Một đoạn video lan truyền trên Facebook và YouTube hôm 12/11 cho thấy hàng chục người mặc đồng phục công an Việt Nam đứng biểu tình với các biểu ngữ đòi “trả lại quyền lợi nhà đất” và tuyên bố “chống tham nhũng”, “chống lợi ích nhóm”.


Họ đã phải theo các nhóm dân oan khác đã từng biểu tình trước đây để đòi quyền lợi bằng hình thức xuống đường ... như vậy phần nào họ cũng hiểu nỗi khổ của những người dân là nạn nhân chế độ cộng sản hàng chục năm nay.

Theo các bản tin của báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh và VTC cùng ngày, một vị đại diện Công an huyện Đông Anh, Hà Nội, xác nhận rằng những người trong đoạn video là “một số cán bộ công an đã về hưu và không đại diện cho Công an huyện Đông Anh”.

VOA liên lạc qua điện thoại với Công an Đông Anh để tìm hiểu thêm thông tin và được một sĩ quan không xưng tên trả lời:

“Các anh làm báo thì các anh phải sang trực tiếp, chúng tôi không cung cấp đâu nhé. Anh là nhà báo anh phải tự tìm hiểu”.

Qua các nguồn tin, VOA được biết lý do những nhân viên công an đi biểu tình là bởi vì họ đã từng nộp tiền từ cách đây 17 năm cho một dự án xây nhà thuộc Công an huyện Đông Anh, nhưng đến nay dự án vẫn không được triển khai.

Tin cho hay, năm 2002, Công an Đông Anh xin cấp đất để lập dự án “xây dựng nhà ở cho các cán bộ chiến sĩ”, và đến đầu năm 2004 họ được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận cấp hơn 2,2 héc-ta đất.

Tiếp đến, Ban chỉ huy Công an Đông Anh “chọn” và “phân phối” diện tích đất kể trên cho “198 người đủ tiêu chuẩn”.

Những người này nộp tiền cho Công an Đông Anh qua 6 đợt để “chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng, nộp thuế cho Nhà nước, xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình” trên đất thuộc dự án.

Theo các bản tin của Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh và VTC, tổng số tiền thu được từ năm 2002 đến năm 2006 là hơn 24 tỷ đồng, nhưng từ đó đến nay dự án vẫn "án binh bất động", làm nhiều người bất bình.

VOA cố liên lạc với các nhân viên công an đã tham gia biểu tình để lắng nghe ý kiến từ phía họ nhưng chưa kết nối được.

Nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Trịnh Bá Phương gọi những người công an biểu tình đòi nhà là “công an oan” và bình luận thêm với VOA:

“Họ đã phải theo các nhóm dân oan khác đã từng biểu tình trước đây để đòi quyền lợi bằng hình thức xuống đường. Họ cũng hiểu và thấm cái cảnh các cơ quan công quyền hiện nay không có khả năng giải quyết khiếu kiện bằng đơn từ, để cho người dân cũng như những người công an phải chọn hình thức xuống đường, như vậy phần nào họ cũng hiểu nỗi khổ của những người dân là nạn nhân chế độ cộng sản hàng chục năm nay”.

Bên cạnh việc được nhiều người sử dụng Facebook chia sẻ trên các trang cá nhân, video về cuộc biểu tình của một số nhân viên công an ở Đông Anh cũng được đăng trong các diễn đàn có đông thành viên như Báo Sạch hay Góc nhìn Báo chí – Công dân, dẫn đến vô số lời bình luận.


Có thể họ cho rằng họ làm thanh kiếm, lá chắn cho chế độ, các quyền lợi của họ sẽ được bảo đảm. Nhưng không ngờ có ngày họ là thành những người bị chế độ ruồng bỏ.

Một số người nhận định rằng việc các nhân viên công an cũng phải căng biểu ngữ để đòi nhà, đất báo hiệu rằng “chính quyền cộng sản sắp sập”.

Về ý kiến này, ông Trịnh Bá Phương, một đại diện của những dân oan mất đất ở Dương Nội, Hà Nội, chia sẻ suy nghĩ của ông với VOA:

“Hình ảnh công an xuống đường đúng thực sự là cũng có nhiều báo hiệu cho chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay. Chế độ hiện nay không còn tính chính danh. Không phải chỉ người dân mà cả một lực lượng rất lớn ở trong chính quyền thấy rằng chế độ này đang tạo ra bất công rất là lớn. Về sự việc công an xuống đường biểu tình, nếu họ có ý định xuống đường biểu tình tiếp, thì chúng tôi – dân oan Dương Nội – và thậm chí một số đoàn khác nữa cũng sẵn sàng cùng xuống đường với họ để biểu tình”.


*

Ông Phương nói thêm rằng có lẽ khi các nhân viên công an bắt đầu công việc của họ nhiều năm trước, họ không hình dung rằng có ngày họ lại rơi vào hoàn cảnh hiện nay. “Có thể họ cho rằng họ làm thanh kiếm, lá chắn cho chế độ, các quyền lợi của họ sẽ được bảo đảm. Nhưng không ngờ có ngày họ lại thành những người bị chế độ ruồng bỏ”, ông Phương nói.

Đây không phải lần đầu tiên các nhân viên công an Việt Nam biểu tình. Hồi cuối tháng 4/2018, một nhóm người tụ tập, căng băng rôn đòi nhà thuộc dự án “chung cư cho cán bộ, chiến sĩ Báo Công An Nhân Dân” ở Hà Nội.

Dự án bắt đầu năm 2010, dự kiến “đưa vào sử dụng trong tháng 8/2012” nhưng cho đến gần đây “vẫn chưa hoàn thành”.

Các vụ đòi quyền lợi nhà, đất của một số nhân viên công an là một phần trong tổng thể nhiều tranh chấp nhà, đất diễn ra khắp nơi ở Việt Nam.

Các nhà hoạt động nhiều lần tố cáo rằng đất đai của người dân bị các nhóm lợi ích “cướp” qua các lệnh thu hồi, giải tỏa với giá đền bù rẻ mạt, để rồi sau đó các công ty phát triển bất động sản bán lại với giá cao gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần.