bị những người bạn thân nhất loại ra khỏi vòng tròn khép kín.

“Aka trong Akamatsu nghĩa là Đỏ

O trong Oumi nghĩa là Xanh lơ

Shira trong Shirane nghĩa là Trắng

Kuro trong Kurono nghĩa là Đen

Và Tazaki Tsukuru Không màu

Họ – năm người bạn đã từng chơi rất thân với nhau.

Họ – một ngày nọ, đã loại trừ một sắc thái màu mang tên Tazaki.

Vì Không màu quá mơ hồ, nhợt nhạt hay quá khác biệt?”

Có lẽ đó là cú sốc trong Tazaki Tsukuru và điều đấy dường như lấy mất đi một phần tâm hồn anh nên 20 tuổi cho tới năm 36 tuổi, Tsukuru không hề yêu được ai một cách trọn vẹn và toàn tâm. May mắn anh gặp được Sara, một người bạn đã khuyên anh trở về quê tìm hiểu nguyên nhân câu chuyện của 16 năm về trước, đó là nguyên nhân để anh thực hiện “chuyến hành hương” cũng để rồi tìm được 1/2 sự thật cay đắng nhưng điều ấy cũng khiến anh tìm lại được bản thân và để Tsukuru, kẻ tự nhận mình là không màu, hóa là ra lại là người nhiều màu sắc nhất. Một cái kết hưởng mở quả rất đậm chất Haruki Murakami, và nó cũng khiến người đọc bị mê hoặc bỏi phong cách của ông.

3. RINBABA review sách Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương

“Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương”, Câu chuyện về một nhóm bạn 5 người và vào năm 2 đại học thì Tsukuru bị loại ra khỏi nhóm bạn mà không ai cho cậu biết lý do. Bị “từ chối”, bị “loại bỏ” rõ ràng là một cảm giác vô cùng tồi tệ. Và mình chắc chắn cảm giác còn tệ hơn rất nhiều lần nếu bị chính những người mình yêu mến làm điều đó.

Không một lời giải thích, không có cơ hội gặp mặt. Và Tsukuru đã rơi vào cảm giác khủng hoảng, chênh vênh đến mưc cậu muốn tự sát. May mắn là cậu đã vượt qua, nếu không nhiều năm về sau khi cả nhóm biết được sự thật thì chắc chắn sẽ vô cùng hối hận vì ngày đó đã đối xử với cậu như thế.

Nội dung “Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương” nếu tóm tắt lại thì chẳng có gì đặc biệt. Nhưng bằng một cách nào đó, tác giả đã làm cho câu chuyện này bị đẩy lên một mức ức chế kinh khủng và buộc người đọc phải dõi theo đến trang cuối cùng. Cả cái cách mà Sara, cô bạn gái hơn tuổi của Tsukuru xuất hiện và là cánh cửa dẫn Tsukuru đến sự thật cũng làm mình thích thú.

Cánh cửa mở ra, việc của Tsukuru là bước vào và khám phá. Rõ ràng cậu đã làm rất tốt việc mình cần làm. Và cuộc tìm kiếm sự thật sau mười mấy năm xảy ra sự việc đã giúp cậu tìm ra chính con người mình.

Một nhóm bạn thân thiết, nhưng rõ ràng họ còn chưa hiểu hết về nhau. Thậm chí, vai trò của bản thân và cách nhìn của người khác đối với mình cũng khá là mơ hồ trong mối quan hệ này. Cả nhóm 5 người tự cho rằng họ thân thiết, nhưng qua cách mình cảm nhận thì rõ ràng họ chẳng thân gì mấy. Đơn giản chỉ là họ khá hợp nhau và đã thật sự tạo ra một giai đoạn vui vẻ, đáng nhớ của thanh xuân mà thôi.

Mình vô cùng thích nhân vật Sara. Một cô gái thông minh, thành đạt và rất biết cách nắm bắt cảm xúc và lòng người. Mình tin là cô ấy cùng Tsukuru sẽ có một kết thúc tốt đẹp.

Câu chuyện này gây ám ảnh rất lớn với mình về nỗi cô đơn và cô độc. Mình thán phục tác giả về cách diễn tả và hình tượng hóa nỗi cô đơn. Phải nói là tuyệt vời! Bên cạnh đó, mình còn lấn cấn mãi về 4 vấn đề: cái chết của Trắng, sự biến mất của Xám, bí ẩn trong câu chuyện mà cha của Xám đã gặp và tình cảm của Sara dành cho Tsukuru. Cả truyện kết thúc với nhiều kết mở và chưa được giải quyết. Có vẻ tác giả muốn nói “Có nhiều thứ trên đời không có câu trả lời. Đừng cố sức!”. Rõ ràng chính Tsuruku bỏ qua khá nhiều câu hỏi và từ chối đi tìm câu trả lời.

Tsuruku khi đối thoại với chính mình thì luôn cho rằng bản thân “không màu” và không đặc biệt. Nhưng rõ ràng là trong mắt người khác thì cậu rất tuyệt vời và có cái tôi rõ ràng. Những ước mơ đơn giản giúp mọi người sống dễ dàng và thoải mái hơn.

Sách có khá nhiều từ lạ, khi đọc mình phải suy nghĩ rất nhiều. Vốn từ mình còn hạn hẹp quá đi thôi! Sách hay, đọc lại lần sau sẽ cảm nhận được điều gì đó đặc biệt hơn chăng.

4. LÊ AN review sách Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương

Có phải mỗi người là một màu sắc và có những màu sắc khi bạn gặp ám ảnh bạn theo bạn một giai đoạn trong cuộc đời mình……

Mỗi nhân vật chỉ được xuất hiện trong toàn tác phẩm “Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương” có thể đếm được trên từng trang sách, nhưng điều đó cũng ko bỏ qua được nét tài hoa của tác giả khi khắc họa nhân vật rõ nét và khó quên….Trắng, Đỏ, Đen, Xanh và Tazaki.

Nếu vì khi đọc được trích dẫn câu: ” Lòng người và lòng người; gắng kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương; Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh” để tôi ko chần chừ khi quyết định mua em về kệ sách của tôi thì khi gấp sách lại tôi mới biết có những người đâu đó trong cuộc sống này giống như tôi, như Eri cứ chạy như con thoi ôm đồm mọi việc của tất thảy những cái ko thuộc về mình: ” Bất giác ngừng lại, ngó nghiêng xung quanh, mình bỗng tự hỏi: Mình đang làm cái quái gì ở đây thế này? Mình ko nhìn thấy điều gì giống mục tiêu của đời mình. Tất cả đều như một bánh xe quay tít nhưng chẳng nhích lên được phân nào.”

Và tôi tự hỏi:” liệu tôi có được như Eri sẽ đủ mạnh mẽ dừng lại với những kì vọng của người khác, bước tiếp với những mong muốn của mình, liệu tôi đang quá ích kỷ với suy nghĩ chỉ cho bản thân ?????????”

III. Trích dẫn sách Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương

*

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích dẫn hay Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương

“Tazaki Tsukuru đã hiểu ra, ở phần sâu xa nhất trong linh hồn mình. Lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương. Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực”

“Khi bị tổn thương sâu sắc thì người ta đâu thể tìm ra được từ ngữ”

“Lòng người và lòng người, gắn kết với nhau bởi tổn thương và tổn thương, nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực.”

“Lòng người là cánh chim đêm. Nó âm thầm chờ đợi điều gì, rồi khi thời cơ đến, nó sẽ bay vút đi thẳng tắp về phía đó.”

“Mỗi một vấn đề lại dính dáng đến nhiều vấn đề khác. Khi cố tìm cách giải quyết cái này thì thể nào nó cũng kéo theo những cái khác nữa.”

“Không được để mất người mình yêu thương chỉ vì nỗi sợ hay lòng kiêu hãnh ngớ ngẩn.”

“Luôn đặt mình ở trạng thái ko bị ràng buộc , tự do suy nghĩ mọi thứ trong đầu … đó là điều em muốn!”

“Dù có nông cạn và bằng phẳng đến đâu, cuộc đời này cũng đáng để sống.”

“Nhưng thật kỳ lạ phải không.” Eri nói. “Gì cơ?” Nghĩa là, cái thời kỳ tuyệt vời ấy đã trôi qua, mãi mãi chẳng bao giờ trở lại. Và biết bao nhiêu khả năng đẹp đẽ đã biến mất vào trong dòng chảy thời gian.”

“Tự do suy nghĩ, về bản chất cũng chính là lìa bỏ thể xác mình. Thoát ra khỏi cái chuồng cọp chật hẹp của thể xác, cởi bỏ xiềng xích, để cho logic thăng hoa một cách thuần tuý. Đem đến cho logic một sinh mệnh tự nhiên. Đó chính là cốt lõi của tự do trong tư duy.”

“Có những điều phải gặp mặt nhau mới nói được ra. Nhờ thế mà nhiều điều được làm sáng tỏ. Không phải tất cả đều được giải đáp một cách thoả đáng nhưng nó có ý nghĩa rất lớn với tôi. Đối với tâm lý của tôi thì đúng hơn.”

“Tình bạn sau tình yêu đôi khi chỉ là cái cớ để một người có thể gặp một người, để một người vẫn có thể quan tâm chia sẻ với một người.”

“Cái cảm giác khó chịu nhất, đó là dù cố gắng trốn chạy đến mức nào cũng không thể khiến bạn bằng lòng được.”

“Sự thật thỉnh thoảng vẫn nhắc nhở tôi về một thế giới bị chôn vùi dưới cát. Khi thời gian trôi đi, phủ lớp cát trở nên dày thêm, và thỉnh thoảng nó bị thổi bay để rồi hiện lên những gì chôn cất bên dưới”

“Cảm giác tự lừa dối mình và bảo rằng sẽ quên là thứ cảm giác dễ đánh lừa con người ta nhất. Nhưng đáng tiếc, một khi đã chạm vào nhau, thì mãi mãi không thể xem như chưa từng biết nhau.”

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích đoạn đầu tiểu thuyết Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương

Từ tháng Bảy năm thứ hai đại học cho đến tháng Giêng năm kế tiếp, Tazaki Tsukuru sống mà hầu như chỉ nghĩ đến cái chết. Giữa lúc đó, gã đón sinh nhật thứ hai mươi, nhưng dấu mốc ấy chẳng mang ý nghĩa gì đặc biệt. Một chuỗi ngày tưởng chừng như việc chấm dứt sự sống đối với gã là điều không gì có thể tự nhiên và hợp lẽ hơn. Cho tới giờ gã vẫn chưa hiểu lý do tại sao mình lại không dấn thêm bước cuối cùng. Mặc dù, việc đưa chân qua cái bậu cửa ngăn cách giữa sống và chết đối với gã dạo dó còn dễ hơn nuốt một quả trứng sống.

Trên thực tế Tsukuru chưa bao giờ thử tự sát, có lẽ là bởi sự tơ tưởng đến cái chết quá mực thuần túy và mãnh liệt, mà cách chết sao cho tương xứng với mong muốn ấy lại chưa kết thành một hình ảnh cụ thể trong tâm trí gã. Tính cụ thể ở trường hợp này thực chất là vấn đề thứ phát. Giả sử lúc ấy tồn tại một cánh cửa dẫn đến cái chết trong tầm tay với thì chắc chắn gã đã không ngại ngần đẩy toang nó ra. Chẳng cần nghĩ ngợi sâu xa, tựa như sự tiếp diễn của một ngày bình thường. Nhưng may mắn thay, hoặc bất hạnh thay, gã đã không thể tìm thấy một cánh cửa như thế đâu đó quanh mình.

Tazaki Tsukuru thường nghĩ, lúc đó mà chết quách đi có lẽ lại hay, thế giới giờ đây đã không còn tồn tại. Gã cảm thấy điều này thật mê hoặc: Thế giới trước mắt sẽ không còn tồn tại, và những thứ được coi là thực tại ở đây sẽ không còn thực nữa.

Thế giới cũng sẽ không tồn tại đối với gã, giống như lý do mà gã sắp sửa không còn tồn tại đối với thế giới.

Nhưng đồng thời, Tsukuru cũng không cắt nghĩa được lý do tại sao khi ấy mình buộc phải tiến đến sát mép cái chết như vậy. Ừ thì cứ cho là có một nguyên do cụ thể nào đó, nhưng tại sao sự tha thiết đối với cái chết lại có sức mạnh to lớn đến thế và bủa vây mình trong gần nửa năm trời? Bủa vây – phải rồi, đó là một cách diễn đạt chính xác. Giống như một nhân vật trong Kinh Thánh, lớn lên trong bụng con cá voi khổng lồ khi bị nó nuốt chửng, Tsukuru rơi vào dạ dày của cái chết và trải qua quãng thời gian không ngày tháng trong một cái hang tối tăm, tù đọng.

Thời kỳ ấy, gã sống như một kẻ mắc chứng mộng du, hoặc như một người chết mà chưa nhận ra là mình đã chết. Mặt trời lên, gã thức giấc, đánh răng, mặc vào người bất kỳ bộ quần áo nào quơ được, lên tàu, tới trường, ghi chép trong lớp. Giống như một người bị trận cuồng phong ập đến phải bám chặt lấy cây đèn đường, gã chỉ hành dộng theo cái thời gian biểu ngay trước mặt. Nếu không cần thiết, gã sẽ chẳng mở miệng với ai, gã trở về phòng, ngồi xuống sàn, tựa lưng vào tường miên man nghĩ đến cái chết, hoặc việc thiếu đi sự sống. Trước mắt gã, một vực thẳm tối đen đang há cái miệng to tướng thông thẳng tới tận lõi địa cầu. Cái gã thấy trong đó là hư vô đang cuộn lên thành đám mây kiên cố; thứ gã nghe thấy là nỗi im lặng sâu thẳm đang ép chặt lên màng nhĩ.

Khi không suy nghĩ về cái chết, gã chẳng nghĩ về bất cứ điều gì. Không nghĩ về điều gì không phải là một việc quá khó. Không đọc báo, không nghe nhạc, thậm chí cũng không có ham muốn tình dục. Mọi chuyện xảy ra ngoài kia không có ý nghĩa gì với gã. Khi đã mệt mỏi với việc nhốt mình trong phòng, gã sẽ đi ra ngoài, lang thang vô định quanh nơi mình ở, hoặc đến nhà ga, ngồi xuống băng ghế, ngắm không biết chán những đoàn tàu đến và đi.

Gã tắm mỗi sáng, gội đầu cẩn thận, giặt quần áo hai lần một tuần. Sự sạch sẽ cũng là chiếc cọc để gã bám víu. Giặt, tắm và đánh răng. Gã hầu như không chú ý tới việc ăn uống. Bữa trưa gã ăn ở căng tin của trường, còn lại thì gần như không có bữa nào ra hồn. Chừng nào thấy đói bụng, gã sẽ mua táo hoặc rau xanh ở siêu thị gần nhà về gặm. Hoặc gã sẽ ăn bánh mì suông và tu sữa bò thẳng từ hộp. Tới giờ phải đi ngủ, gã sẽ chỉ uống duy nhất một ly whiskey nhỏ, giống như uống thuốc. Thật may mắn vì gã không nghiện cồn, nên một lượng nhỏ whiskey cũng dễ dàng đưa gã vào giấc ngủ. Độ ấy, gã không hề có lấy một giấc chiêm bao. Cho dù nếu có thì chúng cũng đã trượt theo bờ dốc nhẵn thín không một gờ bám của ý thức và rơi tõm vào lãnh địa của hư vô ngay từ khi mới manh nha.

Nguyên cớ khiến Tazaki Tsukuru bị cái chết lôi kéo quyết liệt đến vậy rất rõ ràng. Vào một ngày nọ, gã được bốn người bạn đã chơi thân với nhau từ lâu thông báo rằng: Tất cả bọn tớ không muốn gặp mặt cậu, cũng không muốn nói chuyện với cậu nữa. Một cách dứt khoát, đường đột và không một lối ngỏ cho sự thỏa hiệp. Gã không được giải thích gì về cái lý do khiến mình phải nhận lấy một thông báo khắc nghiệt như vậy. Về phần mình, gã cũng không gặng hỏi.

Bốn người đó là bạn thân của gã từ thời cấp ba, nhưng chỉ có một mình Tsukuru là rời quê lên Tokyo học đại học. Bởi vậy việc bị gạt ra khỏi nhóm cũng không có gì là bất tiện đối với cuộc sống thường nhật của gã. Cũng không có chuyện cảm thấy khó xử nếu phải bắt gặp họ trên đường. Tuy nhiên, đấy chỉ là nói trên phương diện lý trí. Việc ở cách xa bốn người bọn họ, trái lại càng khiến nỗi đau mà Tsukuru cảm thấy được nhân lên và nhức nhối hơn. Nỗi niềm bị xa lánh và cô độc biến thành sợi cáp dài hàng trăm cây số, bị kéo căng bởi một chiếc máy tời khổng lồ quay tít. Thế rồi thông qua sợi dây đang căng lên hết mức ấy, những thông điệp khó giải mã được chuyển tới gã bất kể ngày đêm. Những âm thanh, giống như trận cuồng phong thổi xuyên qua những thân cây, vừa thay đổi cường độ vừa đâm vào tai gã từng hồi.

Năm người học chung một lớp tại ngôi trưởng cấp ba công lập nằm ở ngoại ô thành phố Nagoya. Họ gồm ba nam, hai nữ. Mùa hè năm lớp mười, họ thành bạn của nhau khi tham gia một hoạt động thiện nguyện, và cho tới những năm sau, dù bị tách lớp, họ vẫn tiếp tục là một nhóm thân thiết. Hoạt động này vốn là bài tập hè môn xã hội, tuy nhiên ngay cả khi thời hạn quy định đã kết thúc, nhóm vẫn chủ động và tự nguyện tiếp tục công việc.

Ngoài hoạt động tình nguyện, vào những ngày nghỉ, cả nhóm thường đi dã ngoại, chơi tennis, hoặc đi bơi ở bán đảo Chita, hoặc tập trung ở nhà ai đó để cùng nhau ôn thi. Hoặc (thực ra thì việc này là nhiều nhất) chụm đầu trò chuyện không biết chán ở bất cứ đâu. Họ không đưa ra một chủ đề cụ thể nào, nhưng đề tài thì không bao giờ cạn.

Sự gặp gỡ của năm người là một sắp đặt ngẫu nhiên. Có một vài lựa chọn cho hoạt động thiện nguyện theo đề bài, giúp đỡ lớp ngoại khóa tập hợp các em tiểu học không thể theo kịp bài giảng trên lớp (đa phần là các em không chịu tới trường) là một trong số đó. Cả một lớp với ba mươi lăm học sinh thì chỉ có đúng năm người bọn họ lựa chọn hoạt động này tại ngôi trường không chính chức do Giáo hội công giáo lập nên. Năm người tham gia trại hè ba ngày được tổ chức ở ngoại ô Nagoya, rồi thành ra gắn bó với lũ trẻ.

Ở trại hè, tranh thủ những lúc rỗi việc, họ chuyện trò cởi mở với nhau để hiểu về suy nghĩ cũng như con người của nhau. Họ nói về hy vọng, thổ lộ những khúc mắc trong lòng. Và khi trại hè kết thúc, ai nấy đều cảm thấy như: “Mình đang ở đúng vị trí và được gắn kết với những người bạn đích thực.” Mình cần bốn người kia, và bốn người ấy cũng cần đến mình – có một thứ cảm giác hài hòa như vậy. Nó chẳng khác nào một kết hợp hóa học đầy may mắn tình cờ xảy đến. Gần như sẽ chắc chắn không thể tái lập được một kết quả tương tự ngay cả khi sử dụng cùng một vật liệu và chuẩn bị chu đáo đến thế nào.

Thời gian sau đó họ vẫn tiếp tục tới lớp ngoại khóa với tần suất hai lần một tháng vào các cuối tuần, dạy lũ trẻ học, đọc sách cho chúng nghe, cùng hoạt động và chơi đùa với chúng. Họ cũng tham gia cắt cỏ trong vườn, sơn lại tòa nhà, sửa sang đồ chơi. Hoạt động này diễn ra trong khoảng hai năm rưỡi cho tới khi họ tốt nghiệp cấp ba.

Song le, không chừng cái cấu trúc ba nam hai nữ ngay từ đầu đã tiềm ẩn một vài yếu tố căng thẳng. Chẳng hạn, nếu hai đôi nam nữ tạo thành các cặp thì sẽ thừa ra mất một người. Khả năng đó chắc chắn đã luôn lơ lửng trên đầu họ như một đám mây hình nấm nhỏ nhưng kiên cố. Tuy nhiên, việc đó đã không xảy ra trên thực tế, thậm chí cũng không cho thấy một dấu hiệu nào là sẽ xảy ra.

Phải chăng là ngẫu nhiên khi mà cả năm người đều là những dứa trẻ trong các gia đình thuộc tầng lớp “trên trung lưu” ở ngoại vi một thành phố lớn. Cha mẹ họ ở vào thế hệ bùng nổ dân số lần thứ nhất sau Thế chiến hai, các ông bố hoặc là chuyên viên hoặc làm việc cho một công ty hạng nhất nào dó. Họ không tiếc tiền chi cho việc học hành của con cái. Gia đình cũng bình ổn, chí ít là trên bề mặt, không ai ly hôn và các bà mẹ về cơ bản đều ở nhà. Ngôi trường họ theo học bắt buộc phải thi đầu vào, nên thành tích nhìn chung là tốt. Nói về môi trường sống, những điểm tương đồng nhiều hơn hẳn hơn so với sự khác biệt.

Hơn nữa, nếu trừ đi Tazaki Tsukuru, thì giữa bốn người kia tình cờ còn có thêm một điểm chung nho nhỏ. Ấy là trong tên gọi có màu. Họ của hai cậu bạn trai là Akamatsu và Oumi, còn của hai cô bạn gái là Shirane và Kurono. Chỉ có Tazaki là chẳng liên quan gì tới màu sắc. Bởi chuyện ấy mà ngay từ đầu Tsukuru đã cảm thấy tủi thân. Tất nhiên, tên gọi có màu sắc hay không là vấn đề chẳng liên quan gì tới tính cách. Gã hiểu rõ điều này. Nhưng dù sao gã cũng thấy tiếc, và thậm chí cảm thấy bị tổn thương không nhỏ, đến nỗi chính gã cũng lấy làm ngạc nhiên. Những người còn lại, như một lẽ đương nhiên, nhanh chóng gọi nhau bằng màu sắc. Đại để như “Đỏ”, “Xanh”, “Trắng”, “Đen”. Còn gã thì chỉ được gọi là “Tsukuru” như vốn thế. Tsukuru không ít lần suy nghĩ một cách nghiêm túc rằng: giá mà mình cũng mang một cái họ có màu thì hay biết mấy. Được như vậy thì mọi thứ có phải trọn vẹn không…

….

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!