Dù trải qua không ít biến cố, nhưng với bản lĩnh cùng sự táo bạo trên thương trường, ông Ngô Nhật Phương đã từ tay không dựng cơ đồ nghìn tỷ với hệ sinh thái đa lĩnh vực, gồm nông nghiệp, cơ điện lạnh, thương mại, thiết bị vệ sinh và cả dược phẩm.
*
*

*
Chia sẻ
*
Bình luận
Dù trải qua không ít biến cố, nhưng với bản lĩnh cùng sự táo bạo trên thương trường, ông Ngô Nhật Phương đã từ tay không dựng cơ đồ nghìn tỷ với hệ sinh thái đa lĩnh vực, gồm nông nghiệp, cơ điện lạnh, thương mại, thiết bị vệ sinh và cả dược phẩm.


Ông Ngô Nhật Phương sở hữu hệ sinh thái đồ sộ gồm nông nghiệp, cơ điện lạnh, thương mại, thiết bị vệ sinh và cả dược phẩm. Ảnh Internet.

Ông Ngô Nhật Phương sinh năm 1961 và là anh cả trong một gia đình nghèo đông anh em tại vùng quê Bắc Ninh. Thuở mới đầu, ông vào ngành công an theo ý nguyện của gia đình. Tuy nhiên sau đó ông đã bỏ công việc ổn định để đến với niềm đam mê kinh doanh, bắt đầu từ việc cho thuê chiếu, bán nước chè, đến bán cuống vé tàu.

Ông từng chia sẻ với truyền thông rằng, có lần ngồi chờ tàu ở Ga Bình Triệu (TP.HCM) cả đêm, vì mệt mỏi ông đành phải mua manh chiếu trải nằm. Thấy nhiều người xung quanh cùng cảnh ngộ nên ông cho ngồi nhờ. Từ việc làm đơn giản này, ông bỗng nảy ra ý tưởng cho thuê chiếu, bán nước chè kiêm kể chuyện phim chưởng hằng đêm tại Ga Bình Triệu.

Kinh doanh dịch vụ cho thuê chiếu, bán nước chè hơn một năm, dành dụm được ít tiền ông Phương tiếp tục mua 3-4 xe đẩy bánh mì, xe cơm, xe hủ tiếu, rồi thuê người bán. Tuy nhiên, lợi nhuận kiếm được không đáng bao nhiêu khiến ông Phương chuyển sang kinh doanh thuốc lá.

Dẫu vậy, khó khăn lại nối tiếp khó khăn khi chỉ một thời gian ngắn sau đó ông Phương bị các cơ quan chức năng điều tra về vụ tái xuất thuốc lá. Ông Phương phải ngồi tù 3 năm.

“Kinh doanh không được bao lâu thì tôi bị các cơ quan chức năng điều tra về vụ tái xuất thuốc lá, gần 10 người trong đó có tôi phải vào tù. Riêng tôi sau đó bị toà tuyên án tổng cộng 20 năm về tội danh buôn bán hàng cấm (thuốc lá). May mắn sau đó những đồng nghiệp cũ, chuyên gia tại các đơn vị nghiệp vụ đã từng làm việc chia sẻ, tạo điều kiện để cho tôi lập công và chỉ sau 3 năm tôi được Chủ tịch nước ký lệnh ân xá”, ông kể.

Đối với doanh nhân Ngô Nhật Phương, để vượt qua thời gian vô cùng khó khăn này, bên cạnh bản lĩnh thì chắc hẳn sự sẻ chia từ hậu phương là điều không thể không nhắc đến. Đó là niềm an ủi, động viên từ ca sĩ Trang Nhung – Người đã nhận lời cầu hôn của doanh nhân tuổi Tân Sửu trong ngày bắt đầu chịu án.

“Những năm tôi ngồi tù, Trang Nhung thường xuyên vào chăm sóc và động viên tinh thần. Khi được trở lại cuộc sống bình thường, vợ chồng tôi đã lên biên giới kinh doanh”, ông Phương kể.

Theo đó vào năm 1986, sau khi ra tù, vợ chồng ông Phương đã cùng nhau sang Campuchia kinh doanh. Ban đầu, ông kinh doanh nhà hộ sinh rồi mời một số bác sĩ quân đội về làm. Thời bấy giờ, họ là bộ đội phục viên nên cũng không quá câu nệ về vấn đề tiền bạc. Sau 7 tháng kinh doanh, ông kiếm được 60.000 USD. Sang tháng thứ 8, Campuchia được các tổ chức của Liên Hợp Quốc viện trợ, các hệ thống y tế nơi đây được cải tiến, vì vậy hoạt động kinh doanh của nhà hộ sinh khó hơn, ông đã quyết định sang nhượng cho người khác.

Với số tiền kiếm được từ kinh doanh nhà hộ sinh, ông bắt đầu mở cửa hàng miễn thuế đầu tiên tại Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang) với hàng trăm mặt hàng từ thuốc lá, rượu, bia cho tới các sản phẩm tiêu dùng. Thời kỳ này, lợi nhuận từ cửa hàng miễn thuế rất cao. Thấy công việc thuận lợi, ông tiếp tục dùng số tiền kiếm được mở thêm nhiều hệ thống khác dọc biên giới Lào, Capuchia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar.

Sau này, kinh doanh cửa hàng miễn thuế không còn thuận lợi như trước, với số vốn dành dụm được ông Phương tiếp tục nghĩ đến con đường làm nông nghiệp. Sau khi được chính quyền Campuchia và Lào cấp đất rừng, khai thác gỗ để chuyển đổi sang trồng cao su, ông tuyển những người ở miền quê nghèo khó và các tù nhân đã mãn hạn đến làm việc. Số đất rừng đã khai thác, ông chuyển sang trồng hồ tiêu, cao su, con giống thuốc lá và thuốc lá.

Chia sẻ về chuyện làm ăn, ông Phương cho biết để quản lý gần chục hạng mục kinh doanh, ông luôn đặt quyền lợi của người lao động song hành với quyền lợi của mình. Chẳng hạn như cao su, khi làm hợp đồng với người lao động, ông cung cấp cây giống, đất và khoán cho người lao động chăm sóc, xây nhà lưu trú để họ sống và làm việc. 5 năm đầu ông cho công nhân vay tiền bằng cách cấp lương hàng tháng, bình quân 4 triệu đồng một người. Khi cao su đến thời điểm thu hoạch, ông cho họ hưởng 35% sản phẩm, còn ông 65%. Các năm tiếp theo sản lượng tăng, người lao động sẽ hưởng khoảng 40-45%.

“Nhờ chính sách này, nên chưa có người lao động nào bỏ tôi mà đi, thậm chí họ còn muốn nhận thêm diện tích để chăm sóc”, ông Phương bộc bạch.

Ngoài cao su và hồ tiêu, ông còn mở hệ thống thu mua và phân loại ve chai, kinh doanh xăng dầu, thuốc lá, nội thất, khách sạn.

"Ban đầu vất vả lắm, thất bại nối đuôi nhau nhưng tôi vẫn quyết tâm làm để bảo vệ đam mê của mình. Phải mất gần 7 năm đào tạo, sàng lọc tôi mới xây dựng được một bộ khung của các tổ đội trên mọi miền", ông nói thêm.

Đại gia "số má" trong ngành dược

Cái tên Ngô Nhật Phương bắt đầu được công chúng biết tới rộng rãi trong đại án thuốc ung thư giả VN Pharma vào giữa năm 2019 với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên với giới kinh doanh dược, đại gia Bắc Ninh đã là cái tên có tiếng từ lâu.

Đầu năm 2016, ông Phương đã trực tiếp tham gia vào ngành dược trong nước, bằng cách thông qua công ty thành viên là Công ty cổ phần Appollo (Appollo) để mua lại 59,17% cổ phần tại CTCP Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco, một doanh nghiệp ngành dược có lịch sử lâu đời, đã khẳng định được vị thế và uy tín trên thị trường.

Nguyên nhân thoái vốn được doanh nhân sinh năm 1961 chia sẻ là bởi: “Tôi không phải là người làm trong ngành dược, nhưng được một số bạn bè thân hữu rủ rê kinh doanh lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, tôi thấy từ nhiều năm qua, thị trường dược dành cho doanh nghiệp trong nước hết sức nhỏ bé mặc dù tiềm năng với mức tăng trưởng hơn 20%. Bảo hiểm Y tế chưa phối hợp chặt chẽ với ngành dược để có những chính sách tổng thể phù hợp...”.

Tuy nhiên không hề có chuyện thoái vốn hay rút lui khỏi Pharbaco như phát biểu trên bởi đến tháng 5/2018, vai trò của ông Ngô Nhật Phương tại Pharbaco tiếp tục được củng cố rõ nét khi ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Pharbaco.

Sau khi hoàn tất sở hữu chi phối, Pharbaco công bố kế hoạch đầu tư dự án xây dựng nhà máy bào chế dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP – EU với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án đã được triển khai xây dựng từ năm 2018, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, bao gồm 2 dây chuyền Non Betalactam viên (624 tỷ đồng) và dây chuyền Cefalosporin tiêm và viên (576 tỷ đồng). Đến cuối tháng 1/2020, toàn bộ máy móc và thiết bị của nhà cung cấp đã về tới công ty.

Bên cạnh việc triển khai xây dựng nhà máy nghìn tỷ, Pharbaco dưới sự điều hành của doanh nhân Ngô Nhật Phương cũng đã tăng vốn điều lệ lên mức 900 tỷ đồng vào tháng 9/2020.

Dẫu vậy, sau thời gian dài sở hữu Pharbaco thì trong năm 2020, nhóm ông Ngô Nhật Phương bất ngờ phát đi những tín hiệu chuyển giao quyền sở hữu và người nhận chuyển nhượng là bà Trần Tuyết Mai - chủ sở hữu Hải Hà Petro, một đại gia xăng dầu hàng đầu miền Bắc.

Sự xuất hiện của bà Trần Tuyết Mai tại Pharbaco là một động thái khá bất ngờ trong bối cảnh pháp nhân lõi của nữ doanh nhân này đang trong cảnh thua lỗ, thậm chí còn nợ thuế "khủng" và mong muốn nhà nước hỗ trợ. Điều này làm dấy lên tin đồn Hải Hà Petro đứng tên hộ cổ phần ở Pharbaco. Tuy nhiên trao đổi với hocketoanthue.edu.vn, ông Ngô Nhật Phương đã phủ nhận điều này.

“Tôi khẳng định không có chuyện bà Trần Tuyết Mai đứng hộ cổ phần của tôi tại Pharbaco. Tôi hiện đã lớn tuổi, hơn nữa dược phẩm lại là một ngành khá phức tạp. Do vậy, trong thời gian tới tôi chỉ kinh doanh vé số tại Campuchia bởi làm vé số thì mới có tiền về đầu tư vì đây là ngành có thu nhập ổn định, tính cạnh tranh thấp”, doanh nhân Ngô Nhật Phương chia sẻ về kế hoạch trong tương lai.