FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Tối Chủ Nhật vừa qua, Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ Hải Ngoại và Ðoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang đã tổ chức lễ giỗ tổ ngành sân khấu tại Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley.

Ðến giờ khai mạc, khi bức màn nhung được kéo lên, trước mắt hàng trăm khán giả, trên 30 ca nghệ sĩ với nhiều màu sắc rực rỡ trong những y phục của sân khấu cải lương, vẫy chào mọi người trong nụ cười thân thương được ngưỡng mộ bằng một tràng pháo tay thật dài, thật to của khán giả.


*
Các nghệ sĩ niệm hương trước bàn thờ tổ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Với sự hiện diện những soạn giả cải lương, những giáo sư về cổ nhạc cùng nhiều anh chị em nghệ sĩ hải ngoại, như đã khẳng định rằng, cải lương vẫn tồn tại và vẫn là một trong những nét văn hóa truyền thống quý báu mà tất cả quý vị và chúng tôi mong ước gìn giữ. Ðó cũng là mục đích và ý nghĩa của chương trình giỗ tổ cải lương năm nay,” MC Phạm Khanh khai mạc chương trình.

Sau nghi lễ khai mạc và phút mặc niệm, đại diện ban tổ chức và nghệ sĩ đến thắp hương trước bàn thờ tổ.

Kế đến, ba Mai Chân đại diện cho Ðoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang, kiêm trưởng ban tổ chức, lên phát biểu và ngỏ lời chào mừng và cám mọi người đến tham dự.

Bà cũng cho biết, hàng năm, cứ đến ngày mùng 2 Tháng Tám Âm Lịch, hội và các anh chị em nghệ sĩ cùng nhau tổ chức hát dâng lên tổ, để tri ân và cảm tạ những vị tổ sư, người đã sáng lập ra ngành sân khấu cải lương.

“Trong giây phút thiêng liêng này, với ý nghĩa uống nước nhớ nguồn, chúng con xin kính cẩn dâng hương hoa trà quả và lời ca tiếng hát lên tổ với lòng thành kính biết ơn của chúng con, và niềm tin tưởng rằng, ở một cõi xa nào đó, các ngài đang hướng mắt về đây để hộ trì cho chúng con được ca hay, diễn giỏi và duyên dáng trong những giây phút hóa thân hòa quyện cung ai, cung oán khóc từ trên sân khấu để mang niềm vui đến cho nhân thế,” bà Nam Chân nói.

Bà chia sẻ với mọi người rằng, đời nghệ sĩ sanh ra với kiếp con tằm nên một đời chỉ biết nhả tơ, đó là tâm sự của những người đã hiến thân mình vào nghiệp cầm ca.

*
Từ trái, Giáo Sư Trần Văn Chi, nghệ sĩ Văn Chung, MC Phạm Khanh, và soạn giả Yên Lang tại lễ giỗ tổ ngành sân khấu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bà cũng mong rằng, tất cả mọi người hãy thương yêu những nghệ sĩ cải lương, và xin hãy cùng song hành với họ đi suốt đoạn đường còn dang dở trong công cuộc giữ gìn và bảo tồn văn hóa cổ truyền qua bộ môn nghệ thuật cải lương.

“Nhằm mục đích xây dựng một nền tảng đạo đức mà triết lý căn bản của giáo lý Phật Giáo để hướng chúng sanh biết thế nào là thiện ác và nghiệp báo của con người, bộ môn cải lương đã có những vở tuồng qua ý nghĩa này trên sân khấu. Cải lương không phải là một bộ môn giải trí, mà đối với người Việt lưu vong cải lương còn mang một ý nghĩa sâu sắc đặc biệt qua từng câu nói,” bà Nam Chân chia sẻ.

Rồi bà nói tiếp, “Trong tinh thần đó, anh chị em văn nghệ sĩ chúng tôi luôn tâm niệm rằng, mình phải có bổn phận đối với quê hương và xứ sở, và cùng nhau cương quyết tiếp tục con đường mà tiền nhân đã đi. Ði xa nhớ mãi quê nhà/Nhớ câu vọng cổ đậm đà tình thương/Dầu cho xa cách dặm trường/Vẫn còn hoài vọng cố hương quê mình.”

Sau đó, ban tổ chức mời Giáo Sư Trần Văn Chi, chủ tịch Hội Ðồng Ðiều Hành Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ Hải Ngoại; nghệ sĩ lão thành Văn Chung, và soạn giả Yên Lang, cùng có lời chia sẻ với mọi người về văn hóa và sự nghiệp của ngành cải lương.

Giáo Sư Trần Văn Chi nói, “Chúng tôi rất xúc động khi được nhìn mặt rất đông đảo khán giả trong đêm nay, chính khán thính giả đã giúp cho cải lương còn tồn tại đến ngày này, và cũng nếu không có khán thính giả biết thưởng thức thì không bao giờ có hội này. Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ Hải Ngoại được thành lập vào năm 2004, tại Little Saigon, và hàng năm chúng tôi đều tổ chức ngày giỗ tổ,” giáo sư cho biết.

*
Nhạc cảnh “Liên Khúc Giỗ Tổ.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nghệ sĩ lão thành Văn Chung năm nay đã 88 tuổi, nhưng ông vẫn còn sức khỏe tốt mỗi khi có mặt trên sân khấu. Ðể chứng mình điều này, ông đã tặng cho khán giả giọng cười bất hủ của ông. Ngoài đời, từ những anh chị em nghệ sĩ cho đến một số đông khán giả, đều gọi Văn Chung với cách xưng hô trìu mến và thân thiện là, Chú Bảy.

“Tôi và những người bạn đồng nghiệp lúc nào cũng tưởng nhớ đến tổ nghiệp và sân khấu. Chúng tôi và những quá khứ vàng son qua biết bao nhiêu ân tình mà khán thính giả đã dành cho chúng tôi. Nếu không có khán giả thì không có nghệ sĩ, vì thế, anh chị em của chúng tôi là kiếp tằm phải trả nợ dâu xanh, mãi nhả tơ để làm đẹp cho đời. Vì vậy Văn Chung tôi quan niệm rằng, lỡ sanh ra kiếp con tằm, nhả tơ cho hết rồi nằm mới yên,” chú Bảy Văn Chung chia sẻ.

Soạn giả Yên Lang, người cha đẻ ra rất nhiều vở tuồng cải lương và đã được diễn trên rất nhiều sân khấu cải lương trước năm 1975.

Ông nói, “Cải lương được thành hình đầu tiên là năm 1917. Ðến nay, chỉ còn vài năm nữa thì cải lương đã đủ 100 năm. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu cải lương có một sức khỏe phi thường thì có thể sống đến ngàn tuổi, mà đến nay chưa đến 100 năm thì thấy yếu lắm rồi thưa quý vị.”

Ông nói tiếp, “Vậy mong quý vị cố gắng hãy cũng nghệ sĩ, cùng soạn giả để nuôi dưỡng và bảo vệ nó ở xứ sở hải ngoại này. Chúng ta tha hương, chúng ta xa quê nhà, chúng ta nhớ từng ngọn rau tấc đất, nhớ từng dòng sông, nhớ bến nước con đò. Chúng ta không nhìn được. Nhưng tại xứ người, khi chúng ta nhìn trên sân khấu, chúng ta nghe được giọng hò cùng câu hát não nùng ai oán.”

Khán giả đang yên lặng lắng nghe từng lời chia sẻ của soạn giả Yên Lang, bỗng tiếng đàn vọng cổ thật ai oán vang lên. Mọi người đồng thông cảm với người soạn giả lão thành yêu nghề, yêu quê hương, lo sợ truyền thống quốc hồn quốc túy của dân tộc bị mai một.

Phần văn nghệ được mở đầu với nhạc cảnh “Liên Khúc Giỗ Tổ” của soạn giả Bạch Mai, qua phần ca diễn của các nghệ sĩ Xuân Mỹ, Liên Thảo, Ðan Phượng, Chí Sang, Minh Hùng và Thanh Vũ, với sự phụ họa của đoàn vũ Lạc Cầm.

Chương trình được tiếp nối rất nhiều tiết mục trích đoạn cải lương, cổ nhạc, tân nhạc do rất nhiều nghệ sĩ tại Little Saigon và nhiều nơi khác đến tham dự để ca diễn mừng ngày giỗ tổ.