Phải say thơ và kính ngưỡng thi nhân đến tận cùng, Phan Mạnh Quỳnh mới có thể thực hiện một sản phẩm ám ảnh như “Huyền thoại”.

Bạn đang xem: Giải nghĩa những ám ảnh trong mv về hàn mặc tử của phan mạnh quỳnh


MV ca khúc "Huyền thoại" của Phan Mạnh Quỳnh Ca khúc "Huyền thoại" do Phan Mạnh Quỳnh viết về nhà thơ có ảnh hưởng lớn đến âm nhạc của anh.

Loại hình: Music Video

Sáng tác và thể hiện: Phan Mạnh Quỳnh

Hoà âm: Phan Mạnh Quỳnh

Diễn viên: Lê Thanh Bảo Anh, Huỳnh Khánh Vy

Zing.vn đánh giá: 9/10 điểm


Phan Mạnh Quỳnh chọn ngày 28 trong tháng cuối cùng của năm 2018 để đăng tải MV Huyền thoại (Legend). 28 cũng là số tuổi dương trần của cố thi nhân họ Hàn, MV cũng được đề tựa “Ái mộ và tưởng nhớ thi sĩ Hàn Mặc Tử…”.

Nam nghệ sĩ mất tới một năm ròng rã để thực hiện sản phẩm mà anh thổ lộ là “trắc trở như chính cuộc đời thi sĩ”. Công sức ấy đã không phí hoài, bởi lẽ, Huyền thoại là một MV ám ảnh thực sự với những lớp lang ẩn ý, thể hiện dụng công tài hoa của người sáng tạo.

Ý thơ thành lời nhạc

Chế Lan Viên, thành viên của "Bàn thành tứ hữu", cũng là người bạn lúc sinh thời của Hàn Mặc Tử từng cảm thán: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”.

Thi nhân họ Hàn ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, nhưng đã để lại cho hậu thế một nguồn thơ tầng tầng ngữ nghĩa, bao giấy mực cũng không giải hết được. Nói như Hoài Thanh, đó là một nguồn thơ rào rạt, lạ lùng, “rộng không bờ không bến, càng đi xa, càng ớn lạnh”.

*
MV Huyền Thoại được đề tựa “Ái mộ và tưởng nhớ thi sĩ Hàn Mặc Tử…”.

Thế nên, chẳng có gì bất ngờ khi năm 2018 vẫn có một nghệ sĩ trẻ như Phan Mạnh Quỳnh lấy cuộc đời và thi nghiệp Hàn Mặc Tử làm cảm hứng nghệ thuật.

So với những sáng tác trước của Phan Mạnh Quỳnh, Huyền thoại có lẽ là ca khúc “kén người nghe” hơn cả. Gần như toàn bộ ca từ được “dệt” từ chất liệu thơ Hàn, do vậy, phải từng đọc thơ Hàn, thậm chí thấu tỏ bút pháp thi ca của cố thi nhân mới có thể hiểu hết được.

Tài hoa của Phan Mạnh Quỳnh thể hiện ở chỗ anh khéo sắp xếp những hình tượng đặc trưng của thơ Hàn như “trăng”, “hồn”, “áo trắng”,… không hề rời rạc, thậm chí hòa quyện, đan xen và hết mực ăn ý với nhau.

Nội dung bài hát thể hiện những giằng xé, đau khổ, bẽ bàng, không biết tỏ cùng ai của nhân vật trữ tình, mà ở đây là Hàn Mặc Tử. Thương nhưng chẳng thể nói, yêu nhưng chưa kịp ngỏ, thi nhân đau khổ đến man dại, vật vờ.

Phan Mạnh Quỳnh dùng nhiều từ mạnh miêu tả trạng thái như: u hoài, cay đắng, điên dại, lưu luyến, vật vờ,… Đây đều là những từ xuất hiện trong những sáng tác thơ của Hàn Mặc Tử, đủ thấy Phan Mạnh Quỳnh phải say thơ Hàn đến mức nào mới có thể biến hóa tài tình như vậy.

Nhờ vận dụng ý tứ của thơ ca, Huyền thoại của Phan Mạnh Quỳnh trở thành ca khúc đầy hình ảnh. Thử nhắm mắt, bỏ qua hình ảnh MV để thưởng thức trọn vẹn ca từ, người nghe vẫn có thể hình dung được cuộc đời, chuyện tình và những đau khổ nội tâm của Hàn Mặc Tử.

Xem thêm: Top 5 Phần Mềm Nghe Nhạc Lossless Tốt Nhất (Cập Nhật 2021), Top 5 Ứng Dụng Nghe Nhạc Lossless, Hi

Câu hát ám ảnh nhất có lẽ là “Và vầng trăng đi theo ta từ khi ấy buông tơ thành mắt môi nàng, cho đêm cô quạnh ôm lấy thi nhân thổn thức và bẽ bàng”. Câu hát của người quan sát, câu hát của người hậu thể, nhưng cũng như một sự nhập vai để nói lên tiếng lòng của cố thi nhân.

*
Lê Thanh Bảo Anh, nam chính của MV có tạo hình giống với Hàn Mặc Tử lúc sinh thời, cả lúc trước và trong thời gian mắc phải bệnh phong.

“Trăng” là hình ảnh ám ảnh của thơ Hàn. Hàn Mặc Tử vốn có bút danh là "Hàn Mạc Tử" nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. Sau đó bạn bè gợi ý thi nhân nên vẽ thêm mặt trăng khuyết vào bức rèm lạnh lẽo để lột tả cái cô đơn của con người trước thiên nhiên, vạn vật. "Mặt trăng khuyết" đã được "đặt vào" chữ "Mạc" thành ra chữ "Mặc". Và trăng, vô tình hay hữu ý cũng đã trở thành hình tượng xuyên suốt thơ Hàn, thể hiện mọi khát khao, hy vọng, đau khổ yêu đương của nhà thơ.

Đáng khen, là Phan Mạnh Quỳnh đã thấu tỏ điều ấy.

Độc mộc một chiếc thuyền

Không phải ngẫu nhiên Phan Mạnh Quỳnh chọn Bình Thuận để làm bối cảnh MV. Sinh thời, Hàn Mặc Tử gắn vận mình với chữ “Bình”, trong đó Bình Thuận là quê của người yêu thi nhân – nữ sĩ Mộng Cầm.

Chuyện tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm đã tốn bao giấy mặc suốt thế kỷ 20. Chính tại Phan Thiết, Bình Thuận, mối tình thơ của hai người đã chớm nở. Mối tình khiến Hàn đau khổ nhất, rất nhiều sáng tác của Hàn được cho là nói về chuyện tình với Mộng Cầm.

Thế nhưng, nội dung MV Huyền thoại lại kể về một cuộc tình khác của Hàn với Hoàng Thị Kim Cúc, nguồn cảm hứng sáng tác Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Hình ảnh Đây thôn Vĩ Dạ cũng xuất hiện từ đầu đến cuối ca khúc, từ “chiếc nón lá che ngang hai đứa”, “tấm áo trăng” đến “sương mù”, “đò ngang”, “thuyền”.

Sinh thời, Hàn Mặc Tử tưởng Hoàng Thị Kim Cúc đã đi lấy chồng mà không biết bà đã sống trọn đời ăn chay, tu hành. MV cũng phác họa lại tình tự này, khi cô gái (Huỳnh Khánh Vy - do người yêu của Phan Mạnh Quỳnh thủ vai) mặc áo dài đỏ… xuất giá, trong sự đau khổ, quần quại, tiếc nuối của thi nhân.

Chi tiết thi sĩ đốt những tập thư cũng được tái hiện, một lần nữa chứng tỏ sự dụng công, tìm hiểu của Phan Mạnh Quỳnh và ê-kíp.

*
Phải say thơ và kính ngưỡng thi nhân đến tận cùng, Phan Mạnh Quỳnh mới có thể thực hiện một sản phẩm ám ảnh như “Huyền thoại”.

Lê Thanh Bảo Anh, nam chính của MV có tạo hình giống với Hàn Mặc Tử lúc sinh thời, cả lúc trước và trong thời gian mắc phải bệnh phong.

Huyền thoại kết thúc với cảnh thi nhân gục dưới chân “Thánh nữ đồng trinh Maria”, cũng là tên một bài thơ của Hàn Mặc Tử với những thổn thức xé lòng: “Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh/ Run như run thần tử thấy long nhan/ Run như run hơi thở chạm tơ vàng/ Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến”,

Sau đó là sự xuất hiện của chiếc thuyền độc mộc nhẹ ngôi trong nước hồ, nơi có thân xác cõi trần của thi nhân. Sau những hình ảnh nặng và ám ảnh về cảm xúc, MV kết thúc bằng một cảnh đẹp, nhẹ nhàng, tựa nước chảy, mây trôi.

Đâu đó, câu thơ của Hàn Mặc Tư vang lên “Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu/ Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu/ Trên triền thiên ngời chói vạn hào quang?”