Khi nói đến khoảng cách giàu-nghèo, điều đầu tiên hiện ra trong đầu mọi người thường là tiền. Nhiều tiền tức là giàu, ít tiền tức là nghèo. Tuy nhiên, trong thực tế, khác biệt giữa giàu và nghèo phức tạp nhiều hơn thế.

Bạn đang xem: Đồ chơi con nhà giàu vs con nhà nghèo

Đầu tiên, khái niệm giàu, nghèo chỉ mang tính tương đối. Ví dụ, một gia đình công chức ở thành phố có thể được xem là giàu so với một gia đình thuần nông ở nông thôn, nhưng lại là nghèo so với mức sống cao ở thành phố; hay một gia đình nông thôn có kinh tế kém hơn gia đình thành phố, nhưng họ lại có đất canh tác, chuồng trại lớn hơn nhiều những gia đình khác cùng thôn… Tất cả so sánh đều chỉ có tính tương đối. Thêm nữa, sự khác biệt lớn nhất giữa giàu và nghèo đôi khi không nằm ở đồng tiền mà ở những-thứ-đồng-tiền-mang-lại một cách gián tiếp như cơ hội, kiến thức, tư tưởng, lối sống…

Trong bài viết này, sử dụng dẫn chứng từ nghiên cứu giáo dục, tôi sẽ phân tích một số điểm khác nhau giữa “con nhà giàu” và “con nhà nghèo”. Bài viết lý giải tại sao quá trình phân hóa giai cấp giàu-nghèo không ngừng tiếp diễn, kể cả khi các cá nhân đã nỗ lực học tập, dùng giáo dục làm công cụ giúp vươn lên trong xã hội. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ đưa ra một số gợi ý nhằm giúp những người có xuất phát điểm thấp vượt lên hoàn cảnh và chính mình để đạt được những điều mong muốn trong cuộc sống.

Mọi trích dẫn đều được bôi đậm kèm theo đường link đến nghiên cứu gốc và tài liệu tham khảo bổ sung. 

Con nhà giàu và con nhà nghèo khác nhau ở điểm nào?

Thứ nhất, giàu đồng nghĩa với có thêm nhiều lựa chọn.

Một đứa trẻ sinh ra trong gia đình có điều kiện sẽ dễ có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin, kiến thức cập nhật hơn, được đầu tư theo học ở những trường tốt hơn, nhiều nguồn lực phục vụ học tập-hướng nghiệp hơn, dẫn đến lại càng có thêm nhiều cơ hội tốt hơn khi trưởng thành.

*
Trong một nghiên cứu nổi tiếng kéo dài hơn một thập kỷ (nghiên cứu chính diễn ra từ đầu những năm 1980 đến giữa những năm 1990), Jay MacLeod theo dấu hai nhóm thanh niên nghèo tại Mỹ từ trung học đến khi trưởng thành. Hai nhóm thanh niên đều ở giai tầng xã hội thấp tại Mỹ, đều lớn lên từ những dự án nhà ở hỗ trợ của chính phủ, nhưng họ có cái nhìn khác biệt về tương lai và học tập. Nhóm thứ nhất (“Hallway Hangers”) xem nhẹ việc học, có cái nhìn u ám về tương lai, nghĩ rằng mình sẽ chỉ tốt nghiệp cấp 3 và đi làm một công việc gì đó với thu nhập tối thiểu. Nhóm thứ hai (“Brothers”) đề cao việc học, nghĩ rằng học vấn có thể giúp thoát nghèo; họ có cái nhìn tích cực về tương lai, tin rằng sau khi ra trường có thể xây dựng sự nghiệp tốt với địa vị xã hội cao.

Thật bất ngờ (cho người đọc và có thể cho cả tác giả), kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người trong cả hai nhóm này đều bước vào thời kỳ trưởng thành u ám, không đạt được kỳ vọng về cả sự nghiệp lẫn địa vị như mong muốn; nhiều người sa ngã, tù tội, thậm chí qua đời khi còn trẻ. Một trong nhiều lý do dẫn đến kết cục đáng thất vọng này là vì những thanh thiếu niên ở giai tầng thấp dễ mắc sai lầm khi trưởng thành và một khi đã sa chân mắc sai lầm (dù là rất nhỏ) cũng rất khó quay trở lại con đường đúng đắn để làm lại từ đầu, mà thậm chí còn bị đẩy sâu hơn nữa vào hố đen tiêu cực.

Bởi vậy, một trong những khuyến nghị của MacLeod là thông điệp “giáo dục có thể làm thay đổi vận mệnh con người” cần thay đổi vì thực tế, có rất nhiều yếu tố bên ngoài giáo dục chi phối sự thành công của một cá nhân.

Thứ ba, giàu giúp tự tin, vững vàng hơn.

Trưởng thành từ những gia đình có điều kiện kinh tế tốt, người trẻ thường tự tin hơn vì họ không phải chịu nhiều áp lực cơm áo, gạo tiền. Họ cũng thường cảm thấy vững vàng hơn vì biết rằng nếu mắc sai lầm dễ có thể (có người giúp) sửa sai và làm lại từ đầu dễ dàng. Điều này giúp cho họ dám nghĩ, dám làm hơn. Ngoài ra, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình khá giả thường được giáo dục theo hướng ươm mầm, khuyến khích phát triển tích cực nên sẽ có xu hướng tự tin vào bản thân hơn những đứa trẻ thường xuyên bị chỉ trích hoặc bị gò ép vào khuôn khổ nhất định.

Rất nhiều nghiên cứu ở các quốc gia trên thế giới (ví dụ: Kusserow, 2004; Ladson-Billings, 2006; Willis, 1977) chỉ ra rằng giáo dục từ gia đình tới nhà trường rất khác nhau ở các giai tầng xã hội. Trẻ em và thanh thiếu niên ở tầng lớp xã hội cao hơn thường được giáo dục theo chiều hướng trở thành lãnh đạo (leader). Các em được khuyến khích sáng tạo, cho phép phản biện, tranh luận với những người lớn có quyền uy hơn (authority figures như bố mẹ, thầy cô). Trong khi đó, trẻ em và thanh thiếu niên ở tầng lớp xã hội thấp hơn lại được giáo dục theo chiều hướng trở thành những người theo sau (follower) như phải luôn tuân thủ luật lệ số đông, không khuyến khích phản biện, hạn chế tư duy sáng tạo, độc lập của cá nhân.

Điều này dẫn đến khác biệt lớn trong độ tự tin, tự chủ, tâm thế vững vàng của “con nhà giàu” và “con nhà nghèo”— ảnh hưởng tới quá trình phát triển sau này và những quyết định thay đổi vận mệnh của cả hai nhóm này.

Xem thêm: Cách Chụp Ảnh Bằng Laptop Win 7, Windows 8 Và Windows 10, Cách Mở Webcam Camera Trên Máy Tính Laptop Win 7

*

Làm sao để vượt lên hạn chế giai tầng xã hội?

Bạn có thể đang tự hỏi, nếu nhiều nghiên cứu chỉ ra khoảng cách giàu-nghèo không ngừng tiếp diễn như vậy, tại sao lại có những cá nhân xuất phát điểm thấp nhưng thành công, và những cá nhân xuất phát điểm cao nhưng thất bại? Rồi những gia đình giàu có nhưng không đầu tư cho con học hành, tu dưỡng, mà những gia đình nghèo lại chắt chiu mọi thứ cho con có tương lai sáng lạn?

Với vai trò người làm nghiên cứu, tôi có thể lý giải cho bạn rằng tất cả nghiên cứu, dù sâu sắc, chất lượng đến đâu cũng không thể bao quát mọi trường hợp, đặc biệt những trường hợp đặc biệt; phân tích nghiên cứu thường chỉ tập trung vào xu thế chung lớn nhất, bức tranh tổng quát rõ nét nhất về sự vật, hiện tượng trong xã hội thôi. Với vai trò người đọc bình thường, tôi nghĩ rằng những trường hợp đặc biệt— “lội ngược dòng” như vậy là những nhân tố thú vị, đưa lại cho chúng ta niềm tin ở giáo dục, niềm tin và động lực để không ngừng vươn lên, tạo thay đổi tích cực trong xã hội.

Vì thế, kết hợp cả hai vai trò này, tôi có một số lời khuyên cá nhân dưới đây. Hy vọng những lời khuyên này có thể giúp các bạn đang ở hoàn cảnh khó khăn vượt lên hạn chế về xuất phát điểm của mình để thành công:

1/ Hiểu rằng giáo dục đơn lẻ không đủ để đóng lại khoảng cách giàu-nghèo

Có cái nhìn thực tế vào giáo dục, như Jay MacLeod khuyến nghị, sẽ giúp bạn nhìn nhận cuộc sống đúng với giá trị của nó hơn. Là một người làm giáo dục, tôi luôn khuyến khích tất cả thanh thiếu niên tập trung vào học tập, cố gắng vươn lên, học hỏi những điều bổ ích cho mình và cho xã hội… Tuy nhiên, bạn đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào giáo dục, không phải cứ có tấm bằng là ra trường bạn sẽ có công việc ngay và vị trí xã hội của bạn sẽ hoán đổi hoàn toàn. Giáo dục chỉ là một trong nhiều yếu tố để thành công mà thôi.

2/ Đừng chỉ ngồi một chỗ và than phiền về bất công xã hội, hãy hành động!

Hiểu được sự bất công của xã hội và điểm hạn chế của giáo dục là một chuyện, nhưng hành động để tự mình thay đổi vận mệnh là một bước đi khác hẳn. Trong những năm nghiên cứu giáo dục, điều lớn nhất tôi học được là để có thể “thắng” được sự áp đặt từ giai tầng xã hội, bạn phải nỗ lực không ngừng. Càng ở xuất phát điểm thấp, bạn lại càng cần phải học tập và làm việc hơn gấp đôi, gấp ba người khác để đạt được thành công mình mong muốn, đặc biệt trong những năm đầu sự nghiệp.

Điều này có bất công không? Có chứ! Nhưng nếu chỉ ở đó than vãn về sự bất công, chúng ta cũng vô hình chung tiếp tay cho sự bất công đó tiếp tục xảy đến với mình. Mình phải tự cứu mình trước!

Bản thân tôi tự nhận mình có xuất phát điểm tốt hơn nhiều người vì lớn lên trong gia đình bố mẹ là công chức ở thành phố. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình trung lưu không có điều kiện đầu tư học ngoại ngữ với người bản xứ, rèn luyện kỹ năng mềm… từ nhỏ nên sau này tôi cũng gặp thiệt thòi khi phải cạnh tranh với những bạn có điều kiện sống cao hơn. Bởi vậy, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều mới có được ngày hôm nay. Ví dụ, tôi đã phải thử nghiệm nhiều phương pháp, mò mẫm tự tìm đường để “lội ngược dòng” từ 0 điểm phát âm tiếng Anh đại học đến tiến sĩ tại Mỹ:

3/ Tập trung vào những mặt mạnh mà tiền không thể mua được.

Đây là lời khuyên mà mẹ tôi thường nói mỗi khi thấy tôi so sánh bản thân với các bạn “con nhà giàu” khác hoặc khi bị người khác lấy đồng tiền ra coi thường mình.

Thực chất, tiền không mua được cả thế giới.

Có những người dù dát lên người vàng bạc, kim cương, xoè tay ra là cả nắm đô-la nhưng không thể che dấu tính nhỏ mọn, tủn mủn, sự thiếu hiểu biết của mình. Nhiều phẩm chất con người như thần thái, nhân cách, tri thức… không tiền nào mua được. Và dù có “mua” được để giả vờ khoác lên người, bản chất bên trong sớm muộn cũng lộ ra nếu không phải là “hàng thật”. Những ai dùng đồng tiền để coi thường bạn, bạn đừng nên bận tâm tới. Sự dè bỉu này thường cũng xuất phát từ tâm lý bất an của chính họ—những người hàng ngày dùng tiền để che dấu khiếm khuyết do sợ bị người khác coi thường.

Bởi vậy,

Nếu tôi và bạn, chúng ta tìm ra được mặt mạnh nào đó trong mình và đào sâu vào phát triển nó thì chúng ta sẽ có niềm tự hào, tự tôn riêng. Mỗi khi yếu lòng, so sánh mình với người khác hay khi bị người khác coi thường, chúng ta sẽ lấy niềm tự hào đó ra để trân quý và để ngẩng cao đầu, tự tin tiến về phía trước. 

4/ Chọn bạn mà chơi

Có câu: “Bạn là trung bình cộng của 5 người bạn dành nhiều thời gian nhất”, hay “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” ý muốn nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của những người bạn giao du. Như đã phân tích, xuất phát điểm thấp dễ đi kèm với hoàn cảnh sống tiêu cực, những mối quan hệ xấu và khả năng mắc sai lầm cao khi còn trẻ.

Bởi vậy, hãy thực sự dành thời gian để chọn lựa bạn bè, đừng ngại cắt bỏ những mối quan hệ “ung nhọt” khiến mình thụt lùi trong cuộc sống và nên gắn kết với những người mang lại ảnh hưởng tốt, nguồn năng lượng tích cực cho cuộc sống của mình.

Bạn không nhất thiết phải chơi với những người ở giai tầng xã hội cao hơn để vươn lên nhưng nên gắn mình với những người có tâm, có tầm, có tài để dẫn dắt mình vượt qua những giai đoạn khó khăn và soi sáng cho mình khi mình mất phương hướng.

Mỗi khi nghĩ về tình bạn, tôi thường quay lại định nghĩa về bạn bè, đâu là “bạn vì lý do, bạn cho một thời điểm và bạn cả đời”? Xem video dưới đây để hiểu thêm khái niệm này:

Đã lâu rồi mới có một bài đúng chất cho hạng mục: “Học từ sách vở và nghiên cứu khoa học“. Hy vọng bài viết này giúp bạn đọc có thêm góc nhìn khoa học về khoảng cách giàu-nghèo, các yếu tố khách quan và chủ quan chi phối, cũng như hướng đi để vượt lên áp đặt của giai tầng xã hội. Tôi cũng mong là bạn và tôi, những người đang nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, có thể trở thành những “mẫu số đặc biệt” trong nghiên cứu—những người thành công khi lội ngược dòng xu thế chung để thay đổi vận mệnh của chính mình.

Be Present,

Chi Nguyễn

*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận

**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog