Chính trịXã hộiKinh tếThế giớiDu lịchVăn hóaThể thaoBạn đọc viếtĐời sốngPháp luậtKhoa học - Công nghệ
Đón khách Nga trở lạiNgười trẻ với xu hướng đầu tư chứng khoánTăng cường thu nợ bảo hiểm xã hộiCam Lâm tạm dừng tiếp nhận giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đấtTrường Cao đẳng Du lịch Nha Trang: Nỗ lực trong phòng, chống dịchNhững quán ăn… hoài niệmÝ tưởng dùng AI trong cải cách hành chính: Kỳ vọng ứng dụng vào thực tiễn


*


*

*

5 năm đằng đẵng trôi qua, tiểu thương chợ Đầm mới thì hối thúc dự án nhanh hoàn tất, còn người buôn bán ở chợ tròn (chợ Đầm cũ) lại cố níu giữ địa điểm kinh doanh cũ. “Nút thắt” không mở được khiến dự án Chợ Đầm rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Tiểu thương chợ mới bức xúc

10 giờ sáng, cả chợ Đầm mới chỉ lác đác vài khách hàng. Khu hải sản khô ở tầng 1 toàn thấy người bán, chẳng có người mua. Trong ánh đèn nhợt nhạt, người ngồi ngủ gật, người nằm dài trên ghế bố lướt điện thoại xem phim cho hết thời gian. Bà Trần Thùy Duyên (buôn bán hải sản khô) thở dài ngao ngán: “Buôn bán ế ẩm, cả ngày chỉ có vài khách địa phương ghé qua. Trong chợ đẹp nhưng ngoài chợ vẫn còn lem nhem, nhiều hạng mục dang dở khiến khách du lịch cũng ít ghé qua”.

*

Tổng thể chợ Đầm cũ và mới.

Khu vực tầng 2 (bán quần áo và mỹ phẩm) còn ảm đạm hơn. Mấy trăm lô sạp đóng cửa im ỉm, hầu hết dán giấy chuyển nhượng hoặc cho thuê lại vị trí buôn bán trong chợ. Cả khu vực rộng lớn nhưng chỉ có khoảng 20 tiểu thương mở sạp. Bà Nguyễn Thị Kim Nga (chủ sạp giỏ xách) cho biết: “Từ ngày vô đây bán, khách quen bỏ đi hết vì họ quen đến khu chợ Đầm cũ. Nếu tình trạng này còn kéo dài, chúng tôi không trụ nổi. Nhiều người sang sạp nhưng cũng chẳng ai mua. Ai dám bỏ mấy trăm triệu đồng để mua nơi buôn bán không có khách”.

Trò chuyện với các tiểu thương ở chợ Đầm mới, dường như ai cũng bức xúc. Giữa họ và các tiểu thương ở chợ tròn đang xung đột về mặt lợi ích. Cùng mặt hàng nhưng tồn tại song song 2 vị trí kinh doanh dẫn tới khách hàng thường chọn mua ở chợ tròn, còn các hộ kinh doanh trong chợ Đầm mới ở sâu phía trong ít ai lui tới. Bà Lưu Thị Ngọc Hảo (kinh doanh quần áo) phân bì: “Tôi chấp hành, bỏ chợ cũ vào chợ mới sớm nhất, nhưng mấy năm nay không làm ăn được gì, còn mấy người không chịu di dời thì lại buôn bán tốt. Như vậy là không công bằng. Đã có chợ mới rồi thì phải di dời hết để hoàn thiện dự án, cho công bằng với tất cả tiểu thương”.

*

Tiểu thương buôn bán ế ẩm.

Các hộ kinh doanh tại chợ Đầm mới yêu cầu UBND TP. Nha Trang giải quyết dứt điểm việc di dời hộ kinh doanh vào chợ mới. Đồng thời, chủ đầu tư phải hoàn thành các hạng mục cảnh quản đúng như thiết kế, nhằm thu hút khách đến mua hàng.

Hộ kinh doanh chợ cũ cố bám trụ

Trái ngược với tâm lý của tiểu thương đang kinh doanh trong chợ Đầm mới, các tiểu thương ngành hàng vải, quần áo, mỹ nghệ, tạp hóa luôn muốn giữ lại chợ tròn. Theo họ, chợ Đầm tròn là điểm đến nổi tiếng của Nha Trang, chợ truyền thống được cả du khách trong và ngoài nước biết đến. Các tiểu thương đã quen với cách bài trí ở đây và tự nhận thấy kiến trúc của chợ vẫn còn tốt. Họ biện lý do, ngoài thói quen buôn bán lâu năm, giờ vào chợ mới lại phải bỏ một khoản tiền lớn để mua lô sạp. “Chúng tôi đã đóng góp đầy đủ các khoản thuế, phí theo quy định cho Nhà nước hàng chục năm nay. Bên cạnh đó, còn có tiền sang nhượng lô sạp, tính ra cả mấy cây vàng. Giờ Nhà nước lấy lại lô sạp và yêu cầu đóng tiền mua lô sạp mới, chúng tôi không có tiền nên không muốn di dời” - bà Nguyễn Thị Hải Hiền, tiểu thương ngành hàng vải nói. Một số tiểu thương khác cho rằng, nếu lo ngại chợ tròn xuống cấp, không bảo đảm an toàn thì Nhà nước nên sửa chữa, nâng cấp chợ, tiểu thương sẽ cùng đóng góp. Một số hộ kinh doanh lại lấy lý do cách bố trí ngành hàng trong chợ Đầm mới không phù hợp, khó buôn bán, quản lý thiếu chặt chẽ… để thoái thác việc di dời.

Tuy hộ kinh doanh nào trong chợ cũ cũng khẳng định không muốn vào chợ mới nhưng thực tế đã có 81 hộ đăng ký thuê lô sạp trong chợ mới mà vẫn cố buôn bán ở chợ tròn. Điều đó cho thấy, không hẳn 100% tiểu thương ở chợ cũ không muốn di dời mà vì tâm lý cố bám trụ, kinh doanh được ngày nào hay ngày đấy. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc di dời cứ dây dưa từ năm này qua năm khác, tạo nên sự xung đột lợi ích của tiểu thương chợ mới với tiểu thương chợ cũ. “UBND thành phố và chủ đầu tư nhiều lần hứa hẹn di dời toàn bộ lô sạp ở chợ Đầm cũ, nhưng nhiều năm vẫn chưa thực hiện được. Nếu không xử lý được thì cho chúng tôi quay lại chợ cũ để bán hoặc yêu cầu trả lại số tiền mà chúng tôi đã mua lô sạp trước đó” - bà Nguyễn Ngọc Hoa (kinh doanh mùng mền ở chợ Đầm mới) bức xúc đề nghị.

Chưa có hồi kết

Liên quan đến việc di dời tiểu thương vào chợ Đầm mới, 5 năm qua, không biết bao nhiêu cuộc họp, không biết bao nhiêu văn bản lên, xuống song vẫn chưa có hồi kết. Bà Nguyễn Thị Hồng Vinh - Chủ tịch UBND phường Vạn Thạnh lo lắng: “Qua công tác nắm địa bàn và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của tiểu thương, các hộ kinh doanh ở chợ Đầm tròn không muốn vào chợ mới; còn tiểu thương chợ mới cho biết, nếu không di dời tất cả vào chợ mới, họ sẽ ra ngoài buôn bán lại. Đã 5 năm mà giai đoạn 1 của dự án chợ Đầm chưa hoàn thành thì giai đoạn 2 không biết bao giờ triển khai? Các hạng mục xây dựng lại chung cư A, chung cư B và chợ đêm dành cho buôn bán nông sản chẳng biết khi nào có thể thực hiện?”.

*

Nhiều lô sạp được rao bán, cho thuê lại.

Bà Vinh cho biết, thời gian qua, toàn bộ hộ kinh doanh nông sản tràn ra các đường xung quanh chợ buôn bán, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, công tác phòng cháy, chữa cháy. Từ ngày 15-8, địa phương phải đưa hơn 160 hộ buôn bán nông sản ở các tuyến đường vào khu vực khác. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời để giải tỏa các tuyến đường. Đây là việc liên quan đến nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn nên phường kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm về dự án Chợ Đầm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, thành phố đã phê duyệt phương án sắp xếp đủ số lượng lô sạp cho tiểu thương chợ Đầm tròn ở vòng trong và ngoài tương ứng trong chợ mới. Nhưng chủ đầu tư đã bán lô sạp cho một số cá nhân, thu tiền nên những tiểu thương chợ tròn muốn sang chợ mới không còn vị trí nữa. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho thành phố trong việc vận động tiểu thương chợ Đầm.

Đã có quá nhiều kiến nghị, bức xúc liên quan đến dự án chợ Đầm. 5 năm trôi qua vẫn không thể giải quyết dứt điểm việc di dời tiểu thương vào chợ Đầm mới dẫn đến những hệ lụy. Toàn bộ dự án Chợ Đầm chỉ có thể tiếp tục triển khai khi “nút thắt” này được tháo gỡ.

ĐÌNH LÂM - HOÀNG DUNG

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Thời gian qua, UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo UBND TP. Nha Trang nhanh chóng sắp xếp, bố trí các hộ kinh doanh vào chợ Đầm mới. Việc thực hiện chậm trễ hoặc thực hiện không đúng phương án phê duyệt sẽ gây ra những hệ lụy khó giải quyết, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp và các hộ kinh doanh đã được sắp xếp, bố trí trong dự án chợ Đầm mới. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND TP. Nha Trang giải quyết những tồn tại ở dự án chợ Đầm một cách cẩn trọng, phù hợp.