Nguyễn Hải Dương, nghi phạm chính trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước đến đám tang các nạn nhân là để nghe ngóng tình hình, dò la tin tức về kết quả điều tra.


Ngay tối khuya 10/7, các trinh sát hình sự của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ các tỉnh thành phía Nam đã bắt giữ hai nghi can Nguyễn Hải Dương (SN 1991, quê quán: An Giang; tạm trú Ấp 1, Tổ 2, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP. HCM) và Vũ Văn Tiến (SN 1991, quê quán: Bình Phước; tạm trú xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) gây ra vụ thảm sát kinh hoàng tại Bình Phước.

Trước tin Dương bị bắt, dì ruột của nạn nhân Ánh L. cho hay: “Thông tinDương bị bắt vì liên quan đến cái chết của Ánh L. và gia đình khiến tôi và người thân rất bất ngờ".

Theo dì của Ánh L, trong những ngày tổ chức đám tang, Dương liên tục túc trực ở đám tang của gia đình.

“Lúc Dương có mặt ở đám tang tôi thấy Dương bình thường, không có dấu hiệu gì bất thường”, dì của Ánh L. nói.

*
*

Nghi can Nguyễn Hải Dương nhiều ngày túc trực ở đám tang nạn nhân.

Đây chính là điều mà không chỉ dì nạn nhân thắc mắc mà là câu hỏi mà dư luận đặt ra: Tại sao sau khi sát hại cả gia đình nhà người yêu cũ như vậy, Dương vẫn có thể quay lại đám tang, giả vờ như không biết chuyện gì, cùng những người thân gia đình L. lo đám tang cho L. và bố mẹ?

Trả lời về thắc mắc này, một lãnh đạo của Cục CSHS - Bộ Công an trao đổi trên báo Thanh niên cho hay, việc Nguyễn Hải Dương, nghi phạm chính trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước đến đám tang các nạn nhân là để nghe ngóng tình hình, dò la tin tức về kết quả điều tra, để tìm hiểu xem cơ quan chức năng đã thu thập được những tài liệu, dấu vết, chứng cứ gì, hướng điều tra... từ đó tìm cách đối phó. Theo vị lãnh đạo Cục CSHS, đám tang và hiện trường là nơi có nhiều thông tin để nghe ngóng nhất.

Theo ông, sau khi gây án bất kỳ tội phạm nào cũng lo lắng, bất an, sợ bị phát hiện, do đó sẽ tìm mọi cách để đối phó. Thường thì hung thủ sẽ bỏ trốn, nhưng trong trường hợp này, Nguyễn Hải Dương không bỏ trốn vì đã tính toán kỹ, nếu bỏ trốn thì chắc chắn công an sẽ đưa Dương vào loại đối tượng nghi can số 1.

Vì Dương có quan hệ tình cảm với con nạn nhân, có quan hệ thân thiết với gia đình nạn nhân, và nhiều người biết được mối quan hệ này, dĩ nhiên cơ quan điều tra cũng nắm được mối quan hệ này. Nếu bỏ trốn thì chẳng khác nào Nguyễn Hải Dương tự đưa mình vào diện đối tượng tình nghi cao nhất.

Vì thế lý do thứ hai để Dương quay lại hiện trường và dự đám tang là để tránh sự hoài nghi của mọi người. Dương cố gắng làm mọi việc như bình thường, khóc thương khi đến dự đám tang như một người thân của gia đình. Điều này cho thấy Nguyễn Hải Dương là một đối tượng tương đối vững vàng về tâm lý, có suy nghĩ tính toán cẩn trọng trước và sau khi gây án.

Ngoài ra, xét về tâm lý chung của con người thì dù cho tội phạm có ra tay độc ác đến đâu thì từ sâu thẳm trong con người vẫn còn lại chút tình, xót xa, ân hận, giằng xé nội tâm là điều không thể tránh khỏi. Nên có thể Nguyễn Hải Dương quay lại đám tang để đốt cho người yêu cũ và gia đình một nén nhang tạ tội, xin sự thứ tha từ những người đã khuất.