Một số các dự án đầu tư lớn từ nước ngoài có quan tâm đến tỉnh Thanh Hóa phải kể đến như: Foxconn, tập đoàn công nghiệp chuyên sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử cho nhiều hãng công nghệ toàn cầu đã đến tìm kiếm các địa điểm để đặt nhà máy tại địa phương; Công ty WHA Industrial Development (Thái Lan) quyết định nghiên cứu đầu tư 2 dự án xây dựng hạ tầng KCN tại Thanh Hóa với tổng mức đầu tư hoảng 335 triệu USD, tổng diện tích khoảng 1.339 ha, bao gồm 539 ha tại KKT Nghi Sơn và 800 ha tại KCN Phú Quý; Tập đoàn AVG Capital Partners (LB Nga) đã ký kết biên bản ghi nhớ theo hình thức trực tuyến với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai dự án Tổ hợp chế biến thịt lợn với quy mô đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD… 
Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài, những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa cũng tạo được sức hút đặc biệt với các tập đoàn lớn trong nước, với những tên tuổi như: Vingroup, Sun Group, FLC… Trong đó, Tập đoàn Vingroup đã tiên phong mang cả hệ sinh thái gồm các thương hiệu hàng đầu Vinhomes, Vinpearl, Vinschool và tương lai là VinFast về đầu tư tại địa phương.
Theo số liệu thống kê, tính đến 20 tháng 8 năm 2021, Thanh Hóa thu hút được 164 dự án FDI, tổng vốn đăng ký lên tới 14,57 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.
*

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có KKT Nghi Sơn, diện tích 106.000 ha và 8 KCN đang hoạt động gồm Lễ Môn, Đình Hương – Tây Bắc Ga, Bỉm Sơn, Hoàng Long, Lam Sơn – Sao Vàng, Ngọc Lặc, Bãi Trành và Thạch Quảng. Một số dự án đầu tư lớn tại đây như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 - 2, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn...
Theo quy hoạch phát triển các KKT, KCN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa sẽ phát triển thêm KKT Cửa khẩu Na Mèo thuộc huyện Quan Sơn và 2 KCN đô thị - dịch vụ phía Tây và phía Bắc TP Thanh Hóa. Trong đó, khu phía Bắc TP Thanh Hóa có diện tích 800 ha, mục tiêu phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, hướng đến nền “công nghiệp 4.0”. Còn khu phía Tây TP Thanh Hóa quy hoạch tổng diện tích 1.200 ha, bao gồm 900 ha phát triển KCN còn lại là khu đô thị, khu công cộng. 
*

Theo nhận định của các chuyên gia, chính sách vĩ mô là lý do quan trọng nhất để Thanh Hóa có thể thu hút đầu tư lớn. Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Bộ Chính trị ban hành, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho địa phương vươn lên trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc. Theo đó, Thanh Hóa cùng với Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng hình thành tứ giác phát triển tại miền Bắc. Có thể nhận thấy, Chính phủ đã có nhiều kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng tại Thanh Hóa. Tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn Ninh Bình – Thanh Hóa đang được tiến hành và sẽ tác động tích cực, to lớn đến sự phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng của xứ Thanh trong tương lai gần. 
Hơn nữa, Thanh Hóa có một vị trí chiến lược quan trọng với cảng nước sâu Nghi Sơn, năng lực khai thác hơn 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 100.000 DWT. KKT Nghi Sơn có diện tích 106.000 ha là một trong số 8 KKT ven biển được vận hành với những cơ chế ưu đãi đặc biệt về thuế TNDN, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu... Trong khi đó, sân bay Thọ Xuân được quy hoạch để trở thành sân bay quốc tế, cửa khẩu Na Mèo giúp liên thông với Lào và các quốc gia Đông Nam Á bằng đường bộ. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh, nổi bật là bãi biển Sầm Sơn đã và đang được đầu tư nhiều resort, khách sạn cao cấp. 
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa có nguồn nhân lực dồi dào với hơn 2,5 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm đến hơn 60% dân số của tỉnh, vừa là nguồn lao động vừa mang đến nhiều cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực như bán lẻ, các dự án nhà ở hay văn phòng. 
Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, giá thuê trung bình BĐS KCN tại Thanh Hóa vào khoảng 40 - 50 USD/m2/kỳ hạn thuê. Mức giá này vô cùng hấp dẫn so với các tỉnh và thành phố lân cận. Ví dụ, mức giá ở Hà Nội là 140 USD/m2, Hải Phòng là 95 USD/m2, Hưng Yên là 75 USD/m2 còn Hải Dương khoảng 60 USD/m2 mỗi kỳ hạn thuê. Các KCN thường có thời hạn sử dụng đất trên 50 năm và kỳ hạn mà bên thuê trả phí cho chủ đầu tư khu công nghiệp tùy thuộc vào thời hạn thuê đất còn lại của chủ đầu tư được quy định trong các văn bản pháp lý liên quan.
Với nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, bất động sản KCN Việt Nam được đánh giá có nhiều triển vọng trong tương lai, nhu cầu về BĐS công nghiệp, kho bãi hay nhà xưởng xây sẵn có khả năng tăng lên đáng kể trên khắp cả nước. Điều này cũng có tác động dây chuyền và khiến giá thuê BĐS KCN Thanh Hóa dự kiến tăng lên trong dài hạn. 
Trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong tương lai của Thanh hóa được xác định là TP Sầm Sơn, KKT Nghi Sơn, KCN Bỉm Sơn và KCN Lam Sơn - Sao Vàng. Tỉnh cũng xác định 6 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng là công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; y tế; phát triển hạ tầng đô thị và phát triển nhân lực. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bao gồm các tuyến đường nội tỉnh, dẫn đến KKT Nghi Sơn, các KCN, khu du lịch nối Thanh Hóa với các tỉnh. 
Thanh Hóa nằm ở khu vực có nhiều tài nguyên năng lượng, vì vậy các ngành công nghiệp nặng sẽ được lưu ý phát triển trong những năm tới. Với thành công của KKT Nghi Sơn và nhiều thế mạnh khác, Thanh Hóa hứa hẹn sẽ trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại trong tương lai gần.
Triển vọng đầu tư FDI vào tỉnh Đồng Nai THỪA THIÊN HUẾ TIẾP TỤC THU HÚT ĐẦU TƯ TẠI CÁC KHU KINH TẾ, KHU CÔNG NGHIỆP THU HÚT FDI - SÀNG LỌC CÁC DỰ ÁN FDI QUY MÔ NHỎ VÀO VIỆT NAM THU HÚT ĐẦU TƯ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021 TẠI BÌNH ĐỊNH Dự kiến đấu thầu xây dựng ba Khu công nghiệp gần 900 ha tại Đà Nẵng Vĩnh Long thành lập Khu công nghiệp Đông Bình
*

*

*

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác