Trong nhiều gia đình Việt Nam, những câu chuyện quát mắng, dọa nạt hay thậm chí sử dụng đòn roi với con cái dường như xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên, cách làm này nhiều khi phản tác dụng. Phương pháp dạy con kỷ luật không nước mắt ra đời giúp giảm thiểu những gian nan khi dạy con của bố mẹ.

Phương pháp dạy con kỷ luật không nước mắt là gì?

Với mong muốn truyền tải thông điệp “Con luôn luôn tốt chỉ có hành động là xấu” tới các bậc phụ huynh, phương pháp kỷ luật không nước mắt đã được đưa ra. Như là một “lối thoát” cho nhiều bậc phụ huynh về cách dạy con mà không cần dùng đến bạo lực hay những lời nói mắng mỏ nặng lời.

Kỷ luật không nước mắt bao gồm các quy tắc rõ ràng về thưởng, phạt, nghệ thuật khen con, chê con khi con mắc lỗi và những quy tắc ứng xử giữa cha mẹ với trẻ… Là một phương pháp đơn giản mà các bậc phụ huynh nên áp dụng thường xuyên, hướng tới một lối sống không bạo lực với con.

Kỷ luật không nước mắt là cách giáo dục con cái bao gồm việc không bạo lực về thể xác, tinh thần của trẻ nhưng không có nghĩa là cha mẹ phải chiều chuộng trẻ mà là rèn luyện các tính cách của trẻ trong giới hạn và sự kiên trì bền bỉ.

*

Đặc biệt đối với các trẻ dưới 11 tuổi, các hình thức thưởng phạt chỉ nên dựa trên sự cố gắng của trẻ chứ không nên lấy kết quả. Thay vào đó, bạn hãy quan sát xem sự cố gắng của con ra sao để đanh giá và động viên trẻ. Nguyên tắc mà nhiều bậc phụ huynh áp dụng cho trẻ hiện nay đó là con không chịu đau, không sợ hãi, và không gây khó chịu,…

Đối với trẻ từ 3-10 tuổi, mỗi khi trẻ mắc lỗi cha mẹ hãy cho trẻ ngồi một chỗ yên tĩnh và suy nghĩ với quy ước thời gian đã đặt ra từ trước. Ví dụ như thời gian ngồi ngẫm lại chính bằng số tuổi hiện tại của bé.

Có thể các mẹ không biết, việc đánh con, mắng con thì dễ vô cùng nhưng khen con, chê con sao cho đúng lại chẳng hề đơn giản như cha mẹ vẫn nghĩ. Chẳng thế mà người ta thường gọi là “nghệ thuật” khen chê. Khen con có thể được thực hiện theo một công thức như: “con” + hành động. Ví dụ trong câu như: “Con bỏ rác đúng nơi quy định rồi. Con giỏi quá”… Và hãy nhớ rằng hãy khen con từ những việc nhỏ nhất, khen con một cách chi tiết và cụ thể chứ không chỉ khen chung chung là “giỏi quá”, “ngoan quá”… Việc khen cụ thể sẽ giúp trẻ hiểu rõ tại sao trẻ được khen khi làm việc này để còn phát huy ở những lần tới.

Bên cạnh việc khen trẻ đúng thì chê cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, lời chê của bố mẹ cần để trẻ hiểu rằng chỉ có hành động là xấu thôi chứ con không hề xấu như vậy tránh gây những tổn thương tâm lý cho trẻ. Vì vậy khi chê người lớn cần nói lên những hành động cụ thể, giải thích rõ ràng và rút ra bài học cho trẻ chứ không nên nói chung chung là trẻ hư.

Ngoài ra, việc “khen” nếu không khéo rất dễ biến thành “hối lộ” trẻ. Ranh giới giữa hai điều này rất mong manh thôi. Các cha mẹ hãy nhớ, khen thì cần khen đúng, trung thực và chân thành. Ví dụ đơn giản để phân biệt “khen” và “hối lộ” có thể thông qua ví dụ sau về việc ăn uống của con:

– Là khen, thưởng khi nói “Nếu con ăn trong vòng 20 phút mẹ sẽ thưởng một ly kem”. Việc khen thưởng này rất rõ ràng và cụ thể về việc trẻ cần làm.

– Hối lộ là khi nói rằng “Con ăn nhanh, rồi mẹ cho con ăn kem” điều này rất chung chung. Ăn thế nào mới gọi là nhanh? Vì vậy đôi khi cách nói này khiến trẻ cố tình ăn chậm để được ăn kem.