(GDVN) - Người này lấy kỉ niệm của người kia, người kia chôm kỉ niệm của người nọ. Người có trí tưởng tượng phong phú hơn thì tự bịa cho mình một câu chuyện...

Thông tư số: 43/2012/TT-BGDĐT ban hành về Điều lệ Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi quy định khá rõ về mục đích, yêu cầu của hội thi.

*
Thi giáo viên chủ nhiệm giỏi (Ảnh minh họa Báo Quảng Ngãi)

Theo đó, Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi sẽ tuyển chọn, công nhận giáo viên đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, tạo điều kiện để giáo viên thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm lớp;

Phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi trường, mỗi địa phương và của cả nước, góp phần thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia giáo dục học sinh;

Góp phần đánh giá thực trạng năng lực, nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực làm công tác chủ nhiệm lớp của giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Vì thế, yêu cầu của hội thi khá rõ:

Việc tổ chức hội thi phải đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, có tác dụng giáo dục, khuyến khích động viên giáo viên học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm lớp, giáo dục đạo đức học sinh.

*
Có giáo viên một năm phải tham gia tới 3 Hội thi giáo viên giỏi

Thế nhưng trong thực tế hiện nay, Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi đang diễn ra khá hình thức, thiếu tính trung thực của cả người dự thi và cả Ban giám khảo.

Điều này làm cho giáo viên cũng chẳng còn tin tưởng, háo hức khi tham gia hội thi.

Điều lệ hội thi quy định, mỗi giáo viên dự thi phải thực hiện 4 phần thi bao gồm:

Thi hồ sơ giáo viên chủ nhiệm; Thi hiểu biết về chủ trương, đường lối, định hướng đổi mới giáo dục và các nội dung chỉ đạo của ngành, địa phương liên quan đến công tác chủ nhiệm lớp (gọi tắt là bài thi hiểu biết).

Bài thi hiểu biết là bài thi viết, có thể bằng hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm khách quan hoặc kết hợp cả 2 hình thức trên. Trưởng ban tổ chức hội thi quyết định hình thức thi, thời gian làm bài thi;

Thi ứng xử tình huống sư phạm trong công tác chủ nhiệm lớp: giáo viên thi ứng xử tình huống sư phạm trong công tác chủ nhiệm theo tình huống do ban tổ chức hội thi đưa ra;

Đáng chú ý nhất là phần thi: Thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm. Yêu cầu của phần thi này là giáo viên kể lại một việc làm để lại ấn tượng sâu sắc nhất của bản thân trong hoạt động chủ nhiệm và trả lời các câu hỏi của ban giám khảo có liên quan đến câu chuyện đó.

Phần nhiều là những kỉ niệm “vay mượn” trong Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi


*
Tranh cãi gay gắt nên bỏ hay vẫn giữ kỳ thi giáo viên dạy giỏi

Nhiều giáo viên tham gia Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cho biết, nếu kể về những kỉ niệm của bản thân sẽ rất khó lấy được sự đồng tình của Ban giám khảo.

Đôi khi mình kể thật quá lại phản tác dụng.

Ví như có một giáo viên kể về kỉ niệm dạy lớp 4 nhưng phải mượn sách lớp 1 tranh thủ giờ rảnh để kèm cho học sinh vì em ấy đọc quá yếu.

Lẽ ra, giáo viên này phải được ghi nhận vì sự yêu thương, tận tâm của mình đối với học sinh yếu nhưng ngược lại, cô giáo ấy bị Ban giám khảo không đồng tình, bị nhà trường lên án dữ dội vì đã “vạch áo cho người xem lưng”.

Một đồng nghiệp kể, trong Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi bạn đã kể về một tình huống đánh học sinh vì quá nóng.

Thế là, dù đã rút ra được bài học từ sự ứng xử ấy, bạn tôi vẫn bị đánh rớt vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Thế là chẳng ai còn dám lấy kỉ niệm thật của mình mang ra thi. Nhiều thầy cô lên mạng tìm kiếm rồi tải về, thêm chút “mắm, muối” cho thêm phần gay cấn, thi vị rồi học thuộc lòng để khi vào thi thì đọc ra xem như kỉ niệm của chính mình.

Kỉ niệm sâu sắc trong công tác chủ nhiệm của nhiều đồng nghiệp trên mạng đã bị nhiều thầy cô vô tư sao chép.

Thế là người này lấy kỉ niệm của người kia, người kia chôm kỉ niệm của người nọ. Người có trí tưởng tượng phong phú hơn thì tự bịa cho mình một câu chuyện sao cho càng lâm li bi đát thì càng tốt.

Do cũng chẳng phải kỉ niệm của mình, những kỉ niệm hay nhưng cũng ít phần thực tế. Vì vậy, người thi kể xong là quên, thi xong cũng chẳng còn đọng lại được gì.

Đổi lại, những thầy cô giáo ấy đã có được một giấy chứng nhận giáo viên chủ nhiệm giỏi.

Nhưng trong thực tế thì sao? Không ít thầy cô đã có những danh hiệu chủ nhiệm giỏi nhưng lớp chủ nhiệm thật sự lại chẳng có gì nổi trội, có lớp mọi nề nếp học tập, sinh hoạt còn thua xa những lớp có giáo viên chẳng có danh hiệu gì.

Điều này có lẽ cũng do bản thân những thầy cô giáo ấy đang thiếu kinh nghiệm thực tế nhưng lại quá thừa kinh nghiệm trên lý thuyết.