*
Bác sĩ Trang Xuân Chi thăm, khám bệnh cho trẻ em người Ba Na tại xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn (Bình Ðịnh).

Bạn đang xem: Câu chuyện về những mảnh đời bất hạnh


Dù đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", nhưng bác sĩ Trang Xuân Chi (77 tuổi), hội viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Ðịnh vẫn miệt mài với công việc cứu giúp những mảnh đời bất hạnh. Mọi người kính trọng và trìu mến gọi ông bằng những cái tên thân thương như: ông già nhân hậu, ông nội, ông ngoại, bố Chi...

Bác sĩ Chi bắt đầu câu chuyện với tôi về công việc của mình bằng một kỷ niệm cách đây 12 năm. Giữa đêm khuya, trời mưa to, cả nhà sắp đi ngủ thì nghe tiếng gõ cửa dồn dập, ông vội ra mở cửa, thấy một cặp vợ chồng người Ba Na tay bồng một đứa trẻ đang lạnh run. Họ nói gì đó rất nhiều nhưng chỉ toàn tiếng Ba Na nên ông không hiểu, nhìn vào gương mặt và ánh mắt cầu cứu của đôi vợ chồng, ông biết họ đến đây cần ông giúp đỡ. Ông kể: "sau khi khám cho cháu bé tôi phát hiện cháu bị bệnh tim, mẹ cháu nắm chặt tay tôi khóc rưng rức. Nhìn cháu bé xanh xao, yếu ớt lúc đó, tôi đã nói với cháu: con cứ yên tâm, ông sẽ cứu con". Thế rồi, ông nhanh chóng viết bài xin giúp đỡ cháu Ðinh Thị H’Yến (tên cháu bé nêu trên) gửi các báo. Bài viết của ông may mắn được các nhà hảo tâm quyên góp giúp cháu bé có điều kiện mổ tim, hiện cháu H’Yến khỏe mạnh và đang học lớp 4 ở Trường tiểu học xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Ðịnh). Suốt 20 năm qua, không biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh được ông cưu mang, cứu giúp giống như cháu H’Yến.

Năm 1998, ông nhận lời mời của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Ðịnh, ra làm tình nguyện viên không hưởng lương, phụ trách mảng nạn nhân chất độc da cam và trẻ em khuyết tật. Chỉ với chiếc máy ảnh, bút và dụng cụ khám bệnh, ông tự mình đi điều tra, khảo sát, thu thập danh sách nạn nhân, ghi lại hình ảnh của từng đối tượng và viết bài gửi các báo kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Danh sách nạn nhân được ông cứu giúp dày cả xấp giấy, nhưng hỏi đến ai, ông cũng kể vanh vách như mới gặp ngày hôm qua. Ông còn nhớ rõ như vậy bởi cứ mỗi nạn nhân, mỗi thân phận bất hạnh ông đều tìm đến tận nhà thăm hỏi, thường xuyên theo dõi tình hình bệnh tật và cuộc sống. Ông kể cho tôi nghe về trường hợp của em Võ Ngọc Anh (Tuy Phước - Bình Ðịnh) bị ảnh hưởng chất độc da cam, mắc khối u dị tật ở cánh tay nặng đến 29,3 kg, bằng quá nửa trọng lượng cơ thể, trong khi nhà em lại rất nghèo. Ngay sau bài viết "Hãy cứu em Võ Ngọc Anh có cánh tay khổng lồ" của ông, một công ty đã tài trợ toàn bộ chi phí giúp em phẫu thuật tháo khớp cánh tay ở Bệnh viện Chợ Rẫy vào năm 2000. Nhưng sáu năm sau khối u tái phát. Ðau đáu với căn bệnh của Ngọc Anh, lần này bác sĩ Chi lại đánh tiếng nhờ những người bạn cũ đang công tác tại Viện Quân y 103, thật bất ngờ sau hơn một tuần bệnh viện đã đồng ý phẫu thuật miễn phí. Ðến nay em đã khỏe mạnh và hòa nhập với cuộc sống, có thể đạp xe đưa mẹ đi chợ. Sau bài viết của ông về hai bé song sinh Võ Ái Như, Võ Ái Nhi bị loạn nhịp tim, gia đình hoàn toàn không có khả năng chạy chữa, một nhà hảo tâm ở Hà Nội đã gửi 160 triệu đồng để mổ tim cho hai em và còn lo bảo hiểm cho các em đến khi trưởng thành. Hay trường hợp của em Ðào Ðức Ðồng mắc khối u khổng lồ khiến em không thể đến trường và tự lo sinh hoạt cá nhân. Bác sĩ Chi đã vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ, khối u của em đã được cắt bỏ. Những trường hợp được ông giúp rất nhiều, bản thân người được cứu giúp và người thân của họ đã phải thốt lên: "Bác sĩ Chi là ông tiên, là người sinh ra con tôi, cháu tôi lần thứ hai".

Mới đây, trong chương trình mổ tim bẩm sinh miễn phí do Trường đại học Y Dược Huế tài trợ, ông đã góp phần giành lại sự sống cho 50 em bị bệnh tim bẩm sinh. Sự nỗ lực của ông thật đáng để người ta nể phục. Những xã miền núi như Canh Liên (huyện Vân Canh), An Toàn (huyện An Lão) giao thông đi lại rất khó khăn, ấy vậy mà ông cụ ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" vẫn luôn kịp thời đến với những em nhỏ để ghi hình, nắm bắt tình trạng sức khỏe, hoàn cảnh của mỗi em, chuẩn bị đủ tư liệu cho nhà tài trợ xem xét giúp các em được mổ tim.

Xem thêm: Hiren'S Bootcd Pe (Windows Pe), 5 Bootable Windows Pe

 Nhờ sự cẩn thận, uy tín của ông mà rất nhiều bệnh viện đã không phải mất thêm công sức điều tra, có điều kiện cứu giúp nhiều người bệnh hơn. Mới đây gặp tôi, bác sĩ Chi hồ hởi: "Các anh ở ngoài Huế mới điện thoại vào báo tin mừng, có năm em chuẩn bị được mổ tim miễn phí con ạ". Không chỉ ở riêng Bình Ðịnh, ông còn lặng lẽ, tìm đến những vùng rừng núi ở các tỉnh như Kon Tum, Phú Yên, Quảng Nam... tìm hiểu hoàn cảnh những số phận bất hạnh và kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ.

 Trước đây, ông phải tìm đến những nhà hảo tâm để giúp cho người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh thì giờ đây có nhiều nhà hảo tâm ở cả trong và ngoài nước đã chủ động tìm đến ông để làm từ thiện, họ tin ở tấm lòng của ông. Ông kể: "Nhiều khi nhận giấy báo ra bưu điện lãnh tiền tôi cũng không biết là ai gửi, nhưng biết rằng đây là món quà của các tấm lòng hảo tâm nhờ tôi chuyển đến những nạn nhân cần sự giúp đỡ". Ngôi nhà nhỏ của ông thường xuyên trở thành "quán trọ" ấm tình người cho những người bệnh nghèo về TP Quy Nhơn chữa bệnh, với sự chăm sóc chu đáo, tận tình của vợ và các con ông.

NÓI về tấm lòng và sự cống hiến của bác sĩ Chi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Ðịnh Hà Văn Cát chia sẻ: "Bác sĩ Chi là tấm gương sáng cho chúng tôi. Ông làm việc bằng cả tấm lòng chân thành, nhiệt huyết dù tuổi đã cao. Chúng tôi luôn kính trọng, nể phục và tạo mọi điều kiện để bác sĩ Chi yên tâm công tác". Khi được hỏi ông còn trăn trở điều gì khi làm từ thiện cứu người, ông nói: "Tôi chỉ mong mình có sức khỏe tốt để giúp đỡ được nhiều mảnh đời bất hạnh hơn nữa không chỉ ở Bình Ðịnh mà ở khắp cả nước".