Sách Chữ đọc, Thư viện“Hải trình Kon-Tiki” – Chuyến đi “màu xanh ôm lấy màu xanh”Viết bởiAdmin|ngàyTh1002,2016
*

(Ngày ngày viết chữ) – Bạn có bao giờ tưởng tượng một ngày mình ngồi bè vượt biển Đông ra thăm Trường Sa chưa? Và liệu chuyện này xảy ra thực thì bạn có dám đi không? Chắc không. Vậy mà Thor Heyerdahl, nhà dân tộc học và thám hiểm người Na Uy, đã từng làm một chuyến đi như thế, nhưng không phải từ đất liền Việt Nam ra Trường Sa (ước chừng 240 hải lí), Thor đi quãng đường gấp 18 lần như vậy, vượt 4.300 hải lí trên Thái Bình Dương, bằng một chiếc bè gỗ. Vâng, bạn không nhầm đâu, bằng một chiếc bè gỗ, không phải thuyền, cũng không phải tàu.

NGÀY NGÀY VIẾT CHỮ ĐỀ CỬ

Vào thời điểm Thor thực hiện chuyến viễn du này, người ta gọi đó là “chuyến đi tự sát”. Nhưng không, Thor và năm người cộng sự của mình hoàn toàn bình yên vô sự. Họ đã đạp bằng sóng gió Thái Bình Dương, đến được mục tiêu là quần đảo Polynesia và trở về viết ra quyển sách được dịch thành 70 thứ tiếng mà tôi sắp giới thiệu với các bạn đây. Hải trình Kon-Tiki – một hành trình lạ thường và liều lĩnh. Nhưng vĩ đại.

Con người – dũng cảm và kiên tâm

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1947 với giả thuyết của Thor Heyerdahl về nguồn gốc cư dân quần đảo Polynesia ở Nam Thái Bình Dương. Nếu bạn hỏi chính xác quần đảo này ở đâu trên hành tinh của chúng ta, thì tôi chỉ có thể nói là nó ở-đâu-đó-giữa-lưng-chừng biển khơi, khoảng giữa Nam Mỹ và châu Úc. Thor tin rằng, 1.500 năm trước, người da đỏ Nam Mỹ đã dùng bè vượt Thái Bình Dương và đến định cư ở quần đảo này.

Giả thuyết của Thor không thuyết phục được các chuyên gia Âu Mỹ thời bấy giờ. Bạn biết đấy, đi bè ra Trường Sa chúng ta còn không dám nghĩ nữa là… Nhằm chứng minh cho giả thuyết của mình, Thor cùng năm người bạn có máu phiêu lưu đã đóng bè vượt đại dương, lặp lại hải trình mà ông tin tưởng sâu sắc là có thật. Để cho thuyết phục, Thor và đồng đội đã dựng lại tấm bè như người da đỏ Nam Mỹ từng làm (được mô tả lại trong các sách ở những thư viện cổ): thân bè làm bằng gỗ balsa (một loại gỗ nhẹ), dây kết bè làm bằng tre nứa – không có lấy một sợi cáp kim loại nào của thế giới công nghiệp hiện diện trên chiếc bè mông muội ấy. Chiếc bè được đặt tên là Kon-Tiki, nghĩa là “con trai mặt trời”, theo tên của vị tù trưởng da đỏ tương truyền đã thực hiện hải trình này vào 15 thế kỷ trước.

Tôi trộm nghĩ, sẽ ra sao nếu một cơn bão nổi lên và đánh tan tành chiếc bè đơn sơ ấy? Mà Thái Bình Dương thì cái gì cũng có thể thiếu nhưng sóng gió bão bùng tuyệt đối không thiếu! Không những phương tiện thô sơ, “thủy thủ đoàn” còn gần như không ai có kinh nghiệm vượt biển, “bè trưởng” Thor của chúng ta thậm chí còn không biết bơi. Chẳng mấy người dám kỳ vọng hành trình này sẽ thành công. Người ta còn nói với Thor rằng “Bố mẹ ông sẽ đau khổ lắm đấy khi được tin về cái chết của ông.”

Nhưng Thor không vì thế mà bỏ cuộc. Nhiều năm chuẩn bị cùng 102 ngày lênh đênh trên biển, đối mặt sóng to bão dữ, Thor chưa từng bi quan, niềm tin “chuyến hải trình Kon-Tiki 1.500 năm trước là có thật” cũng chưa hề mảy may lay chuyển. Sau này, khi hải trình Kon-Tiki thành công, giới khoa học vẫn không tin nguồn gốc Nam Mỹ của cư dân Polynesia (các bằng chứng di truyền học cho thấy họ có gốc Á), nhưng chuyện đó không còn quan trọng nữa. Quan trọng là Thor cùng các cộng sự của ông đã chứng minh được không có hành trình nào gọi là bất khả. Chỉ cần xác định đúng đường thì cứ đi đi, dũng cảm lên! Từ lúc đọc Hải trình Kon-Tiki, tôi cũng bắt đầu tin rằng chỉ có việc ta không muốn làm, chứ không có việc ta không thể làm. Con người vốn dĩ nhỏ bé, nhưng vì có lòng dũng cảm và kiên tâm mà trở nên vĩ đại.

Thiên nhiên – hào phóng và quyền uy

Bên cạnh đề cao sức mạnh con người, Hải trình Kon-Tiki còn là bản trường ca ca ngợi sức mạnh và sự hào phóng của mẹ thiên nhiên. 102 ngày lênh đênh trên biển là 102 ngày “thủy thủ đoàn” sống với những cơn gió cuồn cuộn, những con sóng to như quả núi, với những đàn cá chuồn, cá hoa tiêu hiền lành hay cá nục heo, cá mập dữ tợn. Đương nhiên còn có những con cá voi, rùa biển, bạch tuột khổng lồ và những con “thủy quái” không biết gọi là gì. Tất cả hiện ra dưới ngòi bút hài hước, sinh động của Thor như một bức tranh hoàn mỹ về thiên nhiên. Tôi vốn rất thích những nhà thám hiểm, họ hiểu biết nhiều, nói chuyện rất hay và viết sách cũng vậy. Trong Hải trình Kon-Tiki, Thor miêu tả thiên nhiên như một thể cân bằng toàn bích. Bằng bút pháp đầy ngụ ý của mình, Thor vừa ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên vừa nhấn mạnh rằng, không ai có thể can thiệp vào sự toàn bích của thiên nhiên mà không phải trả giá.

“Biển cả dành nhiều bất ngờ cho những ai đứng ngang bằng mặt nước và lặng lẽ trôi đi”, Thor viết. Ông tin những kẻ ngồi thuyền cao tốc ào ào rẽ sóng vọt ra khơi chỉ có thể dạo một vòng chán chê rồi trở về nói “chẳng có gì ngoài đó hết”. Biển cả chỉ thật sự hào phóng và phơi bày vẻ đẹp phong phú của mình cho những người nhẹ nhàng, từ tốn, biết hòa nhập vào biển cả một cách tôn trọng. Những con người nhẹ nhàng ấy, như Thor và năm người bạn râu ria xồm xoàm của ông, có thể buổi sáng thức dậy, thong thả nhặt cá chuồn nằm la liệt trên mặt bè đem rán cho bữa sáng, có thể tay không bắt cá mập, chơi đùa cùng cá voi, cá thu rắn và những sinh linh kì diệu của biển cả.

Vẻ đẹp và sự giàu có của biển cả hiện lên qua trang sách của Thor cũng nhắc nhở tôi về những thảm họa môi trường xảy ra cho biển miền Trung thời gian gần đây. Những bờ biển dài trắng xác cá, với nhiều người là không đáng kể, họ “vì lợi ích lớn lao hơn” mà sẵn sàng hi sinh “sức khỏe” của biển. Nhưng chỉ khi nào rơi vào hoàn cảnh thiếu vắng tiện nghi văn minh, con người mới nhận ra tạo hóa đã ban cho họ những tặng vật vô giá tới nhường nào. Chỉ khi đứng trước thiên nhiên hoang sơ, chúng ta mới cảm nhận được giống loài mình chẳng qua chỉ là một phần của chuỗi cân bằng sinh thái mà bấy lâu nay chúng ta cứ cố tình phá vỡ. Ai đó đã từng nói rằng, “Nếu ta ném vào thiên nhiên một nắm chất thải, thiên nhiên sẽ đáp trả lại bằng một tấn thiên tai”, và tôi tin điều này đúng. Hải trình Kon-Tiki đã khắc sâu vào tâm trí tôi lời răn phải cư xử dịu dàng và trân trọng thiên nhiên, hi vọng là tất cả những bạn đọc của Kon-Tiki cũng vậy.

Hải trình Kon-Tiki kết thúc đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nhân loại, không phải bước ngoặt chứng minh nguồn gốc của một nhóm thổ dân, mà là bước ngoặt khẳng định sức mạnh vượt qua mọi rào cản của con người. Tác phẩm cũng thắp lên ngọn lửa đam mê khám phá cho con người hiện đại, khao khát được đi nhìn thế giới, được hòa vào giới tự nhiên, nơi mà điện thoại thông minh, internet hay trò chơi điện tử không có xíu xiu ý nghĩa nào cả. Nơi đó, năm 1947 trước hay sau Công nguyên cũng chẳng đáng bận tâm. Điều duy nhất có ý nghĩa là chúng ta cảm nhận được mình đang sống và phải sống cho thật tốt. Hải trình Kon-Tiki là một chuyến đi mà trước mặt, sau lưng, bên trái, bên phải, bên trên và bên dưới đều là một màu xanh ngăn ngắt của trời và biển, cho nên mới gọi là chuyến đi “màu xanh ôm lấy màu xanh”. Chuyến đi ấy khiến tôi chỉ muốn lao nhanh về phía biển, lao nhanh vào những chuyến thiên du bất tận, đắm chìm vào những cảm xúc mới mẻ, hồi hộp cùng phấn khích mà chỉ khi lang bạt đến những miền đất lạ bạn mới có thể thấu đáo trọn vẹn.