Những cuộc trò chuyện luôn rất quan trọng trong tình yêu. Nhưng nếu bạn đang gặp vấn đề với nó, cũng không có nghĩa bạn là một kẻ yêu đương tệ, hay hai bạn vốn dĩ không hợp nhau. Lí do đơn giản là vì bạn chưa biết cách giãi bày sao cho đúng. Và vì vậy, giải pháp ở đây sẽ là học cách trò chuyện đúng cách với đối phương.


Sự thật là hầu hết các cặp đôi thường giận dỗi khi nói chuyện, vì vậy càng khó để có được một cuộc trò chuyện trôi chảy. Giận dỗi, nói nôm na, chính là sự kết hợp giữa nỗi giận dữ và sự dùng dằng không muốn nhắc đến lí do. Bạn muốn được thấu hiểu nhưng không muốn nói thẳng ra. Bạn đi lòng vòng mà không thực sự nói vào trọng tâm vấn đề và rốt cuộc kết thúc bằng thất vọng và cãi vã. Chuyện này xảy ra nhiều lần đến độ chúng ta phải công nhận rằng, không dễ dàng để có cuộc trò chuyện thấu hiểu lẫn nhau.

*

Hơn nữa, có quá nhiều thứ xù xì và gai góc bên trong chúng ta. Ta không dễ đối mặt, thậm chí còn thấy xấu hổ và khó hiểu. Có lẽ đó là sự bực bội vì bạn đã có một ngày vô nghĩa, cảm thấy mệt mỏi trong chuyện tình dục, căng thẳng vì thấy người khác giỏi giang hơn, tự trách móc bản thân vì những chuyện trong quá khứ, hay thậm chí là lo sợ cho tương lai trước mặt. Đó đơn giản là thế giới bên trong bạn, và vì nó quá “khó tiêu”, thành ra cũng không dễ giãi bày theo một cách điềm đạm và chính xác. Nói tóm lại, nếu bạn không có một cuộc trò chuyện thuận lợi với đối phương, đó không phải vì hai bạn là kẻ yêu đương rất tệ, mà vì chuyện yêu đương về căn bản đã rất khó nhằn.


Vậy thế nào là giao tiếp tốt? Đó là khi bạn cho đối phương biết chính xác bạn đang nghĩ/cảm thấy gì, tại sao lại nghĩ/cảm thấy theo hướng đó, vẽ ra một bức tranh chân thực về thế giới nội tâm mà không giảm bớt hay cường điệu vấn đề. Đặc biệt, mô tả những phần xù xì, xấu xí, kì quặc nhất theo cách mà đối phương có thể hiểu và thông cảm được, đấy cũng là một đặc điểm của người giao tiếp tốt trong tình yêu. Hãy tưởng tượng giống như bạn đang dẫn đầu một chuyến đi vào tâm bão, và đương nhiên phải cảnh báo trước cho họ ở đấy có gì, để họ có thể chấp nhận, tha thứ và không bị sợ hãi.


*


Trước tiên, nếu bạn đang nghĩ mình là một kẻ thất bại, chậm hiểu, thiếu sáng tạo và ít hay ho, thì không phải vậy đâu Chúng ta đơn giản chỉ là một người lớn lên trong thời đại “tất cả tại vì định mệnh”. Đó là một điều tốt khi sớm nhận ra chúng ta cần học lại cách nói chuyện trong tình yêu.

*


Hãy chọn một thời điểm thích hợp như bữa ăn tối, và bắt đầu với những câu hỏi khó nhưng quan trọng sau đây:1. “Trong lúc yêu nhau, anh/em thích được khen ngợi vì điều gì?”2. “Những điểm xấu nào mà anh/em muốn được thông cảm?”3. “Những điểm xấu nào mà anh/em không thể chấp nhận được?”4. “Nếu được gặp lại chính mình trước lúc quen nhau, anh/em sẽ nói gì về mối quan hệ này?”5. “Điều gì về anh mà anh nghĩ em đã hiểu sai rồi?”6. “Anh sẽ xin lỗi em vì chuyện gì trong quá khứ?”7. “Anh nghĩ em nên xin lỗi anh vì chuyện gì trong quá khứ?”8. “Khi nào thì anh thấy thất vọng vì em?”9. “Anh muốn em thay đổi điều gì?”10. “Em nghĩ anh nên thay đổi điều gì để mối quan hệ này tốt hơn?”11. “Nếu anh viết một cuốn sổ tay về tình dục, anh sẽ ghi gì trong đấy?”12. Ngoài ra, bạn cũng có thể điền vào chỗ trống trong những câu sau:13. Tôi cảm thấy tổn thương vì…14. Tôi hối hận vì đã…15. Tôi lo sợ rằng…16. Tôi cảm thấy mệt mỏi vì…17. Tôi sẽ vui hơn nếu…18. Tôi muốn…19. Tôi sẽ trân trọng…20. Tôi hi vọng…21. Tôi mong bạn hiểu về chuyện…22. Khi tôi giận bạn, tôi thường… và bạn sẽ phản ứng lại theo kiểu… và điều đó làm tôi cảm thấy…23. Khi chúng ta cãi nhau, bên ngoài tôi làm như thể… nhưng bên trong tôi lại nghĩ rằng…

Điều quan trọng là hãy hứa không bị tổn thương vì lời nói của đối phương. Thay vì hét lên rằng “Sao anh dám nói thế?”, hãy bình tĩnh lại và nói rằng: “Em đang nghe rất kĩ, anh hãy nói cụ thể hơn đi”. Những câu hỏi trên sẽ giúp bạn nhìn ra vấn đề từ hai bên, nhận diện những kiểu phản ứng khi cãi nhau hay giận dỗi. Tất nhiên sẽ rất khó khăn, nhưng đôi lúc, chúng ta phải nói ra những sự thật đau lòng, không phải vì muốn làm tổn thương ai mà vì muốn thấu hiểu lẫn nhau.